2.2.2.1. Nhân vật và vai trò của nhân vật trong văn học
“Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học” [10]. Nhân vật văn học bao giờ cũng là linh hồn của tác phẩm, là trung tâm của mọi sự miêu tả nghệ thuật. Đó chính là nơi “tác giả gửi gắm thông điệp và độc giả tiếp nhận,“giải mã” những vấn đề hiện thực cốt yếu đặt ra trong tác phẩm” [10]. Nói như M.Gorki: “Nghệ thuật bắt đầu từ nơi mà người đọc quên tác giả, chỉ có trông và nghe thấy những con người do tác giả trình bày trước người đọc”. Nhân vật do đó không chỉ là hình thức cơ bản thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người mà còn là hình thức cơ bản để khái quát những qui luật của đời sống và là nơi tập trung mọi giá trị - tư tưởng của nghệ thuật. Qua nhân vật, người đọc có thể hiểu được tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm và cá tính sáng tạo của nhà văn. Nhân vật là đứa con tinh thần, là sản phẩm, là vốn sống trực tiếp của nhà văn, là nơi thể hiện rõ
nhất quan điểm nghệ thuật cũng như quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người.
Nhân vật văn học là một hiện tượng đa dạng cho nên các phương diện loại hình của nhân vật cũng hết sức đa dạng. Căn cứ vào những tiêu chí khác nhau, có thể phân thành các loại hình nhân vật khác nhau. Chẳng hạn, căn cứ vào vai trò của nhân vật đối với cốt truyện có thể phân thành nhân vật chính, và nhân vật phụ; căn cứ vào tư tưởng và quan hệ với lý tưởng có thể phân thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện; căn cứ vào cấu trúc nhân vật có thể phân thành nhân vật chức năng, nhân vật loại hình và nhân vật tư tưởng.
Tuy nhiên, đó không phải là những tiêu chí nhất thành bất biến, bởi nhân vật càng trở nên phức tạp thì càng khó phân loại. Trong thực tế sáng tác văn học, thường có những nhân vật vừa mang đặc điểm của nhân vật loại này vừa mang đặc điểm của nhân vật loại khác. Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Khải rất phong phú, đa dạng và được tác giả thể hiện nhằm mục đích đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích để khám phá chiều sâu tâm hồn, chiều sâu tư tưởng của con người. Định hướng này đã chi phối nhiều đặc điểm trong sáng tác của ông, trong đó thế giới nhân vật với những màu sắc riêng được định hình khá rõ nét trong cảm hứng nghiên cứu, phân tích.
2.2.2.2. Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Khải trước 1975
* Nhân vật tư tưởng
Là một cây bút trí tuệ, ưa triết lý, coi con người là trung tâm của sự khám phá và nghiền ngẫm hiện thực, do vậy mà Nguyễn Khải thường tâm đắc với kiểu “nhân vật mang vấn đề”, nhân vật tư tưởng. Nhà văn đặt vấn đề qua nhân vật, lấy nhân vật là nơi thể hiện các quan điểm nghệ thuật và ý đồ tư tưởng của mình. Trong các tác phẩm nghệ thuật chân chính, nhân vật ở mức độ này hay mức độ khác đều là nhân vật tư tưởng. Với sáng tác của Nguyễn Khải, tiêu chí “tư tưởng” xem ra được đặt lên
hàng đầu, vì thế Nguyễn Khải bộc lộ “khả năng dựng các chân dung nhân vật mang tính vấn đề rõ ràng”.
Khác với nhân vật tính cách là sản phẩm của sự quan sát, tưởng tượng, nhân vật tư tưởng là: “Loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội” [13], là sản phẩm của cảm hứng nghiên cứu.
Khi xây dựng nhân vật tư tưởng, Nguyễn Khải muốn gây ấn tượng ở “cái đầu” chứ không phải ở “khuôn mặt”của nhân vật. Do vậy, ông thường ít chú ý miêu tả ngoại hình. Nhân vật của ông thời kỳ sau đổi mới nhiều khi không có tên tuổi rõ ràng. Đơn giản chỉ là anh, là chị, một ông bạn cũ, một vị giám đốc nọ, một người bạn đã từng quen biết trước đây, hoặc con một anh bạn, thằng cháu họ tôi... Có lẽ trong cái nhìn của ông, khuôn mặt họ đã “lòe nhòe, loẹt nhoẹt” giữa muôn ngàn khuôn mặt của những “người gặp hàng ngày” nên không rõ hình, rõ nét, chỉ còn lại ấn tượng ở một quan niệm, một cách sống mà thôi. Với Nguyễn Khải, “Tìm hiểu cái bên trong, cái bề sâu của mỗi người là một nhu cầu, một hứng thú” [40]. Và vì thế, nhân vật của ông thường được chú trọng miêu tả trong đời sống nội tâm, trong suy nghĩ. Nghiên cứu các trạng thái ý thức của con người trước các trạng thái đời sống là niềm say mê và cũng là sở trường của ngòi bút phân tích tâm lý Nguyễn Khải.
Hướng về con người tư tưởng, Nguyễn Khải thường đặt nhân vật vào những “tình huống có vấn đề”, buộc nó không thể tiếp tục sống yên ổn mà phải tự tư duy, tự tìm hiểu, phải đối thoại, phải tranh luận và cọ sát với các tư tưởng khác, của tác giả hoặc của chính nó trong sự phân thân... để nhận chân sự thật. Linh mục Thư trong tiểu thuyếtCha và Con và..., các nhân vật trong tiểu thuyếtGặp gỡ cuối năm, Tần trong Đổi đời, Tú trong Một thời gió bụi, ông Trắc trong Lạc thời, nhà văn trong Anh hùng bĩ vận, Tư Tốn trong Điều tra về một cái chết... là những nhân vật như thế.
Để có thể nghiên cứu hiện thực khách quan từ nhiều chiều, nhiều phía, Nguyễn Khải đã trao cho nhân vật của mình quyền bình đẳng về tư tưởng. Các nhân vật của ông được tự do ngôn luận, tự do tranh biện. Càng về sau nhân vật của ông càng tỏ rõ tính độc lập về tư tưởng. Nó không chấp nhận sự hướng đạo của ai khác mà tự tìm lấy con đường đi cho mình trong rất nhiều khả năng lựa chọn, sau khi đã trải qua sự trải nghiệm, những cuộc đối thoại nảy lửa về quan niệm, về tư tưởng... Có lẽ chính do nhu cầu đối thoại mà nhân vật của Nguyễn Khải thường “ham nói lý”. Dù ở lứa tuổi nào, dù già hay trẻ, dù thuộc tầng lớp nào, làm nghề nghiệp gì... nhân vật của Nguyễn Khải hết thảy đều thông minh, giàu suy tư và giỏi biện luận. Với năng lực trí tuệ đặc biệt ấy, họ là “những người độc hành đầy sức mạnh không cam chịu buông xuôi trước hoàn cảnh,“nhập thế” luôn là phương châm hành động của các nhân vật Nguyễn Khải” (Đào Thủy Nguyên ). Một điều có thể nhận thấy rõ là bản thân loại nhân vật này trong sáng tác của Nguyễn Khải cũng có một quá trình vận động. Hầu hết tư tưởng nhân vật thường thể hện qua sự tự chiêm nghiệm của bản thân để tự soi sáng mình, từ đó hiểu mình, hiểu người.
Những sáng tác của Nguyễn Khải trước năm 1975 thường theo sát những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, thể hiện một cách nhìn, một thái độ, tình cảm của tác giả đối với con người và cuộc sống những năm này. Mẫu người lý tưởng của tác giả nhằm vào những cán bộ chiến sĩ quân đội từng trải. Họ là những Biền (Tầm nhìn xa), Nam (Hãy đi xa hơn nữa), Huân (Mùa lạc), Cừ (Đứa con nuôi), Lâm
(Chuyện người tổ trưởng máy kéo), Môn (Xung đột)... đại diện cho tư tưởng của Đảng, dồn tất cả ý nghĩa cuộc đời cho lý tưởng cao cả: “Một sự hy sinh rất hồn nhiên, giản dị cho lý tưởng của mình, cho những người cùng đi với mình trên một con đường” [35, 29]. Vì thế, mà loại nhân vật này có màu sắc lý tưởng; ta không thấy ở họ những uẩn khúc, những khoảng tối trong tâm hồn. Họ sống ngay thẳng, trong sáng tới mức “Soi vào mình mà thấy được tâm tư của người khác”. Tuy thế, các nhân vật tích cực trong tập truyện Mùa lạc như Cừ, Huân, Quang, Doãn, Lâm...
vẫn có những nét rất gần với đời thường. Họ được miêu tả trong công việc chung nhưng đời sống riêng tư vẫn được khắc họa khá rõ, họ luôn quan tâm đến những số phận đáng thương xung quanh mình. Nổi bật ở họ là một tấm lòng bao dung, sẵn sàng chia sẻ cùng đồng loại, phấn đấu vì hạnh phúc cho mọi người. Trong lòng những con người ấy luôn ấp ủ suy nghĩ: phải làm sao cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, cho xã hội mới ngày càng nhân đạo hơn. Trong họ luôn diễn ra những suy nghĩ, những tranh luận, những triết lý khẳng định cho lẽ sống mới ở thời đại mới. Bất cứ ở góc độ nào, nhân vật cũng suy tư để rút ra những kết luận đậm màu sắc triết lý.
Trong truyện Đứa con nuôi, nhân vật Cừ - một chính trị viên của nông trường, bố nuôi của bé Tấm - đã bộc bạch : “Ngoài tình bố con mà anh ấp ủ, anh còn thấy mình có trách nhiệm với một thế hệ đang lớn lên. Phải gây cho nó lòng tin yêu, có cách sống thẳng thắn, cởi mở thì sau này mới trở thành một công dân tốt của xã hội hết sức mới mẻ (...). Phải chú ý đến trẻ con, phải giáo dục và cải tạo chúng, phải làm cho chúng nó được sống trong không khí hoàn toàn mới mẻ của thời đại xã hội chủ nghĩa” [35, 312]. Đó là cách nghĩ của những con người nhận thức rất rõ rằng: Thời này là thời của họ và họ phải làm gì đây để ghi dấu ấn tích cực của mình vào cuộc sống. Gia đình của họ dứt khoát không phải là mái ấm nhỏ bé với những đứa con mà là cả cuộc đời. Với suy nghĩ đó, bước sang giai đoạn mới của cách mạng, trong tác phẩmHãy đi xa hơn nữa, con người chủ nhân trong sáng tác
của Nguyễn Khải đã mâu thuẫn gay gắt với con người cá nhân, con người của những lợi ích gia đình “tẹp nhẹp”, “vụn vặt”, “Sợi dây ràng buộc của gia đình ghê gớm lắm, năm tháng qua đi, lúc đầu anh còn cựa quậy, nhưng lâu dần thì chính anh thắt anh lại, như con diều hâu ấy mà không sao thoát ra được nữa” [15]. Do vậy, nhân vật Nam trước cảnh ấm cúng của gia đình, vợ chồng, con cái luôn ríu rít bên nhau đã băn khoăn, lo lắng đến nơi xa dần tập thể và nhận thấy hạnh phúc gia đình lắm lúc là sợi dây giằng trói sự vươn lên của con người: “Khi tôi chưa về sống hẳn ở đây, nhà tôi năng đi họp hơn, học văn hóa cũng đều hơn, quan tâm đến cái chung
hơn (...) nhưng bây giờ chồng con ríu rít cả ngày, có đi đâu một lát cũng tiếc (...)”;“ngày trước, mỗi lần tôi về, nhà tôi thường kể lại nhiều những chuyện của đội sản xuất, những chuyện chung. Nhưng bây giờ mọi sự bàn bạc đều không vượt qua cái ngưỡng cửa, có vẻ chí thú quá như rắp tâm làm giàu hay sao ấy (...) khi được sống trong cái hạnh phúc bình thường thì cảm thấy đầy đủ mãi, không bao giờ thấy vừa lòng, những tính nết xấu xa sẽ từ đó mà sinh sôi nảy nở, khó có thể ngăn lại được...” [24]. Như vậy, chướng ngại vật ngăn cản con đường đi lên của cá nhân chính là những lợi ích riêng tư của gia đình nhỏ bé. Đó là ý nghĩ triết lý toát ra từ lời tự bạch của nhân vật Nam. Đến tác phẩm Tầm nhìn xa, tư tưởng ấy của Nguyễn Khải lại được đẩy cao hơn một bước nữa. Nhân vật Biền đứng trước nong thịt trâu với mong muốn mua vài lạng cho con đã phải băn khoăn, suy nghĩ: “Chỉ cần tôi nói vào một câu: ông Lũng để cho tôi một cân nhé. Lập tức ông lão sẽ chọn một miếng ngon nhất để đưa ra. Nhưng nhìn theo miếng thịt ấy sẽ là hàng trăm con mắt và sau đó sẽ là hàng trăm lời bàn tán xì xào. Miếng thịt không đáng là bao, cũng không cướp giật từ tay người nào nhưng có thể từ lúc tôi cầm cân thịt người ta sẽ nhìn tôi bằng con mắt khác, sẽ nghe tôi bằng cái tai khác, nghĩ về tôi với những ý nghĩ khác” [28, 62].
Những suy nghĩ triết lý từ nhân vật Cừ, Nam, Biền ngày xưa ấy tới nay có thể coi là quá trong sạch, quá lý tưởng. Nhưng có một điều phải thấy, hệ thống nhân vật tích cực trong truyện ngắn và truyện vừa của Nguyễn Khải luôn suy nghĩ triết lý trước mọi tình huống và qua đó bày tỏ tư tưởng của mình trong cuộc sống. Cho nên cũng có thể coi hệ thống nhân vật tích cực, lý tưởng của Nguyễn Khải giai đoạn này là nhân vật tư tưởng.
* Nhân vật loại hình
“Nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất định của một thời đại”[13, 197]. Chẳng hạn, các nhân vật của của Môlie như Ácpagông, Tactúyp thể
hiện thói đạo đức giả và ông Giuốcđanh là hiện thân cho thói phù phiếm, háo danh của gã học đòi làm quý tộc. Văn học truyền thống của Việt Nam và Trung Hoa cũng ghi nhận những nhân vật loại hình nổi tiếng như: Quang Trung, Nguyễn Hữu Chỉnh (Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô Gia văn phái); Lưu Bị, Khổng Minh (Tam quốc diễn nghĩa).
Hạt nhân của nhân vật của nhân vật loại hình vẫn là yếu tố loại chứ không phải là cá tính. Với ý nghĩa ấy, các nhân vật người chiến sĩ, người cán bộ người nông dân, người công nhân trong văn học cách mạng Việt Nam trước 1975 như: Sản, Kha, Độ (Xung kích - Nguyễn Đình Thi); Kinh, Lữ (Dấu chân người lính - Nguyễn Minh Châu); A Châu (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài); Cầm, Thế (Đất nước đứng lên- Nguyên Ngọc)... Vì thế, nhân vật loại hình có khả năng khái quát cao.
Nhân vật loại hình trong sáng tác của Nguyễn Khải hầu như không xuất hiện với tư cách là một cấu trúc độc lập. Trong nó nhiều lúc còn bao hàm yếu tố loại khác. Tuy vậy, ta vẫn có thể nhận thấy nét ưu trội của cấu trúc loại hình qua khá nhiều các nhân vật mang những nét tiêu cực như: đầu óc hám lợi của Tuy Kiền (Tầm nhìn xa); sự vị kỷ và thờ ơ trước số phận của người khác như Khôi (Chuyện người tổ trưởng máy kéo); Giao (Một cặp vợ chồng). Đặc biệt là nhân vật Tuy
Kiền.
Khỏi phải nói, ta cũng thấy rất rõ nhân vật Tuy Kiền tiêu biểu cho hình ảnh một cán bộ địa phương nhưng thực chất là nông dân mang nặng đầu óc tư hữu cá thể. Nguyễn Khải xây dựng chân dung nhân vật ấy để cảnh báo một căn bệnh, một trở ngại lớn trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Câu chuyện của Tuy Kiền vì thế phải xoay quanh việc mua bán, đổi chác, với công trường, chuyện cá mú, gạch ngói, làm cửa, làm nhà... Bất cứ câu chuyện nào, Nguyễn Khải cũng hướng tới chỉ ra bằng được thói tham lam, tư hữu: “Giữa năm1959, một công trường đến lấy một trăm sáu mươi mẫu đất thuộc xã Đồng Tiến để xây dựng nhà máy (...) khi chủ tịch xã nói lại cái tin ấy ở cuộc họp xóm Đông Chấn thì một bà bỗng lăn ra thềm đình rũ
tóc, đập tay lên mặt gạch kêu to: “Nông dân sống vì đất chứ không sống vì tiền. Không có đất thì lấy gì nuôi nhau hở trời” (...). Ngày ấy, Đông Chấn chỉ có hai cái giếng. Tuy Kiền - chủ nhiệm hợp tác xã xóm đó lệnh cho xã viên lấy dứa rào lại, treo lên một cái biển đề: “Cấm người lạ mặt vào gánh nước tắm rửa”(...)[28, 45].
Nhưng mới nửa năm, mối quan hệ đôi bên đã thay đổi hẳn, thắm thiết với nhau còn hơn ruột thịt. Là vì anh nông dân đã nhận ra cái mối lợi to lớn mà “các đồng chí công nhân xây dựng” hết sức rộng rãi kia đã đưa đến cho mình. Người đầu tiên biết lợi dụng triệt để tình hình thuận lợi đó chính là chủ nhiệm hợp tác xã Đông Chấn. Hàng ngày, ông đưa hàng trăm xã viên ra làm việc cho công trường, khuân chuyển gỗ và các khung sắt làm nhà, san nền, đào móng, mỗi ngày công có thể được tới bốn năm đồng (...). Chủ nhiệm Tuy Kiền liền giao công việc đồng áng cho phó chủ nhiệm, còn mình thì biến hóa thành sợi dây bền chắc để thắt chặt tình hữu nghị nghìn năm có một giữa công trường và hợp tác xã.