1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Cảm hứng lãng mạn anh hùng trong văn xuôi nguyên ngọc

114 90 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 114
Dung lượng 920,32 KB

Nội dung

Chính vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu sâu, hiểu đúng và rộng hơn chất lãng mạn - anh hùng trong sáng tác của Nguyên Ngọc để có thể khẳng định một cách khách quan những đóng góp quí giá c

Trang 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

VŨ THỊ THU

CẢM HỨNG LÃNG MẠN – ANH HÙNG TRONG VĂN XUÔI NGUYÊN NGỌC

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

TP HỒ CHÍ MINH - 2010

Trang 2

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-

VŨ THỊ THU

CẢM HỨNG LÃNG MẠN – ANH HÙNG TRONG VĂN XUÔI NGUYÊN NGỌC

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

CHUYÊN NGÀNH : VĂN HỌC VIỆT NAM

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS NGUYỄN KHẮC HÓA

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2010

Trang 3

LỜI CẢM ƠN

Xin chân thành cảm ơn quí Thầy Cô Trường Đại Học Khoa Học Xã

Hội Và Nhân Văn TP Hồ Chí Minh, Trường Đại Học Sư Phạm TP.Hồ Chí

Minh … đã đem đến cho chúng tôi nhiều kiến thức bổ ích trong thời gian học

cao học

Xin chân thành cảm ơn các Giáo sư, Tiến sĩ trong Hội đồng bảo vệ đã

đóng góp nhiều ý kiến quí báu để luận văn thêm hoàn chỉnh

Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn TS Nguyễn Khắc Hóa, người

không những tận tâm hướng dẫn mà còn động viên tôi rất nhiều để luận văn

được hoàn thành

Tác giả luận văn

Vũ Thị Thu

Trang 4

MỞ ĐẦU 1

1 Lý do chọn đề tài 1

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3

3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 9

4 Phương pháp nghiên cứu 10

5 Đóng góp mới của luận văn 11

6 Cấu trúc luận văn 11

Chương 1: Nguyên Ngọc với cảm hứng lãng mạn - anh hùng trong văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 13

1.1 Cảm hứng và cảm hứng sáng tạo trong văn học 13

1.1.1 Về khái niệm cảm hứng 13

1.1.2 Về cảm hứng sáng tạo trong văn học 15

1.2 Cảm hứng lãng mạn - anh hùng trong văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 17

1.2.1 Những tiền đề của sự phát triển nền văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 17

1.2.2 Cảm hứng lãng mạn – anh hùng, đặc điểm nổi bật trong văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 22

1.3 Nguyên Ngọc với văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 25

1.3.1 Vài nét về Nguyên Ngọc 25

1.3.2 Nguyên Ngọc với niềm cảm hứng lãng mạn – anh hùng 28

Chương 2: Cảm hứng lãng mạn – anh hùng thời chống Pháp trong “Đất nước đứng lên” 34

2.1 Nguyên Ngọc viết “Đất nước đứng lên” 34

2.2 Cái lãng mạn – anh hùng trong “Đất nước đứng lên” 39

2.2.1 Người anh hùng của thời đại cách mạng 39

2.2.2 Người anh hùng với Đảng, với Cách mạng 49

Trang

Trang 5

2.3.1 Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên con người Tây Nguyên 66

2.3.2 Ngôn ngữ 68

2.3.3 Giọng điệu 72

Chương 3: Cảm hứng lãng mạn – anh hùng thời chống Mỹ trong truyện ngắn và tùy bút, ký và tiểu thuyết 74

3.1 Trong truyện ngắn 74

3.2 Trong tùy bút và bút ký 82

3.3 Trong tiểu thuyết “Đất Quảng” - tập 1 85

3.4 Nghệ thuật thể hiện 90

3.4.1 Phương thức trần thuật 90

3.4.2 Kết cấu tác phẩm 91

3.4.3 Ngôn ngữ mang đậm chất thơ 93

3.4.4 Giọng điệu 95

KẾT LUẬN 98

TÀI LIỆU THAM KHẢO 102

Trang 6

MỞ ĐẦU

1 LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Cách mạng tháng Tám thành công là “cuộc tái sinh mầu nhiệm” đã mở

ra bước ngoặt lớn cho quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta Đồng thời, nó cũng là động lực để tạo nên một cuộc cách mạng trong văn học

Đó là sự thay đổi một cách nhìn, một cách cảm, một quan niệm sống trong sáng tạo nghệ thuật, đưa văn học gắn liền với hiện thực Văn học không chỉ kịp thời phản ánh không khí khẩn trương, hào hùng của thời đại mà nó còn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc, nâng cao hiệu quả trong đấu tranh và phát triển xã hội Đặc biệt, văn xuôi có những biến đổi hết sức quan trọng cả về nội dung thể tài lẫn hình thức thể loại, theo định hướng của nền văn học hướng về hiện thực cách mạng và quần chúng nhân dân Chính vì vậy, nền văn học cách mạng vươn tới tầm cao về tư tưởng, lí tưởng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội trở thành nguồn cảm hứng cao đẹp, nuôi dưỡng và chi phối toàn bộ những sáng tác văn chương Văn học đã phát huy cao độ những truyền thống tốt đẹp, những phẩm chất cao quý của dân tộc Việt Nam

Ý thức cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng bào, đồng chí được biểu hiện phong phú trong hầu hết các tác phẩm Tinh thần yêu nước vừa là một truyền thống, vừa là nét nổi bật của thời đại cách mạng Đó là niềm tự hào, ý thức làm chủ đất nước của quần chúng, với cảm hứng đất nước gắn liền với nhân dân Văn học nghệ thuật trở thành vũ khí sắc bén phục vụ kịp thời và sát sao những nhiệm vụ cách mạng Các nhà văn đã biết khai thác những sự kiện lớn lao của dân tộc anh hùng, biết đánh giá từ tầm nhìn cao xa của lịch sử nên có nhiều tác phẩm mang tầm thời đại Nền văn học mới chứa chan tình cảm yêu nước và cao hơn là Chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Cảm hứng lãng mạn – anh hùng là một quan trong những nguồn cảm hứng trọng của văn học cách mạng sau năm 1945 Văn học tập trung ca ngợi

Trang 7

những biến đổi của đất nước với niềm tin yêu phơi phới về tương lai của dân tộc

Đọc các tác phẩm của Nguyên Ngọc, ta thấy những tình cảm lớn của nhân dân luôn bền chặt, thủy chung và thống nhất với tình yêu nước Đó là cơ

sở nảy sinh cảm hứng lãng mạn – anh hùng trong sáng tác Niềm khao khát tự

do, tình cảm gắn bó với lãnh tụ, với Đảng,là nguồn sức mạnh giúp con người vượt qua gian khổ, hy sinh Nhà văn Nguyên Ngọc được khẳng định tên tuổi

bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên Tác phẩm được Ban giám

khảo giải thưởng văn học 1954-1955 của Hội văn nghệ Việt Nam trao giải

nhất cùng với tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài Thời chống Mỹ, với bút danh

Nguyễn Trung Thành, Nguyên Ngọc cho ra đời khá nhiều tác phẩm như:

Rừng xà nu, Đường chúng ta đi, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Đất Quảng phản ánh một số mặt chủ yếu của hiện thực cách mạng

miền Nam, cụ thể là vùng Tây Nguyên, vùng đất Quảng Điểm nổi bật trong sáng tác của ông lúc này là hình ảnh con người miền Nam nhiệt thành yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, những con người vừa đánh giặc vừa tự nhận thức

về vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình Họ đã trưởng thành nhanh chóng trong chiến đấu và đang vươn tới một tầm vóc tương xứng với yêu cầu đánh

Mỹ và thắng Mỹ xâm lược

Ngòi bút Nguyên Ngọc đạt được những thành tựu rực rỡ chủ yếu trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ Ông đã xây dựng thành công thế giới

những nhân vật anh hùng của thời đại, những con người thép, những con

người một lòng đi theo cách mạng Họ là tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo Vì vậy, tác phẩm của Nguyên Ngọc không những có tác dụng động viên cổ vũ, khích lệ tinh thần đấu tranh thời ấy mà cho đến nay, nó vẫn

có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với người đọc Bởi đọc tác phẩm của ông giúp ta tìm hiểu người anh hùng, và từ người anh hùng giúp ta hiểu thêm về dân tộc và thời đại anh hùng

Trang 8

Trước đây, tác phẩm của Nguyên Ngọc được chọn giảng trong chương trình giảng văn ở phổ thông bao gồm: ở chương trình trung học cơ sở là

những trích đoạn trong tác phẩm: Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Đất Quảng, Đất nước đứng lên; chương trình phổ thông trung học có

tác phẩm: Đất nước đứng lên, Rừng xà nu Những năm gần đây, với tình hình

đổi mới văn học, một số tác phẩm của ông vẫn được tiếp tục đưa vào giảng dạy và học tập trong nhà trường Chính vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu sâu, hiểu đúng và rộng hơn chất lãng mạn - anh hùng trong sáng tác của Nguyên Ngọc để có thể khẳng định một cách khách quan những đóng góp quí giá của ông cho nền văn học nước nhà Đó chính là lí do thôi thúc chúng tôi chọn

“Cảm hứng lãng mạn – anh hùng trong văn xuôi Nguyên Ngọc” làm đề tài

nghiên cứu cho luận văn này

2 LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ

Nguyên Ngọc là một trong những nhà văn hiện đại có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học cách mạng Việt Nam Ông là một trong những nhà văn – chiến sĩ tiên phong, đồng hành cùng các phong trào cách mạng từ thời chống Pháp đến chống Mỹ và ngay cả thời kỳ đổi mới hôm nay

Cuốn tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc lần đầu

tiên ra mắt bạn đọc đã gây sự chú ý mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước Tác phẩm được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới Chính vì vậy, ông đã được các nhà nghiên cứu, phê bình trong nước quan tâm sâu sắc Tuy nhiên những bài nghiên cứu về Nguyên Ngọc đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương chủ yếu là các bài mang tính đơn

lẻ, thường chỉ dừng lại ở những nhận định về một khía cạnh trong một tác phẩm cụ thể Trong những bài báo ấy, có chăng thông qua hoặc chỉ xuất hiện một vài nhận xét có tính chất ngẫu hứng về cái lãng mạn – anh hùng trong sáng tác của ông

Xuyên suốt trong sáng tác của Nguyên Ngọc, đặc biệt là trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ, phải khẳng định rằng cảm hứng lãng mạn –

Trang 9

anh hùng đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo làm nên sự bản sắc sáng tác

và phong cách nghệ thuật của ông Chính đặc điểm này đáp ứng được nhu cầu thời đại phản ánh sâu sắc hiện thực đời sống trong sự phát triển của nền văn học cách mạng Việt Nam Đặc điểm này đã làm cho sáng tác của Nguyên Ngọc thường đậm chất anh hùng, đề cập đến những con người của thời đại, của đất nước Điều này đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học khẳng định

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, một người hiểu về Nguyên Ngọc khá tường tận, là người rất tinh tế khi phát hiện và khẳng định nét độc đáo trong

sáng tác của ông Trong bài “Nguyên Ngọc – con người lãng mạn”, Ông đã viết “Cái tạng của anh chuyên viết chuyện người anh hùng, với ngôn ngữ sử

thi tráng lệ hào hùng và cảm hứng lãng mạn sôi nổi, như Đất nước đứng lên, như Rừng xà nu …” [63] Tác giả Nguyễn Đăng Mạnh chỉ rõ sự nhất quán

trong toàn bộ sáng tác của Nguyên Ngọc chính là phong cách lãng mạn – anh

hùng: “Cái đẹp trong cảm quan thẩm mỹ của anh là một nhu cầu tự thân, một

sự thôi thúc bên trong, thôi thúc của máu”, và“đó không phải là chuyện văn chương mà còn là chuyện lẽ sống” [63] Theo ông, cái tạo nét riêng, rất riêng

trong phong cách nhà văn của Nguyên Ngọc đó chính là: “Người thực nhìn

qua con mắt tâm hồn đầy lãng mạn của Nguyên Ngọc Nguyên Ngọc không phải chỉ viết sử thi, viết văn lãng mạn Anh thật sự sống trong không khí sử thi

và mang hẳn trong máu mình chất lãng mạn” [63] Thậm chí khi đất nước

hòa bình, các cây bút đều chuyển hướng sang đề tài khác nhưng “Nguyên

Ngọc vẫn tiếp tục hướng về đối tượng cũ, vẫn viết về người anh hùng, với giọng văn càng sôi nổi hơn, với những hình ảnh càng chói lọi hơn, lãng mạn hơn”[63]

Phan Tứ người bạn cùng học, người chiến sĩ, là nhà văn cùng thời với

Nguyên Ngọc trong bài “Nguyễn Trung Thành cuộc sống và tác phẩm”, đã nhận định: “Trong cuộc sống miền Nam muôn màu muôn vẻ, anh chọn và

xoáy sâu vào cái vấn đề sinh tử ấy Tất cả suy nghĩ và cảm xúc của anh xói

Trang 10

vào hướng ấy như những mũi chông thép song song, có thể nói rằng toàn bộ những gì anh đã viết – ký tên Nguyễn Trung Thành hoặc vài ba tên khác, tùy lúc … anh trả lời bằng hình tượng văn học Anh viết về những con người gan góc và thông minh đã đánh thắng Mỹ, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam” [102] Và: “Chúng ta trân trọng tính lý tưởng sâu sắc mà bay bổng trong phong cách của Nguyễn Trung Thành Chính có lẽ bởi “từ phần đầu” đất Quảng toát lên một nét riêng rất là Nguyễn Trung Thành: Tính lý tưởng sâu sắc mà bay bổng, cuộc tình duyên của chị Thắm và anh Quế bên dòng sông Trúc thắm đượm lý tưởng cách mạng Cháu Xuyến của cặp vợ chồng ngã xuống như một anh hùng xả thân vì lý tưởng, gợi lên những rung cảm nồng cháy …”[102]

Nguyên Ngọc là cây bút sống trong lòng thực tế và từ thực tế mà thành văn chương Ông thành công trong việc xây dựng điển hình con người mới, những con người mang phẩm chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ Bám sát cuộc sống, giữ được cho mình nhiệt tình cánh mạng,

đó là con đường dẫn Nguyên Ngọc đi tới đỉnh cao trong cảm hứng lãng mạn – anh hùng trong sáng tác

Trần Đăng Khoa nhấn mạnh một ưu thế của nhà văn Nguyên Ngọc

trong sáng tác là viết về “người tốt, việc tốt”, những con người có thật ngoài đời: “Truyện của Nguyên Ngọc hầu hết là thế Ông ca tụng chủ nghĩa anh

hùng cách mạng Bút pháp ông nhất quán trước sau như một, không thay đổi, không quay quắt Trong khi đó có rất nhiều cây bút chuyển hướng hoặc thay đổi theo cách tiếp cận hiện thực để thu hút sự chú ý của bạn đọc Trước viết người tốt việc tốt thì sau viết người xấu việc xấu Nguyên ngọc không thể, suốt đời dường như ông chỉ viết truyện tốt việc tốt Ngay cả khi dựng nhân vật tiểu thuyết, ông cũng dựa trên nhưng con người có thật, những sự kiện có thật

ở ngoài đời” [37;262]

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cũng thừa nhận: “Tôi cứ đinh ninh, đến

thời đổi mới này, anh không thể viết được nữa … tôi cứ nghĩ thế về con đường

Trang 11

nghệ thuật của Nguyên Ngọc mà tôi cho là đã bế tắc Té ra tôi đã lầm, lầm to: anh viết vẫn viết, vẫn viết về người anh hùng, vẫn viết bằng cái văn ấy, bằng giọng ấy, bằng cái cảm hứng lãng mạn sôi nổi ấy” [63]

Trong ba mươi năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, ta nhận thấy

hầu như các nhà văn đều tập trung viết về “người tốt, việc tốt”, viết về người

anh hùng, dũng sĩ lúc bấy giờ, Nguyên Ngọc là một trong số nhà văn thể hiện

thành công đề tài này trong sáng tác của mình Chính vì vậy, trong bài “Rừng

xà nu một hình ảnh đẹp của Tây Nguyên chiến đấu”, Chu Nga đã phát hiện

nét riêng của nhà văn Nguyên Ngọc: “Sở trường của Nguyễn Trung Thành là

miêu tả những nhân vật với những nét khái quát cô đọng hàm súc, tạo nên những hình khối lớn, những tính cách kiên cường, song anh cũng có tài chọn lọc những chi tiết nhỏ, nhưng chi tiết giàu tính tạo hình và giàu chất thơ làm phong phú thêm tính cách nhân vật” [67;63] Ông còn viết: “Ta thấy về mặt chọn lọc chi tiết, Nguyễn Trung Thành đứng ở một góc riêng Nếu như Phan

Tứ hay Anh Đức, bao giờ cũng đưa vào truyện của những chi tiết chân thực

để cố gắng để biểu hiện cuộc sống với tất cả vẻ gồ ghề gai góc của nó, thì trái lại Nguyễn Trung Thành thường đi sâu vào những chi tiết giàu chất thơ, những gì đã xúc động tâm hồn anh một cách mạnh mẽ, cảnh vật, con người

và cuộc sống trong văn anh bao giờ cũng đẹp một vẻ đẹp huyền ảo nhờ được

tô điểm bằng màu sắc lãng mạn làm cho người đọc phải say sưa ngây ngất”

[67;63-64]

Nguyên Ngọc bắt đầu nổi tiếng từ tác phẩm Đất nước đứng lên Trong

tác phẩm này, Nguyên Ngọc đã thành công xuất sắc trong việc xây dựng

nguyên mẫu lý tưởng về người anh hùng Hà Minh Đức đã nhận xét: “Nguyên

Ngọc đã đưa vào một nguyên mẫu đẹp và khá hoàn chỉnh về người anh hùng đánh giặc bảo vệ quê hương” [22; 165]

Giáo sư Lê Trí Viễn trong bài: “Theo Anh Núp” trích trong “Đất nước

đứng lên” của Nguyên Ngọc”, khẳng định: “Bài văn nhỏ nhưng ý nghĩa thật không nhỏ Nó là một câu chuyện anh hùng Câu chuyện anh hùng ấy lại là

Trang 12

của những con người bình thường” [103;302] Từ đó ông đi đến kết luận về

giá trị trường tồn của tác phẩm:“Cho đến nay, nó vẫn còn là bài học đích

đáng và thấm thía về sự trung thành với đất nước, với Tổ quốc, với độc lập tự

do với dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn cách mạng hiện tại”

[103;302]

Phong Lê trong bài: “Bước đường Nguyên Ngọc” cũng nhận thấy ở

nhà văn ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng cho độc lập tự do của dân tộc Đó

là một nội dung thể hiện rất rõ trong sáng tác của Nguyên Ngọc: “Đất nước

đứng lên là thiên truyện có khả năng vượt được những thử thách của thời gian Tác phẩm nêu lên được ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng cho độc lập

tự do của nhân dân ta, đồng thời cũng cho ta hiểu cái gì đã tạo nên sức mạnh cho nhân dân ta chiến thắng bất cứ kẻ thù nào …” [43;138]

Đỗ Quang Lưu cũng khẳng định trong bài “Giới thiệu và phân tích”:

“Giá trị nổi bật của cuốn truyện này là ở chỗ nó đã biểu hiện được một cách xuất sắc hình tượng người anh hùng của thời đại cách mạng ngày nay, thời đại nhân dân ta đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc dưới ánh sáng của tư tưởng Mác Lê- nin và theo đường lối của Đảng …”[58;185]

Trong “Con đường sáng tác của Nguyên Ngọc”, Phong Lê còn viết:

“…trong Đất nước đứng lên chan chứa một chất thơ say người Ở đây bút pháp trữ tình và anh hùng ca luôn luôn cất lên những cung bậc anh hùng cao, phù hợp với khung cảnh cuộc sống và con người miền núi gần gũi với thiên nhiên bao la, rộng rãi, tươi thắm các sắc màu; phù hợp với tính cách con người chuộng cuộc sống phóng khoáng, tự do Tình cảm trân trọng của anh đối với nhân vật chính diện luôn tràn đầy, đôi khi không nén nổi trong một cảm hứng trữ tình bồng bột, nhưng được đặt đúng chỗ, không làm mất tính cân đối, trang trọng có tình sử thi của tác phẩm, cũng không gây ra một lớp sương mù mờ ảo, che mất khuôn mặt thực của họ” [49;149]

Nguyễn Văn Long trong bài cảm nhận của mình đã khái quát về

Nguyên Ngọc: “ Sự quan tâm hàng đầu đến những vấn đề có ý nghĩa trọng

Trang 13

đại lịch sử của dân tộc và cách mạng với niềm say mê những tính cách anh hùng khiến cho tác phẩm của Nguyên Ngọc mang tính chất hùng tráng lại đậm nét trữ tình và chất lý tưởng” [54;62]

Bước sang thời kỳ chống Mỹ, Nguyên Ngọc cho ra đời tác phẩm Rừng

Xà nu với bút danh Nguyễn Trung Thành và đã được giới nghiên cứu phê

bình quan tâm, Phan Huy Dũng trong bài “Rừng xà nu, một truyện ngắn đậm

chất sử thi về thời đánh Mỹ”, nhận định: “Đó là một tác phẩm rất cô đọng nhưng cũng hết sức bay bổng, gợi nên những cảm xúc vừa trầm lắng vừa say

mê Một tác phẩm xuất sắc khá xứng với tầm thời đại đánh Mỹ oanh liệt hào hùng” [14;92]

