ĐẶT VẤN ĐỀ Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam [1],[30]. Theo thống kê tại Mỹ, trong số nữa triệu người chết mỗi năm, ước tính có hơn 80% những người trên 65 tuổi chết do bệnh lý mạch vành. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng dự đoán đến năm 2020, hơn 25 triệu người trên thế giới chịu ảnh hưởng bệnh lý mạch vành vượt hơn số lượng bệnh nhân nhiễm trùng như các thống kê trước đây [99],[152]. Do đó, việc phát hiện, phòng ngừa, chẩn đoán và tìm kiếm phương các điều trị thích hợp bệnh lý mạch vành ngày càng trở nên quan trọng nhằm làm giảm gánh nặng đối với ngành y tế và xã hội hiện nay. Bên cạnh các tiến bộ về phương pháp điều trị nội khoa, sự thay đổi không ngừng trong phương pháp can thiệp nội mạch như bóc nội mạc bằng laser hay sóng cao tần, stent thuốc, liệu pháp gen để điều trị bệnh lý hẹp mạch vành [46],[92],[93]. Song, rất nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy phẫu thuật bắc cầu mạch vành vẫn là liệu pháp điều trị mang lại hiệu quả cao trong việc phục hồi lưu thông mạch máu cho một số lượng lớn các bệnh nhân bị bệnh lý hẹp mạch vành vì giúp tăng tỉ lệ sống còn, giảm các biến cố tim mạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân [43],[57]. Có nhiều yếu tố quyết định kết quả phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Trong đó, việc lựa chọn vật liệu làm cầu nối sao cho đạt độ bền lâu dài nhất là yếu tố then chốt góp phần tạo sự thành công của phẫu thuật [39],[63]. Cầu nối bằng động mạch ngực trong trái nối vào nhánh xuống trước trái (LAD) của động mạch vành trái cho kết quả lâu dài tốt nhất về độ bền, giảm biến cố tim mạch và tăng tỉ lệ sống còn của bệnh nhân. Theo nhiều nghiên cứu, độ bền của cầu nối 10 năm sau phẫu thuật là hơn 90% [12],[44],[85],[142]. Tĩnh mạch hiển cũng được sử dụng thường quy làm cầu nối mạch vành. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nghiên cứu cơ bản và lâm sàng ghi nhận bệnh lý tĩnh mạch sau khi được làm cầu nối đã gây tắc cầu nối sớm, giảm tuổi thọ cầu nối nghiêm trọng [41[,[58],[87],[119]. Vì thế, khuynh hướng sử dụng càng nhiều cầu nối bằng động mạch nhằm thay thế dần tĩnh mạch hiển ngày càng được các phẫu thuật viên tim mạch quan tâm và áp dụng nhiều hơn [4],[78],[136]. Một số lý do khiến việc sử dụng cầu nối bằng động mạch trở nên thường quy là do nhiều nghiên cứu cơ bản và lâm sàng sử dụng cầu nối bằng động mạch ghi nhận kết quả tốt, xu hướng trẻ hóa bệnh lý mạch vành trên các bệnh nhân đòi hỏi tìm kiếm những cầu nối có độ bền cao để hạn chế phẫu thuật mạch vành lần hai do tắc hẹp cầu nối sớm [49],[55],[106-108]. Hơn nữa, các cầu nối bằng động mạch đang sử dụng hiện nay -không kể động mạch ngực trong trái, như động mạch ngực trong phải, động mạch quay đều có những hạn chế về chỉ định và biến chứng khi sử dụng làm cầu nối làm cho khả năng sử dụng cầu nối bằng động mạch trở nên hạn hẹp[52],[53]. Ngoài ra, gần đây, ngày càng có nhiều các can thiệp làm bít tắc, phẫu thuật lấy bỏ tĩnh mạch hiển để điều trị bệnh lý tĩnh mạch, nguy cơ thiếu số lượng cầu nối cho phẫu thuật bắc cầu mạch vành là không tránh khỏi trong tương lai [119]. Động mạch vị mạc nối phải là một nhánh của động mạch vị tá tràng xuất phát từ động mạch gan chung cung cấp máu cho dạ dày, có vị trí gần sát tim, kích thước phù hợp dễ làm cầu nối mạch vành [21],[66]. Nó đã được nghiên cứu sử dụng thành công từ rất sớm bởi tác giả Pym và Suma từ những năm 1987 [115],[123],[133]. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu cơ bản khảo sát đặc tính mô bệnh học hay các cải tiến trong cách lấy động mạch vị mạc nối phải sao cho phát huy hết lợi thế tái tưới máu vùng mặt dưới của tim, cho kết quả lâu dài tốt, ít biến chứng, nên nó ngày càng được sử dụng làm cầu nối cho phẫu thuật bắc cầu mạch vành ở nhiều nước trên thế giới hiện nay [49],[55],[72],[83],[135]. Tại Việt Nam, phẫu thuật bắc cầu mạch vành được thực hiện từ những năm 2000 và hiện nay đã có nhiều bệnh viện và trung tâm tim mạch trên khắp cả nước đã và đang sử dụng nhiều cầu nối bằng động mạch như hai động mạch ngực trong, động mạch quay [8],[11],[12],[15],[18],[23],[24]. Một số nghiên cứu tiến đến việc sử dụng toàn bộ cầu nối bằng động mạch cho phẫu thuật bắc cầu mạch vành [4],[8],136]. Tuy nhiên, các nghiên cứu báo cáo kết quả phẫu thuật bắc cầu mạch vành với số lượng vẫn còn khiêm tốn và chưa có nghiên cứu chuyên biệt về đánh giá hiệu quả sử dụng động mạch vị mạc nối phải làm cầu nối mạch vành như nhiều nước trên thế giới. Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu nghiên cứu sử dụng động mạch vị mạc nối phải cho phẫu thuật bắc cầu mạch vành từ những năm 2010 và ngày càng sử dụng thường quy hơn cho kết quả bước đầu khả quan [16],[17]. Nhằm đánh giá toàn diện hiệu quả sử dụng động mạch vị mạc nối phải làm cầu nối mạch vành, chúng tôi tiến hành khảo sát các đặc tính mô bệnh học và ứng dụng lâm sàng sử dụng động mạch vị mạc nối phải cho phẫu thuật bắc cầu mạch vành tại bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả này góp phần bổ sung thêm một loại cầu nối mới, đa dạng các loại cầu nối bằng động mạch phục vụ cho phẫu thuật bắc cầu mạch vành trong xu hướng ngày càng trẻ hóa bệnh lý hẹp mạch vành và sự xuất hiện nhiều bệnh lý cầu nối tĩnh mạch hiển tại thời điểm hiện tại và trong tương lai. Đó là những lý do chúng tôi thực hiện luận án: “Nghiên cứu đặc tính mô bệnh học và ứng dụng lâm sàng động mạch vị mạc nối phải làm cầu nối trong phẫu thuật bắc cầu động mạch vành” với câu hỏi nghiên cứu: 1. Đặc tính cơ bản của ĐMVMNP có phù hợp làm cầu nối mạch vành hay không ? 2. Sử dụng cầu nối ĐMVMNP có an toàn và hiệu quả cho phẫu thuật bắc cầu mạch vành ? Từ đó, chúng tôi đưa ra hai mục tiêu để trả lời các câu hỏi này: