B. PHẦN NỘI DUNG
1.2.1.5. Sự hình thành nhu cầu
Quan điểm về sự hình thành nhu cầu có điểm khác nhau giữa các nhà TLH phương Tây và các nhà TLH Macxit.
Các nhà TLH phương Tây cho rằng nhu cầu sinh vật sẽ quyết định nhu cầu XH. Nhu cầu sinh vật là cơ bản và có nguồn gốc bẩm sinh, con người không thể ý thức và can thiệp được bằng ý chí.
A.N. Leonchiev và các nhà TLH Macxit khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa nhu cầu và hoạt động: “Nhu cầu là nguồn gốc của tính tích cực của hoạt động,
nhưng bản thân nhu cầu lại được nảy sinh, hình thành và phát triển trong hoạt động”.
A.N. Leonchiev đã đưa ra sơ đồ giải thích mối quan hệ giữa nhu cầu và hoạt động: Hoạt động – Nhu cầu – Hoạt động. Ông giải thích như sau: “Thoạt đầu nhu cầu chỉ xuất hiện như một điều kiện, một tiền đề cho hoạt động. Nhưng ngay khi chủ thể bắt đầu hành động thì lập tức xảy ra sự biến hóa của nhu cầu và sẽ không còn giống như khi nó tồn tại một cách tiềm tàng, tồn tại “tự nó” nữa. Sự phát triển của hoạt động này đi xa bao nhiêu thì cái tiền đề này của hoạt động (tức là nhu cầu) cũng chuyển hóa bấy nhiêu thành kết quả của hoạt động”. Ông cho rằng bởi vì bản thân thế giới đối tượng đã hàm chứa tiềm tàng những nhu cầu, nên trong quá trình chủ thể hoạt động tích cực, tất yếu sẽ nhận thức được những yêu cầu, đòi hỏi phải được đáp ứng để tồn tại và phát triển, tức là xuất hiện nhu cầu mới. Thông qua hoạt động lao động sản xuất, loài người một mặt thỏa mãn nhu cầu hiện tại, đồng thời lại xuất hiện nhu cầu mới, vì thế con người không ngừng tích cực hoạt động lao động sản xuất qua đó thúc đẩy XH phát triển.
Để hình thành nhu cầu về một đối tượng nào đó, chúng ta phải làm cho chủ thể có cơ hội làm quen với đối tượng, thực hiện hoạt động với đối tượng, chính trong quá trình trải nghiệm đó chủ thể sẽ có cơ hội và điều kiện để thấy được vai trò, ý nghĩa của đối tượng đối với cuộc sống của bản thân, từ đó mà hình thành mong muốn về đối tượng và nhu cầu sẽ dần dần xuất hiện.