Ấn Độ có một nền văn hoá trên 5.000 năm lịch sử và phát triển rực rỡ vào bậc nhất của thế giới, là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Ấn Độ là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng những tôn giáo du nhập vào nơi đây. Trong đó, Hồi giáo (Islam) đươc nhắc tới trước tiên bởi vì Islam không chỉ du nhập vào Ấn Độ mà nó còn dần trở thành một tôn giáo quan trọng trên mảnh đất này. Islam ra đời vào đầu thế kỷ thứ VII tại khu vực Bán đảo Ả Rập do nhà tiên tri Mohammed sáng lập. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới sau Kitô giáo, với số lượng tín đồ là 1,6 tỷ người và là tôn giáo đang phát triển nhanh nhất về số lượng tín đồ, có mặt ở khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng hơn 40 quốc gia có số lượng tín đồ đông và coi Islam là quốc giáo. Do đặc điểm ra đời, phát triển và đặc thù tôn giáo, Islam là tôn giáo có nền văn hóa độc đáo, là một nền văn minh của nhân loại. Tôn giáo này đã có những điều chỉnh nhất định để thích nghi với bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa tại các nơi. Nó có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa tư tưởng của thế giới. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, với vai trò là một chủ thể trong quan hệ quốc tế, các tổ chức Islam ngày càng tăng cường các hoạt động quốc tế với nhiều hình thức đa dạng, vừa thể hiện những mặt tích cực trong quan hệ hợp tác vừa chứa những biểu hiện phức tạp, đặc biệt là xuất hiện nhiều hoạt động khủng bố đe doạ an ninh thế giới có liên quan đến Islam. Cộng đồng người theo Islam ở Ấn Độ tính đến năm 2011 có hơn 177 triệu người . Người theo Islam trong quá trình phát triển đều có quan hệ thường xuyên với những người có ngôn ngữ Urdu. Vì có cùng chung gốc ngôn ngữ, văn hoá và tôn giáo với cộng đồng Islam giáo các nước Pakistan, Bangladesh, cộng đồng Islam ở Ấn Độ có quan hệ mật thiết và ít nhiều chịu ảnh hưởng của Islam trong khu vực. Trong tình hình hiện nay, trước những tác động bên ngoài, những diễn biến phức tạp trong Islam giáo tại các nước trên thế giới và trong khu vực sẽ có ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến tình hình Islam ở Ấn Độ, đặc biệt là sau hậu quả của sự cố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Trong bối cảnh của sự thù địch ngày càng tăng giữa Islam và phương Tây, các chính phủ phương Tây đã sử dụng báo chí của họ chống lại Islam và người theo Islam, đặc biệt là sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001. Báo chí về các vấn đề liên quan Islam đã thay đổi sâu sắc kể từ khi bắt đầu sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, cả về số lượng và chất lượng, các thông tin tiêu cực về người theo Islam đã nhận được nhiều sự chú ý của giới báo chí truyền thông hơn so với những thông tin tích cực. Xuất phát lý do nêu trên, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài Hình ảnh của người Hồi giáo tại Ấn Độ dưới góc nhìn báo chí. Với mong muốn giúp mọi người có cáí nhìn đúng đắn hơn về hình ảnh của người Hồi giáo (người theo Islam) ở Ấn Độ trên báo chí.