GIỚI THIỆU LUẬN ÁN ĐẶT VẤN ĐỀ Nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) là một vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới. Năm 2002 có khoảng 600 ngàn người, đến năm 2015 có 887.000 người tử vong liên quan đến HBV. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả các quốc gia cần thực hiện chương trình tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B (VGSVB) để làm giảm tỷ lệ nhiễm HBV. Các nghiên cứu cho thấy đáp ứng miễn dịch giảm theo thời gian và còn tồn tại nhiều kiến thức không đúng về bệnh và tiêm ngừa viêm gan B. Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu: “Kiến thức, thái độ, thực hành của bà mẹ về tiêm ngừa viêm gan siêu vi B và tỷ lệ trẻ có kháng thể sau tiêm ngừa”, với 4 mục tiêu: 1. Xây dựng và đánh giá bộ công cụ đo lường kiến thức, thái độ và thực hành về viêm gan siêu vi B của các bà mẹ có con 12 tháng đến 24 tháng tại các trạm y tế Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Xác định tỷ lệ bà mẹ có con 12 tháng đến 24 tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh có kiến thức đúng, thái độ đúng và thực hành đúng về tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. 3. Xác định mối liên quan giữa kiến thức, thái độ và thực hành đúng về tiêm ngừa viêm gan siêu vi B và với đặc điểm dân số của bà mẹ. 4. Xác định tỷ lệ trẻ 12 tháng 24 tháng có đủ kháng thể bảo vệ sau tiêm ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi B và mối liên quan giữa đáp ứng miễn dịch với đặc điểm dân số của trẻ. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Việt Nam xếp vào vùng lưu hành cao HBV với khoảng 8-20% dân số đang mang mầm bệnh. Khả năng nhiễm HBV trở thành mạn tính còn tùy thuộc vào tuổi bị nhiễm, trẻ em bị nhiễm lúc sinh khả năng tiến triển thành mạn tính là 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi sơ sinh các năm đều đạt thấp dưới 50% và tồn tại kiến thức của người dân không đúng về tiêm ngừa viêm gan B cao. Như vậy nghiên cứu của chúng tôi về vấn đề tiêm ngừa viêm gan B ở bà mẹ là cần thiết.