BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ HÀ NỘI NGUYỄN NGỌC SƠN PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC THÔNG TIN CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI LUẬ
Trang 1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ HÀ NỘI
NGUYỄN NGỌC SƠN
PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC THÔNG TIN CHO SINH VIÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC THƯ VIỆN
MÃ SỐ: 60.32.20
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS TS TRẦN THỊ MINH NGUYỆT
HÀ NỘI – 2011
Trang 2LỜI CẢM ƠN
Luận văn được hoàn thành tháng 6 năm 2011 tại Thư viện Tạ Quang Bửu – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ, đóng góp ý kiến và tạo điều kiện thuận lợi của các tập thể và cá nhân
Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới PGS TS Trần Thị Minh Nguyệt, người đã trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn
Xin chân thành cảm ơn các thày giáo, cô giáo và cán bộ khoa SĐH Trường Đại học Văn Hoá Hà Nội, Ban giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong thời gian học tập, nghiên cứu và hoàn thiện luận văn
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các bạn bè và đồng nghiệp – những người đã cung cấp số liệu, chia sẻ kinh nghiệm và nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện đề tài
Cuối cùng, cho phép tôi được cảm ơn những người thân trong gia đình
- những người đã luôn động viên, khuyến khích và sát cánh bên tôi trong suốt
3 năm học vừa qua
Hà nội, Ngày tháng năm 2011
Nguyễn Ngọc Sơn
Trang 3MỤC LỤC
MỞ ĐẦU……… 5
CHƯƠNG 1: KIẾN THỨC THÔNG TIN VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI……… 10
1.1 Kiến thức thông tin……… 10
1.1.1 Khái niệm kiến thức thông tin……… 10
1.1.2 Các thành tố của kiến thức thông tin……… 13
1.1.3 Vấn đề phát triển kiến thức thông tin……… 16
1.2 Khái quát về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Thư viện Tạ Quang Bửu……… 18
1.2.1 Khái quát về trường Đại học Bách khoa Hà Nội……….18
1.2.2 Khái quát về thư viện Tạ Quang Bửu……… 24
1.3 Đặc điểm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và hoạt động học tập của sinh viên……… 31
1.3.1 Đặc điểm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội……… 31
1.3.2 Hoạt động học tập của sinh viên……… 35
1.4 Vai trò của kiến thức thông tin đối với hoạt động của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội……… 39
1.4.1 Kiến thức thông tin với hoạt động học tập……… 39
1.4.2 Kiến thức thông tin với nghiên cứu khoa học của sinh viên……… 42
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC THÔNG TIN CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI……… 45
2.1 Công tác giáo dục phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên………… 45
2.1.1 Phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên thông qua hoạt động của thư viện………45
2.1.2 Phát triển kiến thức thông tin thông qua đổi mới phương pháp đào tạo, phương pháp giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên……….58
2.1.3 Phát triển kiến thức thông tin thông qua hoạt động đoàn thể……… 61
Trang 42.2 Thực trạng kiến thức thông tin của sinh viên Trường Đại học Bách khoa
Hà Nội……… 65
2.2.1 Kỹ năng nhận dạng nhu cầu tin và định vị thông tin……… 65
2.2.2 Kỹ năng hiểu và đánh giá thông tin……….69
2.2.3 Kỹ năng vận dụng thông tin trong học tập và nghiên cứu khoa học…… 71
2.2.4 Hiểu biết về bản quyền và sở hữu trí tuệ của sinh viên……… 74
2.3 Nhận xét……… 76
2.3.1 Mạnh mặt……….76
2.3.2 Điểm yếu và nguyên nhân………77
CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC THÔNG TIN CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI………79
3.1 Nhóm giải pháp tăng cường hoạt động thông tin thư viện và đào tạo người dùng tin tại Thư viện Tạ Quang Bửu……… 79
3.1.1 Phát triển nguồn lực thông tin……… 79
3.1.2 Nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin……… 82
3.1.3 Nâng cao chất lượng đào tạo người dùng tin……… 90
3.1.4 Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật trong thư viện……….94
3.1.5 Nâng cao trình độ cán bộ thư viện……… 95
3.2 Nhóm giải pháp phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên thông qua hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học……….…… 99
3.2.1.Tăng cường giáo dục KTTT trong chương trình đào tạo……….….…99
3.2.2 Xây dựng phong cách học tập chủ động tích cực 102
3.2.3 Nâng cao nhận thức và phối hợp giữa các bộ phận trong trường để phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên… 105
KẾT LUẬN:……….… 111
TÀI LIỆU THAM KHẢO……… …113
PHỤ LỤC……… 115
Trang 5Khoa học kỹ thuật Kiến thức thông tin Nghiên cứu khoa học Nghiên cứu sinh Nhu cầu tin Người dùng tin Thư viện Tạ Quang Bửu
2 Các từ viết tắt tiếng Anh
Library of Congress Library of Congress Classification Library of Congress Subject Headings MAchine Readable Cataloguing Radio Frequency Indentification Trans-Eurasia Information Network - phase 2 Vietnam Reseach and Education Network Visionary Technology in Library Solutions
Trang 6DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU, SƠ ĐỒ
Bảng 1.1: Thống kê nguồn nhân lực theo học hàm, học vị …20
Bảng 1.2: Các Trung tâm nghiên cứu Trường ĐHBK HN 23
Bảng 1.3: Các phòng ban chức năng Trường ĐHBK HN 23
Bảng 1.4: Chương trình Đào tạo Cử nhân và Kỹ sư của sinh viên ĐHBK HN……… 36
Bảng 2.1: Thống kê nguồn tài liệu truyền thống 47
Bảng 2.2: Thống kê tài liệu theo năm xuất bản……… 48
Bảng 2.3: Thống kê nguồn tài liệu điện tử tính đến năm 2010 49
Bảng 2.4: Các chương trình KTTT được tiến hành tại TV TQB 55
Bảng 2.5: Thực trạng đào tạo KTTT …56
Bảng 2.6: Đánh giá tính hữu ích của KTTT 57
Bảng 2.7: Mức độ và các nguồn tìm kiếm thông tin……… 66
Bảng 2.8: : Mức độ sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin……… 68
Bảng 2.9: Kỹ năng hiểu thông tin………69
Bảng 2.10: Kỹ năng đánh giá và trình bày thông tin……… 71
Bảng 3.1: Mục tiêu và trách nhiệm KTTT………108
Biều đồ 2.1: Thống kê tài liệu theo chuyên ngành 47
Biểu đồ 2.2: Thống kê tài liệu theo ngôn ngữ 48
Sơ đồ 1.1: Sơ đồ cơ cấu tổ chức hoạt động Trường ĐHBK HN 21
Sơ đồ 1.2: Sơ đồ cơ cấu tổ chức hoạt động TV TQB 29
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ Hình 2.1: Phân hệ tra cứu Opac tại TV TQB……….48
Trang 7MỞ ĐẦU
1 TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Từ nửa sau thế kỷ XX, cùng với phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, các nước trên thế giới đã dần chuyển mình từ “xã hội công nghiệp” sang “xã hội hậu công nghiệp” hay còn gọi là “xã hội thông tin” Nền tảng của xã hội này chính là dựa trên sản xuất, xử lý, lưu trữ, phổ biến, truy cập, sử dụng thông tin và tri thức dưới mọi hình thức, dựa trên hạ tầng cơ sở viễn thông phát triển Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự ra đời của nhiều môn loại khoa học mới,… đã làm cho khối lượng thông tin, tài liệu gia tăng nhanh chóng dẫn tới hiện tượng “bùng nổ thông tin” Một trong những hệ quả của sự bùng nổ này chính là sự “nhiễu tin” trong tra cứu nếu thông tin không được xử lý và tổ chức một cách khoa học
Bên cạnh đó, xã hội phát triển đã làm cho nhu cầu tin (NCT) của con người cũng ngày một đa dạng và phức tạp hơn Họ luôn mong muốn được đáp ứng thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời và đầy đủ nhất Mâu thuẫn này đã làm cho vai trò của hoạt động thông tin – thư viện được nâng cao Tuy nhiên, để khai thác triệt để và có hiệu quả năng lực thông tin trong các thư viện và trong xã hội, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động thông tin – thư viện nhằm đáp ứng đầy đủ NCT của người dùng tin (NDT), bản thân NDT cũng phải có kỹ năng tìm kiếm, lĩnh hội và sử dụng thông tin
có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn và đời sống Kiến thức thông tin (KTTT) của NDT là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin
Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đây gọi tắt là TV TQB là thư viện trường Đại học khoa học kỹ thuật (KHKT) đa ngành, đa lĩnh vực lớn nhất trong cả nước Với vốn tài liệu khoa học - công nghệ đa dạng và phong phú, hàng năm Thư viện đã đáp ứng một lượng lớn
Trang 8NCT cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh (NCS) và sinh viên trong toàn trường, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo và nghiên
cứu khoa học (NCKH) của Nhà trường, từng bước: “Xây dựng ĐHBK HN
thành trường đại học đào tạo trình độ cao đa ngành, đa lĩnh vực, một trung tâm NCKH, chuyển giao công nghệ hiện đại với một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, một địa chỉ tin cậy, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, phát triển công nghệ, giới doanh nghiệp tài chính trong và ngoài nước góp phần thực hiện công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước” [1,
tr.4] như mục tiêu chiến lược của Nhà trường đã đề ra trong chặng đường 50 năm thứ 2
Trong nhiều năm qua, Thư viện luôn nỗ lực đổi mới phương thức phục
vụ và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin - thư viện Đặc biệt, năm 2006, được sự quan tâm đầu tư xây dựng của Nhà trường, Thư viện điện tử Trường ĐHBK HN đã chính thức đi vào vận hành và khai thác Bên cạnh nhiệm vụ chính là phục vụ, cung cấp thông tin, tài liệu KHKT cho giảng viên, sinh viên, NCS trong toàn Trường, Thư viện đang phấn đấu trở thành một đầu mối cung cấp, chia sẻ thông tin với các thư viện trong khu vực
và trên thế giới
Việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào các quá trình thông tin tại Thư viện không ngừng được gia tăng Vì vậy, trên thực tế để có thể khai thác được đầy đủ các nguồn thông tin cần hiểu rõ được các nguyên tắc, các phương pháp tổ chức, quản lý các nguồn thông tin Trong bối cảnh nguồn tin không ngừng gia tăng, các giải pháp công nghệ được sử dụng để quản trị chúng cũng luôn biến đổi và rất đa dạng Do đó, việc hiểu rõ khả năng thích ứng của nguồn tin với NCT và dùng các kỹ năng cần thiết để khai thác thông tin là việc vô cùng quan trọng đối với NDT
Trang 9Để thích ứng với sự biến đổi trong hoạt động thông tin, NDT tại TV TQB cần phải phát triển KTTT Người có KTTT là người có khả năng để nhận biết khi nào cần thông tin và có khả năng định vị thông tin, sử dụng thành thạo thiết bị tìm kiếm, điều chỉnh, đánh giá và sử dụng một cách có hiệu quả những thông tin cần thiết Đó là cả quá trình: Nhận dạng NCT, định vị thông tin, tiếp cận thông tin, tìm thông tin đó ở đâu, lựa chọn thông tin đó như thế nào, để từ đó đưa ra việc đánh giá thông tin và sáng tạo thông tin mới Việc phát triển KTTT cho NDT tại các thư viện đại học càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết Có đào tạo KTTT, phát triển KTTT mới giúp họ khai thác có hiệu quả nhất những nguồn tài nguyên sẵn có tại các thư viện về KTTT Đó cũng là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và tri thức giữa các cán bộ thư viện và NDT tại các thư viện đại học Việt Nam
Từ những lý do trên, tác giả đã chọn đề tài “Phát triển kiến thức thông
tin cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội” làm đề tài cho Luận văn
tốt nghiệp của mình
2 TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU THEO HƯỚNG ĐỀ TÀI
Trước hết, phải khẳng định rằng đề tài “Phát triển kiến thức thông tin
cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” là đề tài hoàn toàn mới,
không trùng lặp với đề tài nghiên cứu nào ở cả trong nước và nước ngoài Tuy nhiên, theo hướng nghiên cứu của đề tài, ở trong nước đã có một số công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng, điều tra nghiên cứu thực tiễn tại một số các cơ quan thông tin - thư viện Ngoài ra, còn có một số các bài báo được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, Kỷ yếu hội thảo khoa học tại khoa Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội (2006), Hội thảo và bồi dưỡng năng lực đào tạo kỹ năng thông tin cho cán bộ thư viện của một số trường đại học Việt Nam tại Trường Đại học Hà Nội với sự tài trợ của UNESCO (2006), Tuy nhiên, đây
Trang 10là những Kỷ yếu hội thảo khoa học, những hội thảo chuyên đề mang tính chất bồi dưỡng năng lực về kỹ năng thông tin cho cán bộ thư viện đại học đặc thù
ở Việt Nam
Các khía cạnh tiếp cận nghiên cứu liên quan đến TV TQB Trường ĐHBK HN, ngoài các đề tài nghiên cứu đề cập đến các khía cạnh như: tổ chức và quản lý bộ máy tra cứu, công tác phục vụ, nguồn nhân lực, nguồn lực thông tin, sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện, còn có một số công trình NCKH về các chuẩn nghiệp vụ mới như: Quy tắc biên mục Anh - Mỹ (Anglo-American Cataloguing Rules – viết tắt là AACR2), Khổ mẫu biên mục đọc máy (MAchine Readable Cataloguing – viết tắt là MARC21) Cho đến nay, vẫn chưa có một đề tài nào nghiên cứu về KTTT cho sinh viên trường ĐHBK HN
3 ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1 Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng: Luận văn tập trung nghiên cứu việc phát triển KTTT cho sinh viên đại học
3.2 Phạm vi nghiên cứu:
- Phạm vi không gian nghiên cứu:
Đề tài giới hạn nghiên cứu về KTTT và công tác phát triển KTTT cho sinh viên Trường ĐHBK HN
- Phạm vi thời gian nghiên cứu:
Trang 114.2 Nhiệm vụ:
- Tìm hiểu vai trò của KTTT trong hoạt động học tập, nghiên cứu tại Trường ĐHBK HN
- Công tác phát triển KTTT tại ĐHBK HN
- Nghiên cứu thực trạng KTTT của sinh viên ĐHBK HN
- Phân tích đánh giá ưu, nhược điểm, tìm ra các nguyên nhân và đề xuất những giải pháp nhằm phát triển KTTT cho sinh viên Trường ĐHBK HN
5 PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
5.1 Phương pháp luận:
Luận văn dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong quá trình nghiên cứu đề tài
5.2 Phương pháp nghiên cứu cụ thể:
Trong quá trình nghiên cứu và giải quyết các vấn đề của luận văn, tác
giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp điều tra bằng phiếu
- Phương pháp quan sát
- Phương pháp phỏng vấn
- Phương pháp phân tích - tổng hợp tài liệu
- Phương pháp thống kê, so sánh
6 BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu và kết luận, mục lục, danh mục các tài liệu tham khảo, phụ lục Luận văn gồm 3 chương:
CHƯƠNG 1: KIẾN THỨC THÔNG TIN VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC THÔNG TIN CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KIẾN THỨC THÔNG TIN CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
Trang 12CHƯƠNG I KIẾN THỨC THÔNG TIN VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
1.1 KIẾN THỨC THÔNG TIN
1.1.1 Khái niệm kiến thức thông tin
Khái niệm về kiến thức thông tin (Information literacy) đã được đề cập đến từ những năm 70 của thế kỷ trước Sự xuất hiện của khái niệm này gắn liền với xu thế bùng nổ thông tin tại thời điểm đó Các nhà khoa học, mà chủ yếu là các nhà giáo dục, các chuyên gia thông tin – thư viện, hết sức quan tâm đến một lĩnh vực tri thức giúp con người làm chủ thế giới thông tin, làm chủ nguồn tri thức của nhân loại: đó chính là KTTT Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thế giới thông tin ngày càng trở nên phức tạp, nhất là hệ quả của sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của Internet
Theo Hiệp hội các thư viện đại học và thư viên nghiên cứu Mỹ (ACRL, 1989), KTTT là sự hiểu biết và một tập hợp các khả năng cho phép các cá nhân có thể nhận biết thời điểm cần thông tin và có thể định vị, thẩm định và
sử dụng thông tin cần thiết một cách hiệu quả
KTTT là khả năng nhận biết nhu cầu thông tin, tìm kiếm, tổ chức, thẩm định và sử dụng thông tin trong việc ra quyết định một cách hiệu quả, cũng như áp dụng những kỹ năng này vào việc tự học suốt đời
Như vậy, có thể coi KTTT là một tổng hòa của các khối tri thức và kỹ năng liên quan đến việc xác định nhu cầu thông tin, định vị nguồn tin, thẩm định nguồn tin, tổ chức nguồn tin, sử dụng nguồn tin một cách có hiệu quả trong hoạt động của mình
Người có KTTT là người có khả năng nhận biết khi nào cần thông tin,
có khả năng xác định, đánh giá và sử dụng thông tin cần thiết một cách hiệu
Trang 13quả KTTT vì thế là điều kiện quan trọng và cần thiết trong việc nghiên cứu bất kỳ lĩnh vực nào Đó là điều kiện tiên quyết cho việc học tập suốt đời và cho phép người học tham gia một cách chủ động và có phê phán vào nội dung học tập và mở rộng việc nghiên cứu, trở thành người có khả năng tự định hướng, tự kiểm soát tốt hơn quá trình học của mình Khi các trường đại học ngày càng có xu hướng lồng ghép việc phát triển và đánh giá các kỹ năng này vào việc đào tạo ở bậc đại học, KTTT đã nổi lên như một vấn đề quan trọng trong việc đào tạo sinh viên, đặc biệt là cho những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau
Cần hiểu rõ rằng KTTT không chỉ đơn thuần là những kỹ năng cần thiết
để tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả, nó bao gồm cả những kiến thức về các thể chế xã hội và các quyền lợi do pháp luật quy định liên quan đến việc truy cập các nguồn thông tin Đây có lẽ là mảng kiến thức cần phải được đặc biệt nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi mà vấn đề bản quyền
và sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề toàn cầu
Ngoài ra, KTTT gắn liền với khả năng nghiên cứu độc lập và học tập suốt đời Có nghĩa là, người có KTTT là người có khả năng tiếp cận và áp dụng tri thức một cách tích cực, chủ động, hiệu quả trong từng phạm vi hoạt động cụ thể của mình Theo Hiệp hội Các thư viện chuyên ngành và các trường đại học Hoa Kỳ (ACRL, 1989), người có KTTT là người “đã học được cách thức để học Họ biết cách học bởi họ nắm được phương thức tổ chức tri thức, tìm kiếm thông tin và sử dụng thông tin, do đó những người khác có thể học tập được từ họ Họ là những người đã được chuẩn bị cho khả năng học tập suốt đời, bởi lẽ họ luôn tìm được thông tin cần thiết cho bất kỳ nhiệm vụ hoặc quyết định nào một cách chủ động."
Trang 14Như trên đã nói, sự bùng nổ thông tin là một tiền đề quan trọng cho sự
ra đời của KTTT Ngày nay việc xuất bản hoặc công bố một tài liệu dưới dạng in ấn hay điện tử đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết Các nguồn thông tin ngày càng đa dạng và phát triển, đặc biệt là Internet và thế giới thông tin trở nên hết sức phức tạp Ưu điểm của điều này là NDT có nhiều lựa chọn hơn đối với các nguồn thông tin, dễ dàng tiếp cận các nguồn tin hơn Tuy nhiên, mặt trái của nó là NDT luôn phải tự đặt ra câu hỏi: thông tin này có đáng tin cậy không? có phù hợp với vấn đề của họ không? phải tổ chức những nguồn thông tin đó như thế nào đây? Không dễ để trả lời những câu hỏi trên nếu như thiếu sự hiểu biết về thế giới thông tin, tức là thiếu KTTT
Về mặt cấu trúc, có một sự tương đồng giữa KTTT và kiến thức, kỹ năng mà người cán bộ nghiên cứu cần phải có khi tiến hành công việc nghiên cứu Nếu như KTTT là một tổng hòa của các khối tri thức và kỹ năng liên quan đến việc xác định nhu cầu thông tin, định vị nguồn tin, thẩm định nguồn tin, tổ chức nguồn tin, sử dụng nguồn tin thì quy trình nghiên cứu cũng phải trải qua những bước tương tự
Trong quy trình nghiên cứu, dữ liệu, sau đó là thông tin, đóng vai trò đặc biệt quan trọng Người làm nghiên cứu cần có kỹ năng và kiến thức liên quan đến việc khai thác, phân tích và tổng hợp các nguồn thông tin để giải quyết các vấn đề nghiên cứu của mình Hiệu quả của việc nghiên cứu do đó chịu ảnh hưởng rất lớn bởi khả năng xác định vấn đề cần nghiên cứu, cũng như cách thức tương tác với thế giới thông tin của nhà nghiên cứu Nói cách
Trang 15khác, nếu như được trang bị KTTT, nhà nghiên cứu sẽ chủ động và tích cực hơn trong hoạt động của mình
1.1.2 Các thành tố của kiến thức thông tin
KTTT là một tổng hòa của các khối tri thức và kỹ năng, bao gồm các thành tố sau:
* Khả năng nhận biết nhu cầu thông tin và định vị thông tin
Người có khả năng nhận biết nhu cầu thông tin của chính mình là người biết:
- Xác định, định vị và liên kết nhu cầu thông tin: tìm hiểu các nguồn thông tin cơ bản phù hợp với chủ đề cần nghiên cứu; nhận dạng các từ khoá
và thuật ngữ cốt lõi; xác định hoặc sửa đổi nhu cầu thông tin của vấn đề; hỏi ý kiến của những người xung quanh để hiểu rõ chủ đề nghiên cứu hay nhu cầu thông tin khác
- Hiểu được mục đích, phạm vi và sự thích hợp của các nguồn thông tin khác nhau: hiểu được cách tổ chức thông tin, phổ biến và sự phù hợp với nội dung chủ đề nghiên cứu; hiểu được sự khác nhau giữa các giá trị, các nguồn thông tin tiềm năng; hiểu được sự khác nhau giữa nguồn thông tin cấp một và nguồn thông tin cấp hai, hiểu cách sử dụng chúng một cách khoa học với mỗi chủ đề
- Biết đánh giá lại bản chất của nhu cầu thông tin: xem lại nhu cầu thông tin ban đầu nhằm làm rõ hơn, xem xét lại hoặc thu gọn câu hỏi tìm kiếm; liên kết và sử dụng các tiêu chuẩn để tạo ra các lựa chọn, tạo ra các quyết định thông tin
- Sử dụng các nguồn thông tin để ra quyết định: hiểu được các nguồn thông tin khác nhau sẽ biểu hiện dưới những dạng khác nhau; sử dụng các
Trang 16nguồn thông tin một cách có hệ thống để hiểu các vấn đề cần nghiên cứu; sử dụng thông tin cho việc ra quyết định và giải quyết vấn đề
* Tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả chinh xác
- Lựa chọn phương pháp hoặc công cụ phù hợp nhất để tìm kiếm thông tin: xác định phương pháp nghiên cứu phù hợp; hiểu được những thuận lợi và khả năng áp dụng của các phương pháp nghiên cứu khác nhau; xác định được mục tiêu, nội dung và cấu trúc của các công cụ truy cập thông tin; tham khảo
thủ thư và các chuyên gia thông tin để xác định các công cụ tìm kiếm
- Xây dựng và thực hiện các chiến lược tìm kiếm hiệu quả: phát triển kế hoạch tìm kiếm phù hợp với phương pháp nghiên cứu; xác định chinh xác từ khoá, từ đồng nghĩa và các thuật ngữ liên quan đến nhu cầu thông tin; xây dựng và thực hiện một chiến lược tìm kiếm sử dụng câu lệnh phù hợp; thực hiện tìm kiếm sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với chủ đề, môn học
- Sử dụng các phương pháp phù hợp để tìm kiếm thông tin: sử dụng các công cụ truy cập thông tin phù hợp để truy cập thông tin dưới nhiều dạng khác nhau; sử dụng dịch vụ thông tin phù hợp để tiếp cận nhu cầu thông tin như cung cấp tài liệu, phổ biến tin….; sử dụng các điều tra, thư, phỏng vấn và các hình thức thẩm định khác để truy cập tới nguồn thông tin cấp một (thông tin gốc)
- Cập nhật các nguồn thông tin, công nghệ thông tin, các công cụ truy cập thông tin và các phương pháp nghiên cứu: Duy trì kiến thức về vai trò của thông tin và công nghệ truyền thông; Tạo được thói quen đọc lướt các nguồn tin in ấn và điện tử
* Khả năng đánh giá thông tin và quá trình tìm kiếm thông tin
- Đánh giá các nguồn thông tin hữu ích và có liên quan: Đánh giá chất lượng và sự phù hợp của kết quả tìm kiếm và sử dụng công cụ tìm kiếm thông
Trang 17minh hoặc phương pháp phù hợp Nhận dạng và xác định lỗ hổng thông tin và thay đổi chiến lược tìm kiếm; Thực hiện tìm kiếm lại, sử dụng chiến lược tìm kiếm mới nếu cần thiết
- Xác định và đánh giá các chuẩn đánh giá thông tin: đánh giá và so sánh thông tin từ các nguồn khác nhau theo phương diện: mức độ phù hợp, giá trị pháp lý, độ chính xác, bản quyền, mức độ cập nhật…
- Xem xét đến quá trình tìm kiếm thông tin và thay đổi chiến lược tìm kiếm nếu cần thiết
* Khả năng quản lý thông tin thu thập được và thông tin phát sinh
- Ghi chép lại thông tin và nguồn của thông tin đó: quản lý nội dung cơ bản của thông tin như: gạch đầu dòng, bản nháp hoặc bảng ghi nhớ; Trích dẫn nguồn thông tin và quản lý các nguồn thông tin tìm được một cách có hệ thống; Ghi lại toàn bộ thông tin phù hợp nhằm phục vụ mục đích tra cứu, tham khảo về sau
- Tổ chức thông tin (sắp xếp, phân loại, lưu trữ…):Biên soạn, sưu tập tài liệu tham khảo theo dạng thư mục; Xây dựng hệ thống quản lý, tổ chức thông tin tìm được bằng các phần mềm như: Endnote, Jabref, files…
* Ứng dụng thông tin trong việc học tập, sáng tạo tri thức mới
- Biết so sánh và tiếp cận các nguồn kiến thức cũ nhằm xác định giá trị còn lại, các mâu thuẫn hay những đặc điểm khác lạ của thông tin
- Có kỹ năng phổ biến, chia sẻ thông tin, tri thức và sáng tạo tri thức mới một cách hiệu quả
* Nắm bắt được các khía cạnh kinh tế, pháp luật, chính trị, văn hoá
và xã hội trong việc sử dụng thông tin
- Hiểu biết văn hóa, tôn giáo và các vấn đề kinh tế xã hội liên quan đến việc truy cập và sử dụng thông tin: Nhận dạng được và có khả năng liên kết các vấn đề liên quan đến bản quyền và bảo mật trong môi trường thông tin
Trang 18dưới dạng in ấn và điện tử; Nhận dạng và hiểu được các vấn đề liên quan đến việc kiểm duyệt và tự do ngôn luận; Hiểu và tôn trọng sự riêng biệt, sự đa dạng về văn hóa trong việc sử dụng thông tin
- Thừa nhận thông tin là trụ cột của các giá trị và niềm tin: công nhận có
sự khác nhau về giá trị giữa thông tin mới hoặc thông tin có sự liên quan tới các giá trị, niềm tin của cá nhân
- Công nhận những quy ước, quy định liên quan tới việc truy cập và sử dụng thông tin: hiểu được thế nào là đạo văn và biết cách trích dẫn kiến thức,
ý tưởng của người khác
- Vấn đề pháp luật trong việc lưu trữ, phổ biến nguyên bản, hình ảnh,
âm thanh: chấp nhận quyền truy cập thông tin của mọi người dùng tin và không phá hoại các nguồn thông tin hoặc làm “ô nhiễm” môi trường thông tin; Thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin, dữ liệu, hình ảnh hay âm thanh trong giới hạn của pháp luật cho phép; Hiểu được và chấp hành các quy ước trong việc sở hữu, bản quyền và sử dụng tài liệu có bản quyền
1.1.3 Vấn đề phát triển kiến thức thông tin
KTTT được hình thành và phát triển và hoàn thiện trong suốt cuộc đời con người Chính vì vậy cần phải giáo dục và phát triển KTTT ngay từ trong nhà trường phổ thông và tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân Việc phát triển KTTT ở bậc đại học đặc biệt quan trọng, bởi đây là cơ sở để sinh viên có thể học tập một cách năng động và sáng tạo
Thách thức hiện nay đối với giáo dục đại học là làm thế nào để lồng ghép KTTT vào các bài kiểm tra cụ thể trong quá trình học tập của sinh viên tại tất cả các trình độ Một cách tiếp cận sáng tạo và đa chiều trong việc phát triển KTTT đã được áp dụng tại một cơ sở giáo dục đại học ở Australia Các tiếp cận này bao gồm việc phối hợp, liên kết giữa các giảng viên đại học, các
Trang 19nhà phát triển chương trình chuyên nghiệp, những người làm công tác tư vấn
kỹ năng học tập và cán bộ thư viện nhằm trang bị cho sinh viên có nền tảng khác nhau, thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, cách lập các chiến lược KTTT đa dạng Những bài tập chuyên môn cụ thể sẽ tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp thu kiến thức mới trong việc thu thập thông tin, đánh giá sự phù hợp của thông tin, suy nghĩ một cách có phê phán và biết nhận xét, phê phán Cách tiếp cận này đóng góp vào sự phát triển của sinh viên để giúp họ trở thành những người biết suy nghĩ có phê phán, độc lập, tự tin, có khả năng đánh giá và sử dụng thông tin một cách hữu ích trong nhiều hoàn cảnh khác
nhau
Đối với KTTT, trọng tâm của nó lại là khung tri thức để phát triển các
kỹ năng KTTT Việc phát triển khung tri thức cho phép từng cá nhân có khả năng nhận biết, hiểu rõ được nhu cầu tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin,… Các hoạt động có thể được hỗ trợ một phần bằng việc thông thạo công nghệ thông tin (CNTT), một phần bởi phương pháp nghiên cứu phù hợp, nhưng quan trọng nhất là thông qua xem xét và suy luận một cách có phê phán
Mục tiêu ban đầu của chương trình này là phát triển khung tri thức trong đó giúp nhận biết cách thức các sinh viên đại học sử dụng KTTT trong một môn học cụ thể, hoặc trong các nghiên cứu sâu hơn và đặc biệt là tạo nền
tảng để sinh viên trở nên có khả năng suy xét một cách có phê phán
Để phát triển KTTT cho sinh viên đại học, cần có sự tham gia của nhiều
bộ phận trong trường: giảng viên, các đoàn thể, thư viện, trong đó thư viện đóng vai trò quan trọng nhất bởi có lợi thế nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng
Trang 201.2 KHÁI QUÁT VỀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI VÀ THƯ VIỆN
TẠ QUANG BỬU
1.2.1 Khái quát về trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Trường ĐHBK HN được thành lập theo Nghị định số 147/NĐ ngày
6-3-1956 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam Thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng trường ĐHBK HN không chỉ là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ cao mà còn là Trung tâm nghiên cứu khoa học-chuyển giao công nghệ tiên tiến của cả nước Nhà trường đã tăng cường quy mô đào tạo của cả hệ đại học và sau đại học, đa dạng hóa loại hình đào tạo, mở thêm ngành và chuyên ngành mới, đổi mới căn bản mục tiêu, nội dung chương trình và phương thức đào tạo Trường ĐHBK HN đang đào tạo trên 40.000 sinh viên, học viên cao học và NCS với
67 chuyên ngành đại học và 33 chuyên ngành cao học, 57 chuyên ngành tiến
sĩ Nhà trường đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh, đây là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, là thước đo uy tín và trình độ của một trường đại học Vị thế của trường ĐHBK HN trong hợp tác quốc tế và hiệu quả từ các mối hợp tác này mang lại cho Trường ngày càng tăng, đặc biệt trong những năm gần đây Hiện nay Nhà trường có quan hệ hợp tác trong đào tạo, NCKH với trên
200 trường đại học, trung tâm NCKH, viện nghiên cứu và tổ chức giáo dục của 32 quốc gia trên thế giới, là thành viên của 8 tổ chức mạng lưới đại học Quốc tế Thông qua Hợp tác Quốc tế, Nhà trường đã cử khoảng 500 cán bộ và sinh viên đi nước ngoài học tập, nghiên cứu, trao đổi, Xây dựng hàng chục
dự án quốc tế về đào tạo, trang bị, NCKH để góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho Nhà trường Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho trường ĐHBK HN
Trang 21thực hiện hai chương trình đào tạo tiên tiến là chương trình Cơ - Điện tử và Công nghệ Vật liệu hướng tới những nội dung chương trình hiện đại nhất của các nước Từ năm 1986 đến nay cơ sở vật chất của Nhà trường đã được cải tạo và nâng cấp một cách cơ bản, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đã khang trang sạch đẹp hơn nhiều, đã đầu tư nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, xây dựng và đang thực hiện nhiều dự án lớn phục vụ công tác đào tạo và NCKH ở trình độ cao Điều kiện làm việc và đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, sinh viên không ngừng được cải thiện Đặc biệt, tháng 9/2006 Nhà trường đã đưa vào
sử dụng TV TQB với mức đầu tư 199 tỷ VNĐ, đã đáp ứng nhu cầu về tra cứu thông tin của cán bộ viên chức và sinh viên
Năm 2006, Nhà trường đã xây dựng Đề án: ‘‘Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển trường ĐHBK HN giai đoạn 2006-2030'' Ngày 01 tháng
02 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 668/QĐ-BGDĐT phê duyệt Đề án này Đây là một tín hiệu tốt
mở đường cho trường ĐHBK HN sớm đạt được mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu, đạt đẳng cấp cao theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tích cực
và hiệu quả hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước Với sự đóng góp to lớn của Nhà trường, của các thế hệ cán bộ, sinh viên vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây cùng những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới vừa qua, trường ĐHBK HN vinh dự là trường đầu tiên trong hệ thống các trường đại học Việt Nam được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới l(2000), Huân chương Hồ Chí Minh (2001), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2006) Công đoàn Trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (2001), Huân chương Độc lập hạng Ba (2006) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì (2006) Nhiều cán bộ và tập thể của
Trang 22Trường được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại Tính đến năm 2006, có
2 tập thể, 3 cá nhân Anh hùng Lao động, 4 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 2 nhóm
tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 12 Nhà giáo nhân dân, 148 Nhà
giáo ưu tú
* Đội ngũ cán bộ
Trường có đội ngũ cán bộ đông đảo và có trình độ chuyên môn cao
Hiện nay tổng số cán bộ, công chức gồm 1950 cán bộ, với 1192 giáo viên và
394 cán bộ phục vụ giảng dạy và NCKH
Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú: 154
Giáo sư và Phó giáo sư: 399
Tiến sỹ khoa học và Tiến sỹ: 703
Tiến sỹ khoa học và Tiến sỹ 703 Thạc sỹ 1.200
Bảng 1 1: Thống kê nguồn nhân lực theo học hàm, học vị
Đây là đội ngũ cán bộ có uy tín, kinh nghiệm, nhiệt huyết trong hoạt
động đào tạo nghiệp vụ và quản lý, trong NCKH và chuyển giao công nghệ
Trang 23Cơ sở vật chất kỹ thuật của Trường phục vụ công tác đào tạo, NCKH, Chuyển giao Công nghệ và sinh hoạt đa dạng, đồng bộ, gồm hàng chục toà nhà cao tầng với tổng diện tích sử dụng hơn 20 vạn m2
Hơn 200 giảng đường, phòng học, hội trường lớn cùng một hệ thống các phòng hội thảo
Gần 200 phòng thí nghiệm, trong đó có 8 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và tương đương; khoảng 20 xưởng thực tập và thực hành
Trường có mạng thông tin nội bộ kết nối với mạng Internet Thư viện điện tử của trường là thư viện lớn và hiện đại nhất Việt Nam
Khu ký túc xá sinh viên khang trang, sạch đẹp
Quần thể thể thao của trường khép kín, đa chức năng gồm Sân vận động, Nhà thi đấu, Bể bơi, Sân tennis
* Bộ máy tổ chức:
- Đảng ủy - Các phòng ban chức năng
- Ban Giám hiệu - Các Khoa, Viện, Trung tâm
- Công đoàn - Các văn phòng
- Đoàn thanh niên
Sơ đồ 1.1: Sơ đồ cơ cấu tổ chức hoạt động trường ĐHBK HN
Trang 24* Các Học viện - Khoa
Khoa - Viện làm nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý đào tạo, NCKH, lao động sản xuất, hợp tác quốc tế Quản lý cơ sở vật chất được giao và trực tiếp quản lý toàn diện sinh viên trong giai đoạn 2 của quá trình đào tạo
* Danh sách các Khoa - Viện
1 Khoa Dệt may Thời trang
2 Khoa Điện
3 Khoa Điện tử- Viễn thông
4 Khoa đại học Tại chức
5 Khoa Giáo dục Quốc phòng
6 Khoa Kinh tế Quản lý
7 Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu
8 Khoa Mác Lê Nin
9 Khoa Ngoại ngữ
10 Khoa Sư phạm Kỹ thuật
11 Khoa Toán tin Ứng dụng
12 Khoa Giáo dục Thể chất
13 Viện Cơ khí
14 Viện Công nghệ thông tin
15 Viện Công nghệ Hóa học
16 Viện Sau đại học
17 Viện Vật lý Kỹ thuật
18 Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường
19 Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm
20 Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh
21 Viện Cơ khí Động lực
22 Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường
Trang 25* Các Trung tâm nghiên cứu
Tiêu đề
Trung tâm bảo dưỡng công nghiệp
Trung tâm giáo dục và phát triển sắc ký
Trung tâm hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ sử dụng vệ tinh
Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao
Trung tâm nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và
ứng dụng MICA
Trung tâm nghiên cứu vật liệu học và hợp kim đặc biệt
Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme
Trung tâm phần mềm và giải pháp an ninh mạng
Trung tâm phát triển và ứng dụng phần mềm công nghiệp (DASI)
Trung tâm tiếng Pháp chuyên ngành
Trung tâm tính toán hiệu năng cao
Trung tâm trao đổi KHKT Việt Đức
Trung tâm Tự động hóa
Bảng 1.2: Các Trung tâm nghiên cứu Trường ĐHBK HN
* Các phòng ban chức năng
Phòng hành chính tổng hợp Phòng quản trị
Phòng tổ chức cán bộ Phòng bảo vệ
Phòng đào tạo đại học Phòng công tác chính trị và công tác SV
Phòng KHCN Trung tâm Đảm bảo chất lượng
Phòng kế hoạch tài vụ TT Đào tạo tài năng, Chất lượng cao
Phòng hợp tác Quốc tế Ban Quản lý công trình
Phòng thiết bị Ban Xây dựng Quản lý dự án
Bảng 1.3: Các phòng ban chức năng trường ĐHBK HN
Trang 261.2.2 Khái quát về Thư viện Tạ Quang Bửu
* Quá trình hình thành và phát triển
Thư viện Trường ĐHBK HN (TV TQB) được thành lập từ năm 1956 (ngay sau ngày thành lập trường) Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Thư viện đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ KHKT đông đảo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - khoa học - kỹ thuật của đất nước
Nhìn lại chặng đường đã qua, trong những năm đầu mới thành lập, với
số vốn tài liệu ban đầu là 5000 cuốn sách, cơ sở vật chất nghèo nàn và 2 cán
bộ phụ trách không có nghiệp vụ thư viện, Thư viện là một bộ phận trực thuộc Phòng Giáo vụ Có thể nói điều kiện hoạt động của Thư viện lúc bấy giờ rất khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn do tình hình chung của Trường và đất nước trong những năm tháng chiến tranh Tuy nhiên, Thư viện vẫn không ngừng phấn đấu để đảm bảo phục vụ tốt cho cán bộ và sinh viên trong trường,
kể cả trong thời gian sơ tán
Thư viện đã từng đi sơ tán ở: Lạng Sơn, Hà Bắc, Hải Hưng, Hà Tây cùng khối lượng lớn sách đem theo để phục vụ đào tạo cán bộ KHKT cho đất nước
Cũng trong giai đoạn này, từ Trường ĐHBK HN đã hình thành những trường đại học mới như: đại học Xây dựng, đại học Mỏ-Địa chất, đại học Công nghiệp nhẹ và Phân hiệu II về Quân sự (nay là học viện Kỹ thuật Quân sự) Thư viện Trường cũng chia sẻ nhiều tài liệu và đã cử cán bộ sang làm việc công tác tại Thư viện ở trường đại học Mỏ - địa chất và trường đại học Xây dựng
Từ năm 1973, Thư viện tách ra thành đơn vị độc lập Ban Thư viện đã liên tục được đầu tư và phát triển không ngừng Khi miền Nam được giải
Trang 27phóng, một số cán bộ Thư viện đã vào công tác tại miền Trung và miền Nam
để xây dựng Thư viện trong đó
Trong thời kỳ đổi mới, Trường ĐHBK HN đã tiến hành hiện đại hóa công tác đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học Trường cũng đã đầu tư đáng kể cho Thư viện như tăng thêm kinh phí bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho xứng đáng với tầm vóc 50 năm phát triển và trưởng thành của Trường cũng như Thư viện, nhất là đầu tư xây dựng Thư viện điện tử rất quy
mô và hiện đại
Tháng 11/2003, Thư viện và Trung tâm thông tin và mạng đã sáp nhập thành đơn vị mới là Thư viện và Mạng thông tin với hai nhiệm vụ chính: vận hành và khai thác Thư viện điện tử mới và quản lý điều hành Mạng thông tin của Trường ĐHBK HN
Từ năm học 2006 - 2007, Thư viện điện tử Trường ĐHBK HN mở cửa phục vụ bạn đọc với hệ thống các phòng đọc tự chọn, cùng 2000 chỗ ngồi và tăng cường khả năng truy cập vào các học liệu điện tử trực tuyến Với điều kiện tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và các dịch vụ mới mang tính
mở, Thư viện đã thu hút được đông đảo bạn đọc trong và ngoài trường đến truy cập và khai thác thông tin phục vụ giảng dạy, học tập và NCKH Đây là thư viện đầu tiên được xây dựng theo mô hình thư viện điện tử ở Việt Nam Sau 6 năm củng cố và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), căn cứ vào tình hình thực tế, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị, ngày 05/09/2008 đơn vị Thư viện và Mạng thông tin được tách ra thành hai đơn vị độc lập là TV TQB và Trung tâm Mạng thông tin theo Quyết định số 1167/QĐ-ĐHBK-TCCB do Hiệu trưởng ký Trên nền tảng cơ sở hạ tầng quy
mô, hiện đại, ứng dụng các thành tựu tiên tiến của CNTT vào các hoạt động thông tin – thư viện, TV TQB đã và đang từng bước thực hiện mục tiêu chiến
lược: “Xây dựng Thư viện ĐHBK HN trở thành thư viện điện tử hàng đầu tại
Trang 28Việt Nam, hiện đại, tiên tiến đảm bảo cung cấp các SP & DV thông tin thư viện chất lượng cao phục vụ đắc lực cho công tác giảng dạy, học tập, NCKH, đào tạo đa ngành đa lĩnh vực đạt trình độ và chất lượng quốc tế của trường Từng bước Thư viện trở thành đầu mối chia sẻ, cung cấp thông tin cho các thư viện đại học khác trong nước và khu vực” [18, tr.122]
Là một đơn vị phục vụ cho nhu cầu giáo dục – đào tạo và NCKH, TV TQB có chức năng và nhiệm vụ:
* Chức năng
TV TQB có chức năng đảm bảo thông tin, tài liệu, phục vụ công tác đào tạo, NCKH, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Quản lý của Nhà trường thông qua việc sử dụng, khai thác các loại tài liệu có trong Thư viện và từ các thư viện khác (tài liệu chép tay, in, sao chụp, khắc trên mọi chất liệu, tài liệu điện tử, mạng Internet…)
* Nhiệm vụ
- Xây dựng vốn tài liệu có chất lượng và phong phú về loại hình Chủ động trong việc đa dạng hoá, phát triển các nguồn tin và kênh thu thập tài liệu, thông tin một cách có hiệu quả, phù hợp với chương trình và định hướng
mà Nhà trường đang nghiên cứu và giảng dạy của nhà trường
- Nghiên cứu và áp dụng các thành tựu KHCN, các tiêu chuẩn quốc tế
về xử lý thông tin vào công tác xử lý tài liệu, tạo tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin
- Tích cực phát triển và mở rộng các sản phẩm và dịch vụ thông tin, lấy việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu tin của cán bộ, giảng viển và sinh viên trong toàn Trường làm mục tiêu và động lực để phát triển
- Từng bước nâng cấp hiện đại hoá thư viện, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của thư viện Tự động hoá các khâu công việc trong hoạt động của thư viện
Trang 29- Mở rộng quan hệ với các thư viện trong và ngoài nước, các tổ chức liên quan đến lĩnh vực thư viện nhằm tăng cường sự trao đổi và hợp tác Tiến tới thư viện phải trở thành đầu mối khai thác, cung cấp, chia sẻ thông tin với các thư viện khác trong khu vực và trên thế giới [24]
* Cơ cấu tổ chức
Ngay sau khi có quyết định tách đơn vị, Ban giám đốc TV TQB đã sớm
ổn định cơ cấu tổ chức, xây dựng các phòng chức năng và đề bạt các cán bộ chủ chốt cho các bộ phận Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ đã quy định, cơ cấu của Thư viện được tổ chức như sau:
- Ban Giám đốc: Gồm có 01 Giám đốc phụ trách chung, 02 phó giám
đốc trong đó 01 phó giám đốc phụ trách về Thư viện và 01 phó giám đốc phụ trách về CNTT
- Phòng Xử lý thông tin gồm 2 bộ phận sau:
+ Bộ phận phát triển nguồn tin
+ Bộ phận biên mục
Phòng Xử lý thông tin chịu trách nhiệm:
- Xây dựng nguồn lực thông tin mạnh cả về số lượng và chất lượng đảm bảo phục vụ tốt các chương trình đào tạo, giảng dạy, học tập và NCKH của trường ĐHBK HN, từng bước liên thông chia sẻ với hệ thống các thư viện trong khu vực
- Xử lý toàn bộ tài liệu theo các tiêu chuẩn quốc tế về thông tin – thư viện như: MARC21, AACR2 và LCC Từ đó, xây dựng hệ thống tra cứu hiện đại nhằm tăng khả năng tiếp cận và khai thác nguồn lực thông tin hiệu quả và nhanh chóng
- Phòng Dịch vụ thông tin tư liệu gồm 4 bộ phận sau:
+ Bộ phận phòng đọc
+ Bộ phận mượn trả
Trang 30+ Bộ phận quản lý kho
+ Bộ phận dịch vụ tham khảo
Phòng Dịch vụ thông tin tư liệu chịu trách nhiệm: Mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ thư viện, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp và hỗ trợ thông tin từ xa; tạo điều kiện tốt nhất để người dùng tin của Thư viện cũng như các thư viện và cơ quan thông tin khác trong cả nước có thể tiếp cận và khai thác nguồn lực thông tin của Thư viện một cách hiệu quả nhất
- Phòng Công nghệ Thư viện điện tử gồm 4 bộ phận sau:
+ Bộ phận nghiên cứu phát triển
+ Bộ phận kỹ thuật
+ Bộ phận phục vụ đa phương tiện
+ Bộ phận xây dựng dự án, hành chính tổng hợp
Phòng Công nghệ Thư viện điện tử chịu trách nhiệm chính:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại, ứng dụng các công nghệ thư viện điện tử, thư viện số, đảm bảo khả năng truy cập, chia sẻ, trao đổi dữ liệu, trong và giữa các thư viện, cơ quan thông tin cũng như với NDT
- Xây dựng các hệ thống thông tin số đạt chuẩn, chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu khai thác các nguồn thông tin số của NDT và các cơ quan thông tin – thư viện trong khu vực phía Bắc và trên cả nước
* Nguồn nhân lực của thư viện
Hiện nay, Thư viện có tổng số là 44 cán bộ, có cơ cấu như sau:
Trang 31Sơ đồ 1.2: Cơ cấu tổ chức hoạt động TV TQB
Nguồn nhân lực tham gia công tác xử lý tài liệu là 7 người (chiếm 16,7%), trong đó có 2 thạc sỹ chuyên ngành Khoa học Thư viện, 5 cử nhân tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Thông tin - Thư viện
- Về trình độ ngoại ngữ:
+ 3 cán bộ trình độ tiếng Anh sau C (42,9%)
+ 4 cán bộ trình độ tiếng Anh sau B (57,1%)
- Về trình độ tin học: 100% cán bộ phòng Xử lý thông tin sử dụng
thành thạo máy vi tính, có khả năng cập nhật dữ liệu, hiệu đính, chỉnh sửa biểu ghi,
- Về độ tuổi: Cán bộ thư viện có độ tuổi tương đối trẻ, số người dưới 30
tuổi chiếm 28.6%; trên 30 chiếm 71.4%
- Về giới tính: Nữ giới chiếm đa số 85,7%, nam giới chỉ chiếm 14,3%
* Cơ sở vật chất
Tháng 10/2006, sau 4 năm xây dựng và hoàn thiện, tòa nhà TV TQB cao
Trang 3210 tầng đã được khánh thành và đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 200 tỷ VNĐ Thư viện mở phục vụ bạn đọc từ tầng 1 đến tầng 5 với diện tích mặt bằng mỗi tầng là 3700m2/sàn và diện tích sử dụng là 1800m2/tầng Ngoài hệ thống các phòng làm việc, văn phòng, phòng hội thảo, Thư viện còn bao gồm các hệ thống phòng phục vụ sau:
* Hạ tầng công nghệ thông tin:
Hiện nay, Thư viện được trang bị:
- 150 máy tính cá nhân và 6 máy tính xách tay phục vụ cho công tác chuyên môn cũng như tra cứu của cán bộ và NDT (trong đó 100% máy tính được kết nối mạng Internet)
- 3 máy chủ do các hãng Sun Micro System và HP cung cấp phục vụ cho tra cứu OPAC, phần mềm tích hợp VTLS, trang web,… của Thư viện
- Phần mềm quản trị thư viện tích hợp hiện nay Thư viện đang sử dụng
là phần mềm VTLS – một phần mềm thư viện hiện đại do Mỹ thiết kế Ngoài
ra, để phục vụ cho công tác xây dựng và quản lý các bộ sưu tập số, Thư viện
Trang 33sử dụng phần mềm DSpace – phần mềm mã nguồn mở
- Để đảm bảo an ninh cho tòa nhà, các trang thiết bị và tài liệu, Thư viện đã lắp đặt 2 cổng từ, 1 cổng RFID (Radio Frequency Indentification) và các thiết bị an ninh khác như: camera giám sát tất cả các tầng và các phòng quan trọng của tòa nhà (24/24h), hệ thống kiểm soát vào - ra bằng thẻ từ, hệ thống quản lý tài liệu như: máy quét mã vạch, máy khử - nạp từ
- Thư viện sử dụng hệ thống mạng cáp quang kết nối ra Internet với tốc
độ đường chuyền leased-line là 16 Mbps Ngoài ra, từ tháng 6/2006, trên cơ
sở Trường ĐHBK HN là một thành viên của VINAREN (Vietnam Reseach and Education Network), Thư viện còn sử dụng mạng VINAREN kết nối với mạng TEIN2 (Trans-Eurasia Information Network - phase 2) với tốc độ đường chuyền là 45Mbps
Với cơ sở vật chất và hạ tầng CNTT hiện đại, TV TQB đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ NDT và một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong hệ thống thư viện các trường đại học trong cả nước
1.3 ĐẶC ĐIỂM SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI VÀ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN
1.3.1 Đặc điểm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Sinh viên ĐHBK HN có những đặc điểm chung của lứa tuổi thanh niên sinh viên như tuổi đời còn trẻ thường từ 18 đến 25, sôi nổi, ham hiểu biết, ưa thích cái mới và các hoạt động giao tiếp, có tri thức khoa học.Bên cạnh đó họ
có những đặc điểm riêng do được đào tạo về khoa học công nghệ, có điều kiện tiếp thu những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ của thế giới, đồng thời được sống trong môi trường thủ đô – trung tâm văn hóa khoa học của đất nước
Trang 34Sinh viên dễ tiếp thu cái mới, thích cái mới, thích sự tìm tòi và sáng tạo Đây cũng là tầng lớp xưa nay vẫn khá nhạy cảm với các vấn đề chính trị- xã hội, đôi khi cực đoan nếu không được định hướng tốt
Một đặc điểm rất đáng chú ý đang xuất hiện trong những người trẻ hôm nay, liên quan đến sự phát triển của CNTT với tư cách là một cuộc cách mạng, đó là sự hình thành một môi trường ảo, hình thành một lối sống ảo Đặc điểm này chỉ biểu hiện trong giới trẻ, đặc biệt những người có tri thức như sinh viên Hình thành một phương pháp tư duy của thời đại CNTT: Ngôn ngữ ngắn gọn viết bằng bàn phím thay bằng cây bút, có tính lắp ghép chính xác, hệ thống, hạn chế sự bay bổng về mặt hình tượng trực quan Con người
vì thế sống trong môi trường ảo và cái hiện thực ở đây là cái hiện thực ảo, giao tiếp ảo Về môi trường sống, sinh viên thường theo học tập trung, sinh hoạt trong một cộng đồng (trường, lớp) gồm chủ yếu là những thành viên tương đối đồng nhất về trí thức, lứa tuổi, với những quan hệ có tính chất bạn
bè khá gần gũi
Trong sinh viên hiện nay đang diễn ra quá trình phân hóa, với hai nguyên nhân cơ bản: tác động của cơ chế thị trường dẫn đến khác biệt giàu nghèo; sự mở rộng quy mô đào tạo khiến trình độ sinh viên chênh lệch lớn ngay từ đầu vào Dù vậy, vẫn có thể nhìn thấy trong đó những đặc điểm tương đồng dưới đây:
*Tính thực tế: thể hiện ở việc chọn ngành chọn nghề, ở việc hướng đến
lựa chọn những kiến thức để học sao cho đáp ứng nhu cầu thực tế, chuẩn bị kinh nghiệm làm việc cho tương lai, định hướng công việc sau khi ra trường, thích những công việc thu nhập cao,….Nói chung là tính mục đích trong hành động và suy nghĩ rất rõ
*Tính năng động: Nhiều sinh viên vừa đi học vừa đi làm (làm thêm
bán thời gian, hoặc có khi là thành viên chính thức của một cơ quan, công ty),
Trang 35hình thành tư duy kinh tế trong thế hệ mới (thích kinh doanh, muốn tự mình thành lập công ty ngay khi còn đang là sinh viên), thể hiện sự tích cực chủ động (tham gia phong trào tình nguyện) Nhiều sinh viên cùng một lúc học hai trường
*Tính cụ thể của lý tưởng: Đang có một sự thay đổi trong lý tưởng
sống gắn liền với sự định hướng cụ thể Một câu hỏi vẫn thường đặt ra là: Sinh viên hôm nay sống có lý tưởng không, lý tưởng ấy là gì, có sự phù hợp giữa lý tưởng của cá nhân và lý tưởng của dân tộc, của nhân loại không Có thể khẳng định là có, nhưng đang xuất hiện những đặc điểm lý tưởng có tính thế hệ , lý tưởng gắn liền với bối cảnh đất nước và quốc tế rất cụ thể Lý tưởng hôm nay không phải là sự lựa chọn những mục đích xa xôi, mà hướng đến những mục tiêu cụ thể, gắn liền với lợi ích cá nhân
*Tính liên kết (tính nhóm): Những người trẻ luôn có xu hướng mở
rộng các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ đồng đẳng, cùng nhóm Các nghiên cứu của hai nhà xã hội học người Pháp về bản sắc xã hội dưới góc
độ nhóm là Taspen và Turnez, đã đưa đến kết luận: Tính nhóm phụ thuộc vào môi trường xã hội xung quanh chúng ta đang sống sự thay đổi của đời sống tinh thần trong sinh viên trước xu hướng toàn cầu hóa (cả mặt thuận lợi và hạn chế của xu hướng này) đang hướng mạnh đến tính cộng đồng
*Tính cá nhân: Trào lưu dân chủ hóa, làn sóng CNTT và việc nâng cao
dân trí đã làm ý thức cá nhân ngày càng rõ, đặc biệt rõ trong những người trẻ
có học vấn là sinh viên Họ tự ý thức cao về bản thân mình và muốn thể hiện vai trò cá nhân Dường như có sự đề cao lợi ích hơn nghĩa vụ cá nhân, sự hy sinh và quan tâm đến người khác thấp đi, và nếu có thì đánh giá dưới góc độ kinh tế thực dụng hơn là tình cảm và sự chia sẻ xuất hiện thái độ bàng quang với xung quanh ở một bộ phận sinh viên
Trang 36Trên thực tế các đặc điểm ấy đan xen và có tác động qua lại lẫn nhau Tính cá nhân không tách rời tính liên kết, tính năng động gắn liền với tính thực tế Mỗi đặc điểm, qua những biểu hiện cụ thể của nó, luôn bộc lộ tính hai mặt: vừa có tác động tích cực, vừa có những tác động tiêu cực
* Vai trò của sinh viên trong đời sống xã hội: Vai trò của sinh viên
trong bức tranh xã hội ngày nay ngày càng được ghi nhận đậm nét Trong Hiến chương nhân bản 2000 được 86 học giả và các nhà hoạt động xã hội tên tuổi trên thế giới cùng ký tên, đã nhận xét:”Hiến chương nhân bản II được công bố năm 1973 để ứng xử các vấn đề phát sinh trên hiện trường thế giới kể
từ đó: sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít, chiến tranh lạnh và sự xuất hiện của sức mạnh sinh viên trong các trường đại học”
Sinh viên ĐHBK HN là những tri thức tương lai của đất nước, họ sẽ là những người đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn mình trí tuệ, sự phát triển của KHKT, nên rất cần có những con người trẻ tuổi, có trình độ và năng lực cao,
có khả năng tiếp nhận cái mới rất nhanh và biết thay đổi linh hoạt, thích nghi kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, đại diện cho một thế
hệ tiên tiến mới
Tuổi trẻ là nền tảng cho một đời người Với sinh viên trường ĐHBK
HN, những ngày ngồi trên ghế giảng đường đai học là quãng thời gian vô cùng quan trọng trong quá trình lâu dài tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp tư duy và bản lĩnh chính trị Từ xuất phát điểm này, con người trưởng thành và bước vào đời Nếu điểm xuất phát tốt, họ sẽ đạt được bước đi dài, ổn định và vững chắc trong tương lai; ngược lại, con người sẽ đi lên gặp
Trang 37trắc trở khó khăn Một đất nước Việt Nam có phồn vinh và vững mạnh trong tương lai hay không là phù hợp phần lớn vào thế hệ trẻ sau này, trong đó có sinh viên
1.3.2 Hoạt động học tập của sinh viên
Hoạt động học tập là loại hoạt động đặc biệt của con người với mục đích nắm vững những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo và các hình thức nhất định của hành vi Sinh viên ĐHBK HN theo học thuộc khối KHKT, ngoài những chương trình đào tạo chung theo khung đào tạo đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với khối đại cương cho sinh viên Việt Nam thì sinh viên ĐHBK HN có những đặc điểm riêng do đặc điểm hoạt động học tập tại trường quy định
- Mô hình và chương trình đào tạo
Mô hình đào tạo và chương trình đào tạo áp dụng từ các khóa nhập học năm 2009 (K54) được đổi mới một cách cơ bản, toàn diện theo những chuẩn mực quốc tế, chú trọng tính thiết thực của nội dung chương trình và năng lực làm việc của người tốt nghiệp, đồng thời có tính mềm dẻo và tính liên thông cao, phát huy tối đa khả năng cá nhân của mỗi sinh viên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của xã hội trong xu thế nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa Trừ một số ít ngành, sau năm thứ ba sinh viên có hai lựa chọn để đăng ký tốt nghiệp:
Trang 38Bảng 1.4: Chương trình Đào tạo Cử nhân và Kỹ sư của SV ĐHBK HN
- Quy trình đào tạo
Từ năm học 2007-2008 Trường ĐHBK HN áp dụng quy trình đào tạo theo học chế tín chỉ sinh viên được chủ động lập kế hoạch và đăng ký học tập, tích lũy từng phần kiến thức theo tiến độ phù hợp với điều kiện và năng lực của bản thân Với sự hỗ trợ của cố vấn học tập, sinh viên chọn đăng ký môn học, lớp học thuận lợi nhất cho kế hoạch học tập của mình Mọi quy trình thực hiện thuận lợi, dễ dàng qua mạng Do vậy hoạt động học tập ở đại học, cao đẳng khác hẳn với hoạt động này ở phổ thông cả về nội dung, tính chất và hình thức Nội dung chương trình chủ yếu bao gồm các kiến thức cơ bản, hệ thống các phương pháp, những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trong hoạt động nghề nghiệp Các hình thức học tập tương đối đa dạng như:
- Sinh viên tham gia giờ học lý thuyết trên giảng đường
- Tham gia làm thực hành môn học ở các phòng thực nghiệm, thực hành
- Thực tập môn học (rèn nghề),
- Tham gia NCKH,
- Tham gia các diễn đàn, hội thảo khoa học, tự học ở thư viện…
Chương trình cử nhân Chương trình kỹ sư
Thời gian thiết kế 4 năm 4 + 1 năm
Khối lượng kiến thức 128-132 tín chỉ 152-156 tín chỉ
Định hướng đào tạo Ngành rộng, định hướng
cơ bản
Chuyên ngành, định hướng nghề nghiệp
Trang 39Song hình thức chủ yếu là sinh viên tham gia các giờ học lý thuyết trên giảng đường, các giờ học thực hành môn học, thực tập môn học (rèn nghề) Các hình thức này đảm bảo cung cấp những hệ thống kiến thức cơ bản, giúp sinh viên làm quen với những phương pháp làm việc, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết của một người chuyên gia Trong các hình thức đó, giáo viên đóng vai trò là người cố vấn, định hướng quá trình lĩnh hội, tiếp thu kiến thức của sinh viên Phong cách giảng dạy của giáo viên ở các trường cao đẳng, đại học rất khác nhau Có những người chỉ trình bày những nội dung chính, đặt ra những gợi ý để sinh viên tự tìm hiều, khám phá; một số người khác chỉ đề cập đến những kiến thức họ tâm đắc, nhưng không có trong giáo trình, trong các tài liệu có tính chất phổ biến, trong khi đó, vẫn còn những giáo viên giảng dạy theo phương pháp truyền thống là thuyết trình các nội dung trong giáo trình, nhưng với tốc độ nhanh, không ghi đầy đủ các ý chính lên bảng như giáo viên phổ thông… Hơn nữa, tài liệu học tập ở đại học không ngừng thay đổi, địa điểm học cũng thường xuyên thay đổi, không gian học tập - giảng đường - rộng lớn Tất cả những điều kiện học tập như vậy đòi hỏi những sinh viên mới nhập học ở các bậc học này phải có khả năng thích nghi rất lớn; đồng thời, trong suốt quá trình học, họ phải có tính tự giác, tính kế hoạch cao Thông qua
đó tạo cho sinh viên ngày nay có thói quen là tự rèn luyện mình, tự sắp sếp lịch học và các hoạt động khác sao cho phù hợp với bản thân Tuy nhiên không phải sinh viên nào cũng có thể vượt qua
Thực tế cho thấy, trong thời gian đầu mới vào trường, thậm chí trong cả quá trình học ở cao đẳng, đại học, nhiều sinh viên gặp không ít khó khăn trong việc học tập
Theo một khảo sát do một số giảng viên tâm lý học ở 1 số trường đại học ở Việt Nam thực hiện năm 2008, trong số 200 sinh viên năm 1 của một số trường đại học thì có tới 60% sinh viên cho rằng nội dung học tập quá nhiều
Trang 40dẫn đến chán học, lo lắng, khó chịu; 20% bị mất ngủ thường xuyên Áp lực
học tập là một nguyên nhân chính tạo ra Stress ở sinh viên Một số sinh viên
không vượt qua được dẫn đến chán ăn, buồn ngủ, lo lắng quá sức, thậm chí,
có trường hợp rơi vào trạng thái trầm cảm Trường hợp của sinh viên N.T.A
đỗ vào ĐHBK năm 2007, mới chỉ học được ba tháng thì phải nhập viện vì xuất hiện những rối loạn về cảm xúc, hành vi, buộc phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương, sau ba tháng mới có thể hồi phục [23] Có những em khi học ở phổ thông đã từng “có tiếng”, được mọi người biết đến, nhưng khi vào đại học, trong môi trường rộng lớn, học sinh từ “tứ xứ” đổ về, có trình độ tương đương nhau, các em đã trở lên nhạt nhòa, không được ai biết đến Điều
đó làm cho một số em trở lên thất vọng, học tập càng ngày càng sa sút Nhiều
em trong thời kỳ đầu còn “nợ” ít môn, nhưng càng ngày, số một bị “nợ” càng dồn dập thêm, khiến các em bị “choáng” và không ít em không vượt qua nổi, phải bỏ học Trong SV vẫn tồn tại một câu lý sự cùn là đã cũ mòn, nhưng lại luôn được nhắc tới mỗi khi ai đó phải thi lại, rằng “ không thi lại thì không phải là sinh viên” Trong một cuộc gặp gỡ của phóng viên báo điện tử Công
an nhân với một nhóm sinh viên của một trường trực thuộc Đại học Quốc gia
Hà Nội, ĐHBK HN, các em chia sẻ thời gian lên lớp quá ít, thầy chỉ hướng dẫn qua loa rồi cho chúng em về nhà tự nghiên cứu Nhưng chúng em không
đủ năng lực để tự nghiên cứu “ một mớ tài liệu” với nội dung rất rộng Do đó, mỗi lần thì học kỳ, sinh viên cả khóa cứ nháo nhào vì kiến thức trong đầu quá mỏng manh, kết quả cuối cùng là rất nhiều người không trả thi được
Tâm trạng chán nản, thất vọng, tiếc nuối của nhiều sinh viên không được học đúng nguyện vọng, đúng lĩnh vực ngành nghề mà mình yêu thích cũng dẫn đến stress (hutech.edu.vn, 15/10/2010) Chúng ta biết rằng ngày nay, nhiều sức ép từ phía gia đình, sự sĩ diện của bản thân, ước muốn phải thi
đỗ vào đại học để sau này dễ tìm việc, có địa vị xã hội…, khiến không ít các