Thống kê của Hội Thận học thế giới cho thấy, hiện nay trên thế giới có trên 500 triệu người trưởng thành (chiếm 10% dân số thế giới) bị bệnh thận mạn tính (CKD) ở các mức độ khác nhau. Trong đó trên 4.5 triệu người được điều trị thay thế bằng lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng liên tục ngoại trú hoặc ghép thận. Thận nhân tạo là phương thức lọc máu điều trị thay thế thận phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Phương thức này giúp bệnh nhân lọc chất độc ra khỏi cơ thể, cân bằng nội môi, siêu lọc duy trì trọng lượng khô của bệnh nhân, và góp phần nâng cao hiệu quả điều trị thiếu máu, tăng huyết áp. Các nghiên cứu đều cho thấy, lọc máu tốt sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân, kéo dài thời gian sống và giúp cho việc điều trị các rối loạn toàn thân do bệnh thận mạn gây nên được hiệu quả hơn. Người bệnh bị suy thận có nhiều khó khăn trong cuộc sống do tình trạng bệnh làm cho họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Hầu hết người bệnh chạy thận nhân tạo bị suy nhược và ảnh hưởng đến ngoại hình, tài chính, các mối quan hệ và tính tự chủ. Người bệnh mang trong mình nhiều triệu chứng bệnh, chế độ ăn uống hạn chế và phác đồ thuốc phức tạp. Do đó, chất lượng của cuộc sống (CLCS) của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu tại Hà Nội cho thấy 75.9% bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ có CLCS thấp, trong khi đó chỉ 5.35% bệnh nhân có CLSC khá tốt. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh là mục tiêu cuối cùng trong điều trị các bệnh lý nói chung và bệnh thận mạn nói riêng. Trên thế giới, các nhà khoa học đã sử dụng nhiều phương pháp để đánh giá CLCS của người bình thường cũng như trên bệnh nhân, trong đó thang điểm SF36 (Short Form36) là một trong số các thang điểm được sử dụng rộng rãi. Thang điểm SF36 đã được nhiều tác giả trên thế giới và ở Việt Nam sử dụng để nghiên cứu trên nhiều nhóm người bệnh nhằm đánh giá chất lượng cuộc sống của họ, trong đó bao gồm cả người bệnh bệnh thận mạn