PHẦN I: MỞ ĐẦU Có thể nói vấn đề con người là một trong những vấn đề quan trọng nhất của thế giới từ trước đến nay. Đó là vấn đề mà luôn được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu phân tích một cách sâu sắc nhất. Không những thế, trong nhiều đề tài khoa học của xã hội xưa và nay thì đề tài con người là một trung tâm luôn được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý. Các lĩnh vực tâm lý học, sinh học, y học, triết học, xã hội học… từ rất sớm trong lịch sử đã quan tâm đến con người và không ngừng nghiên cứu về nó. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu đó đều có ý nghĩa riêng đối với sự hiểu biết và làm lợi cho con người. Hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác, lĩnh vực triết học lại còn nhiều mâu thuẫn trong quan điểm, nhận thức và nó đã gây nên sự đấu tranh không biết khi nào dừng. Những lập trường chính trị, trình độ nhận thức và tâm lý của những người nghiên cứu khác nhau và do đó đã đưa ra những tư tưởng, hướng giải quyết khác nhau. Khi đề cập tới vấn đề con người, các nhà triết học đều tự hỏi: Thế giới con người đang sống là gì? Con người có vai trò như thế nào trong “tồn tại người” và trong thế giới xung quanh nó? Con người có thể nhận thức và nhận thức đúng được thế giới hay không?... Đó là những câu hỏi được đặt ra mà bất cứ tư tưởng, trường phái triết học nào, ở thời kỳ nào cũng phải quan tâm lý giải. Chính ở đây các quan điểm duy vật hoặc duy tâm, “có thể biết” hoặc “không thể biết” đã bộc lộ rõ ràng. Chính vì vấn đề con người là nội dung cơ bản, cốt lõi và mục tiêu chủ yếu của triết học và đây cũng là vấn đề mà bản thân cảm thấy tâm đắc nên đã chọn vấn đề con người để làm đề tài tiểu luận. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó mà bản thân mới tiếp cận nên không tham vọng trình bày vấn đề con người trong toàn bộ lịch sử triết học nói chung, mà chỉ giới hạn ở “vấn đề con người trong triết học phương Tây trước Mác”. Trong quá trình thực hiện, mặc dù có nhiều cố gắng, song không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của quý thầy cô để đề tài được hoàn thiện hơn