1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Chiến lược che giấu tình cảm trong giao tiếp ngôn ngữ của người việt (có đối chiếu với tiếng anh)

62 600 2

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 62
Dung lượng 457,64 KB

Nội dung

Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ được thực hiện qua các chiến lược giao tiếp nhằm hướng tới mục đích của giao tiếp và tính hiệu quả của nó đối với người nói.. Ở đề tài này, chúng tôi ng

Trang 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Việt Nam học

HÀ NỘI – 2010

Trang 2

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Việt Nam học

Người hướng dẫn khoa học

TS NGUYỄN VĂN CHIẾN

HÀ NỘI – 2010

Trang 3

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2010

Tác giả khóa luận

Trần Thị Phượng

Trang 4

LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan khoá luận tốt nghiệp này là kết quả nghiên cứu của tôi dưới sự hướng dẫn của TS Nguyễn Văn Chiến Kết quả thu được là hoàn toàn trung thực và không trùng với kết quả nghiên cứu của những tác giả khác

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2010

Tác giả khoá luận

Trần Thị Phượng

Trang 5

KÝ HIỆU CHỮ VIẾT TẮT

Sp1 Speaker 1(Vai phát ra diễn ngôn tức

vai nói, viết) Sp2 Speaker 2 (Vai tiếp nhận diễn ngôn tức

Trang 6

MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

Hoạt động giao tiếp là hoạt động tiếp xúc, trao đổi giữa các thành viên trong một cộng đồng bằng nhiều phương tiện, cách thức khác nhau Trong đó, giao tiếp bằng ngôn ngữ là quan trọng nhất Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ được thực hiện qua các chiến lược giao tiếp nhằm hướng tới mục đích của giao tiếp

và tính hiệu quả của nó đối với người nói “Che giấu tình cảm” là một trong những chiến lược giao tiếp quan trọng và phổ dụng trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

Lý thuyết lịch sự chính là tiền đề lý luận cơ bản của hiện tượng “che giấu tình cảm” bởi chính lịch sự đã chi phối việc “che giấu tình cảm” và bản chất của

“che giấu tình cảm” là mong muốn giữ thể diện Lý thuyết lịch sự đã được rất nhiều các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu, điển hình như: Lakoff; Leech; Brown

và Levinson Tuy nhiên, đây là những tri thức đại cương về lịch sự không đi sâu đề cập đến vấn đề lịch sự và thể diện trong một khu vực giao tiếp nhất định như “che giấu tình cảm” Bên cạnh đó, trong một số tài liệu tiếng Việt, đặc biệt

là tiếng Anh thực hành (điển hình là cuốn “Say it naturally!” của tác giả Allie Patricia Wall), “che giấu tình cảm” đã được đề cập đến nhưng dưới góc độ một hành động ngôn ngữ (speech act) Ở đề tài này, chúng tôi nghiên cứu “che giấu tình cảm” trên bình diện là một chiến lược giao tiếp thông qua các hành động ngôn ngữ cụ thể

“Che giấu tình cảm” với tư cách là một chiến lược giao tiếp là sự thể hiện của phép lịch sự được người nói dùng để hoàn thành mục đích giao tiếp như thiết lập hoặc duy trì những quan hệ liên nhân (interpersonal) hài hoà Lịch sự là một phương thức giao tiếp thể hiện các khoảng cách xã hội giữa những người tham gia giao tiếp, có tính phổ quát đối với mọi xã hội trong mọi lĩnh vực tương tác Đây là vấn đề văn hóa và mang tính đặc thù của từng nền văn hóa

Trang 7

Một trong những điểm nổi bật của tính cách Việt trong giao tiếp là sự khiêm tốn và ôn hoà Trong hoạt động giao tiếp, người Việt rất ưa tế nhị, kín đáo, tránh làm tổn thương đến đối tượng mà mình đang giao tiếp Chính vì thế,

“che giấu tình cảm” là một chiến lược mà người Việt thường xuyên ưa dùng Việc tìm hiểu chiến lược này sẽ làm sáng tỏ phần nào tính cách, sở thích của người Việt trong giao tiếp; mặt khác, góp phần bổ xung cho những tri thức đại cương về

“lịch sự” trong giao tiếp ngôn ngữ nói chung và hiện tượng “che giấu tình cảm” nói riêng

2 Đối tượng nghiên cứu

Chiến lược “che giấu tình cảm” của người Việt thông qua các hành động ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp

3 Mục đích nghiên cứu

Đề tài này hướng tới hai mục đích sau:

Một là: Tiếp cận, phát hiện các đặc trưng giao tiếp ngôn ngữ thông qua

một chiến lược giao tiếp điển hình và một hiện tượng ngôn ngữ điển hình của hai cộng đồng nói tiếng Việt và Anh

Hai là: Góp phần giúp những người nói tiếng Anh học tiếng Việt một cách

thuận lợi hơn ở một khu vực giao tiếp cụ thể

4 Nhiệm vụ nghiên cứu

- Khảo sát cụ thể những thủ thuật điển hình thể hiện chiến lược “che giấu tình cảm” trong giao tiếp ngôn ngữ của cộng đồng người Việt và cộng đồng nói tiếng Anh

- Bước đầu xác định xu hướng “che giấu tình cảm” ưa dùng của hai tộc người nói tiếng Việt và Anh là những xu hướng nào

5 Phương pháp nghiên cứu

Trang 8

- Phân tích hệ thống trong dụng học ( phân tích hội thoại)

- Đối chiếu, so sánh

- Phương pháp thống kê

6 Giới hạn của đề tài nghiên cứu

- Chỉ khảo sát những thủ thuật mà chúng tôi cho là điển hình thể hiện chiến lược “che giấu tình cảm” trong tiếng Việt và Anh

- Các dẫn chứng lấy từ các tác phẩm văn học từ năm 1930 trở lại đây đối với tiếng Việt

7 Đóng góp của khoá luận

- Góp phần bổ xung cho những tri thức đại cương về “lịch sự” trong giao tiếp ngôn ngữ nói chung và hiện tượng “che giấu tình cảm” nói riêng

- Bước đầu xác định được xu hướng, sở thích của cộng đồng nói tiếng Việt

và Anh trong khu vực giao tiếp cụ thể này

8 Bố cục của khoá luận

Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo bao gồm bốn chương: Chương 1: Những tiền đề lý luận

Chương 2: Chiến lược “che giấu tình cảm” của người Việt qua các thủ thuật thực hiện chiến lược đó

Chương 3: Cấu trúc các phát ngôn thể hiện các thủ thuật “che giấu tình cảm” của người Việt

Chương 4: Chiến lược “che giấu tình cảm” trong giao tiếp ngôn ngữ của người Việt đối chiếu với tiếng Anh

NỘI DUNG CHƯƠNG 1

Trang 9

NHỮNG TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN 1.1 Lý thuyết lịch sự

Như chúng ta đã biết, tương tác bằng lời là một hoạt động xã hội Trong hội thoại, ngoài quan hệ trao đổi thông tin còn có quan hệ liên cá nhân Các quy tắc lịch sự sẽ đề cập đến phương diện liên cá nhân của hội thoại

1.1.1 Định nghĩa lịch sự

Lịch sự là hiện tượng được rất nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu Theo đó, đã có nhiều quan niệm khác nhau về lịch sự Có thể đưa ra một số quan niệm sau về hiện tượng lịch sự:

Theo Leech, “phép lịch sự liên quan tới quan hệ giữa hai người tham gia

mà chúng ta có thể gọi là “ta” và “người” ( “self” and “other”)” Nó có chức năng “gìn giữ sự cân bằng xã hội quan hệ bạn bè, những quan hệ này khiến chúng ta có thể tin rằng người đối thoại với chúng ta tỏ ra trước hết là cộng tác với ta”.[Dẫn theo 8, 256]

Trên cơ sở khái niệm “thể diện”, lịch sự được định nghĩa như sau:

G Yule trong cuốn “Pragmatics” đề xuất: “ Lịch sự trong tương tác có thể được xác định là những phương thức được dùng để tỏ ra rằng thể diện của người đối thoại với mình được thừa nhận và tôn trọng”.[Dẫn theo 8, 267]

Theo Green: “ Lịch sự chỉ bất cứ phương thức nào được dùng để tỏ ra lưu

ý đến tình cảm (feelings) hay là thể diện của nhau trong hội thoại, bất kể khoảng cách xã hội giữa người nói và người nghe như thế nào”.[Dẫn theo 8, 267]