Đỗ Kim Hồi trong bài: “Rừng xà nu – Một con đường lý giải”, đã nhận xét: “Rừng xà nu với một nội dung tràn đầy chất sử thi bởi nó là tiếng nói của

lịch sử và thời đại nó gắn liền với những sự vận động, những biến cố mang ý nghĩa trọng đại đối với toàn dân Nội dung sử thi trên đã đòi hỏi cho mình một hình thức sử thi hoành tráng Hoành tráng trong hình ảnh, với vóc dáng vạm vỡ, cao cả của núi rừng và của con người Và hoành tráng trong âm hưởng với lời văn đầy nhịp điệu khi vang động, khi tha thiết, trang nghiêm

…” [32;204]

Văn học phản ánh đời sống xã hội Trong các trang viết của mình, Nguyên Ngọc đều nhất quán trước sau như một về nội dung duy nhất là viết

về anh hùng Do đó tác phẩm của Nguyên Ngọc thường mang đậm tính sử thi,

đề cập đến vấn đề trọng đại của dân tộc, của đất nước Những người anh hùng trong sáng tác của ông đầy chất thơ, chấtlãng mạn Trong bài “Nguyễn Trung

Thành và những trang về miền Nam đất lửa”, Phong Lê viết: “Thể hiện trong

cả một quá trình và trong xu thế đi tới của nó, Nguyễn Trung Thành cũng đã dựng lên rất thành công không khí một cuộc đồng khởi vĩ đại, dồi dào chất anh hùng ca Xúc động trong những trang đau thương, sâu lắng trữ tình khi

đi vào nguồn gốc sức mạnh và vẻ đẹp con người…” [44;120] Ông còn nhận

xét: “…những trang Nguyễn Trung Thành nhìn chung hài hòa được chất cô

Trang 14

đọng của kịch, chất trữ tình của thơ và chất tráng lệ của anh hùng ca”

[44;121] Từ đó Phong Lê đi đến kết luận: “… vì thế anh thường viết những

bài tùy bút đậm chất thơ, khi trữ tình tha thiết, khi hào hùng sáng khoái, khi cháy bỏng hận thù” [49;102] Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Đức Đàn cũng khái

quát: “Nguyên Ngọc đã tạo nên được cái không khí mà nhiều nhà phê bình đã

gọi rất đúng là không khí anh hùng ca Dưới ngòi bút của anh, con người và cuộc sống ở núi rừng Tây Nguyên hiện lên hùng vĩ và tráng lệ lạ thường”

[15;188]

Nhìn chung, toàn bộ các bài nghiên cứu về Nguyên Ngọc của các tác giả Phan Tứ, Chu Nga, Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê, Trần Đăng Khoa, Hà Minh Đức, Phan Huy Dũng ….chỉ mới dừng lại ở một số bài báo hay những nhận xét, đánh giá hoặc những gợi ý phân tích Tuy nhiên ở các mức độ khác nhau, mỗi người đã thể hiện ý kiến riêng của mình về một mặt nào đó, chỉ ra một số đóng góp của Nguyên Ngọc trên các phương diện: bút pháp, ngôn ngữ, giọng văn, sức hấp dẫn của phong cách Các bài viết cũng có cái nhìn tổng quan nhưng còn mang tính khái quát, gợi mở vấn đề Do đó, chúng tôi nhận thấy, chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống, hoàn chỉnh về cảm hứng lãng mạn – anh hùng trong văn xuôi Nguyên Ngọc

Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những người đi trước, chúng tôi xác lập hướng nghiên cứu có hệ thống hơn Xác định quan điểm nhất quán trong sáng tác của Nguyên Ngọc là chất lãng mạn – anh hùng Đồng thời, khẳng định những đóng góp to lớn của nhà văn về sự phát triển của văn học trong giai đoạn cách mạng vừa qua

3 ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

3.1 Đối tượng :

Đối tượng khảo sát của luận văn là toàn bộ sáng tác của Nguyên Ngọc trong thời kỳ trước năm 1975, với nguồn cảm hứng lãng mạn – anh hùng Luận văn không xem xét đến các sáng tác sau năm 1975 vì nguồn cảm hứng lãng mạn – anh hùng không được thể hiện nhiều và sâu sắc

Trang 15

3.2 Phạm vi nghiên cứu :

Trong sáng tác của mình, Nguyên Ngọc trước sau đều có sự thống nhất

về quan niệm thẩm mĩ Đó chính là lý tưởng anh hùng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam Do đó, với nhiệm vụ đặt ra cho luận văn là khảo sát toàn bộ tác phẩm của Nguyên Ngọc ở các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, bút ký… Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, người viết tập trung khảo sát các tác phẩm giai đoạn văn học cách mạng 1945-1975

để tìm hiểu chất lãng mạn – anh hùng trong sáng tác của ông

Chúng tôi có thể kể ra như sau:

Thời chống Pháp: - Đất nước đứng lên (tiểu thuyết) (1954-1955)

Thời chống Mỹ: - Mạch nước ngầm (truyện vừa) (1960)

- Rẻo cao (tập truyện ngắn (1961)

- Rừng xà nu (truyện ngắn) (1965)

- Đường chúng ta đi (tùy bút) (1965)

- Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (ký) (1969)

- Đất Quảng (tiểu thuyết) (1971)

Đồng thời, chúng tôi kết hợp tìm hiểu những công trình nghiên cứu về Nguyên Ngọc từ xưa đến nay, nhằm xác định hướng đi mới của mình

4 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Xuất phát từ yêu cầu của đối tượng nghiên cứu, xuất phát từ mục đích của đề tài, trên cơ sở phương pháp luận mác-xít trong nghiên cứu văn học, người viết đã sử dụng các phương pháp sau:

4.1 Phương pháp lịch sử - xã hội

Phương pháp này đòi hỏi việc nghiên cứ phải gắn liền các sáng tác của Nguyên Ngọc với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam 1945-1975 Từ đó, thấy được ý chí kiên cường, bất khuất và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, khoa học

4.2 Phương pháp so sánh, đối chiếu

Trang 16

So sánh sáng tác của Nguyên Ngọc với sáng tác của một số nhà văn cùng thời, nhất là những nhà văn cùng có nguồn cảm hứng lãng mạn – anh hùng thời kỳ 1945-1975 như Nguyên Ngọc

Đối chiếu với đời sống, tinh thần con người Việt Nam, đặc biệt là nhân dân miền Nam để thấy được giá trị đích thực và những đóng góp của Nguyên Ngọc đối với văn học dân tộc

4.3 Phương pháp phân tích, tổng hợp

Phân tích, tổng hợp là một trong những thao tác không thể thiếu đối với mọi công trình Trên cơ sở những tư liệu đã được thống kê, phân loại, cần tập trung vào những tiêu điểm cần thiết, tìm ra những nét đặc sắc và độc đáo ở cảm hứng lãng mạn – anh hùng trong văn xuôi Nguyên Ngọc

5 ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN

Như đã trình bày ở phần trước, nghiên cứu đề tài này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu, hiểu đúng và rộng hơn về văn xuôi cách mạng Việt Nam sau 1945,

vì đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển nền văn học dân tộc Kết quả của luận văn thêm một tiếng nói khoa học để góp phần khẳng định những giá trị đích thực của văn xuôi cách mạng, khẳng định những đóng góp to lớn cho văn học cách mạng Việt Nam của Nguyên Ngọc

Hơn thế nữa, luận văn còn giúp cho người đọc, người thưởng thức thấy được cái hay, cái đẹp, chất anh hùng ca và những đóng góp to lớn của Nguyên Ngọc cho nền văn xuôi hiện đại

6 CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và thư mục tham khảo, luận văn triển khai làm ba chương:

Chương 1: Nguyên Ngọc với cảm hứng lãng mạn – anh hùng trong văn học cách mạng Việt Nam 1945-1975

1.1 Cảm hứng và cảm hứng sáng tạo trong văn học

1.2 Cảm hứng lãng mạn – anh hùng trong văn học cách mạng Việt Nam

1945-1975

Trang 17

1.3 Nguyên Ngọc với văn học cách mạng Việt Nam 1945-1975

1.3.1 Vài nét về tiểu sử Nguyên Ngọc

1.3.2 Nguyên Ngọc với nguồn cảm hứng lãng mạn – anh hùng

Chương 2: Cảm hứng lãng mạn – anh hùng thời chống Pháp trong “Đất nước đứng lên”

2.1 Nguyên Ngọc viết “Đất nước đứng lên”

2.2 Lãng mạn – anh hùng trong “Đất nước đứng lên”

2.3 Nghệ thuật thể hiện

Chương 3: Cảm hứng lãng mạn – anh hùng thời chống Mỹ trong truyện ngắn

và tùy bút, ký và tiểu thuyết:

3.1 Trong truyện ngắn

3.2 Trong tùy bút và ký

3.3 Trong tiểu thuyết “Đất Quảng”

3.4 Nghệ thuật thể hiện

Trang 18

CHƯƠNG 1 NGUYÊN NGỌC VỚI CẢM HỨNG LÃNG MẠN – ANH HÙNG TRONG VĂN HỌC CÁCH MẠNG VIỆT NAM 1945-1975

1.1.Cảm hứng và cảm hứng sáng tạo trong văn học

1.1.1 Về khái niệm cảm hứng

Sáng tạo văn học nghệ thuật thuộc lĩnh vực sản xuất tinh thần và theo phương thức riêng của mỗi người nghệ sĩ Văn học nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội, hay nói cách khác đời sống xã hội là nguồn cảm hứng cho các nhà văn Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Nguyên Ngọc luôn nhất quán một lý tưởng vềanh hùng – phải làanh hùng Do đó, mảng đề tài xuyên suốt hành trình sáng tác của ông là cảm hứng lãng mạn – anh hùng Nó trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tạo của Nguyên Ngọc

Như chúng ta đã biết, để có một tác phẩm văn học nghệ thuật thì phải trải qua một quá trình sáng tạo của nhà văn, bắt đầu từ khi nảy sinh những dự tính rồi sau đó là quá trình nảy sinh những quan niệm mang tư tưởng sáng tạo của tác phẩm văn học, những tư tưởng ấy thường gắn liền với sự cảm thụ của nhà văn với cuộc sống dưới hình thức cảm xúc Bởi vậy, các nhà nghiên cứu

văn học khẳng định: “Cảm hứng – trạng thái tâm lí then chốt và bao trùm

trong sáng tác của nhà văn” [57;209]

