Trong bất kỳ nền kinh tế nào, hoạt động tín dụng có vai trò hết sức quan trọng thể hiện qua chức năng huy động các nguồn lực tài chính nhàn rỗi từ các chủ thể kinh tế để đầu tư phát triển dưới hình thức cấp tín dụng của ngân hàng. Xét từ góc độ kinh doanh, hoạt động tín dụng mang tính nghiệp vụ truyền thống và luôn là trọng tâm trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hoạt động tín dụng là nguồn thu nhập chính của ngân hàng, đồng thời cũng là nghiệp vụ cơ sở để ngân hàng phát triên và đa dạng hóa các nghiệp vụ khác. Do đó, ngân hàng luôn nỗ lực củng cố và phát triển hoạt động tín dụng của mình. Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều lĩnh vực, ngành nghề lâm vào khủng hoảng thì nguồn tín dụng ưu đãi sẽ là bệ đỡ cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong giai đoạn khủng hoảng và là đòn bẩy giúp họ phục hồi sau khủng hoảng. Hoạt động ngân hàng luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro biến động giá cả, rủi ro lãi suất, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý… Vì vậy, để đảm bảo sự an toàn cho ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, mỗi ngân hàng đều có một quy trình tín dụng nghiêm ngặt với những phương pháp và kỹ thuật đánh giá rủi ro tiên tiến. Tuân thủ quy trình tín dụng không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân ngân hàng mà còn thể hiện uy tín và khả năng của khách hàng, từ đó nâng cao khả năng hồ sơ được phê duyệt. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, nhiều loại hình tổ chức tài chính ra đời khiến việc cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng truyền thống cũng như ngân hàng sô ngày một khốc liệt. Cũng vì vậy mà ngân hàng luôn cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ, đem lại cho khách hàng sự tiện nghi nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật, phát triển những sản phẩm mới phù hợp với từng bối cảnh kinh tế và phù hợp với phạm vi khách hàng đa dạng. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, là một trong số ít nước đạt tăng trưởng dương. Trong đó, ngành Ngân hàng không chỉ làm tốt chức năng cung ứng, phân bổ vốn mà còn là trụ đỡ, sát cánh bên doanh nghiệp, người dân cùng vượt qua thách thức, đóng góp vào kết quả chung của nền kinh tế. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp; mặt bằng lãi suất tiền gửi phổ biến tại các ngân hàng giảm từ 0,9 - 1,5% (ngắn hạn) và khoảng 0,6 - 1,5% (trung dài hạn) so với đầu năm 2020; lãi suất cho vay cũng giảm nhanh, khoảng 0,5 - 2%; tỷ giá tiếp tục ổn định, giá trị VND được nâng cao; dự trữ ngoại hối tiếp tục được bổ sung, giúp đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và củng cố mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Theo Ngân hàng nhà nước, tổng vốn huy động toàn hệ thống đến 21/12/2020 tăng 12,87% 6 trong điều kiện lãi suất giảm sâu. Tín dụng cũng hồi phục trở lại trong những tháng cuối năm, đến ngày 28/12/2020, dư nợ tín dụng tăng 11,08% so với cuối năm 2019. Vượt qua năm 2020 đầy biến động, ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam – Vietcombank vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và trở thành điểm sáng trong toàn ngành ngân hàng, tiếp tục giữ vững vị trí ngân hàng vượt trội về hiệu quả kinh doanh và lần đầu tiên trở thành doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Kết thúc năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chỉ còn ở mức 0,6%, giúp Vietcombank được ghi nhận là tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, chất lượng tài sản tốt nhất trong số các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Đồng thời, Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trong các tổ chức tín dụng với tỷ lệ gần 380%. Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp có quy mô nộp ngân sách nhà nước lớn nhất. Để đạt được những kết quả trên, ngoài những hỗ trợ từ chính phủ, thì chính sách, cơ cấu tổ chức của bản thân Vietcombank cũng là những nhân tố quan trọng. Vì vậy, tiểu luận này đi vào tìm hiểu quy trình tín dụng của Vietcombank nhằm hiểu rõ các bước từ khi tiếp nhận hồ sơ đến phê duyệt tín dụng và đến khi hoàn tất thu nợ cùng với những nội dung và điều kiện cụ thể của từng bước. Đồng thời, tiểu luận cũng phân tích sản phẩm tín dụng nổi bật của Vietcombank là sản phẩm cho vay mua ô tô dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, và so sánh với sản phẩm cùng loại của ngân hàng khác nhằm xác định ưu thế của Vietcombank. Theo đó, tiểu luận này gồm 3 phần: 1. Tổng quan về ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam 2. Quy trình tín dụng 3. Sản phẩm cho vay mua ô tô dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