Như vậy, có thể thấy rằng, dù định nghĩa lịch sự theo cách nào các nhà nghiên cứu cũng xem xét hiện tượng lịch sự như một phạm trù của những nhân

tố liên cá nhân xuất hiện trong cuộc tương tác hội thoại Mục đích cuối cùng của phép lịch sự là để thiết lập hoặc duy trì những quan hệ hài hoà

1.1.2 Lý thuyết về lịch sự

Trang 10

Nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu về hiện tượng lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ, điển hình như: Watts, Leech, Grice, Brown và Levinson Sau đây là ba quan điểm tương đối hoàn chỉnh về lịch sự, thường được nhắc tới

a Lý thuyết của Lakoff

R.Lakoff nêu lên ba loại quy tắc lịch sự:

Thứ nhất: Quy tắc lịch sự quy thức (Formal politeness rule)

Đó là quy tắc: không được áp đặt Quy tắc này thích hợp với những ngữ cảnh, trong đó những người tham gia tương tác có những khác biệt được nhận biết về quyền lực và cương vị Áp đặt đối với H có nghĩa là làm cho H không thể hành động theo như H muốn Không áp đặt có nghĩa là không ngăn cản H hành động theo ý muốn của mình

Thứ hai: Quy tắc dành cho người đối thoại sự lựa chọn

Đây là quy tắc thích hợp với những ngữ cảnh trong đó người tham gia giao tiếp có quyền lực và cương vị gần tương đương với nhau nhưng không gần gũi về quan hệ xã hội Dành cho sự lựa chọn có nghĩa là bày tỏ ý kiến sao cho ý kiến hay lời thỉnh cầu của mình có thể không được biết đến mà không bị phản bác hay từ chối Nói chung nếu S muốn thuyết phục H theo một quan điểm hay một công việc nào đó thì S sẽ nói sao cho H không buộc phải nhận ra ý định của

S Những điều S khẳng định hay thỉnh cầu đều được rào đón hay nói theo lối hàm ẩn

Thứ ba: Quy tắc khuyến khích tình cảm bạn bè

Trang 11

Quy tắc này thích hợp với những bạn bè gần gũi hoặc thích sự thân mật với nhau Trong phép lịch sự thân tình, hầu như tất cả các đề tài đều có thể đưa

ra trò chuyện Trong phép lịch sự này, người ta không phải nói với nhau bằng lối nói gián tiếp, hàm ẩn rằng quan hệ chưa được thân tình Nguyên tắc chi phối ở đây không phải chỉ dừng ở chỗ tỏ ra quan tâm thực sự đến nhau mà còn phải tỏ

ra săn sóc, tin cậy nhau bằng cách thổ lộ tâm tình, bộc lộ mọi chi tiết của cuộc sống, kinh nghiệm, cảm xúc của mỗi người

b Lý thuyết của Leech

Quy tắc lịch sự của Leech được xây dựng trên hai khái niệm: tổn thất (cost) và lợi ích (benefit) Siêu quy tắc lịch sự của Leech: Hãy giảm thiểu biểu hiện của những niềm tin không lịch sự, hãy tăng tối đa biểu hiện của những niềm tin lịch sự Siêu nguyên tắc này bao gồm sáu phương châm lịch sự lớn Cụ thể như sau:

(1) Phương châm khéo léo

(2) Phương châm rộng rãi

(3) Phương châm tán thưởng

(4) Phương châm khiêm tốn

(5) Phương châm tán đồng

(6) Phương châm thiện cảm

Theo Leech, mức độ lịch sự của một hành vi ở lời phụ thuộc vào ba nhân tố: bản chất của hành vi đó; hình thức ngôn từ thể hiện hành vi đó; mức độ quan

hệ giữa người cầu khiến và người được cầu khiến

Rõ ràng, Leech đã phần nào hướng đến hiệu lực lịch sự của các hành vi ngôn ngữ, tư tưởng cốt lõi trong lý thuyết lịch sự của Brown và Levinson

c Lý thuyết của Brown và Levinson

Trang 12

Hiện nay, đây là lý thuyết được xem là nhất quán nhất, có ảnh hưởng rộng rãi nhất, có hiệu quả nhất đối với việc nghiên cứu về phép lịch sự Brown và Levinson đã phát triển một lý thuyết thống nhất mà theo cách đó, các cách thức thể hiện ngôn ngữ là sự thể hiện của các chiến lược lịch sự cụ thể Lý thuyết này

đề cập đến đồng thời cả hành vi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ Tuy nhiên, mối quan tâm chủ yếu của tác giả hướng tới các hành vi ngôn ngữ

