1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Sự tham gia tố tụng dân sự của viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm và kiến nghị (8 điểm)

10 102 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 10
Dung lượng 88,5 KB

Nội dung

Trong BLTTDS không có điều luật quy định tổng quát nhiệm vụ, quyền hạn của VKS tuy nhiên thông qua quy định tại khoản 1 Điều 21 BLTTDS sửa đổi “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân

Trang 1

MỤC LỤC

Lời mở đầu ……… 1

Nội dung ……… 1

I-Khái quát về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự……… 1

1 Khái niệm, đặc điểm ……… 1

2 Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự ……….1

3 Ý nghĩa ……… 2

II-Sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm ……… 2

1 Phạm vi tham gia của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm……….2

2 Hoạt động của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm……… 3

III- Sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát tại tòa án cấp phúc thẩm ……… 5

1 Kháng nghị của Viện kiểm sát theo thủ tục phúc thẩm……….5

2 Phạm vi tham gia của Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm ……….6

3 Hoạt động của Viện kiểm sát tại Tòa án cấp phúc thẩm ……… 6

IV- Một số kiến nghị đối với sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm ……… 7

Kết luận ……… 8

Danh mục tài liệu tham khảo ……….9

Trang 2

LỜI MỞ ĐẦU

Viện kiểm sát (VKS) cùng với Tòa án là hai cơ quan tiến hành tố tụng dân sự (TTDS) Tuy nhiên, nếu như Tòa án là cơ quan giữ vai trò chủ đạo, có rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong TTDS thì sự tham gia của VKS trong TTDS lại hạn chế hơn, chủ yếu thể hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia TTDS Mặc dù vậy không thể phủ nhận vị trí, vai trò của VKS trong hoạt động TTDS đặc biệt tại tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự Để làm rõ sự tham gia của VKS

trong TTDS em xin chọn đề tài “Sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm và kiến nghị”.

NỘI DUNG I-Khái quát về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

1 Khái niệm, đặc điểm

Hiện nay không có một quy định cụ thể nào về khái niệm VKS nhưng theo quy định tại Điều

1 Luật tổ chức VKS nhân dân 2002 thì có thể hiểu VKS là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật

Khi tham gia TTDS, VKS có những đặc điểm riêng mang tính đặc thù, đó là: VKS là cơ quan duy nhất thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS Với chức năng, nhiệm vụ của mình, VKS thực hiện quyền lực nhà nước, trực tiếp tham gia giám sát các hoạt động tư pháp góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, chế độ XHCN Khi thực hiện quyền hạn của mình VKS được sử dụng những biện pháp mà pháp luật quy định để bảo đảm việc kiểm sát có hiệu quả

2 Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

Trong BLTTDS không có điều luật quy định tổng quát nhiệm vụ, quyền hạn của VKS tuy

nhiên thông qua quy định tại khoản 1 Điều 21 BLTTDS sửa đổi “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát

việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời đúng pháp luật” và các điều luật cụ thể quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong từng lĩnh vực có thể

khái quát nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong TTDS như sau:

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết vụ việc dân sự của tòa án như kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ, hòa giải, xét xử, ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng

và những người liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự

- Yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị các bản án, quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật

Trang 3

- Tham gia các phiên tòa xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của pháp luật

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTDS, giải quyết các khiếu nại thuộc thẩm quyền

3 Ý nghĩa

Sự tham gia của VKS trong TTDS có ý nghĩa rất lớn Trước hết nó thể hiện một trong những nguyên tắc cơ bản của TTDS là nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS Qua đó bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được đúng đắn, bảo đảm cho mọi bản án, quyết định của tòa án có căn cứ và đúng pháp luật

Bên cạnh đó, sự tham gia tố tụng của VKS trong TTDS có ý nghĩa trong việc bảo vệ tính tối cao của pháp luật VKS có vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp, góp phần phát hiện và đẩy lùi những hạn chế, tiêu cực, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành TTDS trong hoạt động giải quyết vụ việc dân sự

