LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN đang trên đà hội nhập và phát triển như hiện nay, khu vực Kinh tế Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo nhằm chi phối nền kinh tế quốc dân cũng như giúp đỡ các thành phần kinh tế khác. Song trên thực tế, hiệu quả hoạt động của khu vực Kinh tế Nhà nước nói chung và hệ thống doanh nghiệp Nhà nước nói riêng còn tồn tại nhiều yếu kém. Đánh giá thực lực các doanh nghiệp Nhà nước trên 3 mặt: Vốn - Công nghệ - Trình độ quản lý. Xuất phát từ thực trạng kinh doanh kém hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước và để kinh tế quốc doanh giữ được vai trò chủ đạo, cần phải đổi mới một cách căn bản hoạt động của loại hình doanh nghiệp này. Mục tiêu của quá trình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là từng bước phát huy có hiệu quả vai trò của doanh nghiệp Nhà nước như một công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước chi phối điều tiết sự phát triển của nền kinh tế theo định hướng đã vạch ra. Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là một giải pháp quan trọng để đổi mới quan hệ sở hữu trong doanh nghiệp Nhà nước. Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước nhằm đa dạng hoá hình thức sở hữu, đổi mới phương thức quản lý Nhà nước, tạo động lực cho người lao động làm chủ doanh nghiệp. Đối với Tổng công ty Khoáng sản – TKV một DNNN hoạt động trong lĩnh vực đặc thù cũng phải có những biến chuyển để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay. Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế khách quan chi phối sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và quan hệ quốc tế, bắt nguồn từ quy luật phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động quốc tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đơn thuần giới hạn trong phạm vi cắt giảm thuế quan mà đã được mở rộng ra tất cả lĩnh vực liên quan đến chính sách kinh tế thương mại, nhằm mục đích mở cửa thị trường cho hàng hoá và dịch vụ, loại bỏ các rào cản hữu hình và vô hình đối với trao đổi thương mại. Nó thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên đáng kể. Tổng kim ngạch XNK có sự gia tăng qua các năm, theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2008, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Trong tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu năm 2008. Đến năm 2009, Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 ước đạt khoảng 56,5 tỷ USD, trong đó nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản luôn chiếm tỷ trọng cao trên 30%. Qua đó thấy được vai trò không nhỏ của ngành khoáng sản nói chung và của Tổng công ty Khoáng sản TKV nói riêng trong vai trò quyết định đến cán cân xuất nhập khẩu của cả nước. Việt Nam gia nhập WTO cuối năm 2006, tạo đà thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Tổng công ty khoáng sản TKV. Việc Tổng công ty dần dần tiến hành cổ phần hóa các Công ty con bằng việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu, các công ty Cổ phần có thể huy động thu hút được những khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội, tập trung lại thành những khoản vốn lớn đầu tư vào máy móc trang thiết bị nhằm phục vụ cho việc chế biến sâu các sản phẩm thô, nhằm thu được lợi nhuận cao hơn. Hiện nay, cuộc cạnh tranh toàn cầu để có nhiều dầu mỏ và các loại kim loại quý hiếm đang diễn ra quyết liệt do nhu cầu tăng, nguồn cung giảm mạnh, giá cả leo thang và sự độc quyền của những tập đoàn lớn nắm giữ phần lớn nguồn tài nguyên này. Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng và đó là nguồn nguyên liệu tiềm năng quý hiếm của quốc gia. Các chuyên gia nhận định rằng, ngành khoáng sản sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, cho dù nền kinh tế thế giới có đi xuống. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải có những hướng đi chính xác và hiệu quả nhằm phát huy những tiềm năng sẵn có của mình. Xuất phát từ mục tiêu, lợi ích cũng như tình hình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước ở nước ta nói chung và cụ thể là Tổng công ty khoáng sản TKV, với việc nghiên cứu thực trạng cổ phần hoá để tổng kết những mặt được và những mặt còn tồn tại nhằm đưa ra những giải pháp đẩy nhanh hơn, hoàn thiện hơn quá trình này là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Do vậy em đã chọn đề tài “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Khoáng sản TKV” làm mục tiêu nghiên cứu. 2. Mục đích nghiên cứu Chuyên đề tập trung giải quyết một số vấn đề sau: Hệ thống hóa các khái niệm, lý luận cơ bản liên quan đến cổ phần hóa DNNN, điều kiện để tiến hành cổ phần hóa, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các Công ty cổ phần. Phân tích thực trạng cổ phần hóa tại Tổng công ty Khoáng sản TKV, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và tìm ra nguyên nhân của những hạn chế và tồn tại đó. Trên cơ sở lý luận và đánh giá thực trạng để đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa tại Tổng công ty Khoáng sản TKV. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và những lý luận có liên quan. Phạm vi nghiên cứu: Chuyên đề đi sâu vào nghiên cứu quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty khoáng sản TKV từ năm 2003-2008, từ đó làm cơ sở luận chứng, luận giải từng vấn đề được nêu ra trong chuyên đề. 4. Phương pháp nghiên cứu Chuyên đề đã sử dụng các phương pháp như: Phương pháp điều tra, thu thập, thống kê, tổng hợp, phân tích, xử lý số liệu, so sánh…và minh họa bằng các bảng, biểu số liệu thu thập được. 5. Kết cấu chuyên đề Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Chuyên đề được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề về cách thức và quá trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam Chương 2: Phương pháp nghiên cứu và thực trạng quá trình thực hiện cổ phần hóa của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam –TKV Chương 3: Một số giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Khoáng sản - TKV