Như vậy, thể diện ở đây chính là sự ý thức, sự khẳng định về giá trị cá nhân của mỗi người, là hình ảnh về một cái tôi cụ thể Hình ảnh này có thể bị làm tổn hại, được giữ gìn hay được đề cao trong quá trình tương tác giữa các thành viên tham gia giao tiếp

Thể diện gồm hai phương diện: Thể diện âm tính (nagative face) và thể diện dương tính (positive face)

- “Thể diện âm tính là mong muốn không bị can thiệp, mong muốn được hành động tự do theo như cách mình đã lựa chọn” (J Thomas) Nó là “nhu cầu được độc lập, tự do trong hành động, không bị người khác áp đặt” (G.Yule) (Dẫn theo 8, 264]

- Thể diện dương tính là cái “được phản ánh trong ý muốn mình được ưa thích, tán thưởng, tôn trọng, đánh giá cao” ( J Thomas), là “sự thỏa mãn khi một giá trị của mình được tán thưởng” (G.M.Green) G.Yule giải thích cụ thể rằng:

“Thể diện dương tính của một người là cái nhu cầu được chấp nhận, thậm chí được yêu thích bởi người khác, được đối xử như là thành viên của cùng một

Trang 13

nhóm xã hội và nhu cầu được biết rằng mong muốn của mình cũng được người khác chia sẻ Nói đơn giản thì thể diện âm tính là nhu cầu được độc lập còn thể diện dương tính là nhu cầu được liên thông với người khác”.[Dẫn theo 8, 264]

Hai thể diện âm tính và dương tính là hai mặt bổ xung cho nhau Chúng phát huy tác dụng theo lối “cộng sinh” với nhau, có nghĩa là một sự vi phạm thể diện âm tính cũng đồng thời làm mất thể diện dương tính

c2 Hành vi đe doạ thể diện (FTA)

Thể diện có thể bị mất đi; được duy trì, bảo vệ; hay được đề cao, tôn thêm Mỗi thành viên đều muốn thể diện của mình được tôn trọng trong quá trình tương tác mang tính xã hội, đặc biệt trong hội thoại Đại bộ phận các hành vi ngôn ngữ trong quá trình tương tác bằng ngôn ngữ đều tiềm ẩn khả năng làm tổn hại đến thể diện Brown và Levinson gọi chúng là các hành vi đe doạ thể diện - Face Threatening Acts, viết tắt là FTA

Chính vì vậy, lịch sự trong giao tiếp chủ yếu là sự điều phối các thể diện bằng các hành vi ngôn ngữ Trong hội thoại, các đối tác đều thể hiện mong muốn được giữ thể diện (Face want) Mong muốn giữ thể diện có nghĩa là xử sự làm sao cho hình ảnh về ta công cộng của mình được tôn trọng, mà tôn trọng thể diện của mình là tôn trọng thể diện của người khác

Khi thực hiện một hành động hay một hành vi ở lời nào đó mà có khả năng làm mất thể diện của đối tác thì người nói tìm cách làm dịu khả năng đe doạ thể diện đó bằng những hành vi mà Brown và Levinson gọi là cứu vãn thể diện (Face saving acts)

Tuy nhiên, bản thân các hành vi ngôn ngữ tự chúng không phải bao giờ cũng chỉ có hiệu quả đe doạ thể diện Nhiều hành vi ngôn ngữ khi thực hiện lại

có hiệu quả làm gia tăng sự tôn trọng thể diện của cả người nói và người tiếp nhận Đó là các hành vi tôn vinh thể diện - hành vi phản đe doạ thể diện (anti -

Trang 14

FTA) Như vậy, đe doạ và tôn vinh thể diện là hai mặt tác động đến các đối tác trong giao tiếp

c3 Chiến lược lịch sự

Để đạt được hiệu quả lịch sự, người nói phải tính toán được các mức độ đe dọa thể diện trong mỗi hành vi ở lời để từ đó tìm cách giảm nhẹ nó Brown và Levinson đánh giá mức độ đe doạ thể diện của một hành vi ngôn ngữ theo các thông số: quyền lực, khoảng cách, mức độ áp đặt của các hành vi đó Đánh giá đúng được điều này, người nói sẽ quyết định lựa chọn chiến lược lịch sự nào là thích hợp nhất với quan hệ liên nhân và mục đích của hội thoại

Brown và Levinson đã trình bày năm siêu chiến lược lịch sự, cùng với sự đánh giá mức độ mất thể diện, biểu hiện bằng sơ đồ sau:

Nhiều hơn

Theo sơ đồ này thì lịch sự nhất là không thực hiện FTA Nếu bắt buộc phải thực hiện một FTA thì lịch sự nhất là thực hiện bằng lối nói kín (off record) Nếu buộc phải thực hiện bằng lối nói trắng ra (on record) thì chọn lối nói trắng

có bù đắp mà không chọn lối nói không bù đắp Để thực hiện một FTA có bù đắp thì chọn siêu chiến lược âm tính rồi mới đến siêu chiến lược dương tính

Trang 15

Như vậy, mức độ lịch sự từ cao xuống thấp của các hành vi ngôn ngữ được sắp xếp như sau:

5 Không thực hiện FTA

4 Thực hiện FTA bằng lối nói kín

3 Thực hiện FTA bằng lối nói trắng có bù đắp theo phép lịch sự âm tính

2 Thực hiện FTA bằng lối nói trắng có bù đắp theo phép lịch sự dương tính

1 Thực hiện FTA bằng lối nói không bù đắp

Có thể nói, lịch sự chính là lý thuyết chi phối hiện tượng “che giấu tình cảm” trong giao tiếp ngôn ngữ Bản chất của “che giấu tình cảm” chính là giữ thể diện cho đối tác giao tiếp Bởi vậy, việc tìm hiểu chiến lược “che giấu tình cảm” sẽ góp phần bổ xung cho tri thức đại cương về lịch sự

1.2 Chiến lược giao tiếp

1.2.1 Khái niệm giao tiếp

Hoạt động giao tiếp được hiểu là hoạt động tiếp xúc, trao đổi giữa các thành viên trong một cộng đồng, được thực hiện bằng nhiều phương tiện, cách thức khác nhau Trong đó, giao tiếp bằng ngôn ngữ là quan trọng nhất

Trong quá trình giao tiếp, người nói (viết) mã hoá thông tin và thực hiện hành vi nói (viết) để truyền thông tin cho người nghe Người nghe (đọc) tiếp nhận thông tin và giải mã thông tin để hiểu Sự thông hiểu là kết quả cuối cùng của quá trình giao tiếp

Giao tiếp đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của bất cứ một thành viên nào trong xã hội Chính giao tiếp làm gia tăng mối quan hệ giữa

ta (self), người (others) và xã hội (society)

Trang 16

1.2.2 Khái niệm chiến lược giao tiếp

Con người khi sinh ra đã có thể giao tiếp bằng cách đưa ra các kí hiệu hay tiếp xúc nhưng không bằng tri thức, kĩ năng - điều được xem là năng lực giao tiếp (communicative competence) Mỗi một cá nhân khi trưởng thành, chín chắn thì năng lực giao tiếp càng trở nên vô cùng cần yếu Khả năng giao tiếp một cách hiệu quả, thích hợp phải được rèn luyện thông qua nói, nghe, đọc, viết cùng với các thành viên khác trong xã hội Giao tiếp như thế nào cho thực sự hiệu quả liên quan tới nhiều yếu tố, mà những yếu tố này chỉ được hoàn thiện cùng với quá trình lớn lên của cá nhân Mỗi người tích luỹ kinh nghiệm từ cuộc sống hàng ngày, mài giũa kỹ năng giao tiếp qua các mối quan hệ, tương tác trong xã hội

Theo quan điểm của các nhà nhân loại học, năng lực giao tiếp phải bao gồm ít nhất ba yếu tố chính: kiến thức ngôn ngữ, kỹ năng tương tác và hiểu biết

về văn hoá Những yếu tố này giúp người nói biết cách chọn mã ngôn ngữ một cách phù hợp trong các trường hợp giao tiếp cụ thể, hay nói cách khác là những chiến lược giao tiếp (Communicative stratergy) cụ thể trong những tình huống mang tính xã hội khác nhau để đạt tới một mục đích giao tiếp nhất định

