ĐẶT VẤN ĐỀ Mỗi năm thế giới có khoảng 1,7 triệu ca bệnh tiêu chảy chiếm 3,6% tổng số gánh nặng bệnh tật theo DALYs (Disability Adjusted Life Years), trong đó ước tính gần 1,5 triệu người tử vong, tiêu chảy là vấn đề y tế cần quan tâm tại các nước có thu nhập thấp và trung bình [47]. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh tiêu chảy là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2, mỗi ngày trên toàn thế giới có 2.195 trẻ tử vong do bệnh tiêu chảy, nhiều hơn số lượng tử vong tổng cộng các bệnh AIDS, sốt rét, sởi [83]. Trong những thập kỷ gần đây, các yếu tố thời tiết cũng đã được chứng minh có liên quan với bệnh tiêu chảy như nhiệt độ [54] và lượng mưa [49], mưa lớn có thể làm phát tán mầm bệnh từ nhà tiêu không hợp vệ sinh trong điều kiện thiếu nước sạch ở các nước đang phát triển làm gia tăng nguy cơ mắc tiêu chảy. Khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG) nên sử dụng yếu tố thời tiết vào hệ thống cảnh báo sớm các bệnh dịch nhằm tăng độ tin cậy của giá trị dự báo, điều này giúp các nhà quản lý có thể chuẩn bị các biện pháp thích ứng, giảm nhẹ và sẵn sàng đối phó hiệu quả, tiết kiệm để giảm nguy cơ mắc bệnh [126], [133]. Trong nỗ lực kiểm soát bệnh tiêu chảy, Ali.S.Akanda và các cộng sự đề xuất nên lồng ghép mô hình cảnh báo sớm dựa vào yếu tố thời thiết nhằm cung cấp các thông tin đáng tin cậy về các vụ dịch tiêu chảy trước 2 hoặc 3 tháng và điều này là căn cứ để triển khai các biện pháp kiểm soát hiệu quả [15]. Tại Việt Nam, xu hướng mắc bệnh tiêu chảy trong thời gian qua không giảm, có 8,6% trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy tại cộng đồng dân cư trong vòng hai tuần trước khi điều tra nhiều hơn nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là 3%. Trong số trẻ bị tiêu chảy, chỉ có 55,1% nhận được tư vấn hoặc điều trị từ cơ sở y tế và cán bộ y tế [10, 13]. Hoạt động cảnh báo sớm về bệnh tiêu chảy và dịch bệnh tiêu chảy ở Việt Nam chưa mang tính chủ động, thường được dựa vào hệ thống giám sát thường quy và kinh nghiệm [13]. Đã có một số nghiên cứu về dịch tễ bệnh tiêu chảy, mối liên quan với yếu tố thời tiết tuy nhiên số liệu được thu thập tại các cơ sở y tế hoặc điều tra cắt ngang nên chưa phản ánh đầy đủ gánh nặng bệnh tật trong cộng đồng dân cư [116]. Hà Tĩnh là nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, là tỉnh chịu hạn hán nghiêm trọng đặc biệt mùa khô có nắng nóng gay gắt kèm gió phơn làm tăng lượng bốc hơi [68]. Trong giai đoạn 2000 – 2010, trung bình số ca bệnh được báo cáo trong hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm là 8.600 ca bệnh tiêu chảy/năm, riêng năm 2014 là 6.776 ca/năm là tỉnh có tỷ lệ mắc theo dân số ở mức cao. Nghiên cứu điều tra cắt ngang tại cộng đồng dân cư khu vực thường xuyên bị lũ lụt tại Hà Tĩnh cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đường tiêu hóa trong đó có bệnh tiêu chảy là 14,2%, cao hơn các khu vực khác [13]. Câu hỏi đặt ra là diễn biến bệnh tiêu chảy tại cộng đồng dân cư như thế nào? Có khác biệt so với số liệu báo cáo của cơ sở y tế theo quy định báo cáo dịch không? Bệnh tiêu chảy tại Hà Tĩnh có phải là một trong những bệnh truyền nhiễm có liên quan đến yếu tố thời tiết không? Và liệu chúng ta có thể ứng dụng mô hình toán học với số liệu thống kê về bệnh tiêu chảy và các yếu tố thời tiết nào cho việc dự báo ngắn hạn bệnh này? Nghiên cứu này nhằm mục tiêu cung cấp bức tranh toàn diện về dịch tễ học bệnh tiêu chảy tại cộng đồng dân cư. Nghiên cứu cũng xác định xu hướng bệnh, mối liên quan với các yếu tố thời tiết và sử dụng số liệu giám sát thường quy bệnh tiêu chảy và các yếu tố thời tiết trong công tác dự báo. Kết quả nghiên cứu là bằng chứng để chúng ta thiết lập hệ thống kiểm soát bệnh tiêu chảy hiệu quả hơn tại tỉnh Hà Tĩnh và là cơ sở để thiết lập các hoạt động kiểm soát bệnh tiêu chảy hiệu quả cho các khu vực khác.