Trong quan hệ quốc tế, không phải lúc nào sức mạnh quân sự hay kinh tế cũng có thể tạo nên vị thế quốc gia. Sức mạnh của mỗi quốc gia sẽ được xác định bằng nhiều nhân tố. Trong đó, không thể không kể tới vai trò của văn hóa, một trong những công cụ để thực hiện sức mạnh mềm. Văn hóa vẫn luôn được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới và hội nhập quốc tế trở thành xu thế lớn của thế giới hiện đại. Tác động đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia, văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng mục tiêu lợi ích quốc gia. Nền văn hóa dân tộc sẽ định hướng và điều tiết để hội nhập và phát triển bền vững, hội nhập để phát triển nhưng vẫn giữ vững được độc lập, tự chủ. Trong lịch sử ngoại giao thế giới, ngoại giao văn hóa xuất hiện từ rất sớm với các hình thức biểu hiện khác nhau ở từng quốc gia, giữa ngoại giao và văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ. Trên thế giới, các quốc gia dù phát triển hay đang phát triển, đều đặc biệt coi trọng hoạt động ngoại giao văn hóa, coi đây như một công cụ hữu hiệu của “quyền lực mềm” nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa hiện đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng, buộc các quốc gia phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ phải cạnh tranh với nhau, tìm ra các phương thức để thu hút sự quan tâm, chú ý của thế giới, khẳng định giá trị, hình của đất nước mình trên trường quốc tế. Chính vì thế, việc xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia hay thương hiệu quốc gia là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Không nằm ngoài xu thế chung của thời đại, Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, thực hiện các chính sách ngoại giao ngày càng mở rộng để đưa đất nước tiến kịp thời đại, hội nhập với thế giới. Hình ảnh Việt Nam vì thế cũng có nhiều thay đổi. Từ hình ảnh là một dân tộc anh hùng, mưu trí, sáng tạo, kiên cường, bất khuất trong chiến tranh, hiện nay Việt Nam được biết đến như một quốc gia ổn định, an toàn, năng động, đang vươn lên mạnh mẽ về kinh tế; một điểm đến hấp dẫn về du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh và nền văn hóa độc đáo; con người Việt Nam chăm chỉ, ham học hỏi, nắm bắt vấn đề nhanh và có tinh thần vượt khó. Ở Việt Nam, với nhận thức truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc là chỗ dựa và thế mạnh của ngoại giao và ngoại giao là văn hóa cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, Hội nghị ngoại giao lần thứ 25 (112006) đã xác định Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Trong đó, ngoại giao văn hóa đóng vai trò nền tảng tinh thần, mở rộng giao lưu quốc tế, còn hoạt động ngoại giao văn hóa sẽ góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tại Việt Nam, hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần tăng cường hiểu biết với bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa cũng như hình ảnh đất nước, tăng sức lôi cuốn của Việt Nam đối với khách du lịch và doanh nhân các nước, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế xã hội. Các hoạt động ngoại giao văn hóa chính là kênh tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Giao lưu văn hóa sẽ tạo nên hình ảnh tốt hơn về đất nước, con người và nền văn hóa quốc gia. Nói cách khác là hoạt động ngoại giao văn hóa sẽ góp phần kiến tạo lòng tin để xây dựng quan hệ hữu nghị bền vững giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Do đó, công tác quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam thông qua hoạt động ngoại giao văn hóa cần được đẩy mạnh và chú trọng hơn nữa. Những thành tích trong hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ đóng góp thành tựu, lưu lại dấu ấn đậm nét trong thắng lợi chung của ngoại giao Việt Nam mà còn tạo đà cho ngoại giao văn hóa tiến tới đóng góp nhiều hơn cho việc tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới, đồng thời quảng bá hiệu quả hình ảnh một đất nước tươi đẹp, thân thiện và giàu tiềm năng đến bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, tác giả lựa chọn đề tài: “Quảng bá hình ảnh Việt Nam trong hoạt động ngoại giao văn hóa hiện nay” để tìm hiểu hoạt động ngoại giao văn hóa và những thành công, hạn chế đối với việc quảng bá hình ảnh đất nước. Việc nghiên cứu đề tài giúp tăng cường hiểu biết về ngoại giao văn hóa Việt Nam đồng thời có thêm những kinh nghiệm, cơ sở quan trọng để đưa ra một số khuyến nghị cho công tác ngoại giao văn hóa nhằm phát triển, nâng cao hình ảnh đất nước.