PHẦN MỞ ĐẦU Giáo dục thể chất (GDTC) là một bộ phận cơ bản trong hệ thống giáo dục của nhà trường xã hội chủ nghĩa. Muốn phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT), thì không thể thiếu được vai trò của GDTC trong nhà trường. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác TDTT nói chung và công tác GDTC trong nhà trường nói riêng.[30]. Tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 08 ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”[13] và Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/04/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”[45]. Theo đó, GDTC là môn học chính khóa thuộc chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho mọi người thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển tinh thần và thể chất cho học sinh, sinh viên. Không những thế, GDTC và thể thao trường học phải là nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự đổi mới căn bản, toàn diện về chương trình giáo dục là một trong những chủ trương đã đề ra. Chương trình đào tạo của các trường cũng sẽ được thiết kế theo những hướng khác nhau. Chương trình đào tạo sắp tới sẽ rất mềm dẻo phụ thuộc vào năng lực đội ngũ của từng trường, làm sao chất lượng đầu ra không thấp hơn ngưỡng quy định. Điều này sẽ khuyến khích các trường cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo. Những trường có đội ngũ giáo viên giỏi sẽ thiết kế được chương trình hay, chất lượng đào tạo sẽ cao, tăng uy tín và tạo được sức hút đối với người học. Từ đây, chương trình đào tạo cần phải được tổ chức xây dựng (đối với chương trình mới) và điều chỉnh (đối với chương trình cũ) theo đúng hướng tiếp cận năng lực thực hiện mà bản chất là dạy gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Tiến tới, Bộ GD&ĐT sẽ không quy định chương trình khung như trước đây mà chỉ quy định thời gian đào tạo, khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Hệ thống giáo dục đại học thay đổi theo mục tiêu đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng theo tinh thần của Nghị quyết số 29 NQ/TW khóa XI ngày 04/11/2013 về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”[7]. Việc nắm vững các cơ sở lý luận để xây dựng chương trình là nhân tố quyết định việc xây dựng chương trình đào tạo khoa học và phù hợp với đặc điểm người học. Đại học Sài Gòn là cơ sở giáo dục Đại học công lập trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, chịu sự quản lý Nhà Nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có chức năng đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực, từ trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Hiện nay trường đang tổ chức đào tạo 30 chuyên ngành cấp độ Đại học, 24 chuyên ngành cấp độ cao đẳng, 4 chuyên ngành cấp độ trung cấp thuộc lĩnh vực: Kinh tế - kỹ thuật - văn hóa - xã hội - chính trị - nghệ thuật và sư phạm với số lượng hơn 10.000 sinh viên. Ngoài ra trường còn có các khoa đào tạo các môn chung. Trong đó nổi bật là khoa Giáo dục quốc phòng-An ninh và Giáo dục thể chất. Khoa GDQP-AN&GDTC hiện đang quản lý các công tác GDTC, QP-AN cho trường trong nhiều năm qua. Ngoài những thành tựu đã đạt được, còn đó những vấn đề khó khăn chưa giải quyết triệt để, đặc biệt là chương trình các môn thể thao tự chọn sau khi chuyển qua hình thức đào tạo tín chỉ theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/08/2007 “V/v Ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”.[14] Chương trình GDTC các môn thể thao tự chọn của trường Đại học Sài Gòn sau năm năm triển khai theo hình thức đào tạo tín chỉ đã bộc lộ những bất cập và khó khăn. Trước tình hình đó, căn cứ theo Nghị định số 185/2007 ngày 25/12/2007 của Thủ tướng chính phủ, V/v qui định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở [43], Quyết định 2653/QĐ/BGD-ĐT ngày 25/7/2014 về kế hoạch hành động của ngành giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 9/6/2014[19], Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/04/2015, Ban hành qui định về kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học, và qui trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo [82]. Ban giám hiệu trường ĐHSG đã đồng ý phê duyệt, thông qua đề cương luận án tiến sĩ của NCS Trần Ngọc Cương với tên gọi: “Nghiên cứu xây dựng chương trình các môn thể thao tự chọn theo mô hình Câu lạc bộ trong đào tạo tín chỉ của sinh viên Trường Đại học Sài Gòn”. Đây chính là ý tưởng mà tôi chọn để nghiên cứu trong bậc học tiến sĩ của mình, nhằm nâng cao chất lượng công tác GDTC cho trường Đại học Sài Gòn.