PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân, là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước đó là công cụ chủ yếu để cùng với MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện quyền làm chủ của nhân dân về chính trị, kinh tế và xã hội, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức đảng và mọi đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, đã huy động được các nguồn lực cho phát triển, bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, thể chế kinh tế ở Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường vẫn chưa được hình thành đầy đủ. Trong điều kiện toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để đất nước có thể tăng tốc phát triển, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực, chúng ta phải xây dựng được thể chế kinh tế hiện đại, tạo điều kiện cho các nguồn lực dịch chuyển trong các ngành và đến các vùng của đất nước theo tín hiệu của thị trường quanh trục lợi nhuận bình quân, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối của nền kinh tế. Điều này sẽ kích thích các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng và sáng tạo công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới, tạo lập lợi thế cạnh tranh động để tìm kiếm lợi nhuận vượt trội so với các chủ thể kinh doanh khác, qua đó thúc đẩy sự chuyển dịch tương đối liên tục cơ cấu đầu tư, sản xuất, tạo ra một nền kinh tế có khả năng sáng tạo cao với nhiều sản phẩm mới, bảo đảm hiệu quả và sức cạnh của nền kinh tế. Đây chính là biện chứng của sự phát triển. Nền Kinh tế của Việt Nam muốn phát triển theo đúng định hướng và đạt hiệu quả cao cần có sự đảm bảo, sự tác động, tạo điều kiện của Nhà nước, hay nói một cách khác là cần phải có sự quản lý, sự điều tiết của Nhà nước. Và sự quản lý, sự điều tiết đó phải đúng đắn, phải phù hợp, tức là phải nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế. Quản lý Nhà nước về kinh tế là một tất yếu khách quan và việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của vấn đề nay trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu thiết yếu. Đây chính là vấn đề mà tác giả lựa chọn để nghiên cứu trong phạm vi của tiểu luận này.