Trường liên tưởng trong sáng tác Miên D

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ MIÊN DI (Trang 96)

3. Trường liên tưởng trong thơ Miên D

3.2. Trường liên tưởng trong sáng tác Miên D

Thơ Miên Di, là những sáng tác thiên nhiều về tính suy tư triết lí, nên hệ thống trường liên tưởng là một đặc điểm nổi bật vô cùng quan trọng. Và trong thơ Miên Di, trường liên tưởng trở thành thủ pháp chính tạo dựng những hình ảnh thơ đặc sắc giàu ý nghĩa, thể hiện một tư duy nghệ thuật sắc

sảo, tài hoa. Miên Di đã xây dựng được trong tác phẩm của mình một hệ thống các hình ảnh mang tính biểu tượng được gắn kết với nhau bằng sợi dây vô hình của tư duy sáng tạo xuyên suốt những tác phẩm. Và hệ thống hình ảnh ấy, không những tạo nên tầng lớp ý nghĩa sâu sắc, mà còn góp phần không nhỏ tạo nên cho tác giả một màu sắc rất riêng trên con đường sáng tạo của mình.

Hình tượng nổi bật nhất và xuyên suốt từ đầu đến cuối tập thơ có lẽ vẫn là hình ảnh của một cái tôi cô đơn đầy đa cảm giữa cuộc sống. Cái tôi đầy trống trải lang thang đi tìm chính mình giữa cuộc đời biến động, cái tôi cô đơn đến tận sâu thẳm của tâm hồn luôn luôn khát khao chút tình đời nhen nhóm. Và cuộc hành trình đi tìm chính cái tôi, là cuộc hành trình đến tận cuối tập thơ vẫn chưa hề có hồi kết. Để đọng lại nhất trong tâm trí mọi độc giả, vẫn luôn là hình ảnh của một cái tôi lặng lẽ miên man kiếm tìm, một cái tôi, của riêng Miên Di, một cái tôi không hề trùng lặp, không hề bị che lấp giữa những cái tôi khác giữa dòng đời.

Và, để xây dựng được hình ảnh cái tôi để lại đầy dấu ấn như thế, là sự hỗ trợ của thủ pháp liên tưởng đậm nét trong thơ. Từ mẫu gốc là hình ảnh cái tôi cô đơn đa cảm, tác giả đã dựng nên một loạt các hệ thống hình ảnh liên kết trở đi trở lại suốt toàn bộ tập thơ. Điều đó, thể hiện năng lực tư duy của chính tác giả khi đã biết sáng tạo và vận dụng vô cùng linh hoạt hệ thống hình ảnh để tô đậm nét cho mẫu gốc sáng tạo của chính mình.

Chẳng hạn, khi nói về cái tôi cô đơn đầy sợ hãi u buồn trước cuộc sống, tác giả đã không ngừng sử dụng các biện pháp so sánh, ẩn dụ để gợi nên một loạt các hình ảnh liên tưởng:

“những buổi chiều thổ cẩm mòn tôi quanh lối thông

nhìn đời qua kẽ lá sợ hãi & lặng câm …..

tôi mơ làm cây nấm trong góc tối xa xăm …..

tôi mơ làm con dốc tôi mơ làm phiến đá

lặng thầm nghe gió tru đêm lòng mình …….

những tiếng ồn thổ cẩm lời tôi như gã câm …..

những rối bời thổ cẩm ngày tôi như thoi đâm …..

thành phố này thổ cẩm rụng tôi như quả thông” (mảnh buồn thổ cẩm)

Ngay trong một bài thơ, mà liên tục, liên tục ở khổ thơ nào cũng chứa đựng những hình ảnh liên tưởng cho cái tôi cô đơn giữa cuộc đời. Và hệ thống hình ảnh mà tác giả xây dựng nên cũng mang tính tạo hình rất sâu sắc, chứa đựng và truyền tải được tất cả các thông điệp và tiếng nói của cái tôi trữ tình:

“con sóc trốn trong góc trăm năm, cây nấm trong góc tối xa xăm, con dốc, phiến đá, gã câm, quả thông…” . Hệ thống hình ảnh đó cùng xuất phát từ

những tiêu chí: nhỏ bé, sợ hãi, im lặng để đại diện cho hình ảnh cái tôi trữ tình nhỏ bé đang cô đơn cùng cực, đang run rẩy tâm hồn, chỉ muốn lẩn trốn

cuộc đời đầy bộn bề giông bão bên ngoài, thu mình vào chính mình trong góc tối của sự lặng im.

Hay cũng cùng để nói về sự cô đơn ấy, tác giả cũng lại sử dụng những hình ảnh liên tưởng:

“đêm nay buồn về buồn về bờ vai hoang

anh thử làm con sói khát trăng kêu gào vào lặng thinh

vào cơn sói hoang mùa tình ….

đêm nay buồn về

lẻ mình trong bóng đêm co ro nằm trên tuổi co ro nằm trong góc đời

đành thử làm con sâu cuộn mình trong chiếc lá non xưa ngọt” (bờ vai hoang)

Vẫn là hình ảnh của cái tôi cô đơn, nhưng ước muốn làm “con sói khát trăng"”để kêu gào thì lại đã chuyển sang một liên tưởng khác. Đó, vẫn là con

sói hoang cô đơn giữa đêm trăng tròn vạnh, cất tiếng hú dài tê buốt lại càng cảm thấy trống trải cô đơn. Nhưng, đó không phải là con sói yếu đuối muốn nằm im trong bóng tối trốn tránh sự đời nữa, con sói đó, đã can đảm bước ra cất tiếng hú gọi bầy, chỉ tiếc rằng, đáp lại tiếng sói tru trăng, chỉ là lời vọng lại càng thê lương hơn của chính mình.

Hay, một hình ảnh cũng nói về sự cô đơn mà tác giả rất hay đề cập tới, cái tôi trữ tình cũng đã hóa thân vào đó để tìm hơi ấm nồng:

“lòng tôi suốt một đời đốm lửa ngún bên trong xác củi tro mùa”

(bài này quên tên)

“đời nhen ta như đốm lửa tàn trong cái lạnh tay người” (lạnh tay người)

“đêm tôi là lửa táp

từng cái cựa mình nứt vỡ Của hòn than”

(lửa lạnh)

Hóa thân thành một đốm lửa, để mong kiếm tìm được cho mình hơi ấm nóng của nhân tình, nhưng, chỉ ước vọng nhỏ nhoi một lần được nhóm lên thôi cũng trở thành nguội lạnh. Ở trong đốm lửa mà vẫn thấy lòng mình đóng băng, sự cô đơn của cái tôi đã trở thành nỗi tuyệt vọng. Sử dụng thủ pháp đối lập để tạo dựng nên hình ảnh liên tưởng, tác giả đã đẩy được sự cô đơn đến cao trào đỉnh điểm của cõi lòng mà không gì có thể lấp đầy.

Vậy là, chỉ với một mẫu gốc là cái tôi cô đơn, chúng tôi tạm liệt kê đã thấy được một loạt những hình ảnh liên tưởng cùng chuỗi, mà hình ảnh nào, cũng được xây dựng rất đặc sắc, tạo hiệu quả nghệ thuật cao: “con sóc trốn

trong góc trăm năm, cây nấm trong góc tối xa xăm, con dốc, phiến đá, gã câm, quả thông, con sói khát trăng, con sâu cuộn mình trong lá non xưa ngọt, đốm lửa…”

Bên cạnh hình ảnh của cái tôi cô đơn, một cái tôi quẩn quanh, bế tắc, trống rỗng, rối bời cũng là hình tượng tạo nên rất nhiều những liên tưởng độc đáo, sáng tạo:

“này con kiến nhỏ loay hoay

đừng tưởng chỉ mỗi mình mày quẩn quanh” (quẩn quanh)

“mà lòng như phố kẹt xe nhưng không có cái vỉa hè để leo” (tiếng động mầu xanh)

Thậm chí, còn đầy hỗn loạn:

“thấy mình như nhà đổ ngày động đất trái tim” (mười bốn ngày còn lại)

Và cũng có những lúc, tâm hồn đó trở về mòn mỏn trong những chiều hoang hoải đi tìm chính mình:

“phố còn đọng một tiếng chim thả xuống buổi chiều hoang dại

ai không lẫn cùng dòng người qua lại

nhặt quả thông rơi thảng thốt gặp bóng mình” (pleiku)

“thấy phố xá im lìm mặc đời đi ồn ã thấy mình như khách lạ ở trọ thịt da này bây giờ đã hôm nay

mười bốn ngày còn lại mười bốn ngày còn lại rơi xuống cạnh đời ta thấy mình như lịch rụng vết xé còn chưa xa” (mười bốn ngày còn lại)

Hay trong những ẩn ức dồn nén đầy sâu kín:

“thấy đời như viên gạch

chôn sâu trong ẩn ức bức tường” (ẩn ức)

Đó, là hệ thống những hình ảnh liên tưởng đầy những sáng tạo để cùng tạo dựng nên hình ảnh một cái tôi trữ tình cô đơn đa cảm giữa cuộc đời, với chiều sâu nội tâm cực kì phong phú và phức tạp. Qua hệ thống hình ảnh liên tưởng, hình tượng cái tôi càng được tô rõ, đậm nét hơn với ấn tượng sâu sắc hơn, và thể hiện được trọn vẹn mọi chiều kích tâm trạng, mọi phương diện của tâm hồn con người. Và chỉ với một hình ảnh của cái tôi, mà tác giả đã qua đó sáng tạo nên bao liên tưởng thật độc đáo, tài tình để cùng hỗ trợ thể hiện. Những hình ảnh liên tưởng ấy, luôn tạo nên sự biểu đạt phong phú cho hình tượng mẫu gốc, thể hiện tư duy sáng tạo mang màu sắc rất riêng của tác giả.

Trong thơ Miên Di, ta có thể không khó để tìm ra rất nhiều những trường liên tưởng khác nhau nhằm biểu đạt các vấn đề mà tác giả muốn hướng tới. Và, nếu tìm hiểu trường liên tưởng một cách cặn kẽ, ta cũng có thể tiếp cận được với tư duy nghệ thuật của tác giả. Nhưng, trong giới hạn của đề tài nghiên cứu, luận văn xin chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu và đánh giá cơ bản nhất phương diện này để làm nổi bật hệ thống các thủ pháp biểu hiện hình thành nên thế giới nghệ thuật của tác giả.

Tiểu kết chương III

Như vậy là, bên cạnh hệ thống hình tượng, thì các phương thức biểu hiện cũng là một phần không thể thiếu hình thành nên thế giới nghệ thuật thơ ca. Các phương thức biểu hiện, là chiếc cầu nối để đưa nội dung ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Và trong quá trình tồn tại, nó đã gắn liền với hệ thống hình tượng một cách vô cùng chặt chẽ, khó có thể tách rời.

Về các phương thức biểu hiện trong thơ Miên Di, chúng tôi tạm thời chia ra thành ba yếu tố căn bản: thể thơ, giọng điệu thơ và trường liên tưởng trong thơ. Cả ba phương thức trên đều có những biểu hiện rõ ràng và có vai trò quan trọng trong quá trình sáng tác.

Với việc sử dụng nhuần nhuyễn thể lục bát và tự do, việc tạo nên những giọng điệu riêng biệt phù hợp với nội dung diễn đạt và việc sáng tạo những trường liên tưởng độc đáo, Miên Di đã tạo dựng được cho chính mình một tiếng nói riêng đầy sức thuyết phục khi truyền tải các tư tưởng nghệ thuật của mình vào tác phẩm thi ca. Và các phương thức đó, đã hỗ trợ cho quá trình sáng tạo một cách tích cực, tạo nên mảnh đất, để các ý tưởng được khai phóng, tuôn trào.

Tóm lại rằng, hệ thống các hình tượng nghệ thuật và các phương thức biểu hiện trong sáng tác đã được tác giả gắn kết chặt chẽ, không quá coi trọng hình thức, coi trọng cách tân mà chểnh mảng nội dung truyền đạt, và ngược lại, cũng không quá đề cao nội dung mà bỏ qua hình thức thể hiện nó, làm giảm tính thẩm mĩ của văn chương. Miên Di không phải là nhà thơ quá “lạ” trên thi đàn đương đại, nhưng, những vần thơ của anh luôn có sự hài hòa, ổn định và vô cùng sâu sắc. Và đó, là kết quả tất yếu của sự kết hợp tài tình!

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ MIÊN DI (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(106 trang)
w