MỤC TIÊU: 1. Biết được nội dung của làm mẹ an toàn 2. Nêu được một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện chương trình làm mẹ an toàn 3. Kể được các biện pháp để chăm sóc sức khỏe sản khoa thiết yếu NỘI DUNG: A. LÀM MẸ AN TOÀN I. NỘI DUNG CỦA LÀM MẸ AN TOÀN Làm mẹ an toàn là những biện pháp được áp dụng để đảm bảo sự an toàn cho cả người mẹ và thai nhi (cũng như trẻ sơ sinh) mà mục đích là làm giảm tỉ lệ tử vong và bệnh tật ngay từ khi người phụ nữ còn mang thai, trong khi sinh và suốt trong thời kỳ hậu sản. Chìa khoá của làm mẹ an toàn là kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc người mẹ trước, trong và sau khi sinh đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông bao gồm tư vấn để cung cấp những kiến thức về sức khỏe sinh sản, phát hiện và xử trí kịp thời những trường hợp bất thường của thai nghén và những hiện tượng xảy ra trong chuyển dạ mục đích làm giảm 5 tai biến sản khoa. 1. Chăm sóc trước sinh Chăm sóc giáo dục cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai là đăng ký quản lý thai nghén tốt trong khi mang thai cho đến khi chuyển dạ có tác động rất lớn đến sự an toàn của người mẹ. Qua việc đăng ký quản lý thai nghén chúng ta có thể: Xác định sớm những nguy cơ, biến chứng có liên quan đến thai nghén Giáo dục tư vấn cho thai phụ vệ sinh và hiểu biết về thai nghén Giải thích những biến chứng có thể xảy ra và sẽ thường xảy ra khi nào và nếu xảy ra thì nên đến khám và xử trí ở đâu để đảm bảo độ an toàn, giảm thiểu tối đa tác hại của những biến chứng đó. Một thai phụ phải khám thai thường kỳ, ít nhất là ba lần trong suốt thời kỳ mang thai: • Khám thai lần 1: thực hiện trong 3 tháng đầu với mục đích là xác định có thai, phát hiện những bất thường và những biến chứng sớm như nôn nặng hoặc các bệnh lý gây chảy máu. • Khám thai lần 2: vào ba tháng giữa để đánh giá sự phát triển của thai và phát hiện thai nghén có nguy cơ cao và tiêm phòng uốn ván. • Khám thai lần thứ 3: vào ba tháng cuối phát hiện những biến chứng muộn và xác định khoảng thời gian sinh và nơi sinh. Trong quá trình khám thai sẽ đăng ký quản lý thai nghén, tiêm phòng uốn ván, cho thai phụ uống bổ sung viên sắt và acid folic để chống thiếu máu. Giáo dục cho thai phụ về chế độ dinh dưỡng, lao động, nghỉ ngơi, vệ sinh thai nghén bao gồm cả vấn đề sinh hoạt tình dục. Phát hiện sớm những nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời vì phần lớn các biến chứng sản khoa là không thể xử trí ở tuyến cơ sở. Bệnh viện huyện có khả năng xử trí được những biến chứng sản khoa không quá phức tạp, chăm sóc sản khoa toàn diện mà yêu cầu là phải điều trị và xử trí những biến chứng về sản khoa, phá thai và phải cung cấp dịch vụ phá thai an toàn. Lưu ý rằng một biến chứng sản khoa nếu phát hiện muộn có thể ảnh hưởng tính mạng của thai nhi và có thể cả tính mạng của người mẹ. Chú ý các bệnh nội khoa, các bệnh mãn tính và các nguyên nhân như yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường, nên phối hợp đồng bộ để giải quyết . Chăm sóc trước sinh cũng phải phát hiện những bất thường của thai nhi, giảm thiểu những trẻ sơ sinh bị dị tật. Tư vấn trước sinh bao gồm những vấn đề chung cho mọi sản phụ nhưng cũng phải chú ý đến những trường hợp cá biệt, có những hoàn cảnh đặc biệt. Đối với những người có thai lần đầu phải cung cấp những thông tin về thai nghén, còn những người có thai từ lần thứ ba trở lên những bất lợi và nguy cơ thai nghén nhiều lần. Cũng như thai nghén ngoài ý muốn, thai ngoài hôn thú, họ có nhiều tâm sự cần được tư vấn để giúp họ cách giải quyết hợp lý và an toàn nhất. Những trường hợp thai nghén có nguy cơ cao thì nguy cơ đó ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân cũng như thai nhi như thế nào và cách giải quyết như thế nào là tốt nhất. Tư vấn cho họ về vệ sinh thai nghén, tình dục trong khi có thai và tầm quan trọng của khám thai định kỳ, nuôi con bằng sữa mẹ và các biện pháp tránh thai. 2. Chăm sóc trong chuyển dạ Nắm được các yếu tố của mẹ, sự phát triển của thai, tình trạng hiện tại của thai nhi và phần phụ; diễn biến của chuyển dạ để tiên lượng cuộc đẻ để có những thái độ xử trí thích hợp. Quan tâm nhiều hơn đến những cuộc chuyển dạ mà người mẹ bị các bệnh nội khoa mãn hay cấp tính hoặc sản phụ có sẹo mổ ở tử cung. Ghi chép quá trình diễn biến của cuộc chuyển dạ trên biểu đồ chuyển dạ để phát hiện và theo dõi, xử trí cuộc chuyển dạ bị đình trệ, thai suy, sử dụng các thuốc tăng co hoặc giảm co, giảm đau, gây tê, gây mê trong chuyển dạ. Tư vấn trong khi chuyển dạ giải thích cho người phụ nữ và gia đình biết tình trạng của cuộc chuyển dạ và những điều có thể xảy ra và nếu có thì hướng xử trí sẽ như thế nào để họ an tâm vì có sự động viên và chia sẻ của người cung cấp dịch vụ. Cần thực hiện tư vấn ngay cả trước khi sinh và ngay sau khi sinh để người sản phụ và gia đình thực hiện. Trong một số trường hợp đặc biệt ví dụ như khi có những tai biến sản khoa xảy ra, trẻ sơ sinh chết hoặc bị dị dạng hoặc là khi sản phụ bị sốc về tâm lý hoặc bị chấn thương về tinh thần có liên quan đến cuộc chuyển dạ thì phải có những tư vấn đặc biệt. 3. Chăm sóc trong thời kỳ hậu sản Chăm sóc trong thời kỳ hậu sản là phải theo dõi chặt chẽ bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh để phát hiện chảy máu ở bà mẹ hoặc trẻ sơ sinh bị lạnh hay ngạt lại. Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngày đầu sau khi sinh bao gồm hai giờ đầu, từ giờ thứ 3 cho đến hết ngày thứ nhất. Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tuần đầu sau đẻ và phát hiện những bất thường để xử trí còn chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 6 tuần sau đẻ để phát hiện và xử trí những trường hợp sốt sau đẻ. Hướng dẫn cho các bà mẹ biết cách chăm sóc sơ sinh khoẻ mạnh, sơ sinh non tháng và nhẹ cân và chăm sóc sơ sinh bị dị tật. Tư vấn sau khi sinh: Tư vấn lợi ích và cách thức nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc trẻ sơ sinh sau đẻ, những vấn đề sinh lý bình thường trong thời kỳ hậu sản, chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sự hồi phụ của người mẹ cũng như sự phát triển của trẻ sơ sinh; vệ sinh trong thời kỳ hậu sản, vấn đề áp dụng các biện pháp tránh thai ngay sau khi sinh.