Vai hành khách

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp đại học kỹ năng nhập vai của nhà báo viết điều tra nguyễn thùy trang (Trang 44)

Để điều tra hoạt động của những xe cóc, xe dù, xe quá tải, nhà báo thường đóng giả làm hành khách, trực tiếp có mặt trên các chuyến xe này. So với vai khách hàng, vai hành khách có tần suất xuất hiện ít hơn vì chỉ phục vụ các đề tài điều tra ở một số lĩnh vực nhất định đặc biệt là GTVT.

Trong số các bài báo khảo sát, có 10 lần nhà báo xuất hiện với vai hành khách (chiếm 18,52%), nhưng chủ yếu ở các bài điều tra trên báo Lao động, trên báo Tiền Phong vai này chỉ xuất hiện một lần trong bài “Bất an "xe dù" ngày tết” (số 39 – ngày 8/2/2015) của Lê Hà – Việt Hùng.

Khi thực hiện bài viết này tác giả đã vào vai một hành khách đón xe Gia Lai để ghi nhận tình trạng hoạt động của bến cóc, xe dù và “cò” tại các

bến này. Theo đó, nhà báo dễ dàng tiếp cận được “cò” tại bến xe Đắk Lắk. Anh này ra sức mời chào và giới thiệu xe cho nhà báo. Trực tiếp lên xe đó, phóng viên ghi nhận tình trạng vô tổ chức: đi không lộ tuyến, tấp vào bờ nọ bụi kia để chờ khách, thậm chí còn quay ngược xe 3 – 4 lần để đón khách, chạy chậm, kéo rèm khi có gặp CSGT. Cả những chiêu trò như “cò” đóng giả làm khách hàng để hành khách tin là xe đông khách sắp chạy, xin tiền khách đi đổ dầu để kéo dài thời gian…cũng được tái hiện. Nếu quan sát từ bên ngoài thì khó có thể nhận biết những hiện tượng đó. Khi là một hành khách trên xe, phóng viên có thể chứng kiến “tài xế không cài dây bảo hiểm, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, bấm còi inh ỏi”, trực tiếp trải qua những phút “mất hồn” khi xe độ ngột phanh gấp khiến cả xe lao đầu về phía trước, làm cho độc giả như cũng sống trong cảm giác đó.

Trong loạt bài “Xe về Tết nhồi nhét, "chặt chém"” (báo Tiền phong ngày 9 – 10/2/2015), nhóm phóng viên đã ghi nhận nhiều hiện tượng đáng lo ngại trên các xe khách ở Hà Nội và TP.HCM. Trong vai hành khách, các phóng viên đã lên nhiều xe, tại nhiều bến khác nhau, trực tiếp chứng kiến tình trạng quá tải, nhồi nhét khách của các nhà xe. Đáng chú ý nhất là hiện tượng nâng giá tùy tiện của các nhà xe và và cách thức qua mặt CSGT, lý giải vì sao chúng chở quá tải có khi tới 60 – 70% mà không bị xử lý. Theo đó, nếu chạy đêm qua các trạm kiểm soát, nhà xe tắt đèn, yêu cầu hành khách phải kéo rèm kín, cúi rạp người xuống để không bị phát hiện. Nếu lỡ bị “tuýt còi”, lơ xe chỉ xuống vài phút mang theo tờ giấy kẹp đôi thì xe lại nhanh chóng tiếp tục hành trình.

Trong quá trình thực hiện loạt bài “Buôn lậu vẫn ngày đêm qua biên giới” (báo Lao động, ngày 18, 20, 21, 22 và 23/10/2014), nhóm phóng viên báo Lao động đã mất rất nhiều ngày quan sát tại các cửa khẩu, nhà ga và ghi nhận nhiều hình ảnh về hoạt động sôi động, ngang nhiên các đầu nậu. Để tìm hiểu quá trình vận chuyển hàng lậu cũng như việc kiểm soát của các nhân viên an ninh, phóng viên đã lên tàu, vào vai một hành khách. Trên chuyến tàu

Đồng Đăng – Hà Nội, phóng viên đã xác định được những ga tàu đỗ lâu cho cửu vạn hạ hàng. Tuy nhiên, khi chụp ảnh hàng hóa và cảnh khuân vác hàng trên tàu, phóng viên đã bị nhân viên tàu chất vấn. May thay nhờ “mác” hành khách mà các anh vẫn được ở lại trên tàu, chỉ bị nhắc nhở: “Đi tàu để ngồi im, không chụp chiếu gì hết”. Nhờ vậy, phóng viên mới có điều kiện tiếp cận với các cửu vạn trên tàu “diễn” tiếp vai chủ hàng và được cho biết về dạng hàng hóa “Mỗi bao tải hay thùng hàng đều trộn lẫn giữa hàng có đầy đủ giấy tờ và hàng lậu, tỉ lệ chia là 40% hàng lậu, 60% hàng có hóa đơn, chứng từ” và quy trình kiểm tra hàng hóa trên tàu.

Phóng viên Thành An (báo Lao động) chia sẻ riêng với tôi: “Đấy là người bình thường giơ máy ảnh lên chụp mà họ đã “rằn mặt” như vậy rồi, nếu biết là phóng viên thì chắc chúng tôi đã bị đuổi khỏi tàu, bị đập vỡ máy ảnh không chừng. Những lúc như thế không thể sử dụng danh nghĩa nhà báo được”.

Như vậy, nhập vai hành khách cũng thuộc dạng vai đơn giản, thông thường ít nguy hiểm. Chỉ trong một số tình huống phóng viên phải đối mặt với nguy hiểm rình rập, đòi hỏi xử trí linh hoạt, khéo léo. Trong tình huống kể trên, bất lợi mà phóng viên gặp phải xuất phát từ sai sót, thiếu kỹ năng khi tác nghiệp.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp đại học kỹ năng nhập vai của nhà báo viết điều tra nguyễn thùy trang (Trang 44)