A. MỞ ĐẦU Người khuyết tật là đối tượng yếu thế nên dễ chịu tổn thương từ những thay đổi trong xã hội hơn bất cứ đối tượng nào khác. Do vậy việc chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật trong hoà nhập cuộc sống cộng đồng là một việc làm hết sức quan trọng, cần sự chung tay của cả Nhà nước, cộng đồng và gia đình. Pháp lệnh của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội số 061998PL UBTVQH10 ngày 30071998 về Người tàn tật định nghĩa người khuyết tật không phân biệt nguồn gốc gây ra khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hịên dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động từ 41% trở lên khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn. Như vậy có thể thấy, sự suy giảm khả năng hoạt động của người khuyết tật khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các cơ hội tiếp cận các hoạt động, dịch vụ nhằm nâng cao năng lực, tạo thuận lợi cho việc hội nhập đời sống của cộng đồng. Bản thân người khuyết tật không thể hội nhập vào cuộc sống cộng đồng nếu đó chỉ là sự nỗ lực của bản thân, mà hơn hết còn cần được sự quan tâm chia sẻ, tạo thuận lợi từ gia đình, cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy ngành Công tác xã hội đóng vai trò như là cầu nối của người khuyết tật để họ có thể dễ dàng hoà nhập với cộng đồng và xã hội từ đó phát huy được khả năng của mình. Xã hội ngày càng phát triển song hành với các chiến lược phát triển kinh tế thì những chủ trương, chính sách phát triển xã hội thông qua các chính sách đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân cũng ngày càng được chú trọng. Có nhiều lĩnh vực mà những chương trình chính sách an sinh xã hội hướng đến: Xoá đói giảm nghèo, các vấn đề liên quan đến gia đình, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Và một trong những lĩnh vực mà ngành Công tác xã hội rất cần được xã hội quan tâm đó là lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, tạo điều kiện cho sự hoà nhập, nâng cao năng lực cho người khuyết tật. Em xin chọn đề tài “Công tác xã hội đối với người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay” làm tiểu luận nghiên cứu.