2.3.1. Ưu điểm
Các bài điều tra nói chung và các bài điều tra có sử dụng kỹ thuật nhập vai trong phạm vi khảo sát đã đề cập được những vấn đề nóng hổi, bức xúc
trong xã hội, tố cáo những tiêu cực, sai phạm trong mọi lĩnh vực xã hội, từ đó có giá trị và ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng và cải tạo xã hội. Từ những vấn đề đơn giản như hiện tượng hàng hóa siêu rẻ bày bán tràn lan, xe chở quá tải, chặt chém,…đến đi sâu vào những vấn đề phức tạp của xã hội như buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, phá rừng, buôn bán động vật quý hiếm…
Đặc biệt, lĩnh vực An ninh kinh tế và An ninh trật tự được cả 2 báo rất quan tâm. Số lượng bài tương đương nhau. Trong đó, nhiều đề tài từ lâu đã trở thành “mảnh đất vàng” cho thể loại điều tra cũng như đòi hỏi kỹ thuật nhập vai như buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, các hình thức lừa đảo, kinh doanh trái phép…
Báo Tiền phong thường hướng đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu thế hơn hẳn so với Lao động. Bằng chứng là trên báo Tiền phong có 9 bài thuộc lĩnh vực kinh tế, chiếm 81,82% số bài điều tra nhập vai thuộc lĩnh vực này và 32,14% số bài điều tra có nhập vai trên báo này.
Trong khi đó, báo Lao động lại vượt trội hơn hẳn báo Tiền phong về đề tài bảo vệ môi trường – sinh thái. Không có bài nào trên báo Tiền phong về đề tài này có sử dụng kỹ thuật nhập vai. Các tác giả chủ yếu dùng phương pháp quan sát hoặc chủ yếu phản ánh. Trên Lao động chỉ có 3 bài, chiếm 5,56% số bài điều tra có nhập vai và 11,54% bài điều tra nhập vai trên báo này, nhưng là những vụ án lớn, quan trọng, giúp vạch mặt loại tội phạm nguy hiểm, hung hăng, những đường dây được tổ chức chặt chẽ, có tác động sâu sắc đến công tác bảo vệ môi trường – sinh thái. (Bảng 2.3 - Phụ lục)
Như vậy, các báo, các tác giả tìm được những vấn đề quan tâm chung để điều tra, xác định được những lĩnh vực điều tra đòi hỏi kỹ nhà báo phải nhập vai. Nhưng mỗi báo, mỗi nhóm tác giả lại có tùy vào quan điểm, năng lực riêng lại chú trọng hơn vào một số lĩnh vực, đề tài để làm nên đặc trưng, thế mạnh, màu sắc riêng của mình, để dễ dàng ghi dấu ấn trong một hoặc một số nhóm độc giả nhất định.
Với mỗi lĩnh vực, đề tài cần sử dụng nhập vai, các nhà báo đã nhập vai đúng lúc, phù hợp.
Sự đúng lúc thể hiện ở chỗ các tác giả chỉ nhập vai khi cần thiết. Báo Lao động là một tờ báo rất mạnh về mảng điều tra, nhưng phần lớn các bài điều tra đều sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn. Chuyên mục “Điều tra theo đơn thư bạn đọc” chiếm số lượng lớn bài điều tra trên báo này. Đề tài của các bài viết xuất phát từ thông tin bạn đọc phản ánh. Theo đó, nhà báo thường nghiên cứu vụ việc qua tài liệu mà người tố cáo cung cấp để phát hiện dấu hiệu sai phạm, có sử dụng phỏng vấn đối tượng liên quan đến vụ việc để làm rõ các chi tiêt liên quan đến vụ việc. Thường trong các vụ việc đó, nhà báo sử dụng đúng danh nghĩa, chức danh của mình để thu thập thông tin. Hoặc để lật lại các vụ án oan sai đã qua lâu theo thời gian, các tác giả cũng qua phân tích hồ sơ vụ án, qua lời kể nhân vật. Đó là sự việc không còn tồn tại ở thực tại, không thể sử dụng “nhập vai” để hòa mình vào nhân vật
nữa. Hơn nữa, việc tiếp xúc với các nhân vật lúc này cũng không có gì phải giấu giếm, che đậy.
