công ty FPT software
Trong hoàn cảnh hiện nay của ta, để ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong một số lĩnh vực kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trước hết cần phải chuyển giao và ứng dụng nhanh công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam; có cơ chế chính sách phù hợp để nghiên cứu sáng tạo công nghệ cao trong nước với chi phí thấp (thực tế ở TP.HCM năm 2002 các nhà khoa học đã thiết kế chế tạo được 50 thiết bị bán cho các doanh nghiệp với giá chỉ bằng 10% đến 60% giá nhập, tiết kiệm được hơn 50 tỉ đồng so với nhập khẩu); tiếp đến là các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp nhận công nghệ cao cần có giải pháp phổ biến rộng công nghệ cao đó cho các ngành kinh tế và nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng yêu cầu của xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp này chỉ có thể mang lại hiệu quả khi có mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa viện, trường và các doanh nghiệp và có một chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài những chính sách đối với nhân lực công nghệ cao trước đây đã được thể hiện trong các văn bản Luật, trong tham luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho rằng cần bổ sung và cụ thể hóa một số chính sách có tính đột phá như chính sách tiền lương, chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học (kể cả những nhà khoa học Việt kiều), chính sách hỗ trợ kinh phí từ các quỹ đào tạo nhân lực công nghệ cao theo các dự án, đề tài… đặc biệt là chính sách xã hội hóa đào tạo với chủ thể là sự liên kết chặt chẽ giữa viện-trường-doanh nghiệp.
Điều mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn phần nào phản ánh đúng thực trạng nguồn nhân lực công nghệ cao của cả nước nói chung và của công ty FPT software nói riêng. Tuy nhiên, quá trình đào tạo tại công ty FPT software cần dựa trên cơ sở tình hình thực tế và định hướng chung của công ty đồng thời có những giải pháp cụ thể khắc phục những nhược điểm của công tác đào tạo của công ty hiện nay.