Giá cả cho thuê đối với các khách hàng của các Công ty CTTC bao gồm các khoản sau: khoản tiền đối ứng mà khách hàng đưa vào dự án thuê, lãi suất cho thuê, khoản tiền ký quỹ, phí bảo hiểm tài sản thuê, phí quản lý tài sản thuê, giá mua lại tài sản hết hạn thuê. Tại VCBL các chi phí này sẽ được đưa ra dựa vào số điểm của khách
hàng tính được từ chương trình chấm điểm của Công ty. Bảng chấm điểm có giá trị từ 1-100 với các mức xếp hạng lần lượt AAA, AAA, A, BBB….DDD. VCBL chỉ tài trợ các công ty xếp hạng từ B trở lên, các chi phí được dự tính cụ thể (có so sánh với một số Công ty CTTC khác) như sau:
- Chi phí quản lý tài sản: VCBL không áp dụng, các Công ty CTTC khác đang áp dụng từ 2-3%/năm.
- Phí bảo hiểm: Công ty bắt buộc các khách hàng mua bảo hiểm toàn bộ giá trị tài sản trong suốt thời gian thuê, việc này nhằm đảm bảo an toàn cho VCBL và các công ty thuê tài chính khi có sự cố rủi ro xảy ra.
- Giá chọn mua: 0,15%/tổng giá trị tài sản, tối đa không quá 30 triệu đồng. Đối với các Công ty cho thuê tài chính khác thông thường mức này sẽ là 1%.
- Số tiền ký quỹ: Mục đích số tiền ký quỹ nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng và sẽ hoàn trả lại cho khách hàng khi khách hàng hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đối với công ty cho thuê tài chính (khoản tiền này vẫn được hưởng lãi suất không kỳ hạn). Ngoài ra, do VCBL không thể tự động bù trừ số tiền khách hàng trong tài khoản VCB, do đó, việc thu ký quỹ nhằm hạn chế các khoản nợ quá hạn khi khách hàng chưa chuyển tiền đúng hạn. Đối với khách hàng xếp hạng BBB trở lên, VCBL áp dụng ký quỹ 0-3%, các khách hàng còn lại thường áp dụng 3%. Các công ty CTTC khác mức ký quỹ sẽ là 5-10%.
- Khoản tiền đối ứng tài sản thuê: thông thường khách hàng sẽ ứng trước 20-30% giá trị tài sản nhằm tăng trách nhiệm của khách hàng trong đầu tư dự án. Tuy nhiên, đối với những khách hàng tốt, tài sản thuê thanh khoản cao thì VCBL vẫn có thể tài trợ 100%.
- Lãi suất: Đây là vấn đề được khách hàng quan tâm nhất trước khi quan hệ với VCBL nói chung hay bất kì tổ chức tín dụng nào nói riêng. Do đó VCBL sẽ áp dung các mức lãi suất khác nhau đối với từng nhóm khách hàng. Đối với các khách hàng thuộc nhóm tốt (từ A trở lên) sẽ được áp dụng mức lãi suất cơ bản
cộng biên độ 2,4%, nhóm BBB từ 2,4-3,6%, từ B-BB là 3,6%; riêng vay USD chỉ có biên độ 1% (BBB trở lên) và 1,5% (B, BB). Lãi suất cơ bản VCBL được tính dựa trên lãi suất trung dài hạn mà Vietcombank cho VCBL vay, lãi suất này sẽ thay đổi từng thời kì, thông thường sẽ tương đương với lãi suất huy động 13 tháng đối với các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh. Riêng với các dự án đặc biệt với dư nợ lớn, khách hàng có tài chính lành mạnh, mức lãi suất cạnh tranh hơn sẽ cho giám đốc Công ty trực tiếp đàm phán, có thể giảm 0,5-1% so với mức áp dụng cho khách hàng loại A trở lên vay bằng VND.
Như vậy, tổng hợp các yếu tố như đặt cọc, ký quỹ, phí bảo hiểm thì chi phí cho thuê tài chính vẫn sẽ nhỉnh hơn so với khoản tiền vay từ ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước. Điều này xuất phát từ thực tế rằng các công ty cho thuê tài chính là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng, do đó lợi nhuận từ lãi cho thuê là nguồn thu duy nhất của công ty. Còn các ngân hàng với hàng loạt các dịch vụ cung cấp cho khách hàng có thể hy sinh một phần lãi suất nhưng bù lại họ thu được nhiều hơn từ các khoản phí dịch vụ. Tuy nhiên đối với ngân hàng, việc tiếp cận các khoản vay cũng không dễ dàng đối với phần lớn các doanh nghiệp vì hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu tài sản đảm bảo hoặc khách hàng đã có lịch sử quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng. Đây là một trở ngại cho một số doanh nghiệp nếu họ mới thành lập, chưa có quan hệ tín dụng với ngân hàng hoặc không có tài sản đảm bảo. Chính vì vậy, cho thuê tài chính sẽ là lựa chọn của doanh nghiệp khi đầu tư trang thiết bị, máy móc. Mặc dù chi phí khi thực hiện thuê tài chính tuy cao hơn nhưng doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện dự án.
2.3.3.3. Phương thức thanh toán
Cách tính toán lịch trả nợ mà VCBL áp dụng cho khách hàng thuê tài chính là nợ gốc thanh toán đều hàng tháng hoặc hàng quý, số tiền lãi sẽ được tính trên dư nợ giảm dần và được thanh toán hằng tháng hằng quý kết hợp trả nợ gốc. Việc tất toán trước hạn chỉ được thực hiện khi VCBL đồng ý, thông thường, sau 2/3 thời gian thuê, khách
hàng có thể tự động thanh lý mà không cần trả phí. Nếu trước đó, sẽ bị phạt số tiền tương ứng 3% dư nợ còn lại.
Hiện nay, phương thức thanh toán của VCBL vẫn còn khá đơn điệu, chưa đủ linh hoạt để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ thay vì các hình thức tín dụng khác.
2.3.4. Kết quả hoạt động kinh doanh 2009 - 2012
Giai đoạn 2009 – 2012, bức tranh kinh tế toàn cầu đã lên hình trọn vẹn với những khoảng xám tối lấn át những gam màu sáng. Kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực khi nhu cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất duy trì ở mức cao, sản xuất khó khăn,…Trong bối cảnh khó khăn chung đó, hoạt động kinh doanh của Công ty Cho thuê Tài chính Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trong năm 2012 cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Mặc dù vậy, với sự ủng hộ và hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng mẹ Vietcombank và dưới sự chỉ đạo sát sao, nhạy bén của Ban lãnh đạo cùng sự nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ nhân viên, Công ty đã đạt được những thành quả nhất định trong giai đoạn 2009 -2012
Bảng 2.1: Kết quả hoat động kinh doanh VCBL 2009 – 2012
Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012
Tổng thu nhập ( tỷ đồng ) 147,405 164,78 257,15 225,08
Tổng chi phí (tỷ đồng) 121,08 132,96 209,38 161,12
Lợi nhuận trước thuế (tỷ đồng) 26,325 31,82 47,77 63,96
Hình 2.3: Doanh thu lợi nhuận VCBL 2009 – 2012 (Nguồn: Báo cáo tài chính tại VCBL 2009 -2012)
Doanh thu VCBL biến động tăng liên tục qua các năm 2009, 2010, 2011. Doanh thu năm 2010 đạt 164,78 tỷ đồng, tăng 11,78% so với năm 2009, năm 2011 đạt 257,15 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2010. Kết quả đạt được là do trong liên tục các năm, dư nợ cho thuê tài chính biến động tăng liên tục nên tổng thu của VCBL cũng ở mức cao. Một lý do khác làm cho doanh thu năm 2011 biến động tăng mạnh so với 2010 là mức lãi suất cho vay trong năm 2011 duy trì ở mức khá cao (19-20%/năm). Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động cho thuê tài chính (thu gốc và lãi thuê) là nguồn thu chiếm phần lớn tỷ trọng trên doanh thu. Vì vậy, khi lãi suất thị trường biến động giảm xuống trong năm 2012 (giao động ở mức 12 -14%/năm) thì nguồn thu của VCBL cũng bị sụt giảm nhẹ từ 257 tỷ đồng xuống chỉ còn 225 tỷ đồng.
Mặc dù vậy với biên độ cho thuê tài chính hầu như ít thay đổi giữa đầu vào và đầu ra nên lợi nhuận từ hoạt động cho thuê vẫn tăng trưởng đều qua các năm theo sự tăng trưởng của dư nợ. Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của công ty tăng 20,87% so với năm 2009, đạt 31,82 tỷ, năm 2011 và 2012 liên tục duy trì mức tăng trưởng cao là 50,12% và 33,89% so với năm trước đó, đạt lợi nhuận lần lượt là 47,77 tỷ đồng và
0 50 100 150 200 250 300
Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012
Doanh thu
63,96 tỷ đồng. Giai đoạn này nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc mở rộng của các doanh nghiệp bị hạn chế. Tuy nhiên, việc các ngân hàng bị siết chặt hoạt động tín dụng đã tạo cơ hội cho các công ty cho thuê tài chính tăng trưởng.
So sánh hiệu quả hoạt động các Công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam (số liệu cập nhật đến 31/12/2011):
Bảng 2.2 : Tình hình hoạt động của các Công ty CTTC tại Việt Nam năm 2012 Đvt: triệu đồng Agribank 1 Agribank 2 BIDV Công thương Ngoại thương Sacom
bank ACB Vinashin Vốn chủ sở hữu 200.000 350.000 447.000 800.000 500.000 300.000 200.000 300.000
Doanh thu 387.137 673.955 289.899 263.869 225.078 159.370 157.786 2.221
LNTT 8.661 -880.734 -147.507 101.258 63.958 81.620 70.555 -917.849
LNTT /doanh thu 2,24% -130,68% -50,88% 38,37% 28,42% 51,21% 44,72% -41325%
(Nguồn: Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam)
Mặc dù VCBL có quá trình phát triển lâu dài với tiềm lực tài chính mạnh, lợi nhuận tăng trưởng qua các năm, tuy nhiên hiệu quả hoạt động vẫn chưa tương xứng với năng lực Công ty khi so sánh với các Công ty cho thuê tài chính khác tại Việt Nam. Hoạt động hiệu quả nhất trong các Công ty cho thuê tài chính là Sacombank leasing và ACB leasing với tỷ suất lợi nhuận trên tổng thu đạt 51,21% và 44,72%; đứng thứ 03 là Công ty CTTC Công thương với tỷ suất đạt 38,37%, VCBL đứng thứ 2 về vốn chủ sở hữu (500 tỷ đồng) và đứng thứ 4 về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, đạt 28,42%. Các Công ty CTTC nhà nước còn lại mặc dù đạt mức thu rất cao, tuy nhiên hiệu quả không cao hoặc tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc là lợi nhuận âm. Kết quả trên sẽ định hướng phát triển cho VCBL trong thời gian tới, học hỏi mô hình phát triển của các Công ty cổ phần, thoát khỏi mô hình doanh nghiệp nhà nước làm kinh tế, xóa dần phục vụ mang dấu ấn quốc doanh.
2.3.5. Dư nợ cho thuê tài chính