Trái lại, ở những vụ việc đang xảy ra ở thời điểm hiện tại, chưa được khám phá hoặc chưa khám phá hết, đối với những đối tượng điều tra phức tạp, có nguy cơ gây nguy hiểm cho nhà báo như buôn lậu, các đường dây lừa đảo thì nhập vai là cần thiết. Các bài điều tra nhập vai trong phạm vi khảo sát đảm bảo yếu tố đó, không có trường hợp nhập vai một cách tùy hứng, bông đùa, thiếu mục đích. Trong cùng bài điều tra, tùy đối tượng tiếp xúc mà mà có lúc tác giả mới sử dụng nhập vai (tiếp cận với các đầu nậu, lâm tặc..), có khi nhà báo vẫn sử dụng danh nghĩa nhà báo (tiếp xúc với người dân, kiểm lâm, cán bộ phòng tổ chức quản lý…)
Còn tính phù hợp thể hiện ở việc trong quá trình điều tra các nhà báo đã lựa chọn được những vai phù hợp với từng đề tài, từng điều kiện, hoàn cảnh. Ví dụ, điều tra về tình trạng “cò” bệnh viện thì đóng thành bệnh nhân, khi điều tra tình trạng cờ bạc xuyên biên giới thì đóng thành con bạc…
Việc nhập vai đúng lúc, xác định đúng vai của mình này đã khiến cho tác giả có khả năng thâm nhập vào câu chuyện một cách sâu nhất.
Sử dụng đa dạng các dạng vai, kiểu vai. Trong đó, có nhiều vai sâu, phức tạp, độc đáo.
Như đã phân tích ở trên, có các dạng vai chính là vai khách hàng, vai hành khách, một số dạng vai khác. Nhưng trong nhóm vai khách hàng cũng có nhiều dạng vai nhỏ: vai người tiêu dùng đi mua hàng, vai người đi buôn lấy số lượng hàng lớn, vai người mới mở trường mầm non đi tìm nguồn cung thực phẩm…
Hoặc cùng vai khách hàng, với phương thức lên các chuyến xe nhưng lại mang những mục đích khác nhau: có khi để quan sát tình trạng hành khách, có khi tìm hiểu con đường đi của hàng lậu, có khi để tìm hiểu hoạt động của cò…
Bên cạnh một số vai thường xuyên được sử dụng, có một số vai độc đáo như vai con bạc, vai công nhân,…. Điển hình là trong bài “Theo dấu cây xanh vừa bị đốn hạ ở Thủ Đô” (báo Tiền phong – số 82 – ngày 23/3/2015), để tiếp cận xưởng để gỗ, tác giả đã mua một con diều, giả vờ làm rơi để có thể thâm nhập vào bên trong xưởng.
Có khi tác giả sử dụng đa dạng các vai trong cùng một bài điều tra. Điển hình là bài “Đột nhập bãi rút ruột xe bồn ở Hải Dương” (báo Tiền Phong - số 7- ngày 7/1/2015).
Các tác giả chuẩn bị kỹ lưỡng cho “vai diễn” của mình. Thấm nhuần câu nói “không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”, trong chuyến hành trình đi rừng của mình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã được xác định ngay từ đầu sẽ gặp ai ở từng chặng, phải nói những gì. Anh cũng luôn chuẩn bị máy ghi âm (chiếc cúc áo) hay máy chụp hình (đồng hồ đeo tay)… Hơn nữa, các nhà báo cũng luôn tìm hiểu trước về đối tượng, luôn biết nghi ngờ , ví dụ khi điều tra về đường dây đi Úc giá 350 triệu, nhóm phóng viên đã định hình được chiêu thức lừa đảo của công ty này để có cách ứng phó phù hợp.
Nhập vai linh hoạt
Chuẩn bị không có nghĩa là áp dụng một cách cứng nhắc, bảo thủ. Trong các bài điều tra được khảo sát, các nhà báo tỏ ra khá linh hoạt khi nhập vai. Một ví dụ, khi nhà báo Nguyễn Hà nhập vai người tiêu dùng để hỏi bột ninh nhừ siêu tốc, lúc đầu, một số người bán hàng nói rằng không có mặt hàng này vì còn e ngại bị lộ. Nhà báo đã phải mua một số mặt hàng gia dụng để làm quen với chủ cửa hàng, tạo lòng tin với họ thì họ mới chịu bán hàng và hé lộ nhiều thông tin mà nhà báo muốn biết. Như vậy, để “diễn” được tròn “vai”, nhà báo đã có cách xử lý thông minh, ứng biến linh hoạt trong vai diễn của mình, biết “cắt vai”, “thoát vai” khi cảm thấy sự nguy hiểm. Khi điều tra về các hình thức lừa đảo việc làm qua các trung tâm mối giới, nhà báo đã không chịu giao nộp giấy tờ của mình ra mà nói rằng tìm việc cho em gái. Bằng sự thông minh, biến hóa, nhà báo đã tránh “tự sa lưới”.
2.3.2. Hạn chế
Chủ yếu sử dụng các loại vai đơn giản
Các loại vai đơn giản là vai chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, có tính thời điểm, chủ yếu phục vụ quan sát. Bên cạnh nhiều bài điều tra sâu tìm ra chân tướng sự việc, đường dây lớn cũng có nhiều bài điều tra chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu một phần vấn đề. Ví dụ, hầu hết các bài về tình trạng chặt chém ở các bến xe chỉ điều tra được phần nổi của vấn đề: cách thức kéo dài thời gian, cách lậu vé, các chiêu trò giả danh hành khách, cách qua mặt CSGT, còn vẫn chưa tìm được ai đứng đằng sau các nhà xe này, có sự bảo kê hay không…?
Có thể thấy, đối với các loại vai đơn giản, mức độ điều tra cũng nhẹ nhàng, chỉ mới chạm đến một phần nhỏ vấn đề, nặng về phản ánh.
Ít kiểu vai sáng tạo
Các bài điều tra nhập vai thuộc phạm vi khảo sát cho thấy các nhà báo thường đóng những vai “na ná” nhau, tương tự nhau, “bắt chước” nhau trong những lĩnh vực, vấn đề nhất định, những vai mà hoàn cảnh nào cũng dùng được, ít tính thử nghiệm. Ít xuất hiện những vai “độc” có khả năng thể hiện tư duy riêng của tác giả. Chỉ có một số đề tài có tính đặc thù mới tìm ra một số vai độc nhất, độc độc đáo, độc đắc. Ví dụ vai con bạc, vai người rơi diều.
Không ít lần nhà báo cũng gặp nguy hiểm do sơ hở trong nhập vai.
Nguy hiểm chủ yếu đến từ sự đe dọa của các đối tượng bị điều tra. Ví dụ, trong bài “Buôn lậu vẫn ngày đêm qua biên giới” (báo Lao động, ngày 18, 20, 21, 22 và 23/10/2014), khi đã nhập vai hành khách để điều tra buôn lậu nhưng nhà báo lại chụp ảnh một cách công khai khiến cho nhân viên trên tàu để ý, dọa nạt, bám theo gây khó khăn hơn trog quá trình tác nghiệp. Tương tự, khi đóng vai bệnh nhân trong “"Cò" lộng hành bệnh viện” (báo Tiền Phong – số 309 – ngày 5/11/2014), phóng viên cũng bị nhóm bảo vệ quây vào uy hiếp vì sử dụng máy ghi hình.
Những nguy hiểm đôi khi đến từ chính các nhà báo. Mặc dù chuẩn bị phương tiện, tâm thế rất sẵn sàng nhưng do không lường trước được quãng đường rừng quá xa và hiểm trở nên nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã mang thiếu đồ ăn, đi suốt đến chiều mới thấy nhà dân khi đã rã rời mệt mỏi.
Hình thức thể hiện của một số bài điều tra chưa thực sự hiệu quả.
Trên cả 2 tờ báo khảo sát, hầu hết việc nhập vai thể hiện bằng mô tuýp câu: “Trong vai người…, chúng tôi…” sau đó nhà báo kể lại quá trình điều tra của mình. Mô tuýp này giúp người đọc định hình được vị trí, vai trò của tác giả trong câu chuyện để tiếp cận sự việc. Tuy nhiên, đôi khi nghe nhiều, nhìn nhiều một cách diễn đạt sẽ thấy nhàm chán. Hơn nữa, có những vai không cần phải nói ra, người đọc vẫn có thể hiểu được là nhà báo đang biến hóa thành ai. Ví dụ, điều tra việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thì tất nhiên phải trong vai khách hàng. Phải làm cho vai diễn sống dậy trong từng câu chữ, qua cuộc trò chuyện với đối tượng mà không cần dùng đến lời mào đầu thì mới hiệu quả.
Tuy nhiên cũng trong một số bài, việc các tác giả không lộ rõ “vai” của mình khiến người đọc cảm thấy không thỏa mãn. Ví dụ trong bài “Phá đường dây buôn bán rùa biển lớn nhất Việt Nam” (báo Lao động – số 273 – ngày 21/11/2014), tác giả Hoàng Quân rất nhiều lần khẳng định đã “đóng vai” đủ các nghề để thâm nhập, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhà báo, cùng “trinh sát hóa trang” với các chiến sĩ công an…nhưng ít khi nhắc đến những nghề đó, những biện pháp nghiệp vụ đó là gì. Trong trường hợp này, việc “giấu vai” lại khiến người đọc rất nghi ngờ. Bởi vì trong cả bài viết, chỉ thấy hình ảnh của các trinh sát là chủ yếu, hình ảnh nhà báo khá mờ nhạt, thiếu chủ động. Người đọc dễ dàng đặt ra câu hỏi “Liệu nhà báo có “hóa thân” thật không? hay chỉ là đi theo, ghi lại những hoạt động của tổ điều tra?”.
Ở một số bài viết, "vai” còn được diễn đạt không khớp với thực tế. Ví dụ trong loạt bài về buôn lậu ở Lạng Sơn, đã có những lúc phóng viên cùng với đoàn cán bộ Ban chỉ đạo 389 “hóa thân” thành dân buôn lậu (theo nhà báo Đinh Công Thắng) nhưng trong bài viết, cách thể hiện khiến cho người đọc có cảm giác như tác giả chỉ đứng từ xa quan sát bí mật.
Như vậy, một số bài điều tra có phần “phô” trong thể hiện “vai diễn” thì một số bài lại “giấu vai” một cách không cần thiết. “Vai” của nhà báo nên thể hiện một cách có liều lượng, diễn đạt tinh tế, khéo léo trong bài viết.
Tiểu kết chương 2
Chương 2 là phần nội dung quan trọng nhất của khóa luận. Đó là tập hợp kết quả khảo sát các bài điều tra, điều tra nhập vai trên báo, cụ thể là 2 tờ báo Tiền Phong và Lao động trong thời gian từ 1/10/2014 đến 31/3/2015. Bằng những số liệu cụ thể, qua phân tích các bài viết tiêu biểu, tác giả khóa luận làm rõ một số vấn đề sau:
Một là, số lượng, tần suất các bài điều tra có sử dụng kỹ thuật nhập vai
trong số các bài điều tra và trên tổng thể tờ báo là rất thấp. Điều đó phản ánh hoàn toàn đúng đặc trưng, tính chất của dạng bài điều tra nhập vai.
Hai là, có một số lĩnh vực điều tra mà nhà báo thường sử dụng kỹ thuật
nhập vai điều tra. Đó đều là những lĩnh vực lớn, chứa đựng những vấn đề phức tạp, khó giải quyết, đối mặt với những đối tượng nguy hiểm đòi hỏi nhà báo nhập vai để tiếp cận thông tin.
Ba là, qua thống kê, phân tích các dạng nhập vai xuất hiện trên báo, xác
định được đặc điểm các dạng vai, hoàn cảnh sử dụng, khả năng và mức độ nhập vai của nhà báo trong từng dạng vai đó.
Bốn là, tìm ra ưu điểm và hạn chế của các bài điều tra nhập vai, nhất là
trong sự so sánh giữa 2 tờ báo Lao động và Tiền Phong. Có thể thấy rằng, bên cạnh những điều đã làm được là cơ bản, quá trình nhập vai điều tra của các nhà báo hiện nay cũng không ít hạn chế, cần khắc phục. Từ đó đặt ra một số vấn đề đối với báo chí điều tra nhập vai nói chung và của mỗi tờ báo nói riêng. Theo đó, quan trọng nhất là vấn đề rèn luyện, đào tạo để nâng cao kỹ năng nhập vai của nhà báo, tránh nguy hiểm trong khi nhập vai. Đồng thời nâng cao vai trò của cơ quan báo chí đối với việc bảo vệ nhà báo, thay đổi cách thể hiện bài điều tra trên báo
Chương 3