Kinh nghiệm của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Pháp luật về đánh giá tác động môi trường trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam. ThS. Luật (Trang 34)

Trong những năm gần đây, công tác BVMT của Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là đã ban hành được một hệ thống văn bản pháp luật về BVMT “đồ sộ”, trong đó có Luật ĐTM. Luật này được thông qua ngày 28/10/2002 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2003. Đây là một văn bản khá hoàn chỉnh quy định về công tác ĐTM bao gồm 5 chương, 38 điều. Các quy định của Luật này mang “hơi thở” của thời đại và có nhiều điểm tiến bộ mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo.

Tại Điều 3 Luật ĐTM đã quy định:

“Khi xây dựng các chương trình quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc xây dựng dự án đầu tư trong phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hoặc trong các vùng biển thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phải tiến hành ĐTM theo quy định của Luật này”.

Như vậy, tất cả các dự án đầu tư thực hiện trên lãnh thổ hoặc vùng biển của Trung Quốc đều phải thực hiện ĐTM. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ ảnh

hưởng tới môi trường mà có thể ĐTM ở các cấp độ khác nhau như tại Điều 16 của Luật ĐTM quy định:

“Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trách nhiệm phân loại các dự án đầu tư theo mức độ ảnh hưởng tới môi trường khi dự án được thực hiện. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo ĐTM, các hình thức báo cáo, mẫu đăng ký ĐTM theo nguyên tắc sau:

a. Nếu dự án ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường thì chủ đầu tư phải lập báo cáo ĐTM đầy đủ.

b. Nếu dự án ảnh hưởng ít nghiêm trọng tới môi trường thì chủ đầu tư phải xây dựng một chương về ĐTM trong hồ sơ trình thẩm định.

c. Nếu dự án ít ảnh hưởng đến môi trường thì chủ đầu tư không phải lập báo cáo ĐTM nhưng phải đăng ký ĐTM theo mẫu quy định.

Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chịu trách nhiệm lập Danh mục dự án phải lập loại ĐTM nào”.

Quy định này của Trung Quốc khá tiến bộ và cũng tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Một điểm tiến bộ nữa của Luật ĐTM Trung Quốc mà chúng ta không thể không nhắc tới là cơ quan có thẩm quyền thẩm định ĐTM. Theo quy định tại Điều 19 Luật ĐTM thì chủ dự án có thể thuê một tổ chức thẩm định độc lập thẩm định báo cáo ĐTM. Tổ chức này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định của mình. Văn bản thẩm định sẽ là một trong những tài liệu bắt buộc phải có trong thành phần hồ sơ báo cáo ĐTM gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt. Như vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không trực tiếp đứng ra thẩm định báo cáo ĐTM mà chỉ thẩm tra,

phê duyệt báo cáo ĐTM. Quy định này không những giúp giảm tải được một lượng lớn công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường mà còn tạo thêm nhiều việc làm mới cho xã hội đó là các thẩm định viên ở các tổ chức thẩm định độc lập. Hơn nữa, khi có các tổ chức thẩm định độc lập thì sẽ hạn chế được một số tiêu cực phát sinh trong quá trình thẩm định.

Ở Việt Nam, tại Điều 18 của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP quy định cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM là Bộ TN&MT, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) cấp tỉnh. Cũng tại Điều này đã quy định việc thẩm định có thể thông qua hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định. Như vậy, thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM ở Việt Nam là các cơ quan nhà nước trong khi ở Trung Quốc là các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định.

Ngoài ra, việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt ĐTM cũng là một trong những “điểm sáng” của Luật ĐTM Trung Quốc. Tại Điều 23 Luật ĐTM quy định Bộ Môi trường chỉ thẩm tra, phê duyệt báo cáo ĐTM đối với loại dự án sau:

“- Dự án xây dựng cơ sở hạt nhân và các dự án bí mật quốc gia

- Dự án xây dựng nằm trên 2 tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên”

Đối với các dự án không quy định tại Điều này thì tuân theo quy định tại văn bản của các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Quy định này cho thấy Trung Quốc đã phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới trong công tác thẩm tra, phê duyệt báo cáo ĐTM.

Trong khi đó, ở Việt Nam Bộ TN & MT thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM tới 11 loại dự án (Phụ lục III Ban hành kèm theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP). Chính quy định này của Việt Nam đã khiến cho Bộ TN&MT luôn trong tình trạng quá tải. Bởi vì, Bộ không chỉ có trách nhiệm thẩm tra, phê duyệt các báo cáo ĐTM mà còn có trách nhiệm tổ chức thẩm định.

Như vậy, qua phân tích, nghiên cứu, so sánh ở trên ta thấy pháp luật về ĐTM trong hoạt động đầu tư của Trung Quốc có nhiều điểm tiến bộ. Việc ban hành một đạo luật riêng về ĐTM đã cho thấy Nhà nước Trung Quốc rất coi trọng công tác này. Đây chính là một trong những bài học kinh nghiệm đáng quý cho Việt Nam khi xem xét hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường nói chung và pháp luật về ĐTM trong hoạt động đầu tư nói riêng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về đánh giá tác động môi trường trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam. ThS. Luật (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)