PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢ
3.1.2. Giọng điệu
3.1.2.1. Khái niệm giọng điệu
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học, là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn qui định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [10, 134].
Giọng điệu cần thiết cho sự sắp xếp, liên kết các yếu tố hình thức khác, làm cho tác phẩm có cùng một âm hưởng, một khuynh hướng nào đó. Giọng điệu được thiết kế bởi mối quan hệ, thái độ, lập trường, tư tưởng, tình cảm của người kể chuyện với các sự kiện, hiện tượng được miêu tả tạo thành giọng điệu trần thuật. Giọng điệu tạo nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc: “Nếu tác giả nào không có lối nói riêng của mình thì người đó không bao giờ là nhà văn cả” (Tsêkhốp). Như vậy, nếu có một giọng điệu phù hợp thì sẽ giúp câu chuyện sinh động hơn và thể hiện sâu sắc lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn.
Sức chinh phục trong tác phẩm của Nguyễn Khải những năm gần đây một phần đáng kể là do nghệ thuật kể chuyện. Trong đó giọng điệu trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn trong sáng tác của nhà văn. Có thể nói, Nguyễn Khải là người sớm tạo cho mình một giọng điệu riêng.Với quan niệm, nhà văn là người bạn gần gũi của độc giả và văn chương là cuộc trò chuyện lớn giữa nhà văn và bạn đọc về những vấn đề của cuộc sống, Nguyễn Khải đã sử dụng giọng điệu một mặt làm gần lại khoảng cách giữa tác giả và độc giả, giữa thế giới của nhà văn và hiện thực cuộc sống, mặt khác tạo ra môi trường thích hợp để có thể tâm sự, giãi bày cùng độc giả một cách cởi mở và dân chủ. Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Gắn với nhu cầu đối thoại, bàn bạc, tranh luận, giọng văn Nguyễn Khải là giọng đa thanh, trong lời kể có nhiều lời kể, trong một giọng bao gồm nhiều giọng, màu sắc tự tin xen lẫn màu sắc hoài nghi, vẻ tự hào lạc quan lẫn trong ý vị ngậm ngùi, chua chát” [4].
Giọng văn Nguyễn Khải sau năm 1975 linh hoạt, biến hóa theo các tính cách, theo dòng suy nghĩ của nhân vật. Có lúc là giọng cà kê dân dã khi miêu tả đời sống, có lúc là giọng tranh biện, triết lí khi tranh luận, lại có lúc ngẫm ngợi, suy tư khi miêu tả số phận, cuộc đời hay tâm lí nhân vật. Đó chính là kết quả tất yếu được nảy sinh từ những nhu cầu khám phá hiện thực khác nhau của nhà văn.
3.1.2.2. Giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Khải trước 1975
Trong suốt ba mươi năm (1945-1975), văn học việt Nam đứng trước những yêu cầu đa dạng của xã hội, một mặt là những nhu cầu tất yếu của con người trong cuộc sống hòa bình sau nhiều chục năm chiến tranh, mặt khác phải tiếp tục cuộc chiến đấu vũ trang chống xâm lược. Một thời kỳ văn học như thế tất nhiên phải khai thác vào những nguồn tình cảm lớn nhất, tha thiết nhất: “lòng yêu nước, căm thù giặc, tình đồng chí, tình quân dân” [49, 31] và lẽ đương nhiên, văn xuôi giai đoạn này có sự nhất quán về giọng điệu: giọng khẳng định, ngợi ca với thái độ tin tưởng bao trùm hầu khắp tác phẩm. Nhưng Nguyễn Khải lại xuất hiện như một hiện tượng đặc biệt trong dòng chảy chung ấy. Đây là điểm hoàn toàn khác với giọng điệu trầm
tư, sâu lắng của ông sau 1975. Giọng văn của ông chứa đựng sự lạnh lùng, tỉnh táo, lại có chất riêng của suy tư chính luận. Chính vì giọng văn sắc lạnh nên nhiều tác phẩm của ông có tính luận đề, lý sự, khô khan, tác giả tự điều khiển nhân vật một cách cứng nhắc. Chủ thể trần thuật chiếm ưu thế tuyệt đối trong vai trò độc thoại, còn các nhân vật được định hình trong những khuôn mẫu nhất định. Do vậy, nhiều tác phẩm của ông mang tính áp đặt như lời một nhà nghiên cứu nhận xét: “Thiếu đi một chút say, thừa ra một chút tỉnh, ngòi bút dễ bị cứng lại, nhân vật dễ trở thành công cụ trực tiếp để tác giả suy nghĩ, hơn có một cuộc sống tự riêng nó, câu văn chảy ra từ ngòi bút có thể chính xác, rất chính xác là đằng khác nhưng lại dễ gồ ghề, nặng nhọc” [12].
Tuy nhiên, xét đến cùng, là một bộ phận của văn học dân tộc, các sáng tác của Nguyễn Khải cũng không rời xa các quan niệm chung của thời đại, ông đã xác định nhiệm vụ cho ngòi bút của mình: “Những cái mà ta nghĩ, ta yêu thương, ta phẫn nộ cũng như những cái mà cả xã hội cùng nghĩ, cùng yêu thương, yêu thương cùng phẫn nộ” [30]. Chính vì thế, những mẫu người như Nam (Hãy đi xa hơn nữa),
Biền (Tầm nhìn xa) là những nhân vật đều được tác giả kể với giọng trang trọng,
ngợi ca để đáp ứng khuynh hướng lí tưởng hoá, lãng mạn hoá đối với cuộc sống, con người trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
3.1.2.3. Giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Khải sau 1975
Khi chiến tranh qua đi, nhịp sống dần trở lại bình thường, con người cũng dần quay trở lại với cái hối hả, bon chen của cuộc sống đời thường phàm tục. Văn chương từ chỗ “phản ánh hiện thực” đến chỗ “nghiền ngẫm hiện thực”, tìm hiểu “toàn bộ chiều sâu của tâm hồn con người” (Đôtxtôiepxki) và để đào sâu hơn nữa vào đời sống nội tâm, theo Bakhtin: “Cuộc sống đích thực của bản ngã chỉ có thể được xâm nhập bằng đối thoại và trong cuộc xâm nhập đối thoại đó, nó tự phúc đáp, tự bộc lộ mình một cách tự do” [37]. Từ một nền văn xuôi mang tính độc thoại, giờ đây văn học là các cuộc đối thoại với bạn đọc về những vấn đề của cuộc sống. Văn học không chỉ ngợi ca mà cần có đối thoại, nó chính là biểu hiện của mối quan
hệ bình đẳng giữa nhà văn và độc giả. Và Nguyễn Khải như một nhà “nghiên cứu đời sống” đã tạo nên nhiều cuộc đối thoại lí thú trong tác phẩm của mình.
Trước kia, những nhân vật quần chúng được miêu tả đẹp đẽ và cao cả trong văn học khiến nhà văn không che giấu được nổi thái độ chiêm ngưỡng và kính phục, dường như “họ thuộc về một tầm khác” mà người cầm bút “không thể với tới được”
[24]. Còn bây giờ, đối tượng của văn học là con người như nó vốn có, là con người đời thường với tất cả cái tốt và cái xấu, cao cả và thấp hèn. Do đó, nhân vật không còn là sản phẩm của “nét phong cách trữ tình lãng mạn”, đứng ở một tầm lí tưởng cao vòi vọi để nhà văn chiêm ngưỡng và ngợi ca nữa. Đối với Nguyễn Khải, giờ đây ông như muốn kéo nhân vật xuống ngang tầm với mình để chỉ ra những cái bình thường bên cạnh cái phi thường. Trong những sáng tác sau này, Nguyễn Khải đã từ giọng trang trọng sử thi, sắc bén, lạnh lùng trở về giọng điệu tâm tình, gần gũi, thậm chí là hóm hỉnh, suồng sã của đời thường. Con người không đơn giản là đối tượng ngợi ca mà là tiêu điểm để nhà văn “phát giác sự vật ở bề chưa thấy, ở cái bề sâu, cái bề xa” (Chế Lan Viên). Do đó, hầu hết các truyện ngắn sau này của Nguyễn Khải, tính một giọng bớt dần đi, tính đa giọng điệu ngày càng gia tăng và xuất hiện tính chất đối thoại trong giọng văn đa thanh. Xuất phát từ quan niệm lấy con người làm đối tượng phản ánh và văn học nhằm mục đích phân tích nghiên cứu sâu sắc “con người trong con người”, Nguyễn Khải từng bước chuyển sang quan điểm trần thuật từ góc độ đời tư, thế sự, lấy tinh thần nhân bản làm cốt lõi. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải mang tính bình đẳng, đặc biệt là tính nhiều giọng điệu, “giọng tác giả, giọng nhân vật, giọng người kể chuyện” với nhiều sắc thái, âm điệu khác nhau, hoà trộn, đan xen, tranh cãi và đối đáp, tạo thành một lối văn tiểu thuyết đa thanh, hiện đại.
* Giọng triết lý, tranh biện:
Nhắc tới Nguyễn Khải là nhắc tới tính đối thoại, tính triết lí, màu sắc tranh biện trong ngòi bút của ông. Văn ông trước đây như lời tác giả tự nhận xét: “Người ra kẻ vào ồn ào, nói năng băm bổ, chõ vào mặt nhau mà nói, mà lí sự, đã lí sự thì
người đọc không kịp thở, không kịp cãi, phải sau đó mới thấy còn nhiều chuyện phải bàn” [28, 455]. Còn sau này, nhà văn đã bớt đi sự tự tin quá mức vào những điều mình nói và cả sự ồn ào. Giờ đây, bằng cả sự trải nghiệm của cuộc đời mà suy ngẫm, triết lí nhà văn vẫn không mất niềm tin, nhưng có khi đã pha cả sự ngậm ngùi, xót xa. Nhưng trước sau thì triết lí, tranh biện vẫn là một sở trường của Nguyễn Khải. Chính giọng điệu này đã mang lại cho ngòi bút của nhà văn một cái nhìn sâu hơn vào các vấn đề của đời sống, khiến cho người đọc có cảm giác đọc Nguyễn Khải như đang mở một cái “túi khôn”. Giọng triết lí, tranh biện trong truyện ngắn của ông thường mang tính chất đối mặt, nhằm cọ sát các quan điểm, các ý kiến cá nhân giữa các chủ thể đối thoại (chủ yếu là đối thoại tư tưởng).
Cùng viết về cuộc sống đời thường, nếu giọng điệu của Nguyên Hồng đầy cảm xúc trữ tình, lời nhân vật hoàn toàn thuộc về ý thức tác giả, thì giọng điệu trần thuật của Nguyễn Khải lại đa dạng. Mỗi phát ngôn của nhân vật đều không bị chi phối bởi ý thức của nhà văn, nó là một chủ thể độc lập. Trong cuộc đối thoại, điều quan trọng không phải nhân vật là người thế nào mà cách nhìn, cách nghĩ của nó với cuộc sống và con người xung quanh ra sao. Chính vì thế, thay vào việc trực tiếp nhìn thấy nhân vật cùng với đời sống của nó, người đọc lại nhìn thấy ý thức của nhân vật về chính nó, về đời sống. Nhà văn tổ chức các cuộc đối thoại, tranh biện vừa để phản ánh trạng thái đa dạng, phức tạp của ý thức xã hội vừa thể hiện lập trường dân chủ, khách quan của mình trước các vấn đề được đưa ra trong tác phẩm. Đó là những đối thoại, tranh biện về nhận thức, tư tưởng và hiện thực:Chúng tôi và bọn hắn, Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa; đối thoại, tranh biện về cách mạng, niềm tin, sự lựa chọn, lương tâm:Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Ông trưởng họ, Anh hùng bĩ vận…; đối thoại về các vấn đề đạo đức, lối sống:Một người Hà Nội, Sống giữa đám đông, Nơi về, Nếp nhà... Dù viết về hiện thực nào của đời sống, ngòi bút của nhà văn đều hướng tới tranh biện. Mỗi nhân vật được nhà văn quan niệm như một ý thức, một lập trường chủ thể độc lập. Tranh biện trở thành giọng của nhân vật: từ trí thức, thầy tu, nghệ sĩ đến người lính, người nông dân, thậm chí
cả những người đàn bà ít học, cuộc sống chỉ gói gọn trong những gia đình nhỏ bé cũng ưa triết lí, lí sự. Ai cũng muốn và đều có khả năng tranh biện “lời thoại của các nhân vật thường dồn đẩy, va xiết, tất cả đều phải chạm nọc nhân vật” [64]. TrongChúng tôi và bọn hắnđã diễn ra cuộc đối thoại chan chát, va đập nảy lửa, kích thích tranh biện giữa người kể và nhân vật. Đó là cuộc đấu lí của hai con người thuộc hai thế hệ khác nhau, thông qua hình thức phỏng vấn.“Tôi lại hỏi: Nói thật đi, như anh chẳng hạn, anh có muốn được tham chính không? Hắn nói ngay rằng có, nhưng phải đầy đủ về tài chính mạnh mới nhảy vào cuộc chơi này được. Nó đắt tiền lắm. Tôi hét lên: Bố láo! Anh đang sống ở đâu thế hả? Hắn vẫn trả lời rất điềm nhiên: “Tất nhiên cháu phải có tài, có đức và một lí lịch tốt. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ, cần thế lực nữa, không có thế lực thì phải có tiền... Tôi đỏ mặt nói gay gắt: “Rồi anh xem, trong cái lĩnh vực này tiền chả có nghĩa lí gì”. Hắn lại mủm mỉm cười, một nụ cười rất là láo: “Vâng để rồi xem, đó là chuyện sau này chứ đâu phải là chuyện ngay ngày mai. Cháu vẫn còn thời gian để chờ đợi mà.” [29, 262].
Đấy là cuộc đối thoại giữa người kể và Lộc (Chúng tôi và bọn hắn); với các ông chủ trẻ (Người kể chuyện thuê) lại thể hiện sự cọ sát của hai luồng tư tưởng: một bên khăng khăng bảo vệ những quan điểm chuẩn mực đã có từ bao năm về cuộc sống, về nghệ thuật, còn một bên muốn lấy đồng tiền ra làm cán cân cho mọi vấn đề. Cả hai cuộc đối thoại đều đan xen bởi những tiếng nói khác nhau: lời nhân vật rất tự tin, điềm tĩnh, có phần hơi châm chọc, giễu cợt, còn người kể như biện hộ cho quan điểm của mình, nhưng có lúc lại cao giọng bực dọc, gay gắt khiến ngôn ngữ đối thoại căng thẳng, dồn nén, làm nổi bật khoảng cách giữa hai thế hệ già và trẻ, quá khứ và hiện tại.
Cũng có khi, lời thoại trầm hẳn, nó chứa chất tâm tư của con người. Lời thoại này đặt ra trong các cuộc trò chuyện, trao đổi, trong trạng thái tâm lí bình tĩnh, ít kịch tính như cuộc đối thoại giữa nhân vật “tôi” và ông trưởng họ (Ông trưởng họ) về niềm tin sẽ giáo dục con cháu hiểu biết và tôn trọng truyền thống của dòng họ hay nhân vật “tôi” và bà Hiền (Một người Hà Nội) khi nói về quan điểm sống của
bà Hiền trước việc hai con trai bà tòng quân đi chiến đấu. Trong những đoạn đối thoại này, nhân vật chủ yếu mang giọng điệu triết lí chứ không kích động, chất vấn, tranh luận.
Nguyễn Khải luôn đưa vào tác phẩm của mình những vấn đề tư tưởng trong cuộc sống như niềm tin, sự lựa chọn, lương tâm, đạo đức để luận bàn với nhân vật (Anh hùng bĩ vận, Người ở làng pháo, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười...). Thông qua cuộc đối thoại đó, nhà văn có khả năng đi sâu vào đời sống bên trong nhân vật, khám phá thế giới tâm hồn họ trên cơ sở phân tích diện mạo tinh thần của nhân vật. Phải nói rằng, ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Khải có tài mổ xẻ, phanh phui, phát hiện chiều sâu của những tính cách mà bên ngoài dường như ẩn giấu một điều gì, để thấy rõ tâm hồn cao đẹp của họ. Một ông đại tá (Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu),“là người của công danh mà vẫn rũ bỏ được nó như tu sĩ rũ bỏ một cái áo cũ”, để trở về mở quán bán nước, sống cuộc đời bình dị bên đứa con gái và thằng cháu ngoại. Đó cũng là sự lựa chọn của một nhân cách sống, ông rũ bỏ được cái mà người đời cho là rất khó, ấy là công danh và quyền lực. Với ông, sống không chỉ cho mình mà còn cho cô con gái và thằng cháu bởi như ông quan niệm: “Vẫn còn có người nào trên đời cần sự hy sinh của mình thì cuộc sống vẫn còn dài lắm, vui lắm, có ý nghĩa lắm ” [28, 164]. Đó là nhân cách của người thế tục, còn vị sư già “không vướng thê tử, không vướng công danh, không vướng quyền lực, sống trong một môi trường thuận lợi”, vậy mà có lúc đã để “tâm mình khơi lòng tham dục, lúc sầu hận, lúc si mê”, nhưng ông đã từ bỏ nó bằng cách quay về ngôi chùa cũ “không danh tiếng”, nhằm trốn chạy thế gian vì không đủ sức đối đầu với những cám dỗ của cuộc đời. Nhưng sự trốn chạy của nhà sư không phải của kẻ thất bại mà là của người chiến thắng, đó mới là chiến thắng nhọc nhằn nhất và vinh quang nhất. Chiến thắng này đã tiếp thêm sức mạnh cho đoạn đường tu hành cuối cùng của nhà sư, để ông tiếp tục cuộc tìm kiếm cái “chân như” như ông từng khắc khoải.
Có khi qua nhiều lời kể, lời thoại của nhân vật, nhà văn còn thấy lóe sáng tiềm lực tinh thần của con người (Ông Ba Quốc Hội, ông Hai thư ký) và rút ra triết
lí: “Cái thế gới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp vì sự vận động của nó