Cụ thể: Khi nói về cảm hứng sáng tạo của O.Henry, trong cuốn Văn học Mĩ, PGS.TS Lê Huy Bắc đã khẳng định: “O.Henry đến với cuộc đời trong sự côi cút và giây phút trước khi rơi vào hôn m
Trang 1TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
PHẠM THỊ THANH VÂN
CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN O’HENRY
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
HÀ NỘI, 2013
Trang 2TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
PHẠM THỊ THANH VÂN
CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN O’HENRY
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Người hướng dẫn khoa học
TH.S ĐỖ THỊ THẠCH
HÀ NỘI, 2013
Trang 3LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành được khóa luận này, người viết đã nhận được sự giúp đỡ
và hướng dẫn tận tình của cô giáo – ThS Đỗ Thị Thạch
Em xin gửi lời cảm ơn tới cô sâu sắc
Em cũng xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo trong khoa Ngữ văn, các thầy cô trong tổ bộ môn Văn học nước ngoài đã giúp đỡ em hoàn thành khóa luận này
Hà Nội, tháng 05 năm 2013
Sinh viên thực hiện
Phạm Thị Thanh Vân
Trang 4LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan khóa luận “Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry” là
đề tài do bản thân tôi tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của cô giáo – ThS Đỗ Thị Thạch - Giảng viên khoa Ngữ Văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2
Đề tài không sao chép từ bất kì một tài liệu có sẵn nào
Kết quả nghiên cứu không trùng với tác giả khác
Hà Nội, tháng 05 năm 2013
Sinh viên thực hiện
Phạm Thị Thanh Vân
Trang 5MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1 Lí do chọn đề tài 1
2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3 Mục đích nghiên cứu 5
4 Nhiệm vụ nghiên cứu 5
5 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6
6 Phương pháp nghiên cứu 6
7 Đóng góp của khóa luận 6
8 Cấu trúc của khóa luận 7
NỘI DUNG 8
Chương1: Khái quát về chất thơ trong văn xuôi 8
1.1 Khái niệm chất thơ 8
1.2 Sự hình thành chất thơ trong văn xuôi 11
1.3 Vai trò của chất thơ trong văn xuôi 12
1.4 Biểu hiện của chất thơ trong văn xuôi 13
1.4.1 Biểu hiện của chất thơ trên phương diện nội dung 13
1.4.2 Biểu hiện của chất thơ trên phương diện hình thức nghệ thuật 14
Chương 2: Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry được thể hiện trên phương diện nội dung 16
2 1 O.Henry - Nhà văn say mê kiếm tìm cái đẹp 16
2.1.1 Say mê vẻ đẹp thiên nhiên 16
2.1.2 Say mê vẻ đẹp con người 18
2.1.2.1 Vẻ đẹp ngoại hình 19
2.1.2.2 Vẻ đẹp tâm hồn 22
Trang 62.2 O.Henry - Nhà văn nâng niu những ước mơ lãng mạn bay bổng của con
người 27
2.2.1 Lựa chọn đề tài chủ đề 27
2.2.2 Giải quyết xung đột bằng “giải pháp bằng trái tim” 31
2.2.3 Tạo dựng những kết thúc có hậu 33
Chương 3: Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry được thể hiện trên phương diện hình thức nghệ thuật 36
3.1 Chất thơ được thể hiện ở kết cấu cốt truyện 36
3.1.1 Kết cấu cốt truyện hồi tưởng 37
3.1.2 Kết cấu cốt truyện mở 39
3.2 Chất thơ được biểu hiện ở những biểu tượng nghệ thuật 40
3.2.1 Biểu tượng thiên nhiên 41
3.2.2 Biểu tượng con người 45
3.2.3 Biểu tượng đồ vật 46
3.3 Chất thơ được biểu hiện ở ngôn từ tác phẩm 48
3.3.1 Câu văn giàu hình ảnh 48
3.3.2 Thủ pháp nghệ thuật 51
3.3.2.1 Nhân hóa 51
3.3.2.2 So sánh 54
KẾT LUẬN 58 TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
Trang 7MỞ ĐẦU
1 Lí do chọn đề tài
Trên văn đàn Mĩ vào những năm cuối thế kỉ XIX, truyện ngắn với những
ưu thế của nó đã không ngừng phát triển mạnh mẽ có sự biến đổi sâu sắc và
ngày càng khẳng định được vai trò của một thể loại mang tính chất “xung kích” của đời sống văn học, “một quả bom nghệ thuật với hiệu ứng tức thời”
Một trong những cây bút truyện ngắn độc đáo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của truyện ngắn Mĩ lúc bấy giờ là nhà văn O.Henry Ông được đánh giá là một trong những bậc thầy của thế giới về truyện ngắn cùng với Sêkhôp của Nga và Ghiđơ Môpatxăng của Pháp Mặc dù không có cái thâm trầm sâu
xa về mặt tư tưởng, không có tầm rộng lớn về mặt khái quát điển hình hoặc tính sắc bén trong xã hội đương thời như hai nhà văn trên nhưng tên tuổi của O.Henry vẫn tồn tại mãi trong sự yêu thích của bạn đọc Bởi lẽ truyện của ông
đã thể hiện được cái nhìn vui vẻ yêu đời trước những thăng trầm số phận của con người, đặc biệt là những người nghèo khổ, thất thế, bất hạnh và kết thúc truyện đa phần mang những thanh âm ngọt ngào trong trẻo
Trải qua thời gian, truyện ngắn của O.Henry vẫn là những mẫu mực của truyện ngắn hiện đại với cấu trúc ngắn gọn, giọng văn giản dị, hài hước Chính
vì vậy, việc lựa chọn truyện ngắn O.Henry, người nghiên cứu sẽ có điều kiện
để đi sâu tìm hiểu nắm vững hơn đặc trưng diện mạo của thể loại truyện ngắn thế giới nói chung và truyện ngắn Mĩ nói riêng
Ngoài ra, khi đọc truyện ngắn của O.Henry người đọc còn bị thu hút bởi những bi kịch có vẻ rất ngẫu nhiên trong đời sống, những mối tình ngang trái, những tình yêu đầy bất ngờ Vì lẽ đó truyện ngắn của ông đã tạo nên sức hấp
dẫn rất lớn đối với bạn đọc Việt Nam như Hoàng tử đồng xanh, Xuân về trên thực đơn, Cây xương rồng, Cánh cửa màu lục, Món quà của các đạo sĩ, Món
Trang 8quà giáng sinh đồng nội, Chị em bạn vàng… Đặc biệt truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng - tác phẩm đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường trung
học phổ thông nước ta Vì lẽ đó việc nghiên cứu tác giả O.Henry sẽ tạo thuận lợi cho việc giảng dạy trực tiếp tác phẩm của nhà văn trong nhà trường
Đặc biệt khi tiếp cận truyện ngắn O.Henry, PGS.TS Lê Huy Bắc trong
cuốn Văn học Mĩ đã phát hiện: “Đọc truyện ngắn O.Henry người đọc như đứng trước một bài toán được trình bày bằng một kiểu ngôn ngữ thơ và người đọc phải cùng người kể chuyện lần theo chuỗi sự kiện để tìm ra đáp số cuối cùng Truyện của ông rất giàu chất trí tuệ (…) nhưng không phải vì thế mà khô khan Ở những trang viết thành công O.Henry cũng bộc lộ một chất thơ, chất trữ tình say đắm - cái nhìn hóm hỉnh của mình về cuộc đời” [3, tr.231] Và đây cũng là gợi ý quan trọng để tác giả khóa luận triển khai đề tài “Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry”
Với những lí do nêu trên, có thể khẳng định rằng, nghiên cứu đề tài
“Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry” là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết
thực Tìm hiểu đề tài cũng là dịp để tác giả khóa luận tìm ra cái hay cái đẹp trong truyện ngắn của O.Henry và đánh giá đúng những đóng góp của nhà văn vào truyện ngắn trong nền văn học Mĩ
2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Nói đến văn học Mĩ, người đọc thế giới thường nhắc tới O.Henry như
một trong những bậc thầy truyện ngắn viết có “duyên” nhất Với một lối sống
phong phú, ông đã để lại cho đời hơn 400 truyện ngắn và góp vào nền văn học
Mĩ một tiếng nói rất riêng Bởi vậy O.Henry đã, đang, và sẽ là nguồn đề tài phong phú lôi cuốn sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu Tuy nhiên do hạn chế về ngoại ngữ chúng tôi chỉ có thể khảo sát một số công trình bài viết
đã được các tác giả Việt Nam dịch và giới thiệu
Trước hết các tác giả đều tập trung vào việc khẳng định vị trí của O.Henry cũng như giá trị sức sống tác phẩm của ông trên văn đàn Mĩ nói riêng
và thế giới nói chung
Trang 9Lê Huy Bắc trong cuốn O.Henry và chiếc lá cuối cùng đã dẫn ra nhận định của C.V.Đoren khi viết về O.Henry: “Truyện ngắn O.Henry là những lời tiên tri của những sáng tạo văn xuôi, là sự thay khuôn hình nhân vật tính cách
đã được định hình trước” [4] Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh: “Khi mở bất
kì một tuyển tập truyện ngắn thế giới có giá trị nào thì độc giả cũng đều thấy
có truyện của O.Henry” [4]
Đặc biệt có một số bài viết đã đề cập tới các yếu tố của chất thơ mà chúng tôi sẽ triển khai trong khóa luận, tuy nhiên những yếu tố đó chỉ xuất hiện một cách rải rác Cụ thể:
Khi nói về cảm hứng sáng tạo của O.Henry, trong cuốn Văn học Mĩ, PGS.TS Lê Huy Bắc đã khẳng định: “O.Henry đến với cuộc đời trong sự côi cút
và giây phút trước khi rơi vào hôn mê ông cũng không có người thân bên cạnh (…) cuộc đời của ông vì thế là một chuỗi cô độc tiếp nối (…) nhưng tác phẩm của ông - những đứa con tinh thần luôn tỏa chiếu thứ ánh sáng đẹp, ánh sáng của tương lai, của đạo lí và của niềm tin vào con người Cuộc sống của ông có thể bi quan nhưng tác phẩm của ông đa số đều tràn đầy cảm hứng lạc quan về con người” [3, tr.241] Qua nhận xét trên, ta thấy cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của
O.Henry chủ yếu được khơi nguồn từ sự lạc quan vui vẻ tin yêu cuộc sống Đây cũng chính là điều kiện cần thiết để tác giả say mê kiếm tìm vẻ đẹp của con người
Khi bàn về nhân vật trong sáng tác của O.Henry, dịch giả Ngô Vĩnh
Viễn trong lời giới thiệu cuốn sách Truyện ngắn O.Henry - Chiếc lá cuối cùng nhấn mạnh: “Các nhân vật của ông dù trải qua một cuộc sống nghèo khổ túng quẫn nhưng phần lớn họ mang trong mình những tâm hồn giàu mơ ước lãng mạn” [17, tr.8]
PGS.TS Lê Huy Bắc cũng bổ sung thêm: “Nhân vật trung tâm của O.Henry hiếm khi là nhân vật phản diện tiêu cực như ở Banzắc mà thường là kiểu chính diện tích cực có phần lí tưởng hóa theo kiểu Huygô” [3, tr.246]
Trang 10Cũng trong bài viết này, PGS đã đề cập đến việc lựa chọn đề tài chủ đề
của O.Henry: “Đa số truyện ngắn của O.Henry đều đề cập tới tình yêu, hoặc miêu tả trực tiếp nó, hoặc dùng nó làm tác nhân cải tạo con người” [3, tr.255]
Như vậy nếu như tình yêu trong truyện ngắn của O.Henry có tác dụng cải tạo làm thanh lọc tâm hồn con người thì thiết nghĩ trước hết nó phải là một tình yêu đẹp
Một số tác giả khác lại đi khẳng định những đóng góp của O.Henry về phương diện nghệ thuật kể chuyện:
Trong bài Truyện ngắn O.Henry, tác giả Nguyễn Hồng Dũng đã bình luận: “O.Henry là người kể chuyện có tài Phần lớn truyện của ông đều có cốt truyện đơn giản, kết thúc bất ngờ Ông muốn đem đến cho người đọc một sự thú vị mộng mơ gần giống như trong truyện cổ tích” [5]
Bên cạnh đó, tác giả khóa luận còn nhận thấy rằng: O.Henry thường hay xây dựng các hình ảnh ví von so sánh, nhân hóa hỏm hỉnh nhằm tạo ra giọng
kể chuyện dí dỏm, độc đáo, gây ấn tượng và cuốn hút cho người đọc, đồng thời còn tạo ra được tính hình ảnh cho câu văn, gợi liên tưởng sâu xa trong tâm tưởng của người tiếp nhận
Ngoài ra, những nét độc đáo thi vị xoay quanh biểu tượng chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn, cũng đã trở thành đề tài có sức thu hút hấp dẫn đối với chuyên gia nghiên cứu phê bình Văn học Mĩ – Lê Huy Bắc Theo ý kiến của PGS.TS đây thực sự là một biểu tượng nghệ thuật đa nghĩa giàu giá trị thẩm mĩ
Có thể nói rằng, thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn O.Henry là một mảnh đất hứa với sự khám phá không cùng Chính vì vậy càng đi sâu vào tác
phẩm, các tác giả của cuốn sách O.Henry - Truyện ngắn đặc sắc, NXB Hội nhà văn đã phát hiện ra được những điều lí thú: “Văn chương của O.Henry nhẹ nhàng ngắn gọn đến mức sắc sảo Giọng văn hài hước dí dỏm đôi khi giấu sau
Trang 11những nụ cười là một sự nghiệt ngã đến không ngờ của cuộc sống Rất nhiều tác phẩm cuả ông có những kết thúc bất ngờ gây sửng sốt cho người đọc” [12]
Qua tìm hiểu các công trình nghiên cứu, các bài viết về O.Henry, chúng tôi rút ra nhận xét:
- Hầu hết các tác giả đều đi tới khẳng định sự độc đáo và những điểm mới chủ yếu trên phương diện về hình thức nghệ thuật của truyện ngắn O.Henry
- Đây đó rải rác trong một số bài viết đã có những nhận xét mang tính chất gợi mở về chất thơ trong truyện ngắn O.Henry Tuy nhiên chưa có một công trình nào đi sâu vào tìm hiểu chất thơ trong truyện ngắn O.Henry Vì vậy
đề tài mà chúng tôi thực hiện không trùng lặp với kết quả nghiên cứu của tác giả nào trước đó
Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước cùng với sự đánh giá và kiến giải riêng, tác giả khóa luận mạnh dạn triển khai nghiên cứu đề tài “Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry”
3 Mục đích nghiên cứu
Trong khuôn khổ của một khóa luận tốt nghiệp, chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào khai thác hết cấp độ của chất thơ, mà chỉ cố gắng tập trung vào một số biểu hiện đặc sắc của chất thơ trong truyện ngắn O.Henry ở trên phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm
4 Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khái quát chung về chất thơ trong văn xuôi
- Chỉ ra và phân tích một số biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn O.Henry ở phương diện nội dung như cảm hứng sáng tạo, việc lựa chọn đề tài chủ đề, vẻ đẹp của hình tượng tác phẩm
- Chỉ ra và phân tích một số biểu hiện của chất thơ trên phương diện hình thức nghệ thuật: kết cấu cốt truyện, biểu tượng, ngôn từ tác phẩm
Trang 12- Có sự so sánh với các tác giả khác trên phương diện chất thơ của thể loại truyện ngắn Qua đó khẳng định sự độc đáo về văn phong của O.Henry cũng như sự đóng góp của ông vào nền văn học Mĩ cuối thế kỉ XIX nói riêng
và dòng chảy văn học thế giới nói chung
5 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1 Đối tượng nghiên cứu
Khóa luận của chúng tôi sẽ tập trung vào tìm hiểu vấn đề chất thơ trong truyện ngắn O.Henry
6 Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích văn bản
- Phương pháp thống kê
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp tiếp cận hệ thống
7 Đóng góp của khóa luận
O.Henry là một trong bốn cây đại cổ thụ của nền văn học Mĩ cuối thế kỉ XIX, vì tài năng và đóng góp, ông đã được người đời tôn xưng là bậc thầy truyện ngắn thế giới Do đó O.Henry đã trở thành đề tài có sức hút rất lớn đối với các nhà nghiên cứu Đã có rất nhiều con đường được mở ra để khám phá
tác phẩm của ông Khi nghiên cứu đề tài “Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry” người viết mong muốn sẽ cung cấp cho bạn đọc Việt Nam một
Trang 13hướng tiếp cận mới về truyện ngắn của O.Henry, đồng thời sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tư liệu về ông
8 Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, Nội dung của khóa luận gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát chung về chất thơ
Chương 2: Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry được thể hiện trên phương diện nội dung
Chương 3: Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry được thể hiện trên phương diện hình thức nghệ thuật
Trang 14NỘI DUNG Chương 1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CHẤT THƠ TRONG VĂN XUÔI
1.1 Khái niệm chất thơ
Đối với con người nhu cầu về cái đẹp là nhu cầu thuộc về bản chất Con người khác với con vật ở chỗ, đôi khi nó có nhu cầu ngước mắt nhìn lên bầu trời, luôn luôn muốn vươn tới cái đẹp, cái hoàn thiện, cái lí tưởng Văn học đã
ra đời phần nào để thỏa mãn nhu cầu ấy bằng việc phản ánh cái đẹp, cái chất thơ vốn có trong cuộc đời, trong đời sống tâm hồn Vậy chất thơ là gì?
Thông thường khi nói tới chất thơ, người ta cho rằng nó thuộc về yếu tố nội dung Tuy nhiên để xác định được một định nghĩa đầy đủ về chất thơ là một vấn đề không hề đơn giản Bởi chất thơ là một khái niệm có nội hàm rộng
và được hiểu khá linh hoạt tùy vào từng hoàn cảnh sử dụng
Khác với chất thơ trong đời sống thường được quan niệm như một cái gì
mơ mộng lý tưởng, tồn tại khách quan, chất thơ trong nghệ thuật là sự kết hợp thống nhất giữa phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo chủ quan của người nghệ sĩ
Khái niệm chất thơ có khởi nguồn từ thơ ca, nó là đặc tính tất yếu của
thơ Trong cuốn Lí luận văn học, do Phương Lựu chủ biên, khi bàn về chất thơ
của thơ, ông đã trích dẫn ý kiến của nhà phê bình văn học Trung Quốc đời
Thanh - Diệp Tiếp trong sách Nguyên thi: “Cái lí có thể nói, ai cũng nói được đâu cần nhà thơ nói lên Cái việc có thể chứng kiến ai cũng kể lại được Phải
có những cái lí không thể nói, có những việc không thể kể lại được khi gặp thì chỉ hiểu ngầm qua hình dung có ý nghĩa mà lí và việc đã tường như thế” [11]
Về sau ý kiến này đã được nhà nghiên cứu Đỗ Minh Tuấn làm rõ thêm: “Chất thơ của một bài thơ nằm trong một cái đích rất mơ hồ nhưng lại rất cụ thể, nó
Trang 15mơ hồ ở chỗ nó tan biến vào từng câu thơ, nó chảy ra bàng bạc trong từng tác phẩm nhưng nó cụ thể ở chỗ nó tụ lại một điểm ngời sáng nào đó làm cho cái bàng bạc trải rộng kia lấp lánh lên Điểm ngời sáng đó là nơi gặp gỡ của tất cả các câu thơ ý thơ, là nơi ngã ba ngã bảy tỏa đi các câu thơ - đối với người làm thơ là nơi cảm xúc gặp gỡ, đối với người đọc thơ là nơi cảm xúc tỏa đi” [14,
tr.383] Như vậy nếu theo lời bàn luận trên thì có thể hiểu chất thơ là cái mơ
hồ là đích không lời, là ý tại ngôn ngoại, tức lời hết mà ý tình còn mênh mang, nó đòi hỏi bạn đọc phải khám phá ra cái tầng sâu không cùng của thơ
Đó là chất thơ của thơ nhưng giữa các thể loại văn chương bao giờ cũng có sự giao thoa Điểm giao thoa giữa thơ và văn xuôi chính là chất thơ của văn xuôi
và chất văn xuôi của thơ Vậy cần hiểu khái niệm chất thơ của văn xuôi như thế nào cho đúng? Trong khuôn khổ của một khóa luận tốt nghiệp, chúng tôi chỉ tạm thời đưa ra hai cái nhìn dưới góc độ từ điển và quan niệm của các nhà văn, nhà nghiên cứu:
Từ điển văn học, nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2004, do Đỗ Đức Hiểu chủ biên có định nghĩa về chất thơ như sau: “Chất thơ không phải là cái thuần túy đối lập hoàn toàn với văn xuôi mà là cái tỏa sáng trên văn xuôi Chất thơ của văn xuôi là một phạm trù có nội hàm rộng rãi nhưng trước hết nó là những cảm xúc chất chứa những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ trong ngôn từ hàm súc giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu” [9, tr.1341]
Với định nghĩa này, các nhà biên soạn từ điển đã nhìn nhận chất thơ như một yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm Có thể coi đây là một định nghĩa khá toàn diện đầy đủ vì chất thơ được soi chiếu trên cả hai phương diện: nội dung phải đảm bảo tính cô đọng, giàu hàm súc (các biểu tượng nghệ thuật sẽ góp một phần thực thi chức năng này) và hình thức, ngôn ngữ phải giàu hình ảnh, giọng văn có nhịp điệu (nguyên nhân khai sinh ra các thủ pháp nghệ thuật)
Trang 16Từ điển văn học khi giới thiệu về chất thơ trong truyện ngắn Pautôpxki,
đã trích dẫn ý kiến của tác giả Đặng Thị Hảo: “Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn cái khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện, làm cho những bài thơ văn xuôi của ông thấm vào hồn người một cách nhẹ nhàng tinh tế và rồi cứ sau mỗi câu chuyện người đọc lại tìm thấy một niềm vui nho nhỏ, một chút thanh thản trong tâm hồn, xa hơn nữa nhiều khi đó là cả một chân trời mới của cái đẹp” [9, tr.1341] Như vậy
chất thơ còn gắn với cảm hứng lãng mạn, đồng thời người nghiên cứu cũng đã chỉ ra được hiệu ứng của chất thơ đem lại cho bạn đọc đó là những khoái cảm thẩm mĩ, những niềm vui nho nhỏ, một chút thanh thản trong cõi lòng, xui khiến con người ta biết sống vươn tới chân trời cái đẹp Rõ ràng văn học không chỉ là tấm gương phản ánh cuộc sống mà qua chất thơ nó còn có chức năng thanh lọc tâm hồn
Khái niệm chất thơ của văn xuôi còn được điểm xuyết trong một số bài bình luận trên các trang báo, trên các blog Tiêu biểu là ý kiến của PGS.TS Đỗ
Lai Thúy: “Chất thơ trước tiên hiểu theo nghĩa rộng phải gắn với cái đẹp Cái đẹp có thể do tự nhiên đem lại hoặc cũng có thể được tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người Tuy nhiên một tác phẩm văn học giàu chất thơ
sẽ bị giới hạn ý nghĩa về thẩm mĩ nếu như nhà văn không sử dụng thủ pháp để sắp xếp các vật liệu tạo ra một chỉnh thể thẩm mĩ để nội dung và hình thức không tách rời nhau” [16] Trong ý kiến của mình, PGS.TS có đề cập tới một
khía cạnh mới của chất thơ đó là chất thơ phải gắn liền với cái đẹp, hay nói khác đi cái đẹp đã khơi dòng cho chất thơ cuộn chảy vào trong tác phẩm nghệ thuật, và muốn tạo ra chất thơ buộc các nhà văn phải sử dụng các thủ pháp nghệ thuật: đó có thể là những dòng độc thoại nội tâm, những kết cấu mở đi sâu vào miền kí ức, khơi gợi những góc khuất của tâm hồn để cho cảm xúc chảy miên man…
Trang 17Trong bài viết Truyện ngắn - Đặc trưng thể loại, tác giả Đỗ Ngọc Thạch
cho rằng: Chất thơ là chất trữ tình sâu lắng của những trạng huống, của những tâm trạng nhân vật trong truyện, là sự cao đẹp của tư tưởng thẩm mĩ khả dĩ có sức mạnh chắp cánh nâng cao tâm hồn người đọc thoát khỏi sự níu kéo của cái trần tục đời thường để vươn tới những ý tưởng đầy nhân văn sáng tạo Với ý nghĩa ấy, chất thơ của truyện ngắn còn là cái tâm trong sáng, nặng nỗi ưu đời mẫn thế của nhà văn
Từ các ý kiến quan niệm trên, có thể hiểu chất thơ một cách hết sức linh hoạt như sau:
- Xét trên phương diện mĩ học: Chất thơ được xem là cái đẹp của tâm hồn, của cuộc sống và cao hơn nữa cuộc sống với một lí tưởng đẹp
- Xét trên phương diện cảm hứng: Chất thơ gắn liền với cảm hứng lãng mạn bay bổng
- Xét trên phương diện ngôn ngữ: Chất thơ gắn liền với tính nhạc, tính họa của lời văn
1.2 Sự hình thành chất thơ trong văn xuôi
Theo như M.Bakhơtin: Thể loại sống bằng hiện tại nhưng luôn nhớ quá khứ của mình, khởi thủy của mình Khi nghiên cứu về chất thơ trong văn xuôi, xét trên phương diện nào đó gắn liền với việc thừa nhận hiện tượng giao thoa giữa các thể loại như một điều hiển nhiên Thực tế các nhà văn bậc thầy truyện ngắn đã nhận định: truyện ngắn về tạng chất của nó rất gần với thơ, thậm chí có thể nói một cách không đến nỗi quá đáng rằng truyện ngắn là một dạng cấu trúc đặc biệt của thơ Với ý nghĩa ấy truyện ngắn có một vị trí cao cả đặc biệt ở ngay trong bầu trời thi ca Cũng trong bài viết này, tác giả đã dẫn lời nhận xét
của Pautôpxki: “Cái chính là ở chỗ khi văn xuôi đạt tới mức hoàn thiện toàn mĩ thì về bản chất nó thực sự là thơ” Như vậy khi đạt tới đỉnh cao của sáng tạo,
thơ và truyện ngắn đã gặp nhau hòa thành đám mây ngũ sắc kì diệu
Trang 18Trên Tuần báo Văn nghệ số ra tháng 10/1982, theo nhà nghiên cứu Vũ
Ngọc Phan: Người ta cho rằng ở châu Âu văn xuôi nghệ thuật mới chỉ có từ thời Phục Hưng, ở nước ta văn xuôi thành văn nói chung mới có từ đầu thế
kỉ XX Bất cứ nghành nghệ thuật trẻ nào ban đầu cũng phải dựa vào một số ngành nghệ thuật lân cận, với văn xuôi chỗ dựa ấy không thể nào khác ngoài thơ Vì trước khi có văn xuôi thì thơ là tất cả văn chương Như vậy chất thơ chính là nhịp cầu nối giữa hai thể loại thơ và văn xuôi
Tìm chất thơ trong văn xuôi chính là đi tìm những đặc tính vốn làm nên đặc thù của thể loại thơ đã được văn xuôi tiếp nhận làm giàu có cho sự biểu đạt của chính nó Cụ thể, thơ ưu tiên cho việc biểu đạt tâm tình chủ quan của người nghệ sĩ, nghiêng về nắm bắt những nét tinh lọc của thế giới tâm hồn với một thái độ tôn sùng lý tưởng, trân trọng những ước mơ lãng mạn bay bổng của con người và thơ nghiêng về tính hàm súc, tính trữ tình, giàu hình ảnh, nhạc điệu Chính vì vậy một tác phẩm văn xuôi mang đậm chất thơ phải là một tác phẩm hấp thụ được một trong những đặc tính vốn có ấy của thơ
1.3 Vai trò của chất thơ trong văn xuôi
Mỗi một yếu tố khi đưa vào trong tác phẩm đều giữ một vai trò nhất định trong chỉnh thể hữu cơ đó Và ngay trong định nghĩa nêu trên đã phần nào hé lộ vai trò của chất thơ
Nếu đặt chất thơ trong quan hệ với tác phẩm: Nó sẽ đem đến cho văn xuôi sự mềm mại, sức lay động sâu xa Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đến đâu cả
Nếu đặt trong quan hệ với người nghệ sĩ: Chất thơ là chất xúc tác, là phút giây cảm xúc được thăng hoa, là nơi nhà văn thể hiện những trăn trở, suy
tư, nỗi niềm trước cuộc đời
Trang 19Nếu đặt trong quan hệ với bạn đọc: Nó là con đường thi vị nhất dẫn tác phẩm tới trái tim của người tiếp nhận Nó là chiếc cầu nối mềm mại đưa văn xuôi vào hồn người một cách êm ái dịu dàng, là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng văn xuôi làm cho thể loại này trở nên nhẹ nhàng đằm thắm hơn
Như vậy chất thơ giữ vai trò quan trọng trong tác phẩm, và đi vào thực tiễn sáng tác của các nhà văn ta thấy chất thơ ngày càng khẳng định được thế mạnh của mình trong văn xuôi Vì lẽ đó nó tồn tại khá nhiều trong những trang viết tài hoa của các nghệ sĩ
1.4 Biểu hiện của chất thơ trong văn xuôi
Ngay trong định nghĩa về chất thơ chúng ta đã thấy được những khía cạnh biểu hiện của nó trong lĩnh vực văn xuôi nói chung và thể loại truyện ngắn nói riêng Chất thơ là cái tỏa sáng trên văn xuôi, nó có thể kết tinh ngưng tụ trên các phương diện nội dung hoặc hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học
1.4.1 Biểu hiện của chất thơ trên phương diện nội dung
Nội dung là một phạm trù có nội hàm rộng, nó là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố như cảm hứng, đề tài chủ đề, hình tượng tác phẩm Khi nói nội dung mang đậm chất thơ cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận chất thơ sẽ tồn tại
ở các yếu tố đó của hệ thống
Xung quanh khái niệm cảm hứng có rất nhiều ý kiến khác nhau Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Cảm hứng nghệ thuật là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của người tiếp nhận tác phẩm Bêlinxki coi cảm hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí
óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” [7, tr.44]
Trang 20Tuy nhiên trong khoá luận này chúng tôi chỉ quan tâm đến thế nào là một cảm hứng mang đậm chất thơ Theo kiến giải của người nghiên cứu, một cảm hứng mang đậm chất thơ khi nó được nảy sinh từ sự rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của con người Hay nói một cách đầy hình ảnh như Pautôpxki: cảm hứng giống như mối tình đầu khi tim ta rộn ràng trước đôi mắt đẹp, nụ cười và câu nói ngập ngừng dang dở… Như vậy ngay từ cảm hứng sáng tạo đã gợi lên được nhiều chất thơ vì nó chính là trạng thái say mê đặc biệt khi người nghệ sĩ đắm chìm trong thế giới cảm xúc đi tìm những hình tượng nghệ thuật thẩm mĩ
Cảm hứng chứa đựng chất thơ sẽ chi phối đến việc lựa chọn đề tài, chủ đề trong tác phẩm Đề tài, chủ đề là phạm vi đời sống mà các nhà văn đề cập tới Bản thân chúng mang tính khách quan, nhưng việc lựa chọn để đi vào khai thác cho sâu lại là do ý thức chủ quan sáng tạo, dụng ý nghệ thuật của nhà văn Thông thường một đề tài, chủ đề mang đậm chất thơ sẽ không
đi vào khám phá lãnh địa của các cốt truyện giật gân, li kì, những tình huống thót tim nghẹn thở mà sẽ xoay quanh những điều giản dị, lặng lẽ không ồn
ào hoặc khai thác những điều dịu ngọt của cuộc đời Trong nguồn đề tài bất tận của cuộc sống, có lẽ đề tài tình yêu mang đậm chất thơ hơn cả, bởi tình yêu không chỉ là chất thơ của cuộc đời mà còn là chất thơ của những trái tim
đã yêu, đang yêu, và sẽ yêu
1.4.2 Biểu hiện của chất thơ trên phương diện hình thức nghệ thuật
Hình thức nghệ thuật tồn tại song song với phương diện nội dung để cùng nhau làm nên chỉnh thể thống nhất của tác phẩm văn học Nhắc đến hình thức không thể không kể đến yếu tố ngôn ngữ Để tạo ra ngôn ngữ mang đậm chất thơ đòi hỏi mỗi nhà văn phải am hiểu thấu đáo về thơ và họa tức là ngôn ngữ phải giàu hình ảnh, phải mang nhạc tính và gợi lên được cái đẹp Việc này
Trang 21cũng đồng nghĩa họ phải sử dụng hàng loạt các biện pháp nghệ thuật, và tất nhiên nhân hóa và so sánh nhiều khi cũng có mặt, bởi chúng vừa gợi được cái hồn, cái tình ẩn giấu sâu trong lòng mỗi sự vật vừa làm cho lời văn giàu hình ảnh Một trong những yêu cầu quan trọng của truyện ngắn là phải đảm bảo tính
cô đọng hàm súc Điều đó dẫn đến việc các nghệ sĩ phải sử dụng tối đa các biểu tượng nghệ thuật, hoặc sử dụng những kết cấu cốt truyện mở, kết cấu cốt truyện hồi tưởng để đi sâu vào miền kí ức khơi gợi những liên tưởng ở người đọc… Nếu tác phẩm nào đáp ứng được các tiêu chuẩn đó thì chứng tỏ nó đã đạt được một phần của chất thơ
Những biểu hiện trên đây của chất thơ trong văn xuôi đã được đúc kết
từ lí luận đến thực tiễn sáng tác, và nó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể hơn về đặc trưng của văn xuôi khi chúng hấp thụ những đặc tính vốn có của thơ Đồng thời đây cũng là kim chỉ nam dẫn đường để tác giả khóa luận nghiên cứu chất thơ trong truyện ngắn O.Henry
Trang 22Chương 2 CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN O.HENRY
ĐƯỢC THỂ HIỆN TRÊN PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG
2.1 O.Henry - Nhà văn say mê kiếm tìm cái đẹp
2.1.1 Say mê vẻ đẹp thiên nhiên
“Khi người yêu tôi
Mặc áo trắng đi ngang qua đồi Vương vào lá
Nếu như Aimatôp - ca sĩ của núi đồi thảo nguyên - đi tìm cảm hứng ở những miền núi non hoang mạc vừa trữ tình nên thơ vừa uy nghi hùng vĩ, nếu Pautôpxki - nhà văn trữ tình lãng mạn Nga đã lấy văn xuôi để hiện thực hóa giấc mơ tình yêu thơ không thành của mình, thì mùa thu vàng tĩnh lặng đã trở thành đề tài ông suốt đời theo đuổi, còn với O.Henry niềm say mê nằm ở
Trang 23những trang miêu tả thiên nhiên nước Mĩ với tất cả sự vẫy chào, mời gọi, đong
đưa, tình tứ của nó: “Những tấm cọ đang phất phơ trong gió như chào mời chúng ta hãy vui chơi hoan hỉ” (Bị bắt), hay đó là cảnh: “Cây xương rồng với những chiếc lá dài thõng liên tục đong đưa theo ngọn gió nhẹ nhất trong cử chỉ
lạ lùng dường như đang ra dấu hiệu gì đó” (Cây xương rồng) Rõ ràng qua cái
nhìn của O.Henry, cảnh vật đa phần hiện lên trong trạng thái động nhưng không phải là cái động dữ dội, mãnh liệt như ta thường thấy trong một số trang miêu tả thiên nhiên của các nhà văn Mĩ ưa cảm giác mạnh, mà nó chỉ là những chuyển động nhẹ nhàng, và ở đó vạn vật có sự hài hòa với nhau: những tấm cọ thì phất phơ trong gió, những lá cây xương rồng thì liên tục đong đưa theo ngọn gió nhẹ nhất, còn con người thì nhìn thấy ở trong thiên nhiên một sự giao cảm, dường như nó đang mời chào đang ra dấu hiệu gì đó cho ta
Thờ ơ dửng dưng trước vẻ đẹp là một thứ bệnh gặm nhấm làm khô cứng hủy hoại tâm hồn con người Chính vì vậy O.Henry đã không bỏ qua bất kì một
vẻ đẹp nào của thiên nhiên cho dù đó chỉ là “chiếc lá vàng rơi - tấm danh thiếp của thần rét” hay “bầu trời ru ngủ của miền Nam nước Mĩ”, “những tia nắng đầu tiên của mặt trời nhuốm vàng các tòa nhà cao ngất dẹt như một con dao rọc giấy ở phía tây công viên” (Tên cớm và bản thánh ca), thậm chí là “con đường trắng xóa trong ánh trăng” (Hoàng tử đồng xanh), “dòng nước trong vắt từ ngọn đồi chảy róc rách xuống nền đá” (Ngôi giáo đường với cối xay nước)
Những chi tiết rất nhỏ ấy của thiên nhiên nhiều khi con người hay vô tình lãng quên đi trong cuộc sống mưu sinh đầy vội vàng, lo toan nhưng với sự mẫn cảm của một nhà văn như O.Henry, tất cả đã trở thành những khoảnh khắc đẹp đáng nhớ
Thiên nhiên trong truyện ngắn của ông không chỉ tràn ngập màu sắc: màu vàng của những chiếc lá rơi cuối thu, của những tia nắng mặt trời đầu tiên, màu trắng xóa của con đường trong đêm trăng, màu trong veo của dòng nước
Trang 24từ ngọn đồi chảy xuống mà nó còn trở nên hữu tình hơn khi nó chứa trong lòng mùi thơm của hương cỏ đồng nội, âm thanh của các loài chim Đó là tiếng líu ríu của bầy sẻ mơ màng dưới các mái hiên, là tiếng hót của chim bách thanh lảnh lót cất lên một bản tình ca Những âm thanh ấy không làm cho không gian trở nên buồn thảm, u sầu mà trái lại chúng làm cho cảnh vật trở nên quyến rũ,
mơ màng hơn “Cảnh đêm trước giáng sinh có một chút gì giá lạnh trong không khí xa xôi lăn tăn như nước khoáng lại được ướp thoang thoảng của mùi hoa cỏ đồng nội” (Món quà giáng sinh đồng nội) Sự miêu tả thật là tinh tế
Bởi không khí là cái mà ta hít thở từng ngày nó vốn vô hình, nhưng qua ngòi bút của nhà văn nó hiện lên thật hữu hình, trong trẻo đến lạ thường Đôi khi thiên nhiên trong truyện ngắn O.Henry còn gây ấn tượng với người đọc bởi
đường nét tạo hình, đó là “vẻ đẹp nghiêng nghiêng của dãy rừng thông trong những buổi chiều mơ màng vàng rực trong không khí u tịch huyền bí” (Ngôi giáo đường với cối xay nước) Khi đứng trước một thiên nhiên nên thơ bình dị
như vậy, bạn đọc luôn có cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, êm dịu Đó phải chăng
là những khoái cảm thẩm mĩ mà PGS.TS Đỗ Lai Thúy đã nhắc tới khi bàn về chất thơ trong văn xuôi, hay là cảm xúc của một ai đó đã từng gọi tên: khoái cảm khi đọc một truyện ngắn đầy chất thơ thú vị, sẽ giống như những giây phút tuyệt diệu của một cặp tình nhân sánh bước bên nhau
Nói tóm lại, mặc dù xuất hiện không nhiều, chỉ tồn tại dưới những đoạn văn ngắn nhưng thiên nhiên trong truyện ngắn O.Henry phần lớn hiện lên mang sắc thái trong trẻo, tình tứ, thơ mộng Điều đó đã làm nên chất thơ ngọt ngào cho những sáng tác của nhà văn đã được cả thế giới mệnh danh là người
viết truyện ngắn có “duyên” nhất
2.1.2 Say mê vẻ đẹp con người
Nếu như coi tiểu thuyết là một dòng sông cuộc đời mải miết chảy trôi với bao số phận thăng trầm thì truyện ngắn chỉ là một lát cắt, một khoảnh khắc
Trang 25nhưng tại đó cuộc sống lại hiện lên với tất cả những gì “đậm đặc” nhất Để làm nên chất “đậm đặc” ấy phải kể đến vai trò của con người Với nhà văn, say mê
kiếm tìm vẻ đẹp con người cũng đã trở thành một phần của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, đồng thời như một hữu xạ tự nhiên hương sẽ đem tới cho tác phẩm
ít nhiều có chất thơ
2.1.2.1 Vẻ đẹp ngoại hình
Bút pháp đặc trưng của truyện ngắn là thiên về chấm phá Chính vì vậy truyện ngắn sẽ không tham các chi tiết mà nó sẽ chọn lọc những chi tiết sáng giá nhất để đưa vào trong tác phẩm Trung thành với điều đó nên khi khắc họa nhân vật, O.Henry đã tập trung vào một số điểm nhấn Thực tế khi tiến hành tìm hiểu truyện ngắn của ông, chúng tôi đã phát hiện có một số chi tiết được lặp đi lặp lại như: đôi mắt, mái tóc, nụ cười (cụ thể: chi tiết mái tóc được lặp lại khoảng 16 lần, nụ cười khoảng 25 lần, đôi mắt khoảng 55 lần trên tổng số 28 truyện ngắn được khảo sát)
Trong truyện ngắn, O.Henry miêu tả mái tóc dài với mục đích làm tăng
thêm vẻ đẹp mềm mại cho các nhân vật nữ Đêla xuất hiện với “mái tóc xõa xuống, gợn sóng và óng ả như một thác nước màu nâu Tóc dài tới quá đầu gối
và hầu như tạo thành một chiếc áo dài cho cô” (Món quà của các đạo sĩ), còn Rôsita lại hiện lên với “mái tóc dài, một đôi mắt nâu đậm vô cùng chân chất và một tiếng cười vang khắp vùng đồng nội như tiếng róc rách của một dòng suối
ẩn kín” (Món quà giáng sinh đồng nội)
Nếu như mái tóc của Đêla có thể hạ bệ tất cả giá trị châu báu tặng phẩm của nữ hoàng thì mái tóc lượn sóng buông thả của người con gái trong truyện
Cây xương rồng lại có một “mãnh lực lôi cuốn dịu dàng trinh nguyên” đối với
chàng trai Trysdale, để rồi anh đã yêu cô ngay từ giây phút đầu tiên ấy
Trong quan niệm của người phương Đông, mái tóc dài của người con gái
là biểu hiện của sự nữ tính, và trong nhiều hoàn cảnh, mái tóc ấy đã được nâng lên thành biểu tượng của anh hùng bất khuất Mái tóc của chị Sứ trong tác
phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức là một minh chứng: khi cả ba lần kẻ thù
Trang 26đều không thể chặt đứt được mái tóc đẹp như suối của chị Trở về với O.Henry,
ta thấy ông cũng viết về mái tóc của người phụ nữ với tất cả sự nâng niu trân trọng Điều đó đã thể hiện ở tác giả một trái tim nhân hậu, một cái nhìn nghiêng về nắm bắt những nét đẹp tinh lọc của con người
Không chỉ có mái tóc dài mà đôi mắt cũng trở thành nỗi ám ảnh đối với nhà văn Chi tiết đó xuất hiện với tần khá lớn (55 lần trên tổng số 28 truyện) Bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là cửa ngõ của trái tim, là con đường dẫn đến tình yêu Chính vì vậy đã có không ít thi sĩ phải thốt lên:
“Mắt em là một dòng sông Thuyền anh bơi lặng trong dòng mắt em”
Sóng tình yêu dâng lên từ mắt em làm cho con thuyền tình yêu của anh chòng chành chao đảo Thi sĩ Tagor trong một phút giây yếu lòng đã thú nhận thành thật với người yêu của mình rằng:
“Anh như con chim lạc loài hoang vu
Đã gặp được mắt em nơi khung trời của nó”
Lúc này đôi mắt người yêu lại trở thành bến đỗ bình yên cho cuộc đời chàng trai sau bao tháng ngày lạc loài hoang vu Còn với Aragông - nhà thơ, nhà chiến sĩ cách mạng Pháp, lại dành cả cuộc đời mình để si mê kiếm tìm cảm hứng nghệ thuật từ đôi mắt Enxa và sau này đã trở thành người bạn đời của ông
Trở lại với những sáng tác của O.Henry, ta thấy chi tiết đôi mắt được
nhà văn đặc biệt quan tâm Có khi ông chỉ miêu tả đôi mắt qua “một tia nhìn trong sáng” giữa những người yêu nhau, hoặc đôi lúc lại nắm lấy khoảnh khắc của nó khi niềm vui đi qua Đó là giây phút “mắt sáng long lanh” của Đêla khi
cô nảy sinh ý định bán tóc để mua quà giáng sinh cho người cô yêu là Jim
(Món quà của các đạo sĩ), đó còn là đôi mắt đẹp, trong sáng như nước nguồn của Glađi: “sắc hồng tươi phớt trên đôi má cô, một nụ cười thỏa mãn tế nhị được nảy nở trên khuôn mặt” (Chuyện một tờ báo), và trong truyện ngắn Một
Trang 27câu chuyện dở dang, Đanxi cũng hiện lên thật đẹp qua ánh mắt: “Mắt cô sáng long lanh, má cô ửng lên màu hồng phơn phớt của buổi bình minh đang tới của cuộc đời - một cuộc đời thực sự” Qua ánh mắt ấy ta hiểu được phần nào thế
giới nội tâm phong phú của các nhân vật Họ không phải là những con người sống vô hồn, vô cảm, mà chính ánh sáng long lanh tỏa ra từ những đôi mắt kia
đã khẳng định họ là những người biết sống lạc quan, vui vẻ tin yêu cuộc sống, mặc dù đối với họ, đời không phải lúc nào cũng thơ mộng dịu ngọt
Có những lúc chỉ hờ hững điểm qua màu mắt của các nhân vật như “màu xanh” của đôi mắt cô dâu trong Chị em bạn vàng, “màu nâu đậm” của Rôsita trong Món quà giáng sinh đồng nội, nhưng cũng có lúc nhà văn dừng ngòi bút khá lâu để đặc tả đôi mắt - vẻ đẹp tiêu biểu của sắc đẹp nữ giới: “Nếu quả là Ixaben Ghinboc đang ngồi ở bàn trong căn phòng bày biện sơ sài này thì lời đồn về sắc đẹp của cô ta đúng là đã không nói được hết Mắt cô ta màu xám và như được đúc từ một cái khuôn đã từng đúc những cặp mắt cho tất cả các mĩ nhân trứ danh Lòng trắng mắt trong trẻo và sáng long lanh một cách lạ thường, lẩn dưới cặp mi nặng nằm ngang bên trên để lộ ra một vành trắng như tuyết ở phía dưới” (Bị bắt)
Không chỉ miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của các nữ nhân vật, O.Henry còn quan tâm đến việc miêu tả ngoại hình của nam nhân vật Nhưng không phải lúc nào ngoại diện của các nhân vật nam cũng mang đầy chất thơ Ở đây chúng tôi chỉ nghiên cứu và phát hiện những ngoại diện nam mang đầy chất thơ mà thôi
Đó là ngoại diện của tướng Kitsnơ: “người thẳng tắp, dong dỏng cao, khuôn mặt đẹp sầu tư, đôi mắt tuyệt đẹp, một đôi mắt buồn đẹp và nghiêm” (Một câu chuyện dở dang)
Nếu như phần lớn đôi mắt của các nữ nhân vật đều tỏa sáng long lanh thì riêng ở tướng Kitsnơ đó là vẻ đẹp của một đôi mắt buồn Ta cảm nhận có cái gì
đó thanh thản, tĩnh lặng, một khoảng trống mênh mông xa xăm của tâm hồn được gợi mở
Trang 28Một ánh mắt, một nụ cười, một mái tóc dài như suối có thể khơi gợi chất thơ nhưng chất thơ thực sự phải nằm ở trái tim con người, nơi phát lộ ra vẻ đẹp tâm hồn
2.1.2.2 Vẻ đẹp tâm hồn
Theo Pautôpxki : Về thực chất mà nói thì văn xuôi chân chính, chân giá trị
mà chúng ta phải nghiêng mình kính phục đều nói về một điều - về con người
Họ đã cố đem lại cho con người tất cả những gì đẹp đẽ nhất mà họ tích lũy được,
đã đào luyện nên được trong tâm hồn mình, trong trái tim mình Họ đã cố đem tới cho con người diễn tả tất cả đến cùng và không đòi hỏi phần thưởng, không chờ đợi được hoàn lại Thực tế cho thấy hầu hết các nhà văn lớn đều đã xây dựng được cho mình những hình tượng nghệ thuật chân chính chứa đựng một lí tưởng, một tình cảm đẹp đẽ, để lại những cảm xúc lắng đọng sâu xa trong tâm hồn người đọc Và chúng ta có thể tìm thấy ở đó chất thơ được toát lên từ vẻ đẹp con người
Tuy cùng say mê kiếm tìm vẻ đẹp nhưng nguồn cảm hứng khơi gợi chất thơ giữa Pautôpxki và O.Henry lại không phải là hai vòng tròn đồng tâm trùng khít lên nhau Nếu như Pautôpxki khai thác vẻ đẹp tâm hồn của con người trong mối quan hệ mới - quan hệ xã hội chủ nghĩa thì O.Henry lại đi sâu khai thác chất thơ trong mối quan hệ xã hội tư bản đầy nghiệt ngã Nhưng với niềm tin bất diệt, ông vẫn biết khơi lên dòng nước mát ở những nơi mảnh đất tâm hồn tưởng chừng đã khô hạn từ lâu Đó là tâm hồn của những tên tù, tên lừa đảo nhưng tận trong sâu thẳm của chúng vẫn le lói những tia sáng lương thiện
Trong truyện ngắn Hai mươi năm sau, nếu nhìn ở khía cạnh hiện thực đó
thực sự là một bi kịch - bi kịch của đôi bạn tri kỉ mà hai mươi năm sau đã biến đổi thành hai lớp người khác nhau: kẻ giàu nhờ làm ăn phi pháp và kẻ không giàu đi theo cuộc đời chính đạo, Jimmy làm cảnh sát, Bôp thành kẻ ngoài vòng pháp luật Cuộc gặp gỡ của họ sau hơn hai mươi năm xa cách ngỡ hạnh phúc
Trang 29bỗng chốc hóa thành bi đát Nhưng nếu xét ở khía cạnh nhân văn thì người đọc vẫn tìm thấy chất thơ tâm hồn trong nhân vật Bôp Đó là một con người biết sống thủy chung, trọng chữ tín và có một tình bạn sâu sắc Anh đã vượt qua
được sự khắc nghiệt của thời tiết khi “ngoài trời mưa bụi lạnh lẽo gió thổi đều
và mạnh”, đã vượt qua được sự xa xôi, cách trở về khoảng cách địa lí hơn một
nghìn dặm, và đến một chỗ hẹn chỉ vì một lời hứa vu vơ cách đây hai mươi năm, đó là lời hứa với người bạn thời trẻ mà thời trẻ con người ta còn bồng bột non dại, lời hứa ra trải qua hai mươi năm, khoảng cách ấy dễ gì ai còn nhớ và
ai đã quên, nhưng Bôp vẫn tin và chờ đợi
Nếu như Bôp chinh phục bạn đọc bởi một tình bạn sâu sắc thì các nhân vật
như Bấc, Pic, Malôi trong truyện Một cơn gió dịu lại khiến ta xúc động vì lòng
nhân hậu của họ với những con người thuộc dưới đáy xã hội Tuy là những kẻ lừa đảo nhưng mục tiêu họ nhắm tới không phải là những người nghèo khổ mà là những tên trại ấp giàu sụ Họ đã dùng một ngón đẹp như thơ, cái mẹo rất đẹp rất
tinh vi, rất lãng mạn dựa trên phương châm “ai ai cũng yêu kẻ đang yêu” Chính Pic đã thừa nhận: “Tính ra tôi đã xuất hiện đúng lúc để làm lễ cưới cho Bấc và Malôi tại khoảng hai mươi trại ấp Tất cả những tờ hôn chứng ấy được đưa đến bán cho nhà băng, và các chủ trại phải bỏ ra từ ba trăm đến bốn nghìn năm trăm
đô la để trả những trái khoán mà họ đã kí” Rồi họ tiếp tục làm phi vụ khác mang tên “Công ty đầu tư và chứng khoán vàng Gôncônđa” với mục đích lừa đảo
những kẻ nhà giàu Nhưng khi họ biết được người mua cổ phiếu của họ không phải là những kẻ giàu sụ như họ tưởng mà là đám dân nghèo, những bà già, cô gái làm việc trong các xưởng, những đứa trẻ đánh giày, bán báo, người thì khóc, kẻ
thì thờ thẫn và ngay lập tức họ hiểu ra và trả lại tiền Bởi “Chúng tôi có thể chộp
từ một đô la trở đi mỗi khi thấy đồng đô la nào có vẻ dư thừa Nhưng chúng tôi không bao giờ săn lùng những đồng tiền ở tận cùng đầu ngón chân của chiếc bít tất giấu dưới hòn gạch đã được cậy lên ở xó bếp” Hai người quay về với nghề
Trang 30bán thuốc chữa cảm lạnh “dẫu sao thì kiếm ăn bằng cách lương thiện vẫn hơn làm nghề ở phố Wall” Đấy là kết luận sau vụ làm ăn vỡ lở mà suýt nữa họ đã trở
thành những kẻ bất lương không thể tha thứ được
Đến với truyện Con người hai mặt ta lại bắt gặp điểm hiền lương ở nhân
vật Jêmx vừa là bác sĩ vừa kiêm đạo chích Nếu như hình tượng bác sĩ tượng trưng cho đạo đức làm công việc cứu người thì đạo chích lại là kẻ luôn gây ra bất hạnh cho người khác Hai tính cách đối lập nhau cùng tồn tại trong một chỉnh thể đã làm nên sự mâu thuẫn phức tạp của nhân vật Qua đó đã thể hiện cái nhìn biện chứng của nhà văn về con người Trong lần đối diện trực tiếp giữa hai nhân vật: bác sĩ kiêm đạo chích với bệnh nhân - con mồi - một kẻ ăn chơi trác táng đã nướng hết hai mươi nghìn đô la của vợ vào chiếu bạc – và trong khoảnh
khắc ấy chúng đã bộc lộ rõ bản chất: “Tên này là con hổ tên kia là chó sói, tên này miệt thị sự độc ác của tên kia, và từ cặn bã của bùn lầy mỗi tên đều cố tỏ ra mình đạt tiêu chuẩn cao quí” Nếu như dừng lại ở đây truyện sẽ kết thúc trong
dư vị cay đắng chua chát về lẽ đời, nhưng trong một phút giây nào đó nhà văn đã phát hiện ra bản chất tốt đẹp của nhân vật bác sĩ kiêm đạo chích, phần thiện đã chiến thắng phần ác khi anh ta bỗng nhận ra sự đau khổ bất hạnh trên khuôn mặt của người phụ nữ - vợ con bệnh - người đã từng bị kẻ ăn chơi kia làm cho tan nát cuộc đời Chính niềm thương cảm ấy đã dẫn đến hành động cao cả của tên đạo chích: số tiền mà chỉ vài phút trước thôi hắn định đánh cắp, hắn đã trao lại tất cả cho người vợ tội nghiệp kia Vì hắn muốn người vợ ấy tha thứ cho người
chồng bội bạc, không muốn cô bị giày vò, sống trong đau khổ thù hận: “Trong những năm về sau lời dối trá của tên sát nhân tỏa sáng như một ngôi sao nhỏ trên nấm mồ tình yêu an ủi cô và nhận được sự tha thứ”
Khai thác mặt tốt trong tâm hồn những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời, O.Henry muốn khẳng định hạt nhân tính thiện trong bản chất con người: những
Trang 31con người ấy chưa hẳn đã xấu hoàn toàn Chính niềm tin đó đã dẫn dắt chất thơ chảy trong tác phẩm của ông
Bên cạnh đó, khi khảo sát hàng loạt các truyện ngắn như Chị em bạn vàng, Món quà của các đạo sĩ, Món quà giáng sinh đồng nội… chúng tôi còn thấy nét đẹp tâm hồn tỏa sáng ở nhân vật những người phụ nữ Đến với Chị em bạn vàng, người đọc cảm động trước một tình bạn thắm thiết Họ không phải là
cố nhân cũng không phải là tri âm tri kỉ của nhau, có chăng họ cùng là cô dâu
và chỉ quen nhau trên chuyến xe du lịch thăm quan Rubberneck đi hưởng tuần trăng mật Nhưng người này vẫn sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của mình cho
người kia: “Em làm thế là vì cô ấy - ý em là cô gái chuyện trò với em trên chuyến xe thăm quan Em được hạnh phúc với anh lắm nên em không muốn người khác bị mất hạnh phúc Jim, họ chỉ mới cưới nhau buổi sáng nay nên em muốn giúp cho anh ấy chạy thoát” Và như thế hai người phụ nữ đã trở thành chị em bạn vàng của nhau: “Khi họ nhìn thấy người kia đứng trong vùng ánh sáng lôi cuốn vốn chỉ lóe lên một lần và ngắn ngủi cho mỗi người Đàn ông biết về hôn lễ qua nghi thức cưới hỏi và hàng lụa Nhưng cô dâu thông cảm cho cô dâu chỉ qua một tia mắt nhìn và giữa hai người niềm ấm cúng và ý nghĩa trao đổi nhanh chóng qua lại trong ngôn từ mà đàn ông và người góa không thể nào hiểu được” Lời bình luận của tác giả đã mang đậm chất thơ Đó
là chất thơ được toát lên từ sự tinh tế nhạy cảm, giàu lòng yêu thương, sẵn sàng
sẻ chia cho nhau của các nhân vật trong truyện
Ở truyện ngắn Món quà của các đạo sĩ ta bắt gặp một kiểu hi sinh khác
Đêla đã bán đi bộ tóc đẹp như thác nước của mình chỉ để mua một chiếc dây đồng hồ cho Jim vào ngày Nôen Đây là một hành động hi sinh cao cả vì ta hiểu rằng mái tóc ấy là tài sản quí giá nhất, là vật điểm tô cho sắc đẹp của Đêla,
vì lẽ ấy bán đi bộ tóc cũng đồng nghĩa với việc cô bán đi sắc đẹp của mình Hành động của cô chỉ có thể giải thích bằng tình yêu Tình yêu là điều kì diệu
Trang 32nhất của tâm hồn, nó tạo ra sức mạnh giúp con người vượt qua mọi éo le của
cuộc sống Cũng giống như Đêla, Đêlê trong Một sự giúp đỡ của tình yêu đã hi
sinh đam mê giấc mơ âm nhạc của mình để người cô yêu có thể tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật
Có thể nói rằng các nhân vật nữ giữ vai trò chính trong tác phẩm O.Henry thường là những phụ nữ trẻ, nghề nghiệp tuy khác nhau nhưng nét chung giữa họ là lòng nhân hậu giàu lòng yêu thương, họ sống với mục đích làm cho mọi người xung quanh họ, người thân của họ sống tốt đẹp hơn
Truyện ngắn Ngôi giáo đường với cối xay nước lại thể hiện chất thơ từ
phương diện khác đó là nét đẹp của tình cha con Vì bị thất lạc đứa con gái nhỏ
từ nhiều năm về trước cho nên trên gương mặt của cha Abram không còn tiếng cười vui vẻ như xưa nữa Tình cảnh của người cha ấy có phần nào giống với
tình cảnh của Anđrây trong Chiến tranh và hòa bình: một người mất con gái,
một người mất vợ, và cả hai đều đau nỗi đau mất người thân Tuy nhiên nếu như sau cái chết của Lisa, Anđrây chìm đắm trong nỗi sầu, sống không hi vọng, không ước mơ như cây sồi rụng lá cuối đông thì người cha trong truyện ngắn của O.Henry lại dồn tất cả tình yêu và nỗi nhớ của mình vào các công trình kỉ niệm con gái Nơi nhà máy xay bột khi xưa gắn với kỉ niệm vui đùa của hai cha con giờ đây đã được ông cho xây dựng thành ngôi giáo đường:
“Đấy là một giáo đường duy nhất trên thế giới có băng ghế dài và đàn oócgan” Tên của cô bé cũng được ông lấy để đặt thành bột gạo Aglaia, và qua
bột gạo ấy mọi người đã cảm nhận được sự tồn tại của cô ngay trong chính cuộc sống này Có thể đối với một nhà thơ chủ đề quá vật chất này không thể hiện được nét đẹp của thi ca, nhưng với những người nghèo khổ kia thì đó thực
sự là chất thơ của cuộc đời, bởi những chuyến gạo Aglaia được chuyển đến từ
sứ mệnh của tình thương và lòng từ thiện, và với họ nó đã đem lại sự sống trong những ngày tháng khó khăn nhất
Trang 33Có thể nói rằng chính niềm say mê vẻ đẹp thiên nhiên, sự kiếm tìm nét bản chất tốt đẹp trong tâm hồn con người, O.Henry đã đem đến cho truyện ngắn của mình một chất thơ độc đáo Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đó, ngòi bút của ông còn tiếp tục khám phá ra địa hạt của những ước mơ hi vọng Đó là mảnh đất chứa đựng nhiều chất thơ bởi như ai đã từng nói hi vọng là khoảnh khắc đẹp nhất của con người, là lúc con người ta vươn tới chân trời của cái đẹp
2.2 O.Henry - Nhà văn nâng niu những ước mơ lãng mạn bay bổng của con người
Lỗ Tấn - một nhà văn lớn của Trung Quốc đã từng triết lí trong truyện
ngắn Cố hương của mình rằng: Hy vọng cũng giống như con đường, kì thực
trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi Hãy hi vọng, hãy dũng cảm để bám lấy và theo đuổi nó Đó là thông điệp nhà văn gửi đến bạn đọc Thật ra điều này không mới, bằng chứng là cổ tích đã xuất hiện từ rất lâu Tuy nhiên ở thời nào cũng vậy, nó đều giúp cho con người có đủ nghị lực để vượt qua được những bão giông, sóng gió của cuộc đời, biết từ trong bóng tối ngưỡng vọng về nơi ánh sáng, từ trong đau khổ hướng về nơi bình yên hạnh phúc Nó không chỉ làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm mà còn là nét thơ trong mỗi trái tim, mỗi cuộc đời
Để có thể nâng đỡ những ước mơ lãng mạn của con người O.Henry đã
tìm đến với các đề tài, chủ đề ngọt ngào, cách giải quyết xung đột bằng “giải pháp trái tim”, đem đến cho bạn đọc những kết thúc có hậu tràn đầy niềm vui,
sự lạc quan hứng khởi
2.2.1 Lựa chọn đề tài, chủ đề
Đề tài, chủ đề là phạm vi đời sống mà các nhà văn đề cập đến trong tác phẩm Bản thân đề tài, chủ đề là khách quan, tuy nhiên việc lựa chọn chúng như thế nào lại là do ý thức chủ quan, dụng ý nghệ thuật của các nhà văn
Quá trình người nghệ sĩ xác định chủ đề được ví như cách chơi một cây đàn dương cầm: Ban đầu chỉ có một phím nào đó lên tiếng - một sự kiện nào
Trang 34đó ở ngoài ập vào nhưng sau đó toàn bộ cây đàn sẽ rung lên – người nghệ sĩ bắt đầu sáng tạo nghệ thuật, trong quá trình này có vô số chủ đề phụ được nảy sinh Mặc dù vậy, trong khuôn khổ của một khóa luận chúng tôi chỉ đi tìm hiểu những đề tài chủ đề có chứa chất thơ trong truyện ngắn O.Henry (xem bảng khảo sát ở phụ lục)
Giáo sư Lê Huy Bắc có nhận xét: “Đa số truyện ngắn O.Henry đều đề cập tới tình yêu, hoặc ông trực tiếp miêu tả nó hoặc sử dụng nó làm tác nhân cải tạo con người [3, tr.255] Theo thống kê của Frank Niubon (dài hơn 10
trang) thì thực tế có rất nhiều nhạc phẩm viết về tình yêu dựa trên cảm hứng từ truyện của O.Henry Điều đó chứng tỏ tình yêu đã trở thành đề tài chủ đạo trong tác phẩm của nhà văn
Không có gì thơ hơn tình yêu, bởi qua con mắt của người đang yêu thế giới dường như đẹp hơn Nếu như tình yêu trong truyện của Môpatxăng luôn tráo trở, nhân vật luôn khổ đau bất hạnh thì tình yêu trong truyện ngắn O.Henry lại đẹp (yêu nhau - trắc trở - đoàn tụ), nhân vật của ông đa số được hạnh phúc
Có thể thấy sự khác nhau của hai phong cách nhà văn này trong hai truyện ngắn tiêu biểu
Món quà của các đạo sĩ kể về nghệ thuật tặng quà của hai con người yêu
nhau trong mùa Nôen Mùa Nôen có thể là mùa hạnh phúc của mọi người
nhưng đối với Đêla và Jim thì không phải như vậy Vì họ nghèo chỉ có “một đô
la tám hào bảy xu một tuần” nên chẳng thể mua nổi một món quà nhỏ cho
nhau Thực tế nghiệt ngã đó đã lấy đi không ít nước mắt của Đêla Nhưng bằng tình yêu, họ đã vượt lên trên tất cả: Đêla quyết định bán đi bộ tóc tuyệt đẹp của mình để mua tặng chồng chiếc dây đồng hồ mà anh ao ước, còn Jim anh đổi chiếc đồng hồ từng nâng niu để đem về chiếc lược xứng đáng với mái tóc đẹp của vợ Dẫu món quà tặng nhau có vẻ dở dang, song tình yêu họ giành cho nhau thì trọn vẹn
Trang 35Rõ ràng trong tình yêu cần có sự chia sẻ, trao yêu thương cho nhau nhưng cũng có thứ tình yêu bất hạnh khi người này là nguyên nhân đau khổ của người kia Môpatxăng nhà văn Pháp đã khai thác điều này một cách hết sức
cay đắng chua chát: “Có đôi tình nhân trẻ nọ chàng trai rất mực yêu thương cô gái và anh rất đau buồn vì cô sớm qua đời do bị ướt mưa cảm lạnh Anh đã ngồi bên nấm mộ của cô mãi cho đến lúc hoàng hôn Rồi màn đêm buông xuống, những người chết đứng dậy đội mồ và xóa hết những lời yêu thương mà gia đình họ đã viết: Nàng đã yêu, đã được yêu và qua đời mà thay vào đó là sự thật tàn nhẫn: Một hôm ra đi lừa dối người yêu, nàng bị mưa, cảm lạnh và qua đời” Điều đó rất có thể sẽ dẫn đến bi kịch của chàng trai, anh sẽ tha thứ hay sẽ
sống trong đau khổ thù hận?
Tình yêu trong truyện ngắn O.Henry còn đẹp hơn khi nó gắn với hy vọng đợi chờ Tuy nhiên nếu Pautôpxki để cho nhân vật của mình chờ đợi hi vọng rồi nhận ra tình cảm của nhau qua một nụ cười, một khóe mắt, một cái nhìn bất chợt, một cử chỉ yêu thương rồi chia ly, rồi lại chờ đợi hy vọng một niềm hạnh phúc xa xăm ở phía trước, thì với O.Henry, ông cũng để cho nhân vật của mình chờ đợi
nhưng khi gặp được nhau rồi họ sẽ đoàn tụ chứ không xa nhau nữa Xuân về trên thực đơn là một truyện ngắn tiêu biểu cho kiểu chờ đợi này Tình yêu của Sarah,
tình yêu của một cô gái đánh máy thực đơn cho nhà hàng với chàng trai nông dân hiện đại Wantơ, đã phải vượt qua thử thách khi họ bị thất lạc nhau Sarah đã sống trong đau khổ Nỗi buồn trào dâng thành nước mắt, nước mắt làm nhòe đi những
dòng chữ bên bàn phím, thay vì món bồ câu anh thì cô lại đánh thành: “Wantơ yêu dấu trộn trứng luộc” Dòng chữ kì lạ ấy được viết trong dòng nước mắt đã vô tình
giúp Sarah và Wantơ gặp lại nhau Sau cuộc hội ngộ bất ngờ hạnh phúc ấy ta không thấy có cuộc chia li nào nữa
Ngoài ra, sự tiếc nuối ngậm ngùi bởi một tình yêu dang dở không thành cũng làm nên chất thơ của truyện Đó là trường hợp của Trysdale trong truyện
Trang 36Cây xương rồng Anh đã để cho hương hoa tình yêu, lòng ngưỡng mộ của
người yêu quá ngọt ngào, quá mãnh liệt Anh đã để cho lời gán ghép lan truyền
ra mà không đính chính, không phản đối gì cả, anh đã cho phép cô choàng lên vầng trán anh cái vòng vương miện giả hiệu về nền uyên bác Tây Ban Nha Để khi cô đáp lại lời cầu hôn của anh bằng biểu tượng cây xương rồng mang tên Tây Ban Nha thì anh đã không biết, không nhận ra ẩn ý của cô trong đó Kết quả anh đã không đến và mang cô đi như những gì cô đã gửi đi và chờ đợi hy vọng Một sự nuối tiếc tràn ngập Anh cay đắng nhận ra một điều anh đã mất
cô mãi mãi khi cô chậm rãi đi giữa hai hàng ghế dẫn đến bục làm lễ cưới mà chú rể không phải là anh
Ngoài chủ đề tình yêu, tác giả O.Henry còn khai thác chất thơ ở một số chủ đề khác như: ước mơ được đoàn tụ gia đình, được sáng tạo nghệ thuật
Ước mơ ấy có thể giản dị như mơ ước của người cha trong truyện Ngôi giáo đường với cối xay nước: “Trong mấy năm đầu tôi hi vọng con gái tôi bị những người sống lang bạt bắt cóc và nó còn sống” Hy vọng cô con gái còn sống có
nghĩa là người cha ấy vẫn nuôi hi vọng về một ngày mai được đoàn tụ Thậm chí có lúc ông còn ao ước được thấy cô vào thời điểm đẹp nhất của đời người
con gái: “Nếu con nhỏ của tôi còn sống tôi không mong ước gì hơn là nó lớn lên thành một thiếu nữ” Qua sự mong mỏi đó ta thấy ở cha Abram một tấm
lòng nhân hậu, giàu lòng yêu thương
Cũng có khi ước mơ ấy mang đậm màu sắc cổ tích như ước mơ của cô
bé Lêna trong Hoàng tử đồng xanh Cô còn nhỏ mà phải xa nhà, làm việc cực
nhọc bị người ta bóc lột thậm tệ Chính vì vậy cô chỉ ước mong sẽ có một hoàng tử bước ra từ truyện cổ tích đưa cô về nhà
Như vậy ước mơ sum họp gia đình là một ước mơ chính đáng của con người Bởi gia đình là bến đỗ bình yên cho bất kì ai Phải chăng vì lẽ đó mà
trong phút giây hồi tưởng Xopy (Tên cớm và bản thánh ca) đã hi vọng được trở