MỞ ĐẦU Văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất trên thế giới với hơn 4000 năm phát triển liên tục, với nhiều phát minh vĩ đại trong lịch sử trên nhiều lĩnh vực khoa học. Có thể nói, văn minh Trung Hoa là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Bên cạnh những phát minh, phát kiến về khoa học, văn minh Trung Hoa còn là nơi sản sinh ra nhiều học thuyết triết học lớn có ảnh hưởng đến nền văn minh Châu Á cũng như toàn thế giới. Trong số các học thuyết, tư tưởng lớn đó phải kể đến tư tưởng Nho giáo. Nho giáo là tư tưởng quan trọng nhất của Trung Quốc trong hơn 2000 năm lịch sử và Người đặt cở sở đầu tiên cho tư tưởng này là Khổng Tử. Đối với người Trung Quốc khi nói đến sự ảnh hưởng của Khổng Tử có thể phải xếp thứ nhất. Mỗi con người ít nhiều đều chịu sự ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử. Số kinh điển mà bậc thầy “cổ nhân thánh hiền” này san định và viết để lại cho đời sau không chỉ là trí tuệ dẫn đường, đánh thức tiềm năng của con người mà còn đại diện tiêu biểu cho nền văn hóa Trung Hoa. Khổng Tử là một nhà giáo dục chân chính, một bậc thầy vĩ đại không phải của riêng Trung Hoa mà còn của cả thế giới loài người. Hậu thế tôn sùng ông là bậc thầy của muôn đời bởi chủ trương, đường lối, mục tiêu, phương pháp giáo dục của ngài chứa đựng nhiều giá trị mà người đời sau phải công nhận, đề cao và học hỏi. Trong kỉ nguyên toàn cầu hóa, giáo dục luôn là vấn đề thời sự, mối quan tâm của hầu hết các nước. Ở Việt Nam, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Khi cánh cửa của nền kinh tế tri thức đang mở ra, hướng cả dân tộc vào kỉ nguyên tin học, kỉ nguyên khoa học – kỹ thuật thì việc học tập, giáo dục càng trở nên quan trọng với con người, là một trong những động lực phát triển xã hội, góp phần sâu sắc vào sự lớn mạnh của đất nước. Với mục tiêu cao cả và thước đo nhân văn đó, giáo dục Việt Nam luôn tìm hướng đi phù hợp với mình, tiếp cận và lực chọn những tư tưởng tiến bộ đậm nét của Khổng Tử để kế thừa. Những tư tưởng giáo dục đó là bức tranh phác thảo đa dạng cho hậu thế chắt lọc, tiếp thu và phát triển. Chính vì vậy trong tiểu luận này em xin chọn đề tài “Quan điểm giáo dục của Khổng Tử và sự kế thừa, phát triển nó trong việc xây dựng con người Việt Nam thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước” để nghiên cứu.