Về thời điểm kết thúc cấp dưỡng nuôi con

Một phần của tài liệu Cấp dưỡng sau ly hôn theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 69)

- Trong quá trình áp dụng pháp luật về cấp dưỡng sau ly hôn vào thực tế xét xử các vụ án cho thấy nhiều bản án, quyết định của Tòa án tuyên một cách chung chung: “... có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 500.000

đồng cho đến khi cháu N trưởng thành, tự lập được”. Vấn đề ở đây là khi Tòa án tuyên như vậy thì khi nào được coi là con chưa thành niên đã trưởng thành. Theo quy định tại Khoản 1- Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Khoản 1 – Điều 118 – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: “1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động…”. Theo Bộ luật dân sự năm 2005 thì “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người đã thành niên, người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên” [21, Điều 18]. Như vậy, căn cứ vào hai điều luật này chúng ta thấy nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên của người có nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt vào thời điểm người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động tức là thời điểm người được cấp dưỡng đủ mười tám tuổi và có khả năng lao động.

Có nhiều cách hiểu và áp dụng Khoản 1- Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Khoản 1 – Điều 118 – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa thống nhất, nên có những khó khăn nhất định trong việc Toà án đưa ra phán quyết chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp dưỡng.

- Theo như Điều 56 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con…” [20, Điều 56] và Điều 61 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong trường hợp: “người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động” [20, Điều 61]. Vậy theo như hai quy định trên thì khi cha mẹ ly hôn, con chưa thành niên luôn nhận được sự cấp dưỡng từ cha hoặc mẹ, có phải điều đó đều đúng trong mọi trường hợp không? Thực tế một số vụ việc ly hôn, không phải tất cả mọi trường hợp có con chưa thành niên thì Tòa án sẽ phán quyết cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Ví dụ: Anh Nguyễn Trọng Thành và chị Nguyễn Thị Yến kết hôn năm 1988, có hai người con là cháu Nguyễn Trọng Công sinh năm 1990 và cháu Nguyễn Thị Kim Oanh sinh năm 1993, cháu Công đã đi học nghề và làm thêm với mức lương 800.000 đồng/tháng. Năm 2007, anh chị có yêu cầu Tòa án cho ly hôn. Tại bản số 02/2007/HNGĐ ngày 10/10/2007 của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa anh Nguyễn Trọng Thành và chị Nguyễn Thị Yến.

Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định: Giao hai cháu cho chị Nguyễn Thị Yến nuôi dưỡng và chăm sóc. Anh Thành có trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Thi Kim Oanh với mức 250.000 đồng/tháng, còn cháu Nguyễn Trọng Công (do đã đi làm và có thu nhập ổn định có thể tự lo cho cuộc sống của mình) do vậy anh Thành không phải cấp dương nuôi cháu.

Nếu căn cứ vào quy định của pháp luật thì cháu Công chưa đủ 18 tuổi, vẫn được cấp dưỡng, nhưng do cháu đã đi làm và có thu nhập ổn định nên Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào đã không đưa cháu vào diện được cấp dưỡng. Trong trường hợp này có thể thấy Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo như quy định của Bộ Luật lao động thì mức lương tối thiểu phải trả cho người lao động là 750.000 đồng/tháng - đây là mức lương đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho một người. Như vậy, cháu Công với mức lương 800.000 đã có khả năng để lo cho cuộc sống của mình, dù không có sự trợ cấp từ phía anh Thành thì cuộc sống của cháu không vì thế mà rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác anh Thành về mặt kinh tế cũng không dư dả lắm. Vì vậy, phán quyết của Tòa án huyện Mỹ Hào Tỉnh Hưng Yên đưa ra là đúng, nó phù hợp với điếu kiện thực tế của cả hai phía và không gây ảnh hưởng khó khăn hay trở ngại cho cháu Công cũng như anh Thành.

Về nguyên tắc nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ đặt ra khi người con là người chưa thành niên hoặc người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản nuôi mình. Vậy khi con đã thành niên và có khả năng lao động thì cha hoặc mẹ - người không trực tiếp nuôi con sẽ không phải cấp dưỡng nuôi con nữa. Trên thực tế, cho thấy không phải người đã thành niên nào cũng có khả năng lao động để tự nuôi bản thân. Ví dụ như thực tế cho thấy có nhiều trường hợp sinh viên đi làm thêm hưởng lương nhiều hơn lương của cha mẹ họ, nhưng không phải bất cứ sinh viên nào cũng có thể làm thêm và kiếm được nhiều tiền để tự lo cho cuộc sống của mình. Ví dụ: thời gian học không cho phép làm thêm; không xin được việc làm thêm, vì thế mà họ vẫn cần được cha mẹ cấp dưỡng.

- Thông thường một người mắc bệnh tâm thần không thể xác định được lúc nào người ấy khỏi bệnh và như vậy khó có thể biết được thời điểm nào nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt. Trường hợp này trong các bản án hay quyết định của Toà án không nên tuyên thời hạn chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng.

Ví dụ: Trong bản án số 58/2006/HNGĐ ngày 23/10/2006 của TAND huyện Q Tỉnh T đã xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa anh Phạm Ngọc T và chị Nguyễn Kiều C. Anh chị kết hôn năm 1997 và có một người con chung là cháu Phạm Văn M sinh năm 1997, cháu M hiện đang mắc bệnh tâm thần (Có giấy chứng nhận của bệnh viện)

Tòa án nhân dân huyện Q Tỉnh T đã ra quyết định: Xử ly hôn giữa anh Phạm Ngọc T và chị Nguyễn Kiều C. Về con chung: Giao chị Nguyễn Kiều C trực tiếp nuôi cháu Phạm Văn M. Anh Phạm Ngọc T có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi cháu Phạm Văn M mỗi tháng 300.000 đồng/tháng kể từ tháng 10/2006 đến khi cháu Phạm Văn M tròn 18 tuổi.

Trong trường hợp này Tòa án nhân dân huyện Q Tỉnh T tuyên thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của anh Phạm Ngọc T là sai.

Căn cứ vào Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì dù cháu Phạm Ngọc M đã thành niên (tròn 18 tuổi) mà M vẫn mắc bệnh tâm thần thì có quyền nhận sự cấp dưỡng từ phía anh Phạm Ngọc T. Trách nhiệm cấp dưỡng cho cháu M của anh chỉ chấm dứt khi cháu tròn 18 tuổi và điều quan trọng là M phải khỏi bệnh.

Tòa án nhân dân huyện Q Tỉnh T nên giải thích thêm nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho anh T hiểu ngay cả khi cháu M đã đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình. Đồng thời cần có giải thích về quyền xin thay đổi cấp dưỡng nuôi con của anh T khi cháu M khỏi bệnh. Như vậy quyền lợi của cháu M cũng như quyền lợi của anh T sẽ được đảm bảo.

Từ những phân tích trên, có thể thấy được pháp luật không thể nào dự liệu hết các trường hợp xảy ra trong thực tế. Chính vì vậy, khi xem xét, giải quyết sự việc Toà án nên căn cứ vào tình hình thực tế của các bên đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của con cái để đưa ra các phán quyết “ thấu tình đạt lý hơn”. Tuy rằng trên nguyên tắc, mọi phán quyết của Tòa án đều phải dựa trên cơ sở các quy định pháp luật, tuân thủ pháp luật nhưng với thực tế đa dạng thì trong một số trường hợp việc áp dụng các quy định pháp luật một cách linh hoạt nhằm đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên chủ thể cũng là một việc cần thiết.

Một phần của tài liệu Cấp dưỡng sau ly hôn theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 69)