PHẦN I: LỜI MỞ ĐẦU Triết học thời kỳ Phục hưng với sự sâu sắc về nội dung và phong phú về hình thức biểu hiện đã đánh dấu sự khởi sắc của sinh hoạt tinh thần sau nhiều thế kỷ bị kìm hãm. Khôi phục những giá trị văn hóa, khoa học cổ đại; đề cao con người, mong muốn thay đổi đời sống chính trị xã hội theo hướng thế tục hóa, tăng cường năng lực nhận thức và đẩy mạnh việc khám phá những bí mật của tự nhiên, mở rộng “vương quốc của con người”, triết học thời Phục hưng thật xứng đáng là triết học của “những vị thần khổng lồ”. Thời kỳ Phục hưng của các nước Tây Âu là giai đoạn lịch sử quá độ từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản (thế kỷ XV – XVI), tức sang một hình thức phát triển cao hơn. Sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản, đã hình thành trong lòng xã hội phong kiến có xu hướng trở thành phương thức sản xuất thống trị, gắn liền với nhu cầu phát triển khoa học, kỹ thuật và tạo ra thị trường kinh tế thống nhất, phá vỡ những cát cứ phong kiến lâu đời thời Trung cổ. Trong thời đại Phục hưng ở Tây Âu, các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản đã bênh vực triết học duy vật, chống lại chủ nghĩa kinh viện và thần học trung cổ. Tuy vậy, trong các hệ thống triết học ở thời đại này, các yếu tố của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm thường xen kẽ nhau, xu hướng vô thần biểu hiện dưới cái vỏ phiếm thần luận. Cuộc đấu tranh của chủ nghĩa duy vật chống chủ nghĩa duy tâm thường được biểu hiện dưới hình thức đặc thù là khoa học chống tôn giáo, tri thức thực nghiệm đối lập với những lập luận kinh viện. Sự chuyên chính của giáo hội và sự thống trị của chủ nghĩa kinh viện trung cổ đã không ngăn cản được sự phát triển bước đầu của khoa học thực nghiệm và triết học duy vật – tiền đề cho những thành tựu mới và những đặc điểm mới của triết học trong các thế kỷ tiếp theo. Mặc dù tồn tại cách chúng ta nhiều thế kỷ, nhưng những vấn đề triết học Tây Âu thời kỳ Phục hưng vẫn chưa mất tính thời sự của nó. C. Mác nhận xét, “một dân tộc chỉ đứng ngang tầm thời đại khi có một nền tảng triết học vững chắc”. Vì vậy, việc nghiên cứu các di sản triết học thời kỳ Phục hưng giúp ta hiểu được tiến trình phát triển của tư tưởng nhân loại, có thêm cơ sở để hiểu sâu sắc hơn, đúng đắn hơn chủ nghĩa Mác Lênin, đồng thời giúp chúng ta có được những cơ sở lịch sử cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề phục vụ sự nghiệp đổi mới nước ta hiện nay, chẳng hạn như đề ra các chính sách tôn giáo hợp lý, giải quyết nhiều vấn đề mối quan hệ giữa khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn, các vấn đề dân chủ và tự do cá nhân con người... Trên cơ sở đó mà học viên chọn đề tài Những đặc điểm chủ yếu của triết học Tây Âu thời kỳ Phục hưng để làm tiểu luận môn.