MỞ ĐẦU I Báo chí Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa truyền thông đại chúng 1. Bản chất cách mạng của báo chí Việt Nam Báo chí Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời, đã thể hiện bản chất cách mạng của nó , với tư cách là một công cụ tuyên truyền đường lối của Đảng, tập hợp giai cấp công nhân và nông dân lao động, đứng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng . Ngày nay, trong thời kỳ xây dựng đất nước, bản chất cách mạng của báo chí Việt Nam vẫn được kế thừa và phát huy. Đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam , đó là đã song hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước, nhanh chóng bắt nhịp hơi thở thời đại, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào báo chí, đưa nền báo chí phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 122009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, gồm: 178 báo in (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 76 báo); các tỉnh, thành phố có 102 báo); 528 tạp chí (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 414 tạp chí; địa phương 114 tạp chí); 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia; 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, trên 600 đài cấp huyện, hàng nghìn trạm. truyền thanh cấp xã; 37 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo chí, hàng nghìn trang thông tin điện tử… Về mặt nội dung: Biểu hiện rõ nét nhất là, thời gian qua, báo chí đã tham gia tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả, thực sự trở thành vũ khí sắc bén của xã hội, công cụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội. Nhiều vụ việc tiêu cực đã được các cơ quan báo chí phát hiện, đưa ra ánh sáng, nhờ đó mà ngăn chặn được những hành vi xâm hại tiền bạc, tài sản của công hoặc gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất nước. Ví dụ như những vụ án tham nhũng PMU, Lã Thị Kim Oanh, Vinashin…. Nhiều nhà báo và tập thể báo chí đã dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, bất chấp khó khăn, nguy hiểm, theo đuổi tới cùng để xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Báo chí cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn nhận thức xã hội, đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch”. Không những thế, báo chí còn có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo in và mạng internet, thông tin về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, về các giá trị văn hóa truyền thống cua dân tộc được tăng cường một bước, góp phần tích cực thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…