LỜI NÓI ĐẦU Hành chính nhà nước là bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, là hoạt động thực thi quyền hành pháp của nhà nước, đó là hoạt động chấp hành và điều hành của hệ thống hành chính nhà nước trong việc quản lý xã hội theo khuôn khổ của pháp luật nhà nước nhằm phục vụ nhân dân, duy trì sự ổn định và tăng cường sự phát triển của xã hội. Để vận hành bộ máy hành chính, thực hiện các hoạt động công vụ, cần có những con người làm việc. Đội ngũ nhân sự làm việc trong bộ máy hành chính là nguồn lực không thể thiếu để tiến hành các hoạt động hành chính nhà nước. Hiểu theo nghĩa rộng nhất, đội ngũ nhân sự làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước là tất cả những người làm việc để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước. Những người giữ các vị trí việc làm khác nhau trong bộ máy hành chính nhà nước để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước thường được gọi là công chức. Phát triển nguồn nhân lực và đào tạo công chức trong nền công vụ được coi là một yếu tố then chốt trong chiến lược quản lý nền công vụ. Đào tạo không chỉ nhằm đạt hiệu quả cao nhất đối với các nhiệm vụ hiện tại, mà còn chuẩn bị nguồn lực cho các yêu cầu trong tương lai. Nhận thức được tầm quan trọng này các quốc gia đều coi trọng tới vấn đề phát triển đội ngũ công chức cho nền công vụ, và coi đây là một nhân tố quyết định thúc đẩy sự đổi mới bộ máy nhà nước và phát triển đất nước. Trên thế giới, công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Thực tế của công cuộc cải cách đã chỉ ra rằng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế cũng như cải cách nền hành chính, vấn đề tạo ra một đội ngũ công chức phù hợp, đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý bộ máy nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay, đa số các quốc gia đều đứng trước những khó khăn như nhau về đội ngũ công chức và những đòi hỏi phải cải cách. Vấn đề đặt ra là nhu cầu tất yếu đòi hỏi phải cải cách hệ thống công vụ và công chức nhằm đổi mới không chỉ chính hệ thống công vụ, công chức, mà quan trọng hơn là hệ thống này phải đáp ứng được đòi hỏi của sự đổi mới về kinh tế của các quốc gia đó. Ở mỗi quốc gia có trình độ kinh tế xã hội khác nhau sẽ có cách thức tổ chức, sử dụng, quản lý công chức khác nhau. Thông qua việc tìm hiểu công chức của các nước khác nhau ta có thể học hỏi kinh nghiệm, là một cách để chúng ta tìm ra những biện pháp và hướng đi phù hợp và áp dụng vào thực tiễn cho nền hành chính của quốc gia mình từ đó nâng cao hiệu quả công chức, đảm bảo vận hành bộ máy hành chính nhà nước. Trong bài tiểu luận này chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu, so sánh về công chức của Việt Nam với công chức của một nước phát triển tiêu biểu, đại diện cho các nước phát triển trên thế giới. Đó là công chức trong bộ máy hành chính của Hoa Kỳ nền kinh tế hàng đầu thế giới. Bài tiểu luận chủ yếu tập trung vào tìm hiểu về công chức trong bộ máy hành chính của Việt Nam và Hoa Kỳ. Để từ đó có thể đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc sử dụng và quản lý công chức cụ thể vào nền hành chính Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc tìm hiểu tài liệu cho bài làm, song không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế… người viết kính mong nhận được những ý kiến đóng góp để bài tiểu luận được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn