MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Hợp tác xã nông nghiệp có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sự ra đời và phát triển của các hợp tác xã nói chung và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp là tất yếu khách quan, là sự hợp tác tự nguyện giữa các nông dân nhằm mục tiêu hỗ trợ, phát triển kinh tế của nông dân. Điều đó đã được khẳng định trong đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước thông qua các văn kiện đại hội Đảng qua các thời kỳ, các điều luật và các văn bản dưới luật... Tính đến hết năm 2015, có khoảng 10.902 hợp tác xã nông nghiệp họat động trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, diên nghiệp,…và các dịch vụ nông nghiệp; trong đó hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chiếm khoảng 70% tổng số hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với phát triển của cả nước,tính đến tháng 6 năm 2015 tỉnh Thanh Hóa có khoảng 886 hợp tác xã và 26.800 tổ hợp tác đa dạng về hình thức và quy mô với bước đầu đáp ứng được các dịch vụ thiết yếu của xã viên; giải quyết việc làm thường xuyên cho 46.000 lao động. Tuy nhiên, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, mức sinh lợi thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, chưa đạt được hiệu quả tối đa trong việc hỗ trợ và phát triển kinh tế cho nông dân. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành còn thiếu và yếu; quy mô của hợp tác xã nông nghiệp còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả hoạt động còn thấp và thiếu bền vững. Trước yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế theo hướng bền vững theo chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển hợp tác xã nông nghiệp nói riêng. Một số thành tựu đã đạt được như: Từ năm 2010 đến năm 2015 toàn tỉnh đã thành lập mới 173 HTX và chuyển đổi một số mô hình HTX sang mô hình HTX kiểu mới nhằm nâng cao thu nhập bình quân lao động trong HTX nông nghiệp; triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng để mở rộng phát triển các dịch vụ sản xuất kinh doanh; Việc thực hiện các chính sách của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự tích cực, hiệu quả; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hợp tác xã đến các cấp, các ngành còn hạn chế; vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể chính trị xã hội trong việc giám sát thi hành chính sách chưa được phát huy; tổ chức quản lý nhà nước về hợp tác xã còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với nhu cầu đổi mới. Vì vậy đề tài “Chính sách phát triển hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” được học viên lựa chọn thực hiện nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách phát triển hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 2025.