Mỹ học thiền là một lĩnh vực khá thú vị của văn học cổ điển phương Đông và năm tác phẩm của thiền sư Chân Nguyên: Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Thiền tông bản hạnh, Đạt – na thái tử hạnh, Hồng mông hạnh và Thiền tịch phú là những tác phẩm văn học Phật giáo cũng nằm trong dòng chung của thiền Đông Á, nên có những chất liệu mỹ học riêng. Những sáng tác này ra đời vào thời đại Lê – Nguyễn, nên chịu ảnh hưởng của văn hoá văn học của giai đoạn này đó là thời kỳ Nho giáo làm nồng cốt, nhưng văn học Phật giáo lúc này đã đồng hành cùng với sự phát triển ý thức ngôn ngữ dân tộc là chữ Nôm, cũng như đại diện cho tiếng nói thường nhật của tầng lớp bình dân. Trào lưu văn học lúc này có khuynh hướng ca ngợi đạo Phật và đức Phật. Văn học mang tính sáng tạo với đặc điểm diễn ngôn bằng truyện thơ Nôm, tất nhiên thơ lại chiếm ưu thế hơn phú.