Em Hình ảnh người phụ nữ đa đoan

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ MIÊN DI (Trang 45)

2. Hình tượng người tình

2.2. Em Hình ảnh người phụ nữ đa đoan

Có thể thấy rẳng, Miên Di đã dành cho người phụ nữ trong thơ mình một sự ưu ái vô cùng đặc biệt. Những trang viết về hình ảnh người phụ nữ ấy là những trang viết chất chứa biết bao nỗi lòng, bao xúc cảm của một trái tim nghẹn ngào, tha thiết, đắm say. Nhân vật “em” có vai trò quan trọng và trở thành ngọn nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những tác phẩm tình trong toàn bộ tập thơ.

Trước hết, điều nổi bật nhất hiện lên qua hình ảnh em là người phụ nữ đa đoan đầy những âu sầu, phiền muộn. Hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé vậy thôi, mà chất chứa trong lòng đầy những ẩn ức, những trái ngang bộn bề. Đó là hình ảnh của người phụ nữ nhẫn nại, tảo tần và sâu lắng, không kêu than, không oán trách, chỉ lặng thầm với một nỗi buồn dai dẳng, âm ỉ trong tận cõi lòng. Và, nỗi muộn phiền đó, dù được che đậy một lớp vỏ bề ngoài,

vẫn được nhân vật trữ tình cảm nhận sâu sắc: “trở mình kê lại trái ngang/ em

cười sao vẫn hở hang nỗi buồn” (xê dịch ngày).

Nỗi muộn phiền sâu lắng bên trong hình ảnh người phụ nữ được nhân vật trữ tình vô cùng thấu hiểu và khắc họa trọn vẹn. Đó là nỗi buồn trở đi trở lại, nỗi buồn ám ảnh dằn vặt, nỗi buồn thường trực thấm sâu trong tâm hồn. Nỗi buồn đầy những ẩn ức khó có thể diễn đạt tường minh, nhưng lại cắt cứa thành những xúc cảm cực kì mạnh mẽ: “đàn bà/ hai tiếng ướt buồn/ ngày đục

trong/ đêm chói chang/ mọc hoang/ buồn cỏ/ sầu khe/ đàn bà/ dựa nuột nà vào hôm qua/ chênh vênh trở mình về phương lạnh/ tạnh lòng/ nghe tóc vỡ” (buồn cỏ).

Nỗi muộn phiền trong thâm tâm đã đầy những não nề, cô độc lại càng

trở nên ám ảnh hơn khi được khắc họa trở đi trở lại trong hình ảnh những đêm tối. Và đêm tối- vừa là thời gian kết đọng nỗi buồn, vừa là tác nhân cộng hưởng, lại vừa là bầu bạn tri kỉ của những bộn bề ngổn ngang trong tâm hồn người đàn bà đa đoan nhiều trắc trở. Và chỉ trong đêm tối, hình ảnh con người cùng với mọi chiều kích nội tâm mới được bộc lộ rõ ràng như thế, đầy đủ như thế. Bởi, trong không gian lạnh lẽo và tĩnh mịch, trong không gian đầy cô đơn và thiếu vắng, khi con người một mình đối diện với chính mình, với nội tâm bộn bề mà sâu lắng, mới là lúc bộc lộ nỗi muộn phiền vẫn luôn ẩn kín một cách mạnh mẽ và dữ dội nhất

Trong đêm tối, hình ảnh người phụ nữ ấy mới được hiện lên một cách đầy đủ và trọn vẹn. Trong đêm tối, từng dòng tâm trạng, từng khát vọng yêu thương, từng ẩn ức được giãi bày chân thành mà vẫn vô cùng tinh tế. Đó, là người phụ nữ tảo tần với hạnh phúc giả ban ngày, giờ đây, khi đối diện với chính lòng mình mới có thể trở về nguyên vẹn với những nỗi đau: “người

đàn bà giả vờ hạnh phúc/ từng đêm tóc rụng trên tiếng thở mang mặt nạ/ vở kịch nhàu/ khép lại riêng mang” (đám cưới tâm hồn). Và không chỉ giãi bày

những nỗi đau, đêm tối còn là khoảng thời gian của những ước vọng tràn đầy, những ước vọng giữa ban ngày vẫn bị coi là điều tội lỗi xấu xa: “người đàn bà tìm thấy mình trong giấc mơ/ trên mảnh rã thời gian/ hai tâm hồn ân ái/ đám cưới tâm hồn/ trong giấc mơ”. Hạnh phúc tưởng chừng nhỏ nhoi mà

cũng bao khó khăn và nhói đau đến tận cùng. Trong cuộc đời này, có biết bao nhiêu duyên tình lỡ dở, biết bao nhiêu trái ngang vẫn để lại đến ngậm ngùi. Tìm được và sống với hạnh phúc đích thực liệu có phải là điều giản đơn? Và người phụ nữ ấy, sau tiếng cười hạnh phúc ban ngày, lại đã phải từng chịu đựng biết bao đêm trăn trở, nỗi muộn phiền cộng hưởng với nỗi cô đơn ngày càng dồn nén để chịu đựng âm thầm.

Và đêm tối, không chỉ là khoảng thời gian để bày tỏ nỗi buồn, mà còn là thời gian của những khát vọng nồng nàn nhất, con người nhất. Đó, là những khát vọng thầm kín, khát vọng đàn bà , những khát vọng được dồn nén từ những ẩn ức tự nhiên mà bất kì ai cũng luôn che giấu trong mình. Những khát vọng không thể bộc lộ giữa ngày thường, giờ đây lại trào dâng mãnh liệt trong đêm tối qua những hình ảnh giàu sức liên tưởng: “con thạch sùng không

chồng giật mình quảy đuôi tránh viên đá ném từ Thánh kinh/ tránh tiếng ngáy chán khan từ căn phòng giá thú” (cơn khát nửa đêm). Vậy là, đêm tối là thời

gian bừng tỏ của những khát khao giao hòa cả thể xác lẫn tinh thần, thời gian giải tỏa tất cả những dồn nén ẩn ức của một thời son trẻ còn luôn cựa mình trong lòng người phụ nữ đầy những đa đoan.

Ẩn ức tính dục là một đề tài mới được các tác giả trẻ khai thác mạnh mẽ trong sáng tác của mình, đặc biệt thông qua những khát khao nữ giới. Đó, thực sự là một khát vọng nhân văn rất con người mà trước đây, chúng ta cố tình che giấu. Các nhà thơ giờ đây trong quá trình đi sâu vào cái tôi bản thể đã không ngại ngần đề cập đến vấn đề nhân sinh ấy, và coi nó là một phần không thể thiếu của đời sống tâm lí con người. Vi Thùy Linh là tác giả nữ đã đề cập đến vấn đề này một cách quyết liệt nhất, tiếng thơ chị không thiếu những hình

ảnh ngập tràn tính dục: “Quỳ trong đêm em cởi mình”, “khỏa thân trong

chăn/ Thèm chồng”, “mùa thụ phấn”, giao hoan”, “hợp cẩn”… Tuy nhiên,

tính dục, cũng như con dao hai mặt chứa đựng rất nhiều vấn đề. Tác giả có quyền khai thác, nhưng phải biểu hiện nó như thế nào để trở thành khát vọng nhân văn đẹp đẽ, còn, nếu lạm dụng nó để tạo sự nổi bật nhất thời thì sẽ trở thành phản cảm và giết chết tính thẩm mĩ của văn chương.

Người đàn bà trong thơ Miên Di cũng mang trong mình khát khao nồng nàn như thế nhưng được biểu hiện khá kín đáo và tế nhị với những hình ảnh vô cùng gợi cảm và tinh tế:

“con mèo cái cào vào đêm

tiếng gọi tình có vuốt lạnh

cánh cổng gia phong khép hờ

kẽo kẹt trêu

người đàn bà xõa tuổi vào khuya đếm tóc rụng

đêm nạ dòng chó sủa ma dị nghị

bụi chuối sau hè đau đẻ

cựa mình rên”

Người phụ nữ ấy một lần nữa vẫn đứng giữa ranh giới của khát vọng và bổn phận, vừa muốn bước qua, lại vừa không rũ bỏ được những rằng buộc quanh mình. Sự lựa chọn phân vân ấy là cả quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ để mỗi đêm khuya, cái tôi đa đoan lại vẫn cứ trở mình đớn đau như thế. Có một nỗi buồn mang tên từ quá khứ còn vấn vương, sự nuối tiếc cũng chẳng thể gọi thành lời, mãi vẫn chỉ là những ẩn ức ngày càng dày thêm, mà chỉ cần tác động nhẹ thôi, nỗi đau cũng lại sẽ cựa mình nhức nhối: “ô cửa mang vết

bụi hôm nay/ em lau thấy nỗi buồn ngày xưa ấy/ trong im lặng tiếng một cành cây gãy/ gọi cơn đau/ gọi vết sẹo mọc mầm” (chiếc chìa khóa mọc mầm).

Và, ẩn sau những muộn phiền trăn trở tiếc nuối của người phụ nữ ấy, là câu chuyện về một tình duyên lỡ dở. Nhân vật “em” trong sáng tác trữ tình, là hình ảnh người phụ nữ mang nội tâm giằng xé dai dẳng, quyết liệt giữa tình yêu và bổn phận. Đó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ trong tâm hồn, tình yêu thì mãnh liệt, nhưng cũng chẳng thể vượt qua được bổn phận nặng nề. Người phụ nữ trong đêm tối vẫn hát khúc đa đoan của một đời trắc trở. Đằng sau hạnh phúc giả với nghĩa vụ trọn vẹn ban ngày, nỗi cô đơn cháy lòng lại đến mỗi đêm khuya, từng đêm mất ngủ để trải lòng mình, mà cuối cùng, vẫn chìm vào vô vọng. Tình yêu là tiếng gọi vô cùng mãnh liệt, mà mỗi bước chân trong đêm tối lại tìm về, nhưng lí trí, thì lại ngăn rào làm nên nội tâm giằng xé, nửa muốn đi, nửa lại sợ tâm hồn kéo mình đi lạc: “khi mất ngủ em sợ

những sợi dây/ sợ con đường gọi chân mình đi lạc/ sợ sớm mai tiếp sau ngày tháng nhạt/ sợ bóng đèn hiu hắt sưởi ngã tư” bởi, đó đã là một tình duyên lỡ

dở, để chỉ nghĩ đến thôi, đã trở thành một lỗi lầm: “mỗi ý nghĩ về nhau là hai

lần phạm lỗi/ đêm càng khuya càng cạn đến ban ngày”.

Đau khổ nhất trong cuộc đời là những duyên phận éo le, tình thì mãnh liệt mà chẳng thể đến bên nhau trong suốt cuộc đời để dằn vặt day dứt tâm hồn suốt đời còn lại. Và, không phải ai cũng đủ sức mạnh để cắt đứt sợi dây

bổn phận, đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Chính vì thế, nỗi đau vẫn được ẩn giấu bên trong lặng thầm mà dai dẳng, cắt cứa đến rỉ máu những trái tim đa cảm: “có lần em hỏi một mầm cây/ cùng mất ngủ bên cạnh hàng rào những

điều không tự nhủ/ em chợt biết mỗi lần nảy hạt/ có toác mầm nào chẳng đớn đau đâu/ có lần em hỏi bóng cây/ luôn ngả bóng vẫn không thể hai miền tỏa mát/ lặng lẽ để đêm về mờ nhạt/ xanh bên này đành xơ xác mảnh buồn kia”.

Hình ảnh người đàn bà mất ngủ là hình ảnh tạo được nhiều ấn tượng sâu sắc trong thơ Miên Di. Sự đấu tranh ấy lúc nào cũng dai dẳng và đớn đau như thế trong tận tâm khảm. Đó, vừa là người phụ nữ tha thiết yêu và được yêu, lại cũng là người phụ nữ luôn làm tròn nghĩa vụ và bổn phận của người vợ, người mẹ trong đời thường. Tất nhiên, cả hai sẽ chẳng bao giờ được vẹn toàn vì mối tình đã dở dang, nên, nỗi đau lại càng nhức nhối, và mỗi đêm, lại là một lần mất ngủ đớn đau.

Hình ảnh người phụ nữ đa đoan chính là một phần mảnh ghép tạo nên hình tượng người tình đặc sắc trong thơ Miên Di. Đó, là người phụ nữ với nội tâm sâu sắc luôn chất chứa những muộn phiền trăn trở về một mối tình lỡ dở trái ngang. Đó, là người phụ nữ khát khao yêu nhưng cũng không thể cho phép mình vượt qua hàng rào bổn phận. Người phụ nữ sống trong từng đêm tối, dằn vặt nỗi đau đến tận cùng mà không thể tự tìm lối thoát những quẩn quanh.

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ MIÊN DI (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(106 trang)
w