Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng là việc người phải cấp dưỡng kết thúc, không tiếp tục thực hiện việc đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Theo quy định tại Điều 61 – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Điều 118 – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động
Về nguyên tắc, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ đặt ra khi người được cấp dưỡng là người chưa thành niên hoặc là người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Vì vậy, khi người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động thì họ không được cấp dưỡng nữa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người đã thành niên và có khả năng lao động, song vẫn không đủ thu nhập để tự nuôi mình. Về nguyên tắc những người này sẽ không được cấp dưỡng nữa. Việc cấp dưỡng (nếu được thực hiện) là xuất phát trên cơ sở đạo đức, phong tục tập quán và tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng.
- Người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình
Khi có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình, người được cấp dưỡng không còn lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu nên việc cấp dưỡng là không còn cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp này nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ chấm dứt nếu người được cấp dưỡng không phải là con của người cấp dưỡng. Nghĩa là giữa họ không có quan hệ cha, mẹ, con. Nếu người được cấp dưỡng là con chưa thành niên thì mặc dù có tài sản riêng nhưng cha mẹ vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, do đó vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi
Khi được nhận làm con nuôi, giữa cha mẹ nuôi với người được cấp dưỡng sẽ phát sinh quan hệ cha, mẹ và con nên cha mẹ nuôi sẽ có nghĩa vụ nuôi dưỡng con nuôi nên không cần phải có người khác cấp dưỡng.
- Người được cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi người có nghĩa vụ nuôi dưỡng không trực tiếp nuôi dưỡng người mà mình có nghĩa vụ nuôi dưỡng do hai người không sống chung. Khi người có nghĩa vụ nuôi dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người kia thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt.
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng đã chết
Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ tài sản gắn liền với nhân than giữa các thành viên trong gia đình, dựa trên cơ sở hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng được thực hiện giữa các chủ thể đó với nhau nên không thể chuyển giao cho người khác. Do đó khi một bên (người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng) chết thì quan hệ cấp dưỡng chấm dứt.
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác
Trường hợp người được cấp dưỡng sau ly hôn mà kết hôn với người khác thì nghĩa vụ cấp dưỡng cũng được chấm dứt. Bởi vì khi người được cấp dưỡng đã kết hôn với người khác thì vợ hoặc chồng mới của họ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng họ chứ không phải vợ hoặc chồng cũ. Do vậy, việc cấp dưỡng trong trường hợp này được chấm dứt.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật
Ngoài các trường hợp trên, nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể chấm dứt khi người phải cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế và không thể có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Xác định tình trạng khó khăn về sức khỏe của người phải cấp dưỡng dựa vào tình trạng sức khỏe, khả năng lao động và mức thu nhập của người đó. Nếu một người trước đây có sức khỏe, có khả năng lao đọng và có thu nhập nên được xác định là có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng nay tình trạng sức khỏe của họ giảm sút, nếu họ tiếp tục phải cấp dưỡng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính họ. Đối với những trường hợp này, nghĩa vụ cấp dưỡng của họ bị chấm dứt hoặc có thể tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì vấn đề cấp dưỡng giữa vợ và chồng được thực hiện theo khả năng thực tế của các bên, nên khi không đáp ứng được các điều kiện theo quyết định của pháp luật thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ được chấm dứt.
Ví dụ: người có nghĩa vụ cấp dưỡng đau ốm, tai nạn hoặc mất việc không có hoặc không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nữa.