Một lý do nữa không thể không nhắc đến trong giai đoạn hiện nay là nền kinh tế vẫn còn khó khăn, đang trên đà hồi phục nhưng khá chậm, theo thống kê trong năm 2011-2012 có hơn 300.000 doanh nghiệp bị phá sản, các doanh nghiệp còn lại thì năng lực tài chính khá yếu chỉ hoạt động cầm chừng chứ hầu như không mở rộng. Trong khi các doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh cao thì hoặc không vay hoặc cũng là đối tượng cho các ngân hàng cạnh tranh, mặc dù nhu cầu đầu tư là máy móc thiết bị. Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng giai đoạn này vẫn khá thấp (chỉ đạt khoảng 7%), do đó, ngân hàng sẽ chào những mức giá cạnh tranh mạnh để lôi kéo với doanh nghiệp tốt với lãi suất ưu đãi, không cần tài sản thế chấp. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng khách hàng tiềm năng của các công ty cho thuê tài chính, thậm chi cả những khách hàng tốt đang có dư nợ tại Công ty.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 đã tập trung phân tích tình hình hoạt động của Công ty CTTC Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong khoảng thời gian 2009 – 2012. Mặc dù đã có những thành tựu về lợi nhuận, dư nợ, khách hàng, kiểm soát nợ có vấn đề…, tuy nhiên sự phát triển của VCBL trong thời gian vừa qua vẫn chưa tương xứng được với tiềm năng hiện có. Qua đó, luận văn cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động của Công ty nhằm đưa ra những kiến nghị giải pháp nhằm phát triển hoạt động cho thuê tài chính của VCBL trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ TÀI CHÍNH TẠI CÔNG TY TNHH MTV CHO THUÊ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI
THƯƠNG VIỆT NAM