Việc kinh doanh gạo cũng chịu ảnh hưởng của môi trường vĩ mô rất nhiều, chúng ta cần nắm rõ được những tác động từ bên ngoài để biết những cơ hội cũng như những thách thức để có những chiến lược đúng.
An Giang là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích trồng lúa rất lớn (năm 2006: 503.4 nghìn ha)3, được phù sa bồi đắp hàng năm, đất đai màu mỡ, nên sản lượng lúa lớn nhất cả nước (năm 2006: 2885.7 nghìn tấn)4.Bên cạnh đó, giao thông cũng tương đối thuận lợi cho việc vận chuyển lúa gạo. Ngoài ra, việc kinh doanh gạo nhiều năm qua còn được sựhỗ trợ tích cực về thông tin thị trường, sự biến động tiêu thụ, giá cả… của các cơ quan như Hiệp hội lương thực Việt Nam, Cục xúc tiến Thương mại, các cơ quan phát triển nông nghiệp nông thôn… do vậy mà việc kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn. Thêm vào đó, tỉnh cũng đang có kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu lúa, tái tạo lại và nghiên cứu tìm ra những giống lúa ngon để gia tăng sản lượng lúa. Vì thế, đây là điều kiện rất thuận lợi để Angimex mở rộng kinh doanh lĩnh vực gạo.
Hiện nay, tình hình kinh tế của tỉnh An Giang đang phát triển mạnh, thu nhập của người dân ngày một tăng cao. Vì vậy, người dân không chỉ muốn có gạo ăn mà đã chú trọng về mặt chất lượng, dinh dưỡng. Do đó, họ có nhu cầu chọn loại gạo ngon, sạch, an toàn cho sức khỏe của gia đình. Từ những điều này cho thấy đây là cơ hội để Angimex tung ra thị trường những loại sản phẩm gạo đóng gói chất lượng cao.
Bên cạnh đó, chính phủ ta hiện đang có những chính sách như khi gạo nhập khẩu vào Việt Nam phải đăng kiểm và chịu sự kiểm tra của Bộ về vệ sinh an toàn thực phẩm, và để bảo hộ việc sản xuất lúa trong nước, chính phủ còn áp dụng mức thuế cao đối với gạo nhập khẩu từ nước ngoài vào. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trong nước. Nhưng khi gia nhập WTO, việc áp dụng mức thuế cao cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không còn nữa, mà họ có thể tự do nhập khẩu, do đó việc cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn.
Trong vấn đề xây dựng thương hiệu, chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ, khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu như đã đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu một cách nhanh chóng nhất, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo, huấn luyện, cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về xây dựng và quảng bá thương hiệu…. Ví dụ năm 2002, chương trình xúc tiến Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tiến hành dự án hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu.