Trong thời đại hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều vấn đề xã hội được quan tâm. Nhất là vấn đề liên quan đến quyền con người, như quyền được sống, quyền được tự do,... Hơn nữa, hiện nay do các yếu tố ảnh hưởng như về sức khỏe, điều kiện sống và nhu cầu của mỗi cá nhân, mỗi gia đình nên vấn đề nuôi con nuôi ngày càng được quan tâm. Đây không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia mà là vấn đề chung của toàn cầu. Nuôi con nuôi là một hoạt động hết sức nhân đạo và ý nghĩa. Vừa giúp đỡ được trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vừa đáp ứng được ước vọng, mong muốn của bản thân mà còn đảm bảo được quyền con người. Việt Nam là một nước đang phát triển, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí và ý thức chưa được tốt, do đó tình trạng bỏ rơi trẻ em, trẻ sơ sinh còn khá phổ biến. Theo thống kê của Bộ tư pháp, trong năm 2015 có 2.787 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (giảm 137 trường hợp so với năm 2014) và 528 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (tăng 30 trường hợp so với năm 2014). Có thể thấy vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng. Điều này như một hệ quả tất yếu của việc hoàn thiện chế định về nuôi con nuôi thông qua việc triển khai thi hành Luật nuôi con nuôi và Công ước Lahay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Để làm rõ hơn về quy định của pháp luật của Việt Nam về vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, em xin chọn đề tài: “Phân tích pháp lý về vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam hiện nay và đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay”.Trong quá trình hoàn thiện bài tiểu luận còn gặp nhiều khó khăn và thiếu xót, mong thầy cô thông cảm và góp ý để bài làm được hoàn thiện và chính xác hơn.