“Giáo dục tiểu học (Primary education, elementary education) là giai đoạn thứ nhất của giáo dục bắt buộc, là cấp học nền tảng của giáo dục phổ thông. Đây là bậc giáo dục cho trẻ em từ lớp một (5 hoặc 6 tuổi) tới hết lớp năm. Giáo dục tiểu học có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển nhân cách và năng lực (trí tuệ và thể chất) của trẻ em” 2, tr.182. Giáo dục tiểu học ổn định và đảm bảo chất lượng sẽ tạo điều kiện cho các bậc giáo dục tiếp ổn định, tạo cơ sở cho xã hội phát triển bền vững, ổn định. Chất lượng của giáo dục tiểu học chịu tác động cơ bản, toàn diện từ hoạt động dạy học của giáo viên. Do đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy học ở các trường tiểu học là đòi hỏi khách quan trong đổi mới “căn bản, toàn diện” giáo dục ở nước ta hiện nay. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trong các trường tiểu học liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó quản lý dựa vào nhà trường giữ vị trí hết sức quan trọng, mang tính then chốt và cần thiết để định hướng, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra mọi hoạt động giáo dục bậc tiểu học. Về vấn đề này, Nghị quyết số 29NQTW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI chỉ rõ “đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” 9, tr.13. Văn kiện Đảng lần thứ XII của Đảng chỉ ra định hướng: “Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người” 6, tr.65.