II-Sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm

1 Phạm vi tham gia của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm.

Về phạm vi kiểm sát: VKS thực hiện kiểm sát ngay từ khi Tòa án nhận đơn khởi kiện của

đương sự Các quyết định cũng như hành vi tố tụng của Tòa án phải được gửi hoặc thông báo bằng văn bản cho VKS để VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật và có kiến nghị, kháng nghị trong những trường hợp cần thiết theo quy định của BLTTDS

Về phạm vi tham gia phiên tòa sơ thẩm:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS sửa đổi thì “Viện kiểm sát nhân dân tham gia

các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa

án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần” Đây là một quy định mới được sửa đổi so với BLTTDS năm 2004 theo

hướng mở rộng phạm vi tham gia tố tụng của VKS tại phiên tòa sơ thẩm.Trước đây, theo quy định tại BLTTDS năm 2004 thì sự tham gia của VKS tại phiên tòa sơ thẩm rất hạn chế: VKS nhân dân chỉ tham gia phiên tòa đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại Việc hạn chế phạm vi tham gia phiên tòa sơ thẩm của VKS là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số vụ việc dân sự giải quyết thiếu khách quan, không bảo vệ kịp thời tài sản của nhà nước, của công dân đặc biệt trong những vụ việc mà đương sự là người yếu thế trong xã hội (như người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần) Mặt khác, trong thực tế có nhiều trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ phải yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ hoặc có trường hợp Tòa án phải tự thu thập chứng cứ Việc thu thập chứng cứ ảnh hưởng rất lớn

Trang 4

đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự tuy nhiên hiện nay ở nước ta khi mà trình độ dân trí còn hạn chế thì không phải đương sự nào cũng có thể nhận thấy được những thiếu sót của Tòa án trong quá trình thu thập chứng cứ để có khiếu nại Hơn nữa nếu Tòa án tự tiến hành thu thập chứng cứ rồi lại xét xử sẽ khó có thể khách quan Do đó VKS với vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS cần phải tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ để đảm bảo tính chính xác, khách quan trong quá trình thu thập chứng cứ cũng như giải quyết vụ án

Xuất phát từ những lý do trên, BLTTDS đã được sửa đổi theo hướng quy định tăng thẩm quyền của VKS trong việc tham gia các phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự

2 Hoạt động của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm.

- Trong giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án: VKS thực hiện kiểm sát ngay từ khi Tòa án nhận đơn

khởi kiện của đương sự Trong trường hợp phát hiện những vụ án dân sự Tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng với quy định tại Điều 168 BLTTDS sửa đổi thì VKS có trách nhiệm kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp và Chánh án Tòa án cấp trên theo quy định tại Điều 170 BLTTDS sửa đổi để khắc phục Đây là quy định mới được bổ sung trong BLTTDS sửa đổi Theo quy định tại BLTTDS năm 2004 thì chỉ có người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa

án đã trả lại đơn khởi kiện Còn theo quy định tại BLTTDS sửa đổi thì VKS cũng có quyền kiến nghị với Chánh án tòa án đã trả lại đơn khởi kiện về việc trả lại đơn khởi kiện Bởi VKS là cơ quan nắm rõ các quy định của pháp luật do đó có thể dễ dàng phát hiện ra những sai sót trong việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án để có những kiến nghị kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho người khởi kiện

- Trong giai đoạn hòa giải và chuẩn bị xét xử: Đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các

đương sự nếu có căn cứ cho rằng sư thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội VKS sẽ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (khoản 2 Điều 188 BLTTDS sửa đổi) Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án, nết xét thấy không có căn cứ theo quy định tại Điều 189 và Điều 192 BLTTDS sửa đổi thì VKS có thể kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm Nếu Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì phải gửi quyết định cho VKS ngay sau khi ra quyết định Trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp để VKS nghiên cứu hồ

sơ (khoản 2 Điều 195 BLTTDS sửa đổi)

- Tại phiên tòa sơ thẩm: Trong trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2

Điều 21 BLTTDS sửa đổi thì Kiểm sát viên được Viện trưởng VKS cùng cấp phân công có nhiệm

vụ tham gia phiên tòa Trong trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa theo quy định tại Điều 48 hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu Trong

Trang 5

trường hợp không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì HĐXX quyết định hoãn phiên tòa và thông báo cho Viện trưởng VKS cùng cấp (Điều 207 BLTTDS sửa đổi) Như vậy đối với những vụ

án dân sự mà VKS phải tham gia phiên tòa sơ thẩm thì sự có mặt của Kiểm sát viên là bắt buộc, nếu không có sự tham gia của VKS thì HĐXX phải hoãn phiên tòa

Khi tiến hành thủ tục hỏi tại phiên tòa, sau khi nghe xong lời trình bày của các bên đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự quy định tại Điều 222 BLTTDS sửa đổi Trong trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì Kiểm sát viên hỏi sau đương sự Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cũng có quyền yêu cầu HĐXX công bố các tài liệu của vụ án, cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình tại phiên tòa (Điều 227, Điều 228

BLTTDS sửa đổi) Ngoài ra theo quy định tại khoản 2 Điều 230 thì “Kiểm sát viên, những người

tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn

đề còn chưa rõ, hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án”.

Khi tiến hành tranh luận tại phiên tòa, theo quy định tại Điều 234 BLTTDS sửa đổi thì “Sau

khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên được quyền phát biểu ý kiến đối với việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ

lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án” Ở đây cần phân biệt nội dung phát biểu

của Kiểm sát viên đối với việc tuân theo pháp luật của hai nhóm đối tượng: Thứ nhất, đối với người tiến hành tố tụng, Kiểm sát viên tập trung phát biểu những vấn đề về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến trước khi HĐXX nghị án Thứ hai, đối với người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của họ Tuy nhiên khi phát biểu về những nội dung nêu trên, Kiểm sát viên không đi sâu phân tích những căn cứ

để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, không đề nghị HĐXX về đường lối giải quyết vụ án

Như vậy so với quy định tại BLTTDS năm 2004 thì quy định tại Điều 234 BLTTDS sửa đổi

đã được sửa đổi theo hướng thu hẹp mức độ tham gia của VKS tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự

Điều 234 BLTTS năm 2004 quy định “Trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì sau

khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, chủ toạn phiên tòa đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án ” Nếu như trước đây tại

phiên tòa sơ thẩm Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án tức là phát biểu

cả về việc chấp hành pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng thì hiện nay theo quy định tại BLTTDS sửa đổi thì khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng Điểm mới này của BLTTDS sửa đổi là hợp lý bởi: Tại phiên tòa sơ thẩm, theo trình tự, thủ tục đến giai đoạn VKS phát biểu ý kiến thì HĐXX chưa nghị án và chưa ra

Trang 6

phán quyết nên chưa có bản án hoặc quyết định do đó VKS không thể phát biểu về tính đúng, sai của bản án, quyết định của Tòa án Hơn nữa, nếu Kiểm sát viên phát biểu cả về việc chấp hành pháp luật nội dung sẽ là sự can thiệp quá sâu vào quá trình giải quyết vụ án Việc dân sự vốn là chuyện của hai bên đương sự, khi họ không tự giải quyết được mới đưa ra tòa Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên hoặc dựa vào chứng cứ Đại diện VKS nêu quan điểm

về việc giải quyết vụ án khi chưa có bản án, quyết định của HĐXX sẽ mang nhiều tính áp đặt, làm cho HĐXX lúng túng, dè dặt khi ra quyết định cuối cùng Như vây việc các đương sự tự chứng minh, tự định đoạt ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm của VKS Mặt khác, trong án dân sự tất yếu phải có kẻ thắng người thua Khi VKS phát biểu ý kiến về đường lối giải quyết vụ án vô hình trung sẽ nghiêng về một bên đương sự điều đó làm mất đi sự bình đẳng giữa các đương sự trước pháp luật Do đó mà tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự, Kiểm sát viên chỉ nên phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng, bảo đảm cho các bên đương sự bình đẳng với nhau và tuân theo pháp luật trong cả quá trình tố tụng sơ thẩm

III- Sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát tại tòa án cấp phúc thẩm

1 Kháng nghị của Viện kiểm sát theo thủ tục phúc thẩm.

Kháng nghị là hoạt động tố tụng của VKS theo quy định của pháp luật trong việc phản đối bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét lại vụ

án Việc quy định thẩm quyền kháng nghị bảo đảm cho VKS thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án trong việc giải quyết vụ án dân sự

Kháng nghị của VKS được thực hiện theo quy định tại BLTTDS sửa đổi từ Điều 250 đến Điều 256 Cụ thể:

- Chủ thể có quyền kháng nghị là Viện trưởng VKS cùng cấp và cấp trên trực tiếp

- Đối tượng kháng nghị là các bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật

- Quyết định kháng nghị của VKS phải bằng văn bản, có nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 251 BLTTDS và phải được gửi ngay cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định

sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị

- Thời hạn kháng nghị: Đối với bản án sơ thẩm của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án (trường hợp VKS không tham gia phiên tòa thì tính từ ngày VKS cùng cấp nhận được bản án) Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của VKS cùng cấp là 7 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày VKS cùng cấp nhận được quyết định

- Ngoài ra BLTTDS còn quy định VKS phải thông báo về việc kháng nghị cho đương sự có liên quan đến kháng nghị và VKS có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị

Trang 7

2 Phạm vi tham gia của Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm

Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 BLTTDS sửa đổi thì “Viện kiểm sát nhân dân tham gia

phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm” và khoản 2 Điều 264 BLTTDS sửa đổi

“Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên tòa phúc thẩm” Như vậy BLTTDS đã

được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi tham gia phiên tòa phúc thẩm của VKS, VKS phải tham gia tất cả các phiên tòa phúc thẩm Trước đây theo quy định của BLTTDS năm 2004 thì VKS nhân dân chỉ tham gia phiên tòa phúc thẩm đối với những vụ việc dân sự mà VKS kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án hoặc đã tham gia phiên tòa sơ thẩm Việc quy định bắt buộc VKS phải tham gia phiên tòa phúc thẩm góp phần tăng cường chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKS, bảo đảm cho việc kiểm sát chặt chẽ việc phúc thẩm bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án sơ thẩm, khắc phục những sai lầm có thể có trong các bản án, quyết định đó, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự cũng như lợi ích công cộng Bởi như chúng ta đã biết khi có kháng cáo, kháng nghị tức là đã có sự phản đối, chống lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm vì vậy đòi hỏi ở phiên tòa phúc thẩm cần phải có sự kiểm sát của VKS để đảm bảo tính chính xác, khách quan trong quá trình Tòa án xét xử lại vụ án dân sự Vì vậy mà BLTTDS sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi tham gia phiên tòa phúc thẩm của VKS

3 Hoạt động của Viện kiểm sát tại Tòa án cấp phúc thẩm

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa

án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp nghiên cứu, thời hạn để VKS cùng cấp nghiên cứu là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án (Điều 262)

Tại phiên tòa phúc thẩm, sự tham gia của Kiểm sát viên VKS cùng cấp là bắt buộc, nếu

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa (khoản 1 Điều 266 BLTTDS) Quy định này cũng giống trong phiên tòa sơ thẩm nhằm bảo đảm vai trò kiểm sát của VKS

Tại phiên tòa, trong trường hợp chỉ có VKS kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị trước Hội đồng xét xử Trong trường hợp vừa

có kháng cáo, vừa có kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày sau khi đương sự trình bày về nội dung và các căn cứ của việc kháng cáo Kiểm sát viên cũng có quyền xuất trình bổ sung chứng cứ (Điều 271 BLTTDS sửa đổi)

BLTTDS sửa đổi đã bổ sung thêm Điều 273a quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại

phiên tòa phúc thẩm “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong,

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm” Đây là một quy định không có trong BLTTDS năm

2004, nó thể hiện rõ quyền phát biểu và nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm Theo đó, nếu như tại phiên tòa sơ thẩm Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng thì tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên được quyền phát biểu ý kiến của VKS

Trang 8

về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án (cả về pháp luật nội dung và pháp luật

tố tụng) Có sự khác biệt như vậy là do tại phiên tòa phúc thẩm đã có bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm do đó VKS có thể đánh giá bản án, quyết định đó có tuân theo quy định của pháp luật nội dung hay không (đánh giá giải quyết về nội dung của Tòa án) Mặt khác bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị tức là đương sự hoặc VKS không đồng tình với phán quyết của tòa án do đó tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên trình bày quan điểm kháng nghị và phát biểu ý kiến để bảo vệ quan điểm kháng nghị của VKS sẽ giúp HĐXX phúc thẩm mổ xẻ, cọ xát vấn đề để có những phán quyết đúng đắn khi giải quyết vụ án Bên cạnh

đó với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS, trong phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên cũng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong giai đoạn phúc thẩm

IV-Một số kiến nghị đối với sự tham gia của Viện kiểm sát tại tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Thứ nhất, trước đây theo quy định của BLTTDS năm 2004 thì phạm vi tham gia của VKS tại

tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm là khá hẹp nhưng mức độ tham gia lại rất lớn (VKS có quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án Quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình thực hiện Vì vậy trong quá trình sửa đổi BLTTDS năm 2004 đã có nhiều ý kiến trái ngược được đưa ra

về sự tham gia của VKS trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự Có ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn vai trò của VKS ra khỏi án dân sự vì đó là việc giữa các đương sự với nhau, không cần sự can thiệp của quyền lực nhà nước, sự tham gia của VKS là vi phạm nguyên tắc lợi ích tư đang được thế giới tôn trọng Tuy nhiên phần lớn ý kiến lại cho rằng vẫn cần có sự tham gia của VKS trong TTDS bởi tất

cả các khâu trong TTDS đều do Tòa án thực hiện (từ thụ lý vụ án, lập hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, giải quyết vụ án…) Điều đó có nguy cơ dẫn đến tình trạng khép kín trong tố tụng, không đảm bảo tính khách quan Do đó cần phải có sự tham gia của VKS với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật Tuy nhiên, VKS chỉ nên dừng lại ở việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng mà thôi, không nên đi sâu vào nội dung vụ án để tránh can thiệp quá sâu vào quá trình giải quyết vụ án Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, BLTTDS đã được sửa đổi theo hướng mở rộng và làm rõ phạm vi tham gia tố tụng của VKS tại tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhưng mức

độ tham gia lại hẹp đi Theo em, trong thời điểm hiện tại sự tham gia của VKS tại tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm là cần thiết tuy nhiên trong tương lai khi mà trình độ dân trí được nâng cao, chất lượng xét xử được đảm bảo thì sự tham gia của VKS là không cần thiết nữa và có thể sửa đổi theo hướng giảm vai trò của VKS trong phiên tòa dân sự

Thứ hai, hiện nay, khi mà BLTTDS sửa đổi mới có hiệu lực trong một thời gian ngắn (từ

ngày 1/1/2012) thì việc áp dụng các quy định mới được sửa đổi, bổ sung cũng gặp nhiều khó khăn

do tại nhiều nơi còn chưa nắm vững các quy định của pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung Bên cạnh

Trang 9

đó các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt là VKS cũng còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định mới do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể Do đó VKS nhân dân tối cao cần phải phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương xúc tiến xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung Đồng thời cán bộ, kiểm sát viên VKS nhân dân các cấp cần quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, nắm vững những nội dung mới của BLTTDS sửa đổi để thực hiện đúng và có hiệu quả

Thứ ba, với những quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong BLTTDS, số vụ việc dân sự

mà VKS có trách nhiệm phải tham gia phiên tòa sẽ tăng gấp bội, ở cấp sơ thẩm sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, ở cấp phúc thẩm là 100% (trước đây theo BLTTDS năm 2004 thì VKS tham gia phiên tòa ở cấp sơ thẩm chỉ chiếm 0,09%, ở cấp phúc thẩm chiếm 0,12% trên tổng số vụ án Tòa án đưa ra xét xử) Đây là một trong những khó khăn rất lớn cho ngành kiểm sát do hiện nay số lượng kiểm sát viên còn hạn chế Vì vậy VKS cần phải đổi mới, kiện toàn bộ máy và cán bộ có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác kiểm sát án dân sự

Thứ tư, VKS là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tuy

nhiên trong TTDS thì VKS lại chỉ thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật mà không được thực hiện quyền công tố Pháp luật của nhiều nước trên thế giới như Pháp, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đều quy định VKS (cơ quan công tố) có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng Còn theo quy định của BLTTDS Việt Nam hiện nay thì VKS không

có quyền khởi kiện mà quyền khởi kiện trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước và lợi ích của công dân thuộc về các tổ chức xã hội như cơ quan về dân số, gia đình, Hội liên hiệp phụ nữ, Công đoàn…Tuy nhiên thực tiễn áp dụng cho thấy có rất ít vụ việc mà các tổ chức này đứng ra khởi kiện Theo em BLTTDS nên bổ sung quy định về quyền khởi tố vụ

án dân sự cho VKS trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của những người có nhược điểm về thể chất, tâm thần để phù hợp với chức năng của VKS cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân

KẾT LUẬN

Từ những phân tích ở trên có thể thấy rằng sự tham gia của VKS tại tòa án cấp sở thẩm và phúc thẩm là rất cần thiết và có vai trò quan trọng thể hiện chức năng của VKS trong việc kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luât Sự tham gia tố tụng của VKS trong BLTTDS sửa đổi có rất nhiều điểm mới so với BLTTDS năm 2004 Do vậy, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả tham gia tố tụng dân sự của VKS nhân dân là một vấn đề hết sức quan trọng để đảm bảo cho việc thực hiện tốt các chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật của VKS

Trang 10

Thuật ngữ viết tắt VKS: Viện kiểm sát TTDS: Tố tụng dân sự BLTTDS: Bộ luật tố tụng dân sự HĐXX: Hội đồng xét xử

Danh mục tài liệu tham khảo

1 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011)

2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002

3 Thông tư liên tịch số 03/2005/VKSNDTC-TANDTC ngày 01/9/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS

và việc tham gia của VKS nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự;

4 Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 hướng dẫn thi hành một số quy điịnh trong phần thứ nhất “ Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự.

5 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật TTDS Hội đồng thẩm phán TANDTC.

6 Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 4/8/2006 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS.

7 Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb Tư pháp,

Hà Nội, 2006.

8 Sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân vào hoạt động tố tụng dân sự - Khóa luận tốt nghiệp – Bùi Thị Huệ.

9 Sự tham gia tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự Việt Nam – Luận văn thạc sĩ luật học – Võ Thị Phượng.

10 Phiên tòa sơ thẩm dân sự những vấn đề lý luận và thực tiễn – Luận án tiến sĩ luật học – TS.Bùi Thanh Huyền.

11.Phan Vũ Ngọc Quang, Vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, Tạp chí kiểm sát

Ngày đăng: 21/03/2019, 16:18

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w