Trong cuốn “Dictionary of language teaching & applied linguistics”,

“chiến lược” được định nghĩa là “một cách thức để đạt tới một cái đích nhất định” (a way of reaching a goal) “Chiến lược giao tiếp” là cách mà người học ngoại ngữ sử dụng để biểu thị cái ý mình muốn nói chuyển thành nghĩa của ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ thứ hai mà người học bị giới hạn bởi kiến thức của ngôn ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ đó (Communicative stratergy: a way used to express a meaning in a meaning in a second or foreign language by a learner who has a limited command of the language) Cụ thể hơn, “chiến lược giao tiếp được hiểu như một kế hoạch cụ thể cho một mục đích giao tiếp nhất định trong một trường hợp giao tiếp nhất định, được thực hiện thông qua việc lựa chọn những

Trang 17

phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.” (“Communicative strategy is grasped as a particular plan used for a certain communicative purpose in a certain communicative situation through choosing non - verbal and verbal means of communication”)

Như vậy, có thể thấy rằng, chiến lược giao tiếp bao gồm chiến lược giao tiếp bằng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ Hai chiến lược giao tiếp này được phân biệt rạch ròi với nhau Trong phạm vi của luận văn tốt nghiệp này, chúng tôi chỉ đi vào khảo sát chiến lược giao tiếp bằng phương tiện ngôn ngữ, cụ thể là chiến lược “che giấu tình cảm” bằng ngôn ngữ trong giao tiếp của người Việt (có đối chiếu với tiếng Anh)

1.2.3 “Che giấu tình cảm” như một chiến lược giao tiếp

Như đã đề cập trong phần mở đầu, trong luận văn này, chúng tôi nghiên cứu hiện tượng “che giấu tình cảm” như một chiến lược giao tiếp chứ không đơn thuần chỉ là một hành động ngôn ngữ Bởi lẽ, việc che giấu tình cảm của người nói là có mục đích, chủ ý rõ ràng, cụ thể và khác nhau trong những ngữ cảnh giao tiếp cụ thể Trên cơ sở ngữ cảnh, tình huống và mục đích giao tiếp cụ thể

đó, nhân vật giao tiếp sẽ chọn cho mình cách “che giấu tình cảm” thích hợp và hiệu quả nhất (thông qua các hành vi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ) Tuy nhiên, trong luận văn này, chúng tôi đi sâu vào phân tích các hành vi ngôn ngữ thực hiện chiến lược “che giấu tình cảm” đó

Trước tiên cần phải hiểu mục đích chung nhất của việc “che giấu tình cảm” trong giao tiếp là gì? Hay nói cách khác: tại sao trong một số trường hợp, đôi khi người ta cần hay muốn che giấu tình cảm thực sự của mình? Một lý do cơ bản nhất chính là việc người nói muốn tránh làm tổn thương đến tình cảm của đối tác hay của chính mình Mà bản chất chính là việc giữ thể diện cho đối tác và cho chính mình Bởi vậy, “che giấu tình cảm” như thế nào trong giao tiếp cho

Trang 18

phù hợp, hiệu quả hay làm thế nào nói lời “không”, lời từ chối là điều rất cần thiết trong giao tiếp Có như vậy, các thành viên giao tiếp mới giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp và duy trì thể diện của chính mình trong mắt người khác

1.3 Phân tích hội thoại và hành động ngôn ngữ

1.3.1 Phân tích hội thoại

1.3.1.1 Khái niệm hội thoại

Hội thoại (conversation) là hành động giao tiếp phổ biến nhất, căn bản nhất của con người Đó là giao tiếp hai chiều, có sự tương tác qua lại giữa người nói và người nghe với sự luân phiên lượt lời Số lượng nhân vật hội thoại, còn gọi là đối tác hội thoại thay đổi từ hai đến số lượng lớn Có những cuộc hội thoại tay đôi (song thoại - dialogue), tay ba (tam thoại - trilogue), hoặc nhiều hơn nữa (đa thoại - polylogue)

Theo GS.TS Đỗ Hữu Châu, “hội thoại là hình thức giao tiếp thường xuyên, phổ biến của ngôn ngữ, nó cũng là hình thức cơ sở của mọi hoạt động ngôn ngữ khác”, “qua hội thoại, các yếu tố, đơn vị của ngôn ngữ mới được đóng dấu chứng nhận tư cách đơn vị ngôn ngữ của mình và các quy tắc, các cơ chế vận hành các yếu tố, đơn vị đó mới bộc lộ ra, phát huy tác dụng”

Trong bất cứ cuộc thoại nào cũng có ba vận động chủ yếu: vận động trao lời, vận động trao đáp, vận động tương tác

