Gợi ý chính sách

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Dựng lại bức tranh ngân sách đánh giá tính bền vững tài khóa của Việt Nam (Trang 63)

6. Chương 6 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

6.2.Gợi ý chính sách

Những trục trặc trong chính sách thu chi NSNN đã đẩy NS luôn trong tình trạng thâm hụt ở mức cao, tính bền vững hạn chế. Một lần nữa Việt Nam nên ghi nhận đầy đủ các khoản chi tiêu công vào NS, có giới hạn trần chi tiêu và tuân thủ nghiêm ngặt các kỷ luật tài chính từ trung ương đến địa phương; đồng thời, cần thiết phải xây dựng và tuân thủ kế hoạch NS trung hạn thực tế và bền vững.

Như đã trình bày ở trên tổn thất xã hội tăng theo bình phương thuế suất vì vậy để cải thiện nguồn thu, việc giảm thuế suất thuế TNDN nên được xem xét. Bởi giảm thuế suất thuế TNDN sẽ giúp DN tích lũy vốn, tái đầu tư để phát triển qua đó cơ sở thuế được cải thiện. Giảm thuế suất cũng giảm thiểu động cơ trốn thuế của các DN qua đó tăng khả thi về mặt quản lý cho các cơ quan thuế.

Việc hơn 70% số người đóng thuế TNCN bậc 1 chỉ chiếm 10% số thu thuế TNCN cho thấy hiệu quả thuế là rất kém. Tỷ trọng số thu thuế cao ở nhóm thu nhập chịu thuế bậc 2, 4, 5, 6, 7. Vì vậy, trước mắt CP nên nâng mức thu nhập chịu thuế bậc 1, trong trung hạn có thể thu gọn còn 4 bậc thu nhập chịu thuế - bậc 3, 4, 5, 6 và điều chỉnh mức thuế suất phù hợp cho 4 bậc thu nhập chịu thuế này nhằm cải thiện nguồn thu trên cơ sở thiết kế thuế đơn giản, quai thuế chắc, cơ sở thuế có thể được mở rộng. Bậc thuế suất cao nhất nên không quá cao so với mức thuế suất thuế TNDN để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Đối với giảm chi, hoạt động hiệu quả của khu vực dân doanh trong thời gian qua cho thấy nên chăng để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công bao gồm cả dịch vụ hành chính, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp xã hội nhằm cắt giảm chi tiêu công cho lương và các khoản phụ cấp (các khoản này chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi thường xuyên); và để các khoản chi đầu tư đạt hiệu quả hơn cũng như tránh được tình trạng chèn ép vốn tư nhân. Giới hạn trần chi tiêu NS, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan ban ngành trực thuộc trung ương nên được gia tăng để từ đó quản lý nguồn lực công hiệu quả hơn.

Chi tiêu đầu tư chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi NS, có ảnh hưởng mạnh đến dư địa tài chính quốc gia. Vì vậy, cải thiện tính bền vững NS, việc giảm/điều tiết vốn phục vụ đầu tư công hoặc chuyển hướng chi tiêu công ra khỏi những dự án thâm dụng vốn là cần thiết. Ngoài ra, bên cạnh sửa chữa các cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư các công trình/dự án công CP nên thay đổi cách quản trị đầu tư công ở các dự án bắt buộc Nhà nước phải thực hiện để hiệu quả hơn. Cụ thể, CP có thể lập tổ công tác chịu trách nhiệm thẩm định, công khai minh bạch chi tiết mức đầu tư/suất đầu tư của dự án nhằm loại bỏ các dự án đầu tư công kém hiệu quả, không cần thiết ngay từ đầu; quản lý các dự án được phép đầu tư theo kết quả đầu ra đảm bảo các dự án đúng tiến độ, kỷ luật tài chính nghiêm.

Đồng thời, NSTW có thể giảm áp lực chi khi nguồn thu của địa phương được cải thiện. Vì vậy, tăng kỷ luật tài khóa đối với NSĐP qua việc tăng trách nhiệm giải trình, minh bạch tài chính, loại bỏ cơ chế “xin – cho”, cải thiện nguồn thu từ thuế nhà và đất giảm gánh nặng NSTW trợ cấp cho địa phương hàng năm.

Cuối cùng, CP nên chuyển giao vai trò “trung gian tài chính” cho các tổ chức tài chính, ngân hàng hiện có; không nên xác định có nhiều công trình công ích, các công trình phúc lợi xã hội... “mà chỉ có DNNN mới có thể đảm nhận và thực hiện” hay DN quốc doanh đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nền kinh tế vĩ mô để tránh những thất bại nhà nước như thời gian qua.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Dựng lại bức tranh ngân sách đánh giá tính bền vững tài khóa của Việt Nam (Trang 63)