Trong những năm gần đây nền kinh tế thế giới luôn trải qua nhiều biến động lớn, điển hình là cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ năm 2007, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008- 2009. Bước sang năm 2010, tuy ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế đã tạm lắng nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động. Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế giới, nhưng với việc gia nhập WTO, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn phải chịu những hậu quả gián tiếp nặng nề từ suy thoái kinh tế. Mọi biến động của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây có mối tương quan chặt chẽ với biến động kinh tế thế giới. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đổi mới cả về hình thức, quy mô và hoạt động để hợp với sự thay đổi đó. Ở Việt Nam, doanh nghiệp xây lắp có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã hội. Tuy nhiên những năm qua do sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp xây lắp đã phải trải qua những thách thức ở cường độ cao và trên diện rộng. Những khó khăn do lạm phát và khủng hoảng kinh tế tác động mạnh mẽ lên các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp xây lắp, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Trong những năm qua do sự khủng hoảng kinh tế thế giới khiến giá cả tăng nhanh, trong đó giá NVL trong ngành xây lắp cũng tăng cao, khiến chi phí NVL chiếm đến 60- 70% giá thành sản phẩm xây lắp, chỉ cần một biến động nhỏ về chi phí NVL cũng làm ảnh hưởng đáng kể đến giá thành sản phẩm xây lắp, ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh vấn đề trọng tâm là kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành, thì tổ chức tốt công tác kế toán NVL cũng là một vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm trong điều kiện hiện nay. Việc quản lý tốt khâu thu mua, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu là điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Thông qua việc quản lý nguyên vật liệu có thể làm tăng hoặc giảm giá thành công trình. Từ đó buộc các doanh nghiệp phải quan tâm tới việc tiết kiệm triệt để chi phí nguyên vật liệu, làm sao cho với một lượng chi phí nguyên vật liệu như cũ sẽ làm ra được nhiều sản phẩm xây lắp hơn, tức là làm cho giá thành giảm đi mà vẫn đảm bảo chất lượng của công trình. Bởi vậy làm tốt công tác kế toán nguyên vật liệu là nhân tố quyết định làm hạ thấp chi phí giảm giá thành, tăng thu nhập cho doanh nghiệp, đây là một yêu cầu thiết thực, một vấn đề đang được quan tâm nhiều trong quá trình thi công xây lắp của các doanh nghiệp xây lắp hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kế toán nguyên vật liệu trong việc quản lý chi phí của doanh nghiệp. Trong thời gian thực tập tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Full House Việt Nam, em đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu đề tài "Hoàn thiện kế toán nguyên vật liệu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Full House Việt Nam" làm chuyên đề thực tập chuyên ngành của mình. Trong quá trình nghiên cứu về lý luận thực tế để hoàn thành đề tài. Em nhận được sự tận tình giúp đỡ của thầy giáo T.S Nguyễn Hữu Ánh và các thầy cô giáo trong khoa kế toán cùng các anh chị tại Công ty. Kết hợp với kiến thức học hỏi ở trường và sự nỗ lực của bản thân nhưng do thời gian và trình độ chuyên môn còn hạn chế, nên chuyên đề của em không thể tránh khỏi những thiếu sót. Nội dung của chuyên đề của em ngoài lời mở đầu và kết luận được chia làm 3 phần: Chương 1: Đặc điểm và tổ chức quản lý nguyên vật liệu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Full House Việt Nam. Chương 2: Thực trạng kế toán nguyên vật liệu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Full House Việt Nam. Chương 3: Một số ý kiến đề xuất nhằm hoàn thiện kế toán nguyên vật liệu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Full House Việt Nam.