2. Giọng điệu thơ
2.3. Giọng triết lí suy tư
Nếu như giọng khách quan tỉnh táo được xem như một chất phụ gia vô cùng quan trọng thì giọng triết lí suy tư, lại là chất liệu chủ đạo trong sáng tác của tác giả. Bởi điều đó,phụ thuộc chính vào nội dung cảm hứng của nhân vật trữ tình, mà cái tôi trong thơ Miên Di, lại là cái tôi của những trăn trở day dứt không ngừng với những giá trị sống, bản chất cuộc sống, ý nghĩa cuộc sống. Đó, là cái tôi giàu những chiêm nghiệm được kết đọng thành triết lí, là cái tôi luôn luôn không ngừng suy tư, không ngừng đặt câu hỏi để đi tìm lời giải đáp về chính mình và nhân thế.
Giọng điệu triết lí suy tư trong thơ Miên Di được hình thành từ hai phương diện: âm hưởng thơ và ngữ nghĩa của câu thơ. Chính từ âm điệu và ngữ nghĩa đã tạo nên giọng điệu, để kết đọng và truyền tải những giá trị nghệ thuật cho sáng tác của tác giả.
Thứ nhất, để tạo nên giọng triết lí suy tư luôn luôn cần một âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết, điềm tĩnh và trầm lắng. Điều này, trước hết đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của thể thơ mà tác giả lựa chọn cho gần nửa số sáng tác của mình: thể lục bát. Chính lục bát, tự bản thân nó đã mang trong mình giọng thiết tha, trầm lắng và dịu ngọt mà không một chút gò bó nào. Và bên cạnh đó, chính tác giả, cũng luôn ý thức rất mạnh về việc hình thành âm hưởng trong thơ bằng cách ngắt nhịp linh hoạt:
“thử vào/ bệnh viện/ ngày đông
Để nhìn vào cuộc chưa xong/ giật mình Một vài mầm khóc sơ sinh
Dăm ba tiếng cú tâm linh/ gọi về”
Và cách ngắt nhịp cũng tạo nên ngữ điệu rất hiệu quả, cho dù có rất nhiều bài thơ không chọn thể lục bát làm phương thức biểu hiện của mình:
“Cha nghèo khó nụ cười/ con đừng già trước tuổi Những dế giun / cũng đủ tuổi thơ mà”
Thậm chí, cùng một câu thơ, bài thơ, độc giả có thể tự chon cách ngắt nhịp riêng cho mình, nhưng hình thức nào, cũng vẫn giữ nguyên âm điệu trầm lắng, thiết tha như thế.
Ngữ điệu, là một phần vô cùng quan trọng trong các sáng tác thơ ca để tạo nên tính nhạc. Bên cạnh phần ý, phần giai điệu cũng là một nhân tố rất quan trọng để tạo nên sức sống của tác phẩm. Và, nếu một tác phẩm sâu sắc về ngữ nghĩa, lại mang một âm điệu phù hợp thì chắc chắn, sức sống của nó trong lòng độc giả cũng sẽ lâu bền hơn rất nhiều. Và cũng như vậy, khi áp
dụng vào các sáng tác của Miên Di ta thấy rằng, ngữ điệu, đã đóng một phần vô cùng cần thiết, cùng với nội dung để truyền tải những thông điệp nghệ thuật sâu sắc, lắng đọng. Những vần thơ triết lí suy tư, chắc hẳn không thể phù hợp với một âm hưởng ồn ào, mạnh mẽ, quyết liệt.
Bên cạnh ngữ điệu, thì ngữ nghĩa là phần cốt lõi để quy định giọng điệu thơ. Bởi, giọng điệu, không đơn thuần chỉ là phần âm hưởng của bài thơ, mà còn chứa đựng trong đó cả tư tưởng nội dung và thái độ của người sáng tác. Và ngữ nghĩa, suy cho đến cùng vẫn là nhân tố quyết định chi phối hình thức phù hợp. Và sự phối hợp về ngữ nghĩa cùng âm điệu hợp lí sẽ tạo nên giọng điệu hoàn chỉnh:
“em biết đấy/ quả nho khô còn cố ngọt Anh dặn điều này/ cho khô cạn buồn sau”
Lời dặn dò nhắc nhở nhẹ nhàng mà lắng đọng như đã được chắt lọc và đúc kết từ chính những trải nghiệm, va vấp của anh giữa cuộc đời để truyền dặn lại cho em. Lời dặn lắng sâu trong giai điệu thủ thỉ, tâm tình lại càng tạo nên hiệu ứng nghệ thuật hiệu quả bởi giọng triết lí suy tư, không phải là của cái tôi cá nhân cất giữ trong mình, mà là sự lan truyền những suy tư ấy, đến với muôn người. Nhưng, không phải lúc nào giọng suy tư ấy cũng được đựng trong bình giai điệu ngọt ngào, mà có cả những dồn nén mạnh mẽ:
“có lần/ muốn sống phần muông thú Sợ người/ làm bẩn/ tiếng chó tru”
(người & con)
Hay những phút cô đơn đến cháy lòng: “đời nhen ta như đốm lửa/ tàn
trong cái lạnh tay người”(lạnh tay người) hoặc những trăn trở day dứt thành
câu hỏi: “con đường có thể thay tên/ thay tên có thể làm nên con
đường?”(tên & đường), “nếu tu sẽ tịnh u buồn/ giọt chay nước mắt sao còn mặn môi?”(một ngày chợt níu mây trôi) .
Giọng điệu suy tư triết lí đã tạo nên hình ảnh một cái tôi đầy những thâm trầm, kín đáo, sâu sắc rất đặc trưng trong những sáng tác của tác giả. Đó, là cái tôi của đầy những trăn trở suy tư về bản thể chính mình, về lẽ sống và khát vọng sống của cuộc đời, về nhân sinh, về xã hội. Cái tôi đó không một phút giây nào ngơi nghỉ trong suy nghĩ mà luôn tự vấn tâm hồn, luôn đặt câu hỏi, luôn tìm vấn đề để đưa ra những nhận định. Giọng suy tư triết lí là giọng điệu chi phối phần lớn những sáng tác và trở thành giọng cơ bản hình thành nên giọng điệu trong thơ Miên Di.