Nhà phê bình V.G.Biêlinxky đã xác định vai trò và nguồn gốc của tư

tưởng trong tác phẩm: “Trong những tác phẩm nghệ thuật chân chính, tư

tưởng đâu phải là một khái niệm trừu tượng được thể hiện một cách giáo điều

mà nó là linh hồn của chúng, nó chan hòa trong chúng như ánh sáng chan hòa trong pha lê Trong những tác phẩm nghệ thuật, tư tưởng là cảm hứng chủ đạo của chúng, cảm hứng chủ đạo là gì ? Đó là sự thâm nhập say mê về

sự ham thích một tư tưởng nào đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là kết quả cảm hứng chủ đạo phải thấm đượm nó Thiếu cảm hứng chủ đạo thì không thể hiểu được là cái gì đã buộc nhà thơ cầm bút và cung cấp cho anh ta sức

Trang 19

lực và khả năng khởi đầu và kết thúc một tác phẩm đôi khi khá đồ sộ”

[6;111]

Cảm hứng được biểu hiện rõ nhất khi nhà văn bắt đầu viết, bởi cảm hứng là trạng thái tâm lý đặc biệt khi sức chú ý được tập trung cao độ, kết hợp với cảm xúc mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả Cảm hứng chính là hứng thú sáng tạo, sự thôi thúc sáng tạo Hêghen

và Bêlinxki đều dùng từ “cảm hứng” để: “Chỉ trạng thái hưng phấn cao độ

của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả

Sự chiếm lĩnh ấy bao giờ cũng bắt nguồn từ lý tưởng xã hội của nhà văn nhằm phát triển và cải tạo thực tại” [88;141] Còn theo Pôxpêlốp thì cảm

hứng là: “Sự lý giải, đánh giá sâu sắc và chân thực – lịch sử đối với tính cách

được miêu tả vốn nảy sinh từ ý nghĩ dân tộc khách quan của các tính cách ấy

là cảm hứng tư tưởng sáng tạo của nhà văn và của tác phẩm của nhà văn”

[88;141]

A Puskin đã định nghĩa cảm hứng một cách chính xác và giản dị như

sau: “Cảm hứng là trạng thái tâm hồn thích hợp cho sự tiếp nhận một cách

sinh động những ấn tượng, do đó, cho sự lĩnh hội một cách nhanh chóng những ý niệm tức là những cái tạo điều điện cho sự giải thích những ấn tượng nói trên” Trần Đình Sử đưa ra quan niệm về cảm hứng: “Cảm hứng là một tình cảm mạnh mẽ, mang tư tưởng, là một ham muốn tích cực đưa đến hành động Điều quan trọng là cần nhận ra cảm hứng như một lớp nội dung đặc thù của tác phẩm văn học” và “Cảm hứng trong tác phẩm trước hết là niềm say mê khẳng định chân lý, lý tưởng, phủ định sự giả dối mà mọi hiện tượng xấu xa, tiêu cực là thái độ ca ngợi, đồng tình với nhân vật chính diện, là sự phê phán tố cáo các thế lực đen tối, các hiện tượng tầm thường” [57;268]

Như vậy, cảm hứng là một trong những yếu tố chính hợp thành tư tưởng tác phẩm Không có cảm hứng thì không tạo ra được sự lao động nghệ

thuật nghiêm túc K.Pautopxki nhấn mạnh: “Cảm hứng là trạng thái lao động

nghiêm túc, nhưng nó có màu sắc thơ riêng biệt của nó … cảm hứng đi vào

Trang 20

tâm hồn chúng ta giống như buổi sáng mùa hạ rực rỡ mới rũ khỏi thân mình sương mù của một đêm yên ả,… Cảm hứng giống như mối tình đầu, khi tim ta rộn ràng cảm thấy trước những cuộc gặp gỡ ly kỳ, đôi mắt đẹp tuyệt trần, những câu nói ngập ngừng dang dở” [89;63] Bởi vậy: “Cảm hứng là trạng thái tâm lý căng thẳng nhưng say mê khác thường Sự căng thẳng của ý chí và trí tuệ, sự dồi dào về cảm xúc, khi đã đến sự hài hòa, kết tinh, sẽ cháy bùng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn dắt họ đến những mục tiêu da diết bằng con đường gần như trực giác, bản năng” [57;210]

1.1.2 Về cảm hứng sáng tạo trong văn học

Văn học thuộc lĩnh vực văn hóa – tinh thần Nhà văn sáng tạo ra các tác phẩm văn học,được gọi là sản xuất về tinh thần

Mặt khác, nếu như các thành phẩm của các ngành lao động mang tính vật chất thì tác phẩm văn học nghệ thuật lại chứa đựng tình cảm chủ quan của chủ thể sáng tạo Chính vì vậy cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ phải thật mãnh liệt Không có cảm hứng sáng tạo chỉ là miễn cưỡng, một thói quen mà

thôi: “… không có cảm hứng mà miễn cưỡng viết, chẳng qua là để tập một

thói quen Và đó chính là con đường động não, tích lũy sẽ dẫn đến cảm hứng thật sự Cho nên tuy có nhanh chậm, cao thấp, kéo dài hoặc chóng tan khác nhau, nhưng sáng tác văn học nghệ thuật không thể không có cảm hứng Viết văn là gan ruột, tâm huyết, chỉ bộc lộ những gì đã thật sự tràn đầy trong lòng, không thể cho ra những sản phẩm của một tâm hồn bằng lặng, vô vị miễn cưỡng” [57;210]

Cảm hứng sáng tạo trong văn học vừa là cuộc hành trình nhọc nhằn, vừa là sự nghỉ ngơi thư thái trong tâm hồn nghệ sĩ Nó buộc người nghệ sĩ vào trạng thái lao động cẩn trọng bằng niềm say mê, bằng tất cả niềm hứng khởi dưới một cường độ lao động nghiêm túc

Hơn thế nữa, đối với người nghệ sĩ, cảm hứng nghệ thuật là yếu tố đầu tiên dẫn đến sự hình thành của một tác phẩm Tùy thuộc vào tâm hồn của nghệ sĩ mà cảm hứng đến bất chợt hay có khi phải qua một quá trình nó mới

Trang 21

được tích tụ lại Đó cũng chính là lí do vì sao mà trong cả quá trình sáng tác, cảm thức của nhà văn hiện thực không thay đổi nhưng khi bắt tay vào làm việc thì cảm hứng dấy lên mạnh mẽ, nhà văn sáng tạo, khai thác những ý tưởng mới, táo bạo đưa lại cho tác phẩm một sự mới mẻ cả về nội dung lẫn hình thức

Tiềm ẩn trong mỗi con người là một tâm hồn nghệ sĩ, đó là khả năng rung động trước cái đẹp trong cuộc sống của chúng ta Đối với nhà văn, những khoảnh khắc rung động ấy nhiều hơn những người bình thường và cũng mãnh liệt hơn Những cảm xúc mãnh liệt nhất bộc lộ để trở thành tác

phẩm là cảm hứng chủ đạo của nhà văn Trong “Từ điển thuật ngữ văn học”, các tác giả đã đưa ra khái niệm về cảm hứng chủ đạo như sau: “Cảm hứng

chủ đạo là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm”[27;32] Bêlinxki coi cảm

hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những sáng tác, tác

phẩm đích thực, bởi nó “Biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng

thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành”[27;32]

PGS.TS Huỳnh Như Phương đưa ra quan điểm cảm hứng chủ đạo như

sau: “Cảm hứng thấm nhuần vào toàn bộ cấu trúc của tác phẩm, vào thế giới

hình tượng, bao gồm không gian, thời gian, tính cách nhân vật, vào xung đột, vào cốt truyện, vào ngôn từ và giọng điệu của một bài thơ, một truyện ngắn, một thiên tùy bút hay một cuốn tiểu thuyết ”[29;210]

Chính vì vậy, trong sáng tạo văn học nghệ thuật cảm hứng sáng tạo – nguồn cảm hứng chủ đạo đóng vai trò quyết định giá trị của tác phẩm văn học, bởi nó là kết quả của sự thôi thúc ngay chính trong tâm hồn của tác giả Tuy nhiên, cảm hứng sáng tạo của nhà văn không phải là một phút say mê bất chợt hay xuất phát từ những xúc cảm tâm linh kì quái mà cảm hứng sáng tạo

ở người nghệ sĩ rất đơn giản và thực tế bởi: “Cảm hứng là một trạng thái lao

Trang 22

động nghiêm túc của con người Sự cao hứng trong tâm hồn không biểu hiện

ở điệu bộ phường tùng trong sự bốc đồng” [89;62] Do vậy, cảm hứng sáng

tạo có được của tác giả là: “Kết quả bất ngờ của việc thai nghén lâu dài, suy

tư, cấu tứ, tưởng tượng trước đó” [57;211]

Vì thế, nhà văn phải liên tục trau dồi vốn sống, quan sát, khám phá hiện thực cuộc sống cũng như thế giới khách quan để làm giàu cho cảm hứng của mình, nếu không thì cảm hứng sẽ biến mất

1 2 Cảm hứng lãng mạn – anh hùng trong văn học cách mạng Việt Nam 1945-1975

1 2 1 Những tiền đề của sự phát triển nền văn học cách mạng Việt Nam 1945-1975

Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một thời kì phát triển mới của đất nước trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa – giáo dục … Đi cùng với sự phát triển đó, văn học nghệ thuật chuyển sang một bước ngoặt mới và thu được nhiều thắng lợi Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt

ấy Vì Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội là phương châm lớn của văn nghệ trong suốt thời kì dài lịch sử Đường lối văn nghệ đó đã xác định cho người viết lập trường nhân dân, phát huy những truyền thống dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại Nhân dân là cội nguồn khơi gợi mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật và nhân dân cũng là đối tượng thưởng thức, tiếp nhận Nhà văn phải đứng trên lập trường nhân dân, lấy quan điểm của nhân dân để nhận thức

và giải quyết mọi vấn đề Đồng thời, nền văn học mới phải biết phát huy và khai thác những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Tính nhân đạo và tính dân tộc luôn là phương châm và chuẩn mực cho các tác phẩm văn chương

Hiện thực cách mạng với những sự kiện vang dội sôi động đã khơi nguồn sáng tạo của người nghệ sĩ và là đối tượng phản ánh chủ yếu của nhiều

tác phẩm văn chương Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: miêu tả cho hay, cho chân

Trang 23

thật, cho hùng những sự việc và con người tiêu biểu Đó chính là yêu cầu tác

phẩm phản ánh được chiều sâu của cuộc sống mới và miêu tả chân thật, sinh động con người mới Hiện thực ấy vô cùng phong phú, bộc lộ nhiều vẻ đẹp, gợi lên niềm vui và mơ ước dễ làm nảy sinh những cảm hứng lãng mạn Chất trữ tình cách mạng là một thành tố quan trọng của văn học thời đại lịch sử này

Đảng và nhân dân đã có được một đội ngũ nhà văn với nhiều phẩm chất tốt đẹp: giàu lí tưởng, lăn lộn nhiều với thực tế, gắn bó với nhân dân để làm tròn vai trò sáng tạo của mình Họ giàu nhiệt tình cách mạng, giàu sức sáng tạo, có lập trường sáng tác vững vàng Họ luôn có mặt trên mọi lĩnh vực hoạt động, sẵn sàng dấn thân vào cuộc chiến đấu ác liệt Vượt bao khó khăn gian khổ, thậm chí hi sinh cả tính mạng để có được những trang viết giá trị Họ được xem là những nhà văn – chiến sĩ, nhà văn của nhân dân, một thành viên tận tụy trong hàng ngũ của cách mạng

Xuất phát từ những tiền đề trên, văn học cách mạng 1945-1975 đã đạt nhiều thành tựu, nhất là về văn xuôi Ở thể loại văn học này nội dung trực tiếp hướng về hiện thực cách mạng và về đời sống của quần chúng nhân dân Từ

đề tài về sinh hoạt thế sự, đời tư, các nhà văn chuyển sang đề tài lịch sử dân tộc, hướng vào khai thác hiện thực đời sống cách mạng với cảm hứng sử thi Văn học giai đoạn này nảy sinh và phát triển trên nền tảng của ý thức cộng đồng

Đặc biệt, trong cuộc sống kháng chiến chống Pháp, văn xuôi đã phát huy được ưu thế của thể loại, bám sát các sự kiện và diễn biến cuộc kháng chiến, dựng lại bức tranh nhiều vẻ về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ở mọi miền đất nước Nguyễn Tuân thâm nhập vào đời sống kháng chiến trên mọi nẻo đường Nguyên Tuân hăm hở, nhiệt tình từ khu Năm trở ra khu Bốn trong năm đầu toàn quốc kháng chiến rồi vượt Tam Đảo vào Việt Bắc, xuống khu Ba vào sâu vùng địch hậu và lọt cả vào vùng địch tạm chiếm, rồi theo bộ đội lên sông Thao suốt một dãy từ Phú Thọ ngược lên Yên Bái, sau vượt sông

Trang 24

Thao vào Tây Bắc theo chân các đoàn quân giải phóng Đọc truyện và kí kháng chiến, chúng ta có thể hình dung một khung cảnh rộng lớn từ tiền tuyến, hậu phương, trong vùng chiến khu và cả trong vùng địch tạm chiếm, từ Việt Bắc đến chiến trường Nam Bộ … Đáp ứng nhu cầu ghi chép, phản ánh kịp thời các sự kiện của cuộc kháng chiến, thể ký có điều kiện phát triển mạnh

mẽ Một trong những cây bút viết ký chiến tranh xuất sắc nhất là Trần Đăng Những ký sự ngắn, nhưng vẫn nổi bật tài năng dựng cảnh, phác họa chân dung, tạo không khí sôi động và giữ được tính khách quan

Thời kì đầu kháng chiến, hướng tới đối tượng mới là quần chúng cách mạng, truyện ngắn đã thu được một số thành tựu đáng kể Một lớp nhà văn đã chuyển hướng sáng tác, họ mạnh dạn đặt ra lập trường mới Nhiều truyện ngắn ghi lại được những hình ảnh về cuộc sống, về nét đẹp tâm hồn, tình cảnh

và cả những xung đột trong tâm trạng của người kháng chiến ở nhiều vùng, nhiều địa phương trên cả nước

Vợ Nhặt của Kim Lân đã lên án tội ác của bọn thống trị Nhật - Pháp

cùng bè lũ tay sai Chúng đã đẩy nhân dân ta vào nạn đói khủng khiếp năm

1945 đến nỗi cái giá của con người như cái rơm, cái rác có thể nhặt ở đầu đường xó chợ Tác phẩm cũng phản ánh được khí thế sôi sục cách mạng trong cuộc “trở dạ” vĩ đại của dân tộc

Tô Hoài với tập truyện Tây Bắc đã đóng góp vào sự phát triển của truyện ngắn kháng chiến Tô Hoài đi theo một đơn vị bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, được tiếp xúc với đồng bào dân tộc ở nhiều vùng khác nhau Chuyến đi đã mang lại cho Tô Hoài hiểu biết về cuộc sống của người dân

miền núi trước cách mạng và là nguồn cảm hứng để sáng tác tập truyện Tây Bắc Tập truyện tập trung thể hiện cuộc sống tủi nhục, đau khổ của đồng bào

dân tộc miền núi dưới ách thống trị của thực dân phong kiến với khát vọng giải phóng và quá trình thức tỉnh đến cách mạng của họ

Truyện ngắn của Nam Cao được xem là tuyên ngôn nghệ thuật của một lớp nhà văn đi với kháng chiến đứng về phía đại chúng, chân thành và thực sự

Trang 25

thay đổi quan điểm, lập trường Đôi mắt là bản tuyên ngôn về tư tưởng, lập

trường cách mạng, khẳng định cái nhìn tích cực của những văn nghệ sĩ kháng chiến đối với quần chúng nhân dân Chỉ có thể đứng trên lập trường yêu nước

và cách mạng, xuất phát từ tư tưởng cách mạng, chúng ta mới có thể hiểu được bản chất của nhân dân lao động Điều đó có quan hệ mật thiết tới việc xác định đối tượng chính của nền văn học mới là nhân dân, những con người bình thường mà vĩ đại

Văn xuôi kháng chiến, cụ thể là truyện ngắn, có nhiều biến đổi khá rõ

về hình thức và thể loại, về phương thức trần thuật, về giọng điệu và ngôn ngữ, tạo nên những đặc điểm về thi pháp của thể loại tự sự trong giai đoạn này Trong các truyện ngắn, quan điểm trần thuật của người trần thuật xích gần và tiến tới hòa nhập với quan điểm của nhân vật quần chúng Không gian đặc trưng nhất trong văn học thời kì kháng chiến là những con đường, mặt trận và chiến khu Không gian mới đã vượt ra khỏi sự chật hẹp, ngột ngạt của lũy tre làng, của mảnh ruộng để đến với không gian sôi động của cuộc kháng chiến Tuy chưa kết tinh được nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng truyện ngắn 1945-1954 đủ mở ra những hướng tìm tòi mới trong việc tiếp cận và phản ánh đời sống lịch sử, trong quan niệm nghệ thuật về con người và những kiểu loại nhân vật tương ứng với quan niệm đó Mặc dù các nhà văn chưa khắc họa được nhân vật điển hình đặc sắc, nhưng đã tập trung thể hiện được con người quần chúng với nét phẩm chất và tính cách chung của cộng đồng

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nền văn học cách mạng cũng bước sang chặng đường mới Nền văn học ấy hướng vào nhiệm vụ xây dựng

và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước Văn xuôi sau hơn mười năm kháng chiến chống Pháp không chỉ phát triển đa dạng về đề tài, phong phú về số lượng tác phẩm, tác giả mà còn đem lại những biến đổi và phát triển đáng kể về các thể loại, đặc biệt là truyện ngắn Đây là thể loại có khả năng nhạy bén trong việc phản ánh hiện chiến tranh và đáp ứng yêu cầu kịp thời cổ vũ chiến đấu Tác phẩm của họ

Trang 26

phản ánh tính khốc liệt và khí phách anh hùng của nhân dân trong thời gian

Mỹ phá hoại miền Bắc, chiếm đóng miền Nam

Truyện ngắn 1945-1975 đã xây dựng được nhiều hình tượng tiêu biểu cho các tầng lớp, giai cấp, cho số phận và con đường đi của quần chúng nhân dân trong thời đại cách mạng và kháng chiến Đóng góp đáng kể là truyện ký

về những người anh hùng và tập thể anh hùng như: Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Chiếc lược ngà ( Nguyễn Quang Sáng), Sống như anh (Trần

Đình Vân) Dù dung lượng hạn chế, nhưng truyện ngắn vẫn thể hiện đậm nét khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đề cập đến những vấn đề hệ trọng của dân tộc và của thời đại, vận mệnh của đất nước và nhân dân Nhiều tác phẩm trực tiếp thể hiện hình ảnh nhân dân trong quá trình thức tỉnh cách

mạng và cuộc đấu tranh gian khổ nhưng anh hùng: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Quán rượu người câm (Nguyễn Quang Sáng)

Nhân vật trung tâm của truyện ngắn thời kì này là người lính Đó là con người sử thi tiểu biểu cho khát vọng và ý chí chiến đấu quyết thắng của dân tộc, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của thời đại, cho sức mạnh và phẩm chất của con người kết tinh truyền thống từ mấy ngàn năm lịch sử và sức mạnh của cách mạng Những con người ấy ý thức sâu sắc về vị trí, ý nghĩa của cuộc chiến đấu, thấu hiểu chân lí của thời đại cách mạng Họ là anh Trỗi

trong Sống như anh của Trần Đình Vân: “Còn thằng Mỹ thì không ai có

hạnh phúc nổi cả”, là chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn

Thi: “Còn cái lai quần cũng đánh”

Các nhân vật anh hùng cũng thường được xây dựng như những con người toàn diện trong các mối quan hệ chung và riêng, thủy chung trọn vẹn với đất nước, với quê hương, với cách mạng và cả trong tình nghĩa gia đình, trong tình yêu nam nữ Các nhân vật cũng thường được đặt trong những hoàn cảnh thử thách gay go, những tình huống căng thẳng, nghiệt ngã trong chiến tranh để làm bộc lộ vẻ đẹp và những phẩm chất cao quý của họ Việt và Chiến

trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là một minh chứng

Trang 27

Mỗi người một vẻ nhưng cả hai đều có chung lòng căm thù giặc sâu sắc, dũng cảm, gan góc trong chiến đấu cho quê hương, nhưng họ cũng rất đỗi thủy chung với người thân, với cách mạng Khuynh hướng sử thi tạo nên một giọng điệu trang trọng, sùng kính, ngợi ca Truyện ngắn thời kì chống Mĩ đã tiếp tục nảy nở và phát triển những phong cách cá nhân và hình thành một số khuynh hướng thẩm mỹ trong việc khám phá, chiếm lĩnh và thể hiện đời sống, nổi bật nhất là khuynh hướng trữ tình và khuynh hướng hiện thực

Có thể nói, văn học cách mạng Việt Nam 1945-1975 đã mở ra những khả năng của thể loại Nó bao quát và mở rộng phản ánh trên tất cả các lĩnh vực đời sống Đặc biệt trong giai đoạn văn học cách mạng này nở rộ và có nhiều thành tựu, hình thành những khuynh hướng thẩm mĩ khác nhau và những cây bút với phong cách riêng Về thể loại truyện ngắn có Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, … Phê bình văn học xuất hiện và trở thành nổi bật như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Chế Lan Viên

… Thơ gắn với tên tuổi những nhà thơ: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên….Tiểu thuyết có những bước phát triển quan trọng Đề tài chiến tranh

được các nhà văn quan tâm, điển hình là Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Hòn Đất của Anh Đức, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Đất nước đứng

lên của Nguyên Ngọc… Đây là một minh chứng cho sự phong phú và đa

dạng của nền văn học cách mạng thời kỳ chống Mỹ

1.2.2 Cảm hứng lãng mạn - anh hùng, đặc điểm nổi bật trong văn học cách mạng Việt Nam 1945-1975

Khuynh hướng sử thi là đặc điểm bao trùm nền văn học kháng chiến, nền văn học phục vụ cách mạng Sử thi trong văn học 1945-1975 không phải

là khái niệm thể loại như sử thi cổ đại, mà là một khái niệm để chỉ đặc điểm của văn học được sáng tạo trên nền tảng của ý thức cộng đồng toàn dân, xuất hiện vào thời kì có đấu tranh chống giặc ngoại xâm, có phong trào xã hội bảo

vệ các lợi ích toàn dân Trong đó, xung đột có tính sử thi là xung đột của dân tộc ta với kẻ thù xâm lược, của cộng đồng toàn dân ta với quân địch Chủ đề

Trang 28

có tính sử thi là dân tộc, nhân dân, Tổ quốc, truyền thống Nhân vật là những người anh hùng đại diện cho phẩm chất, ý chí và sức mạnh của dân tộc Đặc biệt, là hình tượng người lãnh tụ, người chiến binh, hình tượng người mẹ được thể hiện bằng giọng điệu ngợi ca, khẳng định, cổ vũ nhân dân Chất sử thi không đối lập với hiện thực mà có khả năng hòa hợp, gắn bó với chất hiện thực từ đó nảy sinh lãng mạn trong sáng tác Cảm hứng lãng mạn lại mang nội

dung trữ tình sôi nổi, dạt dào và hướng về lý tưởng, hướng về tương lai Cảm

hứng lãng mạn không chỉ sôi nổi trong thơ mà cả trong văn xuôi Từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến bút kí, tuỳ bút và cả kịch bản sân khấu đều rất giàu chất thơ Hướng vận động của cốt truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui,

từ hiện tại đến tương lai đầy hứa hẹn Cảm hứng lãng mạn đó là cách nhìn thế giới mang đậm dấu ấn chủ quan, đầy mơ ước Có khi đó là sự mơ ước bay bổng hướng tới cái chưa có trong thực tế bằng niềm tin, sự lạc quan Có khi

đó là những rung động về lí tưởng cao đẹp, khát vọng lớn lao của những con người có chí hướng, hoài bão cao cả…Văn học 1945-1975 đã thể hiện những cảm xúc lãng mạn tích cực đó Hiện thực chiến tranh khốc liệt, phải đương đầu với hai kẻ thù hùng mạnh, một nửa đất nước tiến lên con đường Chủ

nghĩa xã hội từ đôi tay trắng, phải “Dọn tí phân rơi nhặt từng mẩu lá” để

“dựng cơ đồ”(Tố Hữu) Con người muốn đứng vững, vượt qua hiện thực ấy

cần phải có niềm tin và tâm hồn lãng mạn

Vì thế, cảm hứng lãng mạn thể hiện khá đậm nét trong nhiều truyện ngắn Các nhà văn thường nhạy cảm với cái đẹp của thiên nhiên, đất nước, nhất là vẻ đẹp của tâm hồn con người, thiên về khai thác các mối quan hệ tình cảm, những rung động tâm hồn, nhưng không vượt ra ngoài mạch sử thi – anh hùng và không bỏ qua các xung đột xã hội Đồng thời, mỗi tác giả lại có những sắc thái riêng, có sự kết hợp riêng với những yếu tố và khuynh hướng khác tùy theo cá tính sáng tạo Chẳng hạn sáng tác của Anh Đức tiêu biểu cho khuynh hướng văn xuôi giàu chất trữ tình, đậm chất lãng mạn Một số truyện

Trang 29

ngắn của Nguyễn Minh Châu thể hiện nổi bật chất trữ tình và cảm hứng lãng mạn của thời đại Ở Nguyễn Đình Thi, chất thơ trầm tĩnh và tươi sáng Nhân vật trong tác phẩm có vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm, thường có những mất mát đau xót, và những tình yêu thắm thiết Đến với Tô Hoài, ta bắt gặp chất thơ của thiên nhiên và tâm hồn của người miền núi Tất cả được cảm nhận bằng

sự thâm nhập, quan sát phong cảnh, và gắn với những phong tục sinh hoạt, được thể hiện trên trang viết bằng một phong cách riêng Truyện của Anh Đức lại càng mang đậm chất trữ tình Đó là những con người hoàn hảo, mang chất lí tưởng với tình cảm trong sáng, đậm nét truyền thống và thời đại Phong cảnh thiên nhiên đẹp, phóng khoáng mang nét đặc trưng Nam Bộ Nguyễn Khải với đề tài xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa Nguyễn Khải tập trung sâu sắc vào miêu tả số phận con người, sự biến đổi vươn lên để tìm thấy hạnh phúc của các nhân vật trong hoàn cảnh mới, khẳng định lối sống lành mạnh

trong một xã hội mới Cuộc đời của Đào trong Mùa lạc hoàn toàn thay đổi

trên mảnh đất chết của chiến tranh – nông trường Điện Biên Nơi ấy là biểu tượng của sự huỷ diệt nhưng nay nó lại cưu mang những số phận hẩm hiu, hàn gắn nỗi đau tâm hồn cho họ Trước khi lên Điện Biên, Đào là người đàn

bà chịu nhiều bất hạnh Nhưng khi sống ở nông trường, trong môi trường tập thể biết cảm thông, chia sẻ, nên Đào đã tìm thấy những niềm vui khó tả, những rung động trong tình yêu mới, cuộc đời cô cũng bước sang một trang mới tươi sáng hơn

Đời sống hiện thực bộc lộ nhiều vẻ đẹp, gợi lên những niềm vui và mơ ước dễ làm nảy sinh cảm hứng lãng mạn Đây là những năm tháng con người tuy đứng trong đau khổ tột cùng nhưng tâm hồn lại sống trong niềm tin vui

ấm áp của tình đồng chí, của tình quân dân, trong ánh sáng rực rỡ của lí tưởng, của tương lai Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng về lí tưởng, về tương lai Nó không chỉ sôi nổi trong thơ mà cả trong văn xuôi Từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tùy bút, bút kí đều rất giàu chất thơ

Trang 30

Như vậy, giai đoạn này có những biến đổi sâu sắc về bản chất của thể

loại, do chịu sự chi phối của khuynh hướng sử thi - anh hùng và cảm hứng

lãng mạn Do đó, một số tác phẩm viết về đề tài chiến tranh trong thời kì

chống Mỹ ít nói tới cái dữ dội, ác liệt của bom đạn mà từ chiến tranh, bom

đạn, nhà văn thể hiện một thế giới của tình người, đầy đức tính vị tha, lòng

dũng cảm và đặc biệt là nghĩa tình thủy chung của con người Đó là thế giới

của cái cao cả, cái đẹp vượt lên trên sự tàn phá, hủy diệt của bom đạn chiến

tranh Cho nên, khi tiếp nhận những tác phẩm văn học cách mạng 1945-1975

ở bất kì thể loại nào, chúng ta cũng thấy biểu hiện của chất thơ nhiều hơn chất

văn xuôi và ưu thế tuyệt đối của giọng trữ tình - lãng mạn

1.3 Nguyên Ngọc với văn học cách mạng Việt Nam 1945-1975 1.3.1 Vài nét về Nguyên Ngọc

Nguyên Ngọc tên thật là Nguyễn Văn Báu, sinh ngày 05 tháng 09 năm

1932 Quê ở xã Thăng Uyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam Nguyên

Ngọc còn có bút danh là Nguyễn Trung Thành - dùng trong thời kỳ hoạt động

trên chiến trường miền Nam, những năm chống Mỹ cứu nước

Nguyên Ngọc sinh trưởng trong một gia đình công chức Cha là một

viên chức bưu điện, mẹ là người buôn bán nhỏ Thuở thiếu niên, Nguyên

Ngọc đang học dở dang Trung học thì kháng chiến toàn quốc chống thực dân

Pháp bùng nổ Ông theo gia đình tản cư vào vùng tự do, tiếp tục học theo

trường Trung học kháng chiến Nguyên Ngọc đã có thời gian sống và hoạt

động ở Hội An, Đà Nẵng, Huế

Năm 1950, ông gia nhập quân đội và tốt nghiệp trường lục quân khu V

Khoảng thời gian 1951-1954, ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân liên

khu V Thời gian này, Nguyên Ngọc chủ yếu hoạt động ở vùng núi Tây

Nguyên, tập kết ra Bắc (1954) trong sư đoàn 324 và ông được điều về trại viết

gương anh hùng của Tổng cục chính trị, ở đây ông đã viết cuốn tiểu thuyết

Đất nước đứng lên Tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực, sinh động

Trang 31

chân dung của một nhân vật anh hùng, sức mạnh kỳ diệu của một phong trào cứu nước và vẻ đẹp của miền đất Tây Nguyên

Năm 1957, Tạp chí Văn nghệ Quân đội thành lập, Nguyên Ngọc là một thành viên ban biên tập đầu tiên, có khi giữ chức vụ thư ký tòa soạn Bám sát cuộc sống, giữ cho mình một nhiệt tình cách mạng, đó là con đường tồn tại của nhà văn, cùng với tất cả những nhà văn trong thời kỳ này, Nguyên Ngọc tiếp tục hướng ngòi bút của mình vào đề tài xây dựng Chủ nghĩa xã hội miền

Bắc với tác phẩm Mạch nước ngầm Rồi truyện ngắn Rẻo cao ra đời khẳng

định bước phát triển về kháng chiến và cách mạng ở miền núi

Năm 1962, đất nước bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Trong hoàn cảnh đó, Nguyên Ngọc là một trong những nhà văn quân đội đầu tiên trở lại chiến trường miền Nam, ông hoạt động cùng nhân dân liên khu V, chủ yếu ở vùng đất Tây Nguyên và Quảng Nam

Lúc này ông là chủ tịch chi hội văn nghệ giải phóng khu V, lấy bút danh là Nguyễn Trung Thành Ông đảm nhận nhiều chức vụ: Chủ tịch Hội văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ, kiêm trưởng ban biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội giải phóng Trung Trung bộ, trưởng ban văn học thuộc Cục chính trị Quân khu

