Bài viết này sử dụng phương pháp phân tích hàm sản xuất biên ngẫu nhiên để đánh giá hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngành dệt may và may mặc tại Việt Nam, đồng thời sử dụng mô hình hồi quy Tobit kiểm duyệt phải để phân tích một số nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật các doanh nghiệp này. Bài nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu điều tra DNNVV Việt Nam năm 2013, bộ số liệu gồm có 2575 quan sát, trong đó có 98 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may và 126 doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả kỹ thuật của các DNNVV ngành dệt may và may mặc đạt mức 67.7% (thấp hơn mức trung bình các ngành là 70.29%. Kết quả hồi quy mô hình Tobit cho thấy hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp ngành dệt và may mặc phụ thuộc vào vị trí mà doanh nghiệp tiến hành sản xuất là nông thôn hay thành thị, hình thức sở hữu, kích thước doanh nghiệp và tổng vốn tài chính của doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp ngành dệt may và may mặc ở thành thị có hiệu quả kỹ thuật cao hơn các doanh nghiệp ở nông thôn. Các doanh nghiệp Hợp tác xã có hiệu quả kỹ thuật thấp hơn các hình thức sở hữu khác. Lao động tác động ngược chiều và tổng vốn tài chính tác động cùng chiều lên hiệu quả kỹ thuật của các DNNVV ngành dệt may và may mặc. Với những kết quả nghiên cứu trên, tác giả đã đưa ra đề xuất chính sách cho Chính phủ nhằm phát triển ngành dệt may và may mặc trong khu vực các DNNVV trong thời gian tới.