Tình hình việc làm hiện nay

Một phần của tài liệu Phát huy nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa ở Hà Tĩnh hiện nay (Trang 46)

Những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành ở Hà Tĩnh đã rất quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Tỉnh đã xây dựng Chương trình quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 1998 - 2000 và giai đoạn 2001 - 2005. Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết số 10/TU ngày 21 tháng 4 năm 1998 về công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; Nghị quyết HĐND tỉnh khoá 13 kỳ họp bất thường ngày 23 - 24 tháng 4 năm 1998 về việc tăng cường thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; Nghị quyết 02/TU ngày 12 tháng 6 năm 2001 của Tỉnh uỷ về việc tiếp tục lãnh đạo chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị số 44 CT - TV ngày 03 tháng 12 năm 2003 về việc tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác xuất khẩu lao động cho nước ngoài; UBND tỉnh có Chỉ thị số 18 CT/UB ngày 29 tháng 11 năm 2002 về việc tăng cường quản lý và tổ chức công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh. Từ tỉnh đến huyện đều thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu lao động, có chương trình đề án triển khai đến các địa bàn và cơ sở.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, Hà Tĩnh đã củng cố hệ thống đào tạo nghề. Năm 1998 toàn tỉnh chỉ có một trường dạy nghề, đến năm 2003, Hà Tĩnh đã có 2 trường dạy nghề: Trường kỹ thuật Việt Đức, Trường

43

Kỹ nghệ và 1 phân hiệu của Trường Công nhân kỹ thuật gang thép Thái Nguyên đóng tại Hà Tĩnh (bình quân cả nước mỗi tỉnh chỉ có một trường dạy nghề). Có 3 trường trung học chuyên nghiệp tham gia dạy nghề: Trường Trung học nông nghiệp nông thôn, Trường Văn hoá nghệ thuật, Trường Trung học y tế tỉnh. Có 5 trung tâm dạy nghề giải quyết việc làm: Trung tâm dạy nghề thuộc Sở LĐ - TB & XH, Trung tâm dạy nghề thuộc Liên đoàn lao động tỉnh, Trung tâm dạy nghề thuộc Tĩnh đoàn, Trung tâm dạy nghề thuộc Hội liên hiệp phụ nữ và Trung tâm dạy nghề thuộc Thị xã Hà Tĩnh và 11 trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề ở 11 huyện, thị xã.

Những năm qua Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư toàn diện để giải quyết việc làm cho người lao động và bước đầu đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Hà Tĩnh đã có nhiều mô hình giải quyết việc làm được nhiều tỉnh đến học tập và được Bộ LĐ - TB & XH đánh giá rất cao. Mặc dù vậy, tình hình lao động việc làm ở Hà Tĩnh vẫn đang là vấn đề bức xúc, tỷ lệ lao động thiếu việc làm và thất nghiệp vẫn còn cao ở khu vực nông thôn và thành thị.

- Thiếu việc làm ở nông thôn:

Kết quả điều tra lao động việc làm 1998 - 2002 ở Hà Tĩnh cho thấy, năm 1998 tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là 26,54%, năm 2002 là 17%. Trong 5 năm qua tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn giảm được gần 10%. Ở các nhóm tuổi khác nhau tỷ lệ thiếu việc làm cũng khác nhau. Nhóm tuổi thiếu việc làm lớn nhất là nhóm tuổi 15 - 24. Năm 1998 nhóm tuổi này thiếu việc làm là 40,7%, năm 2002 là 34,03%. Nhóm tuổi 15 - 24 là lực lượng lao động mới bước vào độ tuổi lao động, phần lớn mới học xong phổ thông chưa qua đào tạo nghề nhưng họ lại muốn có đủ việc làm và thu nhập ổn định. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nhóm tuổi 15 - 24 đang chiếm tỷ lệ cao trên mức trung bình thiếu việc làm toàn tỉnh. Do đó cần phải quan tâm giải quyết việc làm cho nhóm tuổi này nhiều hơn để góp phần ổn định trật tự gia đình và xã hội. Nhóm tuổi 55 - 59 tỷ lệ thiếu việc làm chiếm tỷ lệ không lớn nhưng có xu hướng tăng

44

dần: năm 1998 là 2,19%, năm 2002 là 14,12%. Nhóm tuổi này tuy đã gần hết độ tuổi lao động nhưng có đủ việc làm đối với họ có ý nghĩa rất lớn, bởi vì phần lớn họ là những người chủ gia đình, đảm đương toàn bộ trách nhiệm kinh tế trong gia đình. Vì thế giải quyết việc làm cho nhóm tuổi này cũng không kém phần quan trọng. Nguyên nhân nhóm tuổi này thiếu việc làm có xu hướng ngày càng tăng là do ở nông thôn đang từng bước thực hiện cơ khí hoá, hiện đại hoá, lực lượng lao động thủ công đang chuyển dần sang lao động cơ khí. Mỗi gia đình ở nông thôn cố gắng lớn nhất chỉ mua được một công cụ cơ khí, họ đang ưu tiên cho tuổi trẻ quản lý điều hành.

- Thất nghiệp ở thành thị:

Cũng theo kết quả điều tra lao động việc làm của ngành LĐ - TB & XH Hà Tĩnh 1998 - 2002, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị năm 1998 là 6,1%, năm 2002 giảm xuống còn 4,06%. Bình quân 5 năm (1998 - 2002) tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,5% (bình quân cả nước 6%). Nhóm tuổi thất nghiệp lớn nhất là nhóm tuổi 15 - 24, năm 1998 là 68%, năm 2002 là 38,6%. Nhóm tuổi có tỷ lệ thất nghiệp ít nhất là nhóm tuổi 55 - 59, năm 1998 là 0,11%, năm 2002 là 1,2%. Nhóm tuổi 55 - 59 chiếm tỷ lệ thất nghiệp tuy nhỏ nhưng cũng đang có xu hướng tăng dần ở thành thị.

Để khắc phục tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn và thất nghiệp ở thành thị, thời gian qua Hà Tĩnh đã tiến hành nhiều giải pháp, đầu tư, tạo chổ việc làm mới, thành lập khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam, thành lập Thị xã Hồng Lĩnh, thực hiện Quyết định 120 của Chính phủ (Cho vay vốn giải quyết việc làm),v.v.. Với các giải pháp đó mỗi năm đã giải quyết việc làm nội tỉnh hơn 2 vạn người. Tỉnh đã thực hiện chính sách di dân phát triển kinh tế mới (Chương trình 135), mỗi năm giải quyết trên 4000 lao động có việc làm. Mặt khác, giải quyết việc làm ngoại tỉnh thông qua các trung tâm giải quyết việc làm và liên kết với các doanh nghiệp ngoại tỉnh đã thu hút được nhiều lao động đi làm việc ngoại tỉnh. Từ năm 1998 đến 2003 Hà Tĩnh đã có gần 15 nghìn lượt người xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Đáng chú ý là năm

45

2003 Hà Tĩnh có 7300 lượt người đi xuất khẩu lao động, chiếm 10% số đi xuất khẩu lao động cả nước. Số tiền người đi xuất khẩu lao động đưa về Tỉnh bình quân mỗi năm 400 tỷ đồng (gấp đôi thu ngân sách của tỉnh).

Nghiên cứu việc làm cho người lao động không chỉ ở nông thôn và

thành thị mà cần nghiên cứu tình hình thiếu việc làm ở các nhóm ngành kinh

tế khác. Bình quân 3 năm (1999 - 2001) thiếu việc làm ở nhóm ngành nông -

lâm - ngư là 80,4%; thiếu việc làm ở nhóm ngành công nghiệp, xây dựng là 7%; thiếu việc làm ở nhóm ngành dịch vụ là 12,6%. (Xem Phụ lục 5).

Tóm lại, tình hình thất nghiệp, thiếu việc làm ở Hà Tĩnh đang là một vấn

đề bức xúc cần phải có các giải pháp hữu hiệu. Bởi vì thất nghiệp, thiếu việc làm tác động lớn đến vấn đề kinh tế - xã hội, nó là gánh nặng đè lên vai xã hội và từng gia đình. Khi nền kinh tế không có khả năng tạo đủ việc làm cho những người có đủ khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, thì việc sử dụng không hết tiềm năng lao động sẽ mất đi lợi ích, tiềm năng của xã hội. Hậu quả kinh tế trực tiếp của nó có thể dễ dàng nhận thấy là mức tổng thu nhập và bình quân thu nhập đầu người ở Hà Tĩnh rất thấp, mức sống của người dân Hà Tĩnh chỉ đạt 3,6 triệu đồng/người/năm. Thực tế cho thấy rằng phần đông người thất nghiệp, thiếu việc làm đời sống hết sức khó khăn.

Thất nghiệp, thiếu việc làm còn dẫn tới mất cơ hội trau dồi, nắm bắt và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp có thể đạt được trong quá trình lao động. Mặt khác, đối với người đã được đào tạo, thất nghiệp, thiếu việc làm sẽ làm hao mòn và mất đi kiến thức, trình độ tay nghề vốn có.

Hậu quả của thất nghiệp có thể dẫn tới nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách con người, bởi vì lao động, việc làm không chỉ là nguồn gốc của thu nhập mà lao động là còn điều kiện để phát triển nhân cách, để khẳng định mình, là môi trường để giao tiếp. Thất nghiệp, thiếu việc làm còn ảnh hưởng tới việc đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội… Vậy nguyên nhân của thiếu việc làm ở Hà Tĩnh là do đâu?

46

- Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất nghiệp và thiếu việc làm:

Thứ nhất, sự bất cập giữa chất lượng và cơ cấu lao động với yêu cầu của thị trường lao động của Hà Tĩnh.

Sự bất cập về cung lao động với cầu lao động, theo kết quả điều tra dân

số năm 1999 mỗi năm Hà Tĩnh có gần 3 vạn người đến tuổi lao động và có nhu cầu lao động, nhưng Chương trình quốc gia giải quyết việc làm của tỉnh mỗi năm chỉ tạo ra được gần một vạn chổ làm việc, chưa đủ để giải quyết việc làm cho số lao động đến tuổi chứ chưa nói đến số lao động dôi dư từ trước đến nay chưa có việc làm có nhu cầu làm việc. Do vậy, tồn tại thất nghiệp và thiếu việc làm ở tỉnh là điều không thể tránh khỏi.

Sự bất cập còn diễn ra trong cơ cấu trình độ lao động. Tỷ lệ lao động

qua đào tạo còn rất thấp, mặt khác lại diễn ra sự bất cập giữa tỷ lệ lao động được đào tạo đại học, cao đẳng với công nhân kỷ thuật. Sự bất cập này dẫn đến cơ cấu giữa các loại lao động không hợp lý, không cân đối và không đáp ứng được thị trường lao động. Do đào tạo chưa có kế hoạch, đào tạo chưa gắn với sử dụng và quy hoạch đào tạo chưa được khảo sát đầy đủ với nhu cầu của thị trường cho nên nhiều lao động được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ vẫn không có việc làm. Một số lao động đào tạo không đồng bộ giữa lý thuyết, thực hành, không đảm bảo sức khoẻ, thể lực, nhiều lao động không được thị trường lao động sử dụng dẫn đến lao động có đào tạo nhưng vẫn thiếu hoặc không có việc làm.

Thứ hai, phân công lao động theo ngành và theo lãnh thổ (địa phương)

chưa hợp lý. Phân công lao động chủ yếu tồn tại tự nhiên từ trước đến nay để

lại, tỉnh chưa có chủ trương chính sách lớn để phân công lao động và điều tiết lao động giữa các ngành, các vùng lãnh thổ, giữa đồng bằng, trung du và miền núi. 90% lao động tập trung ở nông thôn. Lao động ở nông thôn chủ yếu là trồng trọt, lao động ở lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản còn chậm phát triển, lao động ở các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

47

Phân công lao động giữa các ngành, các thành phần kinh tế cũng không hợp lý, do lao động tập trung vào các ngành nông, lâm, ngư cho nên lao động công nghiệp, xây dựng, dịch vụ - thương mại chiếm tỷ lệ nhỏ.

Ở thành thị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển còn chậm, người lao động ở đô thị ít có cơ hội tìm việc làm nên cũng dẫn đến thất nghiệp.

Thứ ba, chính sách đầu tư chưa hợp lý. Hà Tĩnh còn là một trong những

tỉnh nghèo, trong lúc kinh tế - xã hội chưa phát triển nhưng việc đầu tư của tỉnh trong những năm qua còn dàn trải, manh mún, chưa tập trung vào đầu tư các công trình trọng điểm, các khu vực trọng điểm để phát triển kinh tế, thu hút lao động, giải quyết việc làm. Phần lớn đầu tư vào các cơ quan hành chính sự nghiệp như xây nhà làm việc, công sở, mua xe ô tô, ít đầu tư cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, nên việc tạo ra chổ làm việc mới còn hạn chế. Các khu công nghiệp mới hình thành, kinh phí đầu tư còn ít nên các công trình chậm đưa vào khai thác, sử dụng, do đó không có điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động. Chính sách thu hút, đầu tư chưa mạnh, chưa được Nhà nước quan tâm đầu tư lớn như một số tỉnh và thành phố khác. Việc đầu tư nước ngoài còn hạn chế, các nhà đầu tư chưa quyết tâm đầu tư vào Hà Tĩnh. Chính sách ưu đãi thuế, giá thuế đất, hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở, trợ giá vận chuyển sản phẩm hàng hoá ở miền núi, trung du còn hạn chế, hỗ trợ cho đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ tư, hạ tầng cơ sở còn yếu và thiếu các điều kiện thông tin về thị

trường lao động. Điều này dẫn đến người lao động không nắm bắt kịp thời

thông tin thị trường lao động và không tìm kiếm được việc làm. Một số thông tin không trực tiếp đến với người lao động mà phải qua các khâu trung gian như các cơ quan dịch vụ việc làm cho nên thông tin vừa chậm, vừa thiếu chính xác, người lao động không đủ thông tin về lao động trong tỉnh, trong nước và ngoài nước, nhiều khi thông tin chỉ có một chiều.

48

Nói tóm lại, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là do

Hà Tĩnh còn nghèo, kinh tế - xã hội chưa phát triển nên chưa thể làm tốt công tác giải quyết việc làm cho lao động. Vì thế, vấn đề phát huy nguồn lực con người cho CNH, HĐH còn chưa được đặt đúng vị trí của nó. Để thực hiện tốt công cuộc CNH, HĐH Hà Tĩnh cần có các giải pháp cấp bách và giải pháp lâu dài để giải quyết việc làm, phân công hợp lý nguồn lao động, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động. Có như thế mới phát huy tốt nguồn lực con người cho công cuộc CNH, HĐH, đây chính là nguồn lực quan trọng hàng đầu Hà Tĩnh có.

Một phần của tài liệu Phát huy nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa ở Hà Tĩnh hiện nay (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)