Thời gian này ông đã ý thức được “Cầm súng đánh giặc đã rồi làm nhà

văn sau” nhưng cuộc chiến diễn ra với bao sự kiện dồn dập buộc ông không

thể rời ngòi bút được Vừa chiến đấu, vừa viết văn, “Tiếng nói bằng vũ khí và

vũ khí bằng tiếng nói”, được ông vận dụng thật đúng lúc, đúng chỗ, hợp lý

Những tác phẩm ông viết trong thời gian này gồm có: truyện ngắn “Rừng xà nu” (1965), tùy bút “Đường chúng ta đi” (1969), tập truyện “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”, (1969), “Đất Quảng” tập 1 (1971)

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất 1975, Nguyên Ngọc ra Hà Nội công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi được bổ sung vào Ban Chấp hành Hội nhà văn (khóa II), nhận nhiệm vụ Phó Tổng thư ký, Bí thư Đảng đoàn

Trang 32

Hội nhà văn Rồi ủy viên ban chấp hành khóa III, khóa IV Ngoài ra ông còn giữ chức tổng biên tập tuần báo Văn nghệ (1979-1986) và là đại biểu Quốc hội (khóaVI)

Trước một hiện thực mới, đất nước chuyển từ thời chiến tranh sang thời bình Công cuộc đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy trên các lĩnh vực đã tác động mạnh mẽ đến văn học nghệ thuật, rất nhiều nhà văn đã chuyển hướng, họ quan tâm khai phá những hiện thực mới, đó là số phận cá nhân, những vấn đề của đời sống, đời tư, đời thường của con người như Nguyễn Khải, Nguyễn

Minh Châu … còn nhà văn Nguyên Ngọc “Công việc sáng tác và công việc

lãnh đạo đều là công tác cách mạng, một mục đích cao cả phục vụ cách mạng

và phải đều làm trọn cả hai” [37] Nguyên Ngọc, cuộc đời của một chiến sĩ

cách mạng không bao giờ tách rời phần sáng tác Chính điều này đã tạo nên tính nhất quán trong sáng tác của ông và đã là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm mới ra đời: Trở lại Mèo Vạc (1990), Cát cháy (1998), Tháng Ninh nông (1999), Có một con đường mòn trên biển Đông (1998) Ngoài ra ông còn viết

kịch bản phim Đất nước đứng lên và Hòa bình; tham gia dịch thuật một số tác phẩm như: “Độ không của lối viết” của Roland Barthe, “Văn học là gì ?” của Jean Paul Sartre; tiểu luận: “Nghệ thuật tiểu thuyết và những di chúc bị phản

bội” của Milan Kundera; viết lý luận phê bình văn học

Nhìn lại toàn bộ sáng tác của Nguyên Ngọc, chúng ta thấy thành công đáng kể nhất của ông là viết về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống

Mỹ, mà cảm hứng chính là đề cập đến những vấn đề trọng đại của dân tộc, với những con người anh hùng bằng ngòi bút đậm chất lãng mạn – sử thi Ngày 01 tháng 09 năm 2000, Nguyên Ngọc được nhà nước trao tặng huân chương Độc lập hạng nhì, về những cống hiến to lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật Nhà nước đã ghi nhận về sự đóng góp cả một đời cầm súng và cầm bút của nhà văn Nguyên Ngọc

Trang 33

1.3.2 Nguyên Ngọc với nguồn cảm hứng lãng mạn- anh hùng

Giai đoạn năm 1945-1975, cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc ta diễn ra trên qui mô rộng lớn chưa từng có Nó tác động mạnh mẽ đến thời đại, với tính chất quyết liệt, hào hùng đã làm nảy sinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam Văn học giai đoạn này đã xây dựng được những hình tượng cao đẹp về Tổ quốc và nhân dân, về những người anh hùng, đặc biệt đã thể hiện sinh động và phong phú hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh vô cùng ác liệt giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc Văn học đã tập trung thể hiện cuộc chiến đấu ở mọi miền đất nước, luôn nêu cao tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cánh mạng, ý chí quyết thắng của cả dân tộc, ngợi ca phẩm chất và sức mạnh con người Việt Nam, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh thần cách mạng thời đại Chúng ta có thể thấy rõ nhất trong tác phẩm của Nguyên Ngọc, đó là sự kết hợp hài hòa giữa

tính chất sử thi, anh hùng và cảm hứng lãng mạn: “Những nhân vật rất hiện

thực nhưng lại có nét hùng tráng đến kì ảo như vừa từ những trang thần thoại, những trang khúc dân gian bước ra Những nhân vật vừa gân guốc, góc cạnh lại vừa trong sáng uyển chuyển như những viên đá hoa cương đã qua tay đẽo tạc của người nghệ sĩ thành những pho tượng đẹp [55;118]

Những nhà văn cách mạng giai đoạn 1945-1975 cùng chịu sự chi phối của khuynh hướng tư tưởng, khuynh hướng thẩm mĩ và khuynh hướng nghệ thuật, nhưng Nguyên Ngọc đã tạo cho mình nét phong cách riêng không thể lẫn với nhà văn khác Ông luôn ý thức rất rõ vai trò, sứ mệnh của nhà văn – người chiến sĩ Nguyên Ngọc đã dùng văn chương của mình làm vũ khí chiến đấu Với ông, sáng tác văn học chính là công việc phục vụ nhạy bén nhu cầu kháng chiến Do đó, ngay từ khi bắt đầu sáng tác, ông đã bám sát các vấn đề lớn, nóng bỏng của cách mạng, của sự nghiệp chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước Cái hồn trong các trang viết của ông là thuộc về đời sống cách mạng Ở Nguyên Ngọc, chất trữ tình lại gắn liền với cái hùng tráng của sử thi Những nhân vật của Nguyên Ngọc là đại diện đầy đủ và tập trung cao độ

Trang 34

những khát vọng, ý chí, sức mạnh và phẩm chất của cả cộng đồng Đồng thời

họ cũng là con người có tình cảm thật là trong sáng và hết sức thắm thiết với quê hương, đất nước, với đồng bào, dân tộc Tác phẩm của Nguyên Ngọc tràn đầy nhiệt huyết, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Tiêu biểu là tác

phẩm “Đất nước đứng lên” Tác phẩm ra đời đã khẳng định một bước tiến

quan trọng trong văn xuôi Việt Nam hiện đại trên phương hướng mà đường

lối văn nghệ của Đảng vạch ra “Đất nước đứng lên” là bản anh hùng ca bất

hủ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp Với tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, với lòng yêu chuộng tự do, độc lập, nhân dân Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ đã đứng lên đánh bại kẻ thù lớn hơn nhiều lần cả về kinh tế và quân

sự

Chính lòng khao khát tự do, yêu Đảng, yêu Bác Hồ, yêu đất nước đã tạo nguồn sức mạnh để con người giành chiến thắng, hưởng trọn niềm vui Đối với Nguyên Ngọc, nhiều khi ông không nén nổi cảm xúc riêng của mình, ông truyền đến cho ta những phút sâu lắng của nội tâm, rất quý, gây được một thứ không khí riêng cho tác phẩm Trong sáng tác cũng như trong nhiều lần tâm sự, Nguyên Ngọc tỏ ra quan tâm đến việc tìm chọn cho mình những chủ

đề mới mẻ, bám chặt hiện thực, hướng về cái mới của đời sống Ở tác phẩm của Nguyên Ngọc, bút pháp trữ tình và bút pháp anh hùng ca ở những cung bậc khác nhau phù hợp với cuộc sống con người thời đại, đặc biệt là người miền núi Đối với Nguyên Ngọc, nhu cầu đi tìm “cái hùng” là một sự thôi thúc không ngừng, như thêm sâu vào tâm trí mình Ông không phải chỉ viết

truyện sử thi, viết văn lãng mạn mà “anh thật sự sống trong không khí sử thi

mà mang hẳn trong máu mình chất lãng mạn … vì anh viết bằng lí tưởng, vì anh nhìn đời qua lí tưởng” [63]

Chính vì vậy, “Đất nước đứng lên” là bài ca của những con người chiến

thắng Đọc tác phẩm, chúng ta như được sống lại quá khứ oai hùng nhưng đầy thử thách của nhân dân Tây Nguyên, chúng ta thông cảm với họ, khâm phục ở

Trang 35

họ với ý chí vượt qua mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm đến cùng để giành lại cuộc sống Tác phẩm là hiện thực vĩ đại nhất của thời đại cách mạng vô sản

và phong trào chống đế quốc

Sau tác phẩm “Đất nước đứng lên”, Nguyên Ngọc vẫn tiếp tục sáng tác

Thời gian này, ngòi bút của ông hướng về đề tài xây dựng đất nước, về hình tượng người anh hùng trong lao động, pha lẫn trong chiến đấu lại được tái

hiện một cách rõ nét trong sáng tác của Nguyên Ngọc Tác phẩm “Mạch nước

ngầm” ra đời năm 1960 là đề tài không viết về chiến đấu mà đi vào khám phá

cuộc sống ở một lĩnh vực mới, cuộc sống lao động xây dựng đất nước nhưng mạch văn vẫn nằm trong tinh thần của sử thi

Năm 1961, tập truyện ngắn “Rẻo cao” ra đời, một tập sách mỏng, với

sáu truyện ngắn nhưng truyện nào cũng hay Cho đến bây giờ, tập truyện vẫn

có sức thu hút người đọc bởi cái giọng điệu đằm thắm, sôi nổi, những cảm sức tinh tế, ngọt ngào, cái nhìn lành mạnh cho ta thấy thiên nhiên và con người miền núi quả có một vẻ hấp dẫn, một sức tác động trở lại đối với Nguyên Ngọc, làm cho ngòi bút của ông trở nên phơi phới, tha thiết lắng sâu Giữa cái bát ngát, đậm đà của sắc màu đất trời quê hương là hình ảnh những con người với khoảng tâm hồn hiện ra rất đẹp, rất say người để từ đó chất lãng mạn, trữ tình càng được cất cao lên Nhân vật trong truyện là con người gắn bó một lòng với công cuộc cách mạng, có trách nhiệm với công việc Đó

là người anh hùng của cộng đồng các dân tộc trên núi cao trong việc xây dựng đất nước

Nguyên Ngọc, con người luôn gắn bó với cách mạng, nên con đường ông đi sẽ là con đường dẫn ông đến những điểm nóng của cuộc sống, sống như một người trong cuộc với nhân dân, để từ đó lắng nghe được tất cả mọi tiếng động của cuộc đời, từ những rung chuyển lớn lao của thời cuộc, đến những nhịp đập khẽ của con tim Trong nguồn sống đó, tiếng nói của ông cất lên không phải là tiếng nói xa lạ, đơn lẻ, mà là tiếng nói của nhân dân, tiếng nói lạc quan, đằm thắm, hùng tráng, có sức giục giã con người vươn lên Sau

