Sự cần thiết của việc điều chỉnh pháp luật đối với tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam và Trung Quốc

Một phần của tài liệu So sánh pháp luật Việt Nam và Trung Quốc về giải quyết tranh chấp lao động Luận văn ThS. Luật (Trang 36)

lao động và giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam và Trung Quốc

Điều chỉnh pháp luật được hiểu là việc Nhà nước dùng pháp luật, dựa vào pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động vào các quan hệ xã hội nhằm tạo lập trật tự xã hội theo ý chí của Nhà nước. Tranh chấp lao động là hiện tượng kinh tế xã hội khách quan trong nền kinh tế thị trường. Tính chất phức tạp của tranh chấp lao động yêu cầu cần có sự điều chỉnh pháp luật để hạn chế những tác động tiêu cực của nó, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Thực tế cho thấy, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng cần có sự điều tiết của Nhà nước bằng pháp luật để giải quyết những vấn đề mà tự thân cơ chế kinh tế của quốc gia không thể giải quyết được [26 - tr. 227]. Ở Trung Quốc và Việt Nam cũng vậy, điều chỉnh pháp luật đối với việc giải quyết tranh chấp lao động là yêu cầu mang tính khách quan. Khi điều chỉnh vấn đề giải quyết tranh chấp lao động, pháp luật bảo vệ và định hướng cho sự phát triển của các quan hệ này theo ý chí chủ quan của Nhà nước, tạo khung pháp lý để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tranh chấp lao động.

Có thể nói, tại Việt Nam và Trung Quốc, điều chỉnh pháp luật đối với việc giải quyết tranh chấp lao động là nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động và không đi ngược lại lợi ích chung của xã hội và không trái với xu thế phát triển của các quan hệ lao động. Mặt khác, các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động chỉ được bảo đảm trên thực tế nếu được Nhà nước đảm bảo về mặt pháp lý trong việc thực hiện. Sự can thiệp của Nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật sẽ góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động, bởi đảm bảo bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để các quyền con người, quyền

34

công dân được thực hiện. Như vậy, pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động trong sự vận động và phát triển của quan hệ lao động. Đặc biệt, trong điều kiện cung cầu lao động bị mất cân đối, người lao động bị đẩy vào thế yếu, việc quy định rõ ràng, cụ thể, đầy đủ, phù hợp với thực tế… của các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ người lao động, nhất là ở các quốc gia có lực lượng lao động lớn như Trung Quốc hay Việt Nam.

Bên cạnh việc bảo vệ các quyền và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động của Trung Quốc và Việt Nam còn góp phần quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích của toàn xã hội với lợi ích của riêng lẻ các cá nhân và tổ chức trong xã hội. Với những quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp, hệ thống các cơ quan tham gia giải quyết tranh chấp…, pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động góp phần giải quyết một cách triệt để, nhanh chóng, khách quan các xung đột về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Điều này góp phần hạn chế và ngăn chặn các hành vi có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội như đình công. Pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động của Việt Nam và Trung Quốc còn định hướng hành vi của các bên trong quá trình tranh chấp phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Tranh chấp lao động là sự xung đột kinh tế giữa những người sử dụng lao động và người lao động, do đó khi giải quyết tranh chấp lao động phải tập trung giải quyết mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên. Nhưng quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động luôn có mối quan hệ và nằm trong tổng thể các quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội. Do đó, tranh chấp lao động xảy ra không chỉ làm thiệt hại tới lợi ích của các bên trong quan hệ lao động, mà còn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và các ngành kinh tế khác,

35

ảnh hưởng tới sự vận động, phát triển và ổn định chung của nền kinh tế và xã hội của hai quốc gia.

Xuất phát từ những phân tích trên, có thể thấy rõ ràng rằng việc xây dựng pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam và Trung Quốc là điều tất yếu và cần thiết.

Một phần của tài liệu So sánh pháp luật Việt Nam và Trung Quốc về giải quyết tranh chấp lao động Luận văn ThS. Luật (Trang 36)