Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Ngay từ khi ra đời, Nhà nước ta đã chú trọng xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, trong đó có pháp luật về hôn nhân và gia đình. Chế định về cấp dưỡng sau ly hôn từ Cách mạng tháng Tám đến nay được chia làm 3 giai đoạn tương ứng với sự phát triển của Luật Hôn nhân và gia đình.
- Từ năm 1945 đến năm 1954
Năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử lập hiến ở nước ta. Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận quyền bình đẳng giữa nam, nữ về mọi mặt tạo cơ sở pháp lý để ban hành các Sắc lệnh đầu tiên điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, từng bước xóa bỏ những quy định lạc hậu của chế độ cũ. Sự ra đời của Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 và Sắc lệnh số 159 ngày 17/11/1950 đã đánh dấu bước khởi đầu của pháp luật về hôn nhân và gia đình trong chế độ mới.
Sắc lệnh số 97/SL gồm có 15 điều, trong đó có 8 điều quy định về hôn nhân và gia đình, thừa nhận quyền bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình, xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, được quy định tại Điều 4, 5, 6 của Sắc lệnh. Đây là điểm tiến bộ trong pháp luật hôn nhân gia đình trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, Sắc lệnh số 97/SL chỉ dừng lại ở việc ghi nhận sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng mà chưa đề cập đến vấn đề ly hôn và hậu quả pháp lý của ly hôn trong đó có vấn đề cấp dưỡng sau ly hôn. Những hạn chế này đã được khắc phục trong Sắc lệnh số 159/SL với những quy định thừa nhận nguyên tắc tự do hôn nhân cùng với việc quyền lợi của người phụ nữ có thai và thai nhi, con chưa thành niên khi ly hôn. Điều 6 - Sắc lệnh số 159 quy định: “Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi của các con vị thành niên để ấn định việc trông nom, nuôi nấng và dạy dỗ chúng; hai vợ chồng đã ly hôn phải cùng chịu phí tổn về việc nuôi dạy con, mỗi người tùy theo khả năng của mình” [5, Điều 6]. Như vậy, pháp luật về ly hôn và hậu quả pháp lý của ly hôn trong giai đoạn này đã phần nào xóa bỏ chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến lạc hậu, giải phóng người phụ nữ khỏi sự ràng buộc khắt khe, không tôn trọng quyền lợi chính đáng của họ, quyền lợi của người phụ nữ và con chưa thành niên khi cha mẹ ly hôn được đảm bảo. Tuy nhiên chưa có quy định việc bảo
vệ quyền lợi của con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, đây là một điểm hạn chế của pháp luật thời kỳ này.
- Từ năm 1954 đến năm 1975
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi năm 1954, tuy nhiên đất nước ta vẫn tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác biệt: miền Bắc được giải phóng bước vào thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ở miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Sắc lệnh số 97/SL và Sắc lệnh số 159/SL đã hoàn thành sứ mệnh của mình tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Vì vậy, “việc ban hành một đạo luật mới về hôn nhân và gia đình đã trở thành đòi hỏi cấp bách của toàn xã hội. Đó là tất yếu khách quan thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta” – Công báo số 1 năm 1960.
Hiến pháp năm 1959 ra đời, ghi nhận quyền bình đẳng nam nữ về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành một đạo luật mới về hôn nhân gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 dành một chương riêng để quy định về ly hôn và hậu quả pháp lý của ly hôn với những quy định khác hẳn với pháp luật trước kia.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 ghi nhận nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của con sau ly hôn tại Điều 31, 32, 33 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959: vợ chồng khi ly hôn vẫn có mọi nghĩa vụ và quyền lợi đối với con chung: việc giao con cho ai trông nom, nuôi dưỡng và giáo dục con chưa thành niên phải căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con hay việc đóng góp phí tổn nuôi con…
Về cấp dưỡng giữa vợ, chồng thì pháp luật ghi nhận nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn “nếu một bên gặp khó khăn, túng thiếu, yêu cầu cấp dưỡng thì bên kia phải cấp dưỡng tùy theo khả năng của minh” [17, Điều 30].
Như vậy, so với Sắc lệnh số 97/SL và Sắc lệnh số 159/SL thì những quy định này của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đã đầy đủ và cụ thể hơn, thể hiện sự tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn còn mang tính khái quát, chưa quy định cụ thể việc bảo vệ quyền lợi của con đã thành niên không có khả năng lao động. Có thể nói đây là bước phát triển của pháp luật hôn nhân và gia đình, là cơ sở để từng bước xây dựng và phát triển ngành luật hôn nhân và gia đình trong hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa của Nhà nước ta.
Ở miền Nam, sau năm 1954 đế quốc Mỹ thay chân Pháp nhảy vào xâm lược nước ta, tiến hành chính sách thực dân kiểu mới. Chế độ hôn nhân và gia đình được áp dụng ở miền Nam trong giai đoạn này thể hiện qua ba văn bản: Luật Gia đình (Luật số 1/59), Sắc luật số 15/64, Bộ luật dân sự Sài Gòn năm 1972. Trong đó, việc giải quyết hậu quả của ly hôn chủ yếu dựa trên yếu tố lỗi của các bên vợ chồng như người có lỗi phải cấp dưỡng cho người kia hay người không có lỗi đương nhiên được nuôi con dưới 16 tuổi…
Dưới thời Ngô Đình Diệm, Luật số 1/59 có những quy định về quyền bình đẳng của người phụ nữ, người vợ trong gia đình, bãi bỏ chế độ đa thê những đạo luật này chỉ quy định về ly thân còn vấn đề ly hôn thì quy định tại Điều 55 như sau: “Cấm chỉ vợ chồng ruồng bỏ nhau và sự ly hôn”, trừ trường hợp do Tổng thống quyết định. Do đó không đặt ra vấn đề hậu quả của ly hôn nói chung và vấn đề cấp dưỡng sau ly hôn nói riêng.
Sau khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Luật số 1/59 được thay thế bằng Sắc luật số 15/64 ngày 23/7/2964. Sắc luật số 15/64 có quy định về vấn đề ly hôn giữa vợ và chồng cũng như giải quyết ly hôn và hậu quả của nó. Theo quy định của Sắc luật số 15/64, quan hệ vợ chồng chấm dứt bằng ly hôn, vấn đề cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn được đặt ra nhưng người có có lỗi phải cấp dưỡng cho người hôn phối không có lỗi, hay việc giải quyết mối quan hệ giữa cha mẹ và con cũng căn cứ trên cơ sở lỗi
của hai vợ chồng nên người không có lõi sẽ đương nhiên được quyền nuôi con dưới 16 tuổi, quyền thăm nom, cấp dưỡng cho con thuộc về người kia. Nhìn chung, Sắc luật số 15/64 đã xóa bỏ những quy định không hợp lý của Luật số 1/59 những cũng chưa quy định một cách rõ ràng việc bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên hôn phối và của con cái.
Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cho soạn thảo, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội nhằm phục vụ cho sự cầm quyền của mình. Bộ Dân luật năm 1972 ra đời thay thế Sắc luật số 15/64. Bộ Dân luật năm 1972 coi ly hôn là một chế định do dân luật điều chỉnh nhưng về cơ bản dựa trên các quy định của Sắc luật 15/64. Theo đó, vấn đề cấp dưỡng được đặt ra nhưng có sự phân biệt giữa tiền cấp dưỡng mà người có lỗi phải trả cho người vô tội với tiền cấp dưỡng được ấn định trong thời gian làm thủ tục ly hôn. Bộ Dân luật năm 1972 quy định: “Tòa án có thể buộc người hôn phối có lỗi trong việc ly hôn phải cấp dưỡng cho người kia tùy theo tư lực của mình …” [1, Điều 197].
Tựu chung lại, pháp luật hôn nhân và gia đình áp dụng ở miền Nam thời kỳ này ra đời trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, các phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, và đó là công cụ để bảo vệ của chính quyền phản động tay sai. Vì vậy, các văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình do chính quyền ngụy Sài Gòn ban hành thời kỳ này đều bảo vệ quyền lợi của người gia trưởng, thực hiện nguyên tắc bất bình đẳng giữa vợ chồng, có sự phân biệt giữa các con nhằm bảo vệ nhà nước phản động mị dân đi ngược lại với lợi ích của nhân dân ta.