Trang 36

đồng khởi, sau 1962 ngoài lực lượng cán bộ, bộ đội tập kết trở về miền Nam, còn có các văn nghệ sĩ cũng tham gia vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam Nguyên Ngọc là một trong những thành viên trong đội quân văn nghệ đầu tiên được điều động trở lại chiến trường vừa tham gia chiến đấu, vừa viết văn với bút danh là Nguyễn Trung Thành Gắn

bó với cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng, đó là con đường mà ông

đã chọn Đó cũng là con đường mà cả dân tộc ta hơn mấy chục năm qua đã trải qua Từ trong máu và nước mắt, từ trong nước sôi lửa bỏng mà cả dân tộc

đã trưởng thành “Đường chúng ta đi” là cuốn tùy bút nổi tiếng của Nguyễn

Trung Thành Đây chính là con đường ra trận, con đường đầy gian lao thử thách nhưng rất đỗi tự hào của quân dân ta

Cảm hứng anh hùng – lãng mạn còn được cất cao hơn nữa và đậm đà hơn nữa khi Nguyễn Trung Thành cho ra mắt bạn đọc truyện ngắn nổi tiếng

“Rừng xà nu” Trong “Rừng xà nu”, nhà văn đã kết hợp được cảm hứng sử thi

với bút pháp sử thi điêu luyện, khái quát tầm vóc lịch sử của một giai đoạn cách mạng ở một vùng đất đậm đà sắc thái Tây Nguyên.Tác phẩm đã đề cập đến một vấn đề trọng đại của lịch sử dân tộc, cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đang diễn ra gay go và quyết liệt ở Tây Nguyên nói riêng và cả dân tộc

nói chung “Rừng xà nu” là bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu anh hùng của

đồng bào Tây Nguyên với sự trưởng thành của một thế hệ mới, trẻ trung nhiệt tình Tác phẩm ra đời trong thời điểm hào hùng của lịch sử, lại kể về những

sự việc mang tầm vóc thời đại cùng với giọng điệu trần thuật thấm đẫm màu sắc anh hùng ca, pha chất trữ tình sâu sắc

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nguyên Ngọc gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, ông gần gũi, hiểu biết cuộc sống và tinh thần quật cường, bất khuất, yêu tự do, quí cách mạng của nhân dân các dân tộc ít người trên mảnh đất Tây Nguyên Điều đó giúp ông gặt hái nhiều thành công khi viết về Tây Nguyên, những trang văn thật hào hùng tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần cách mạng Đó là vẻ đẹp chung của dân

Trang 37

tộc Việt Nam anh hùng Tuy nhiên, Nguyên Ngọc không chỉ dừng lại ở đề tài

viết về miền núi Tây Nguyên mà ông còn viết về cuộc sống, con người miền

biển không kém phần hấp dẫn Vì người của biển cả hay núi rừng thì cũng

đều là con đẻ của thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, hoang dại và chứa đầy bí ẩn

Trong tác phẩm “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”, các chàng trai

trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, dưới ngòi bút của Nguyễn Trung

Thành hiện lên là những con người mang lý tưởng lớn lao và ý chí mãnh liệt,

tâm hồn tràn trề sức sống Họ là hiện thân cho sức mạnh, cho phẩm chất của

dân tộc Họ là những con người sử thi, con người đại diện đầy đủ cho tầm

vóc, sức mạnh ý chí và khát vọng của cả cộng đồng, của dân tộc, đất nước

Nguyên Ngọc đã thấm nhuần ý thức “Văn học là một vũ khí, nhà văn là

một chiến sĩ” sáng tác trên tinh thần trách nhiệm như một hoạt động đấu

tranh, ông không thể đứng ngoài cuộc, không nỡ đi bên lề đường khi tổ quốc

cất tiếng gọi thiết tha Ông phải xông xáo, phải kịp thời cho ra đời những tác

phẩm phản ánh hiện thực cuộc kháng chiến Đó chính là cơ sở để Nguyên

Ngọc viết cuốn tiểu thuyết “Đất Quảng” – tập 1, năm 1969 như một minh

chứng Tác phẩm mang đậm cảm hứng anh hùng ca của người dân đất Quảng

Nói tóm lại, các sáng tác của Nguyên Ngọc là sản phẩm của một đời

văn, một đời chiến sĩ được ánh sáng lý tưởng cách mạng soi sáng Ông luôn

bám sát vấn đề lớn, nóng bỏng của cách mạng, của sự nghiệp chiến đấu để

viết lên những bản anh hùng ca, ca ngợi vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng cách

mạng Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong sáng tác của ông là cảm hứng lãng

mạn – anh hùng, mỗi tác phẩm là một bức tranh chân thực của cuộc sống

Suốt cả một đời cầm bút của ông, ông chỉ săn tìm cái đẹp, hướng tới cái anh

hùng, cái phi thường, cái mãnh liệt dữ dội của con người, với một phong cách

tương đối tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam - tính chất sử thi và cảm

hứng lãng mạn Nguyên Ngọc là một con người có tâm hồn nhạy cảm với

những vẻ đẹp lớn lao của cách mạng và rất giàu lãng mạn Đó chính là chất

riêng của một nhà văn cộng sản, người bao giờ cũng bị thu hút mạnh bởi vận

Trang 38

mệnh của cộng đồng dân tộc, bằng ý thức của một chiến sĩ cộng sản có lý

tưởng có những nguyên tắc sống rất nghiêm “Cái yêu, cái ghét của anh phân

minh lắm, không dễ gì thay đổi” [63;328] Ông luôn nhất quán một điều trước

sau như một, phải rạch ròi và đầy tính lý tưởng lãng mạn của nhà văn, phải là

anh hùng

Do vậy, ông luôn hướng ngòi bút của mình đến những vấn đề lớn lao

nóng bỏng của hiện thực đất nước, để phát hiện và ca ngợi những con người

ưu tú xuất hiện trong dòng thác biến cố của lịch sử, cùng với những vẻ đẹp

phi thường vĩ đại của con người Cho nên dù Nguyên Ngọc không thay đổi

cách viết, chúng ta vẫn thích thú khi đọc văn của ông

Trang 39

CHƯƠNG 2 CẢM HỨNG LÃNG MẠN – ANH HÙNG THỜI CHỐNG PHÁP

TRONG “ĐẤT NƯỚC ĐỨNG LÊN”

2.1 Nguyên Ngọc viết “Đất nước đứng lên”

Với sự ra đời của tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” khi mới 23 tuổi,

Nguyên Ngọc đã tự khẳng định vị trí của mình trên con đường sáng tác văn học chuyên nghiệp Tác phẩm là kết quả từ một lần nhận nhiệm vụ, nhưng trước đó đã có những tiền đề chất chứa trong tư tưởng của Nguyên Ngọc

Thật vậy, những tiền đề đó là quá trình tác giả thâm nhập vào cuộc sống, là điều kiện lịch sử Chính vì vậy, đề tài về đất nước, về anh hùng đã được Nguyên Ngọc chú ý quan tâm từ lâu, đến nay mới có dịp thể hiện Năm

1950, Nguyên Ngọc gia nhập quân đội và tốt nghiệp trường lục quân quân khu V Khoảng thời gian 1951 – 1954 ông đã làm công tác phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân Liên khu V Thời gian này, Nguyên Ngọc chủ yếu hoạt động ở vùng đất Tây Nguyên, nhất là dọc các đường quốc lộ 19, 20 Đặc biệt, có vài lần ông được theo bộ đội địa phương vào làm công tác gây cơ sở trong nhân dân để xây dựng lực lượng du kích, mở đường cho các hoạt động

vũ trang tiến sâu trong lòng địch

Thời gian đầu lên Tây Nguyên, Nguyên Ngọc còn mang nhiều chất tư sản của một thanh niên học sinh chịu ảnh hưởng nhiều của không khí văn học đương thời, đặc biệt là văn học Pháp Ông háo hức muốn đi xa, muốn cảm nhận chất lãng mạn, trữ tình của miền đất Tây Nguyên đầy hoang sơ và bí

hiểm Thậm chí, ông còn “coi thường khả năng cách mạng của các dân tộc

thiểu số” Nhưng những suy nghĩ trong buổi ban đầu đó đã dần dần thay đổi

khi ông tiếp xúc với thực tế Nguyên Ngọc nhận thấy cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đầy gian khổ, khắc nghiệt và ảnh hưởng nặng nề bởi những tư tưởng lạc hậu, những trận càn quyét của thực dân Pháp

Trang 40

Cũng trong thời gian này, Nguyên Ngọc đã học được một ít tiếng Ê-đê tạo cơ sở để ông đi sâu vào tìm hiểu đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên Nhờ vậy, Nguyên Ngọc đã được sống, chiến đấu và vượt qua gian khổ cùng đồng bào

Đối với đồng bào Tây Nguyên, tình trạng thiếu muối ăn là nỗi ám ảnh trong cuộc sống của họ Họ phải đốt tro tranh ăn thay muối để đánh giặc, có nhiều đồng bào đã phải giết cán bộ nộp cho giặc để có muối ăn Có làng phải làm hàng rào cho Pháp để đổi muối Thiếu muối, con người xanh xao vàng vọt không làm được gì và đã trở thành nô lệ cho bọn thực dân không có tính người Nhưng Tây Nguyên vẫn còn có những con người, những đồng chí du kích chiến đấu và hy sinh dũng cảm Không chỉ là những thanh niên, trai tráng mà các mẹ, các chị, các em nhỏ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ buôn làng, bảo vệ cái rẫy, bảo vệ cán bộ Chính điều đó đã làm nên truyền thống yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc của đồng bào Tây Nguyên, ông muốn

kể, muốn giới thiệu cuộc sống và tinh thần của đồng bào Tây Nguyên với đồng bào Kinh, nên Nguyên Ngọc đã bắt đầu ghi chép lại những điều mà ông chứng kiến ở đây

Tuy nhiên, để tiếp cận với hầu hết đồng bào Tây Nguyên không phải là chuyện dễ làm Vì có người gặp thì họ tin ngay nhưng nhiều người sợ hãi bỏ chạy Tình hình đó buộc tiểu đội của Nguyên Ngọc phải bắt người dân đi rẫy

để tuyên truyền cách mạng Cũng trong thời gian này, trong chuyến đi công tác ở ven đường quốc lộ 21, Nguyên Ngọc đã gặp Ama Yơk (ông Yơk) là hình ảnh tiêu biểu của con đường giác ngộ cách mạng bằng hình thức lãnh đạo các xã chống Pháp, nhưng do mang nhiều tính chất mê tín nên phong trào

đã nhanh chóng tan rã Nay gặp cán bộ tuyên truyền đường lối của Đảng, Ama Yơk đã nhận ra con đường phải đi Ông trở thành Đảng viên cộng sản và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc Những tình tiết đó đã ảnh hưởng và làm cơ sở

để Nguyên Ngọc viết “Đất nước đứng lên” hoàn chỉnh hơn

Ngày đăng: 27/05/2021, 23:33

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w