1.3.1.2 Cấu trúc hội thoại

Về cấu trúc hội thoại, có ba trường phái với ba quan điểm khác nhau Đó là: trường phái phân tích hội thoại ở Mỹ (Conversation Analysis); trường phái phân tích diễn ngôn (Discourse Analysis); trường phái lý thuyết hội thoại ở Thuỵ

Sĩ và Pháp Trong đó các nhà hội thoại học Thuỵ Sĩ và Pháp đã tổng hợp và phát triển những thành tựu của lý thuyết phân tích hội thoại và phân tích diễn ngôn, từ

đó xây dựng nên một quan điểm về cấu trúc hội thoại của mình khá toàn diện Ở

Trang 19

khoá luận này, chúng tôi sẽ trình bày quan điểm về cấu trúc hội thoại của trường phái lý thuyết hội thoại Thuỵ Sĩ và Pháp Cụ thể, các đơn vị hội thoại sẽ bao gồm:

a Cuộc thoại (Conversation)

Đây là đơn vị hội thoại bao trùm, lớn nhất Đó là một lần trao đổi, nói chuyện giữa các cá nhân trong hoàn cảnh xã hội nào đó Theo C.K.Orechioni,

“để có một và chỉ một cuộc thoại, điều kiện cần và đủ là có một nhóm nhân vật

có thể thay đổi nhưng không đứt quãng, trong một khung thời gian - không gian

có thể thay đổi nhưng không đứt quãng” [Dẫn theo 8, 313]

Để xác định một cuộc thoại, ta có các tiêu chí sau: Nhân vật hội thoại; tính thống nhất về nội dung và địa điểm; tính thống nhất về đề tài diễn ngôn; các dấu hiệu định ranh giới cuộc thoại (dấu hiệu mở đầu, kết thúc)

b Đoạn thoại (Sequence)

Đó là một mảng diễn ngôn do một số cặp trao đáp liên kết chặt chẽ với nhau về ngữ nghĩa hoặc về ngữ dụng Về ngữ nghĩa, đó là sự liên kết chủ đề, một chủ đề duy nhất Về ngữ dụng, đó là tính duy nhất về đích của diễn ngôn

Cấu trúc tổng quát của một cuộc thoại có thể bao gồm: đoạn thoại mở đầu, thân cuộc thoại, đoạn thoại kết thúc Trong đó, đoạn thoại mở đầu và kết thúc ít nhiều được định hình do đó dễ nhận biết hơn các đoạn thoại khác Tổ chức của đoạn thoại mở đầu và kết thúc phần lớn được nghi thức hoá và lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố như vào kiểu cuộc thoại, vào hoàn cảnh giao tiếp, mục đích, hoàn cảnh gặp gỡ, vào sự quen thuộc, sự hiểu biết về nhau, vào quan hệ thân thuộc giữa các nhân vật hội thoại Chúng cũng mang đậm dấu vết của từng nền văn hoá

c Cặp thoại hay cặp trao đáp (Adjacency Pairs)

Trang 20

Trong hội thoại có sự tương tác giữa những người tham gia hội thoại Tương tác (Interaction) là hoạt động qua lại đối với hoạt động của nhau giữa những người tham gia hội thoại Có tương tác bằng lời và tương tác không bằng lời Trong tương tác bằng lời, mỗi phát ngôn đều có quan hệ trực tiếp với những phát ngôn đi trước nó và định hướng cho những phát ngôn đi sau nó Các phát ngôn không đứng biệt lập mà phát ngôn này đi kèm phát ngôn kia

Như vậy, cặp thoại chỉ hiện tượng mỗi phát ngôn được tiếp theo bằng một phát ngôn riêng, tương thích với nó Ví dụ: hỏi - trả lời; chào - chào; trao - nhận; xin lỗi - chấp nhận hoặc không chấp nhận Chúng là những phát ngôn có quan hệ tương thích về chức năng

1.3.2 Lý thuyết hành động ngôn ngữ

1.3.2.1 Khái niệm hành động ngôn ngữ

a Thuật ngữ hành động ngôn ngữ (Speech acts)

Thuật ngữ hành động ngôn ngữ (Speech acts) do nhà Triết học người Anh J.Austin đề xuất trong cuốn “How to do things with words” (Hành động như thế nào bằng lời nói) và được một nhà Triết học khác là J.Searle phát triển Hai ông

đã xác nhận rằng khi sử dụng ngôn ngữ, chúng ta không chỉ tạo ra những phát ngôn có chứa mệnh đề về những đối tượng, thực thể, sự kiện… mà còn thực hiện những chức năng như: yêu cầu, phủ nhận, cảm ơn, xin lỗi, đảm bảo… Chúng ta

có thể nhận dạng ra hành động ngôn ngữ do một phát ngôn nào đó thực hiện khi biết được ngữ cảnh mà phát ngôn đó diễn ra Hành động ngôn ngữ chính là ý định về mặt chức năng của mỗi phát ngôn

b Các hành động ngôn ngữ

Khi chúng ta nói năng là khi chúng ta thực hiện một loại hành động đặc biệt bằng phương tiện là ngôn ngữ Một hành động ngôn ngữ được thực hiện khi Sp1 nói ra một phát ngôn U cho Sp2 trong một ngữ cảnh nhất định Theo Austin,

Trang 21

có ba loại hành động ngôn ngữ lớn: hành vi tạo lời (Locutionary Act); hành vi mượn lời (Illocutionary Act); hành vi ở lời (Perlocutionary Act)

Hành vi tạo lời là hành vi sử dụng các yếu tố của ngôn ngữ như ngữ âm, từ, các kiểu kết hợp từ thành câu… để tạo ra một phát ngôn về hình thức và nội dung

Hành vi mượn lời là hành vi “mượn” các phát ngôn để gây ra một hiệu quả ngoài ngôn ngữ nào đó ở người nghe, người nhận hoặc ở chính người nói Chức năng hành động của giao tiếp được thực hiện nhờ các hiệu quả mượn lời của phát ngôn

Hành vi ở lời là những hành vi người nói thực hiện ngay khi nói năng Hiệu quả của chúng là những hiệu quả thuộc ngôn ngữ, có nghĩa là chúng gây ra một phản ứng ngôn ngữ tương ứng với chúng ở người nhận

c Phân loại các hành động ngôn ngữ

Searle đã dùng bốn tiêu chí: đích ở lời; hướng khớp ghép lời với hiện thực

mà lời đề cập đến; trạng thái tâm lý được thể hiện; nội dung mệnh lệnh để phân biệt năm phạm trù hành vi ở lời khác nhau Đó là:

- Tái hiện (Respresensatives): Với hành vi tái hiện, đích ở lời là miêu tả

sự việc đang được nói đến Hướng khớp ghép là lời - hiện thực, trạng thái tâm lý

là niềm tin vào điều mình xác tín, nội dung mệnh đề là một mệnh đề Các mệnh

đề này có thể đánh giá theo tiêu chuẩn đúng - sai, logic

- Điều khiển (Directives) (ra lệnh, yêu, hỏi, cho phép): Đích ở lời là đặt người nghe vào trách nhiệm thực hiện một hành động tương lai; hướng khớp ghép hiện thực - lời; trạng thái tâm lý là sự mong muốn của người nói và nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nghe

- Cam kết (Commissives) (hứa hẹn, tặng, biếu): Đích ở lời là trách nhiệm phải thực hiện hành động tương lai mà người nói bị ràng buộc; hướng khớp ghép hiện thực - lời; trạng thái tâm lý là ý định của người nói; nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nói

Trang 22

- Biểu cảm (Expressives): Đích ở lời là bày tỏ trạng thái tâm lý phù hợp với hành vi ở lời Trạng thái tâm lý thay đổi tuỳ theo từng loại hành vi; nội dung mệnh

đề là một hành động hay một tính chất nào đó của người nói hay của người nghe

- Tuyên bố (declarations): Đích ở lời là nhằm làm cho có tác dụng nội dung của hành vi; hướng khớp ghép vừa là lời - hiện thực; vừa là hiện thực - lời; nội dung mệnh đề là một mệnh đề

1.3.2.2 “Che giấu tình cảm” như một chiến lược giao tiếp thông qua

các hành động ngôn ngữ Trong thực tế giao tiếp, một phát ngôn thường không phải chỉ có một mục đích ở lời mà còn thực hiện đồng thời một số hành vi Hiện tượng người giao tiếp sử dụng trên bề mặt hành vi ở lời này nhưng lại nhằm hiệu quả của một hành

vi ở lời khác được gọi là hiện tượng sử dụng hành vi ngôn ngữ theo lối gián tiếp Một hành vi được sử dụng gián tiếp là một hành vi trