Thay đổi việc thực hiện cấp dưỡng

Một phần của tài liệu Cấp dưỡng sau ly hôn theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 49)

Trong thực tiễn, việc thực hiện các quy định pháp luật không phải lúc nào cũng xảy ra một cách thuận lợi mà có thể vì những lý do khách quan, việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trở nên khó khăn như người có nghĩa vụ không phải lúc nào cũng có thu nhập ổn định để thực hiện nghĩa vụ, người được cấp dưỡng không phải lúc nào cũng sống ổn định với số tiền được cấp dưỡng. Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ này luôn luôn thay đổi theo hoàn cảnh trong cuộc sống của người cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Vì thế các nhà làm luật đã dự kiến các trường hợp đó và kịp thời điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tốt, đảm bảo cuộc sống của các bên tham gia quan hệ cấp dưỡng.

- Thay đổi về phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Cũng chính vì nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ nhân thân có tính tài sản, việc thực hiện xong nghĩa vụ cấp dưỡng một lần không hoàn toàn đồng nghĩa với việc chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các bên với nhau. Thông thường cấp dưỡng một lần được thực hiện xong, nghĩa vụ cấp dưỡng của người cấp dưỡng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định như đã phân tích ở trên, người cấp dưỡng vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng bổ sung. Điều này là cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người được cấp dưỡng trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là đối với con chưa thành niên.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:

Các bên có thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm dừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng: nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết [20, Điều 54].

Quy định này đảm bảo tính khả thi của việc cấp dưỡng.

Xuất phát từ quan điểm và lối sống của người Việt Nam là tình nghĩa và tinh thần đùm bọc nhau lúc khó khăn. Do vậy, việc thay đổi vấn đề cấp dưỡng được quy định, mà ở đây là việc bổ sung cấp dưỡng khi người được cấp dưỡng có khó khăn trầm trọng xảy ra. Tuy nhiên, về mặt nguyên lý, nếu việc bổ sung cấp dưỡng được thực hiện thì việc “cấp dưỡng một lần” sẽ không có ý nghĩa. Cấp dưỡng một lần được hiểu là sau khi hoàn thành việc cấp dưỡng thì sẽ chấm dứt hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng. Việc thay đổi cấp dưỡng đặc biệt là việc tạm dừng cấp dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người được cấp dưỡng nên được tòa xem xét thận trọng, chỉ nên cho phép tạm dừng cấp dưỡng khi sự khó khăn kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng là có thật và vì những lý do chính đáng (như bị mất mùa, bị thiên tai, hỏa hoạn, ốm đau, tai nạn …).

- Thay đổi về mức cấp dưỡng

Mức cấp dưỡng được thỏa thuận hoặc được ấn định bằng con đường tư pháp không nhất thiết được cố định trong suốt thời gian cấp dưỡng. Khoản 2 – Điều 53 – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Khoản 2 – Điều 116 – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết” [24, Điều 116]. Lý do chính đáng rất đa dạng: bị tai nạn, ốm đau, hoàn cảnh sống thay đổi… nhưng chưa có quy định nào quy định cụ thể lý do chính đáng trong trường hợp này là thế nào. Ví dụ như trong trường hợp mức sống ở địa phương thay đổi mà mức cấp dưỡng không thay đổi thì sẽ dẫn đến không đảm bảo được nhu cầu thiết yếu, cuộc sống ổn định cho người được cấp dưỡng.

- Tạm ngừng cấp dưỡng

Việc tạm ngừng cấp dưỡng có thể được chấp nhận trong trường hợp chính người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Mặt khác cũng cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn về thời gian tạm dừng cấp dưỡng. Việc tạm dừng cấp dưỡng không thể kéo dài mà chỉ có thể cho phép tạm dừng trong một khoản thời gian nhất định. Vì vậy, pháp luật nên quy định một khoản thời gian tối đa được phép tạm dừng cấp dưỡng sao cho không ảnh hưởng đến cuộc sống của người được cấp dưỡng.

Một phần của tài liệu Cấp dưỡng sau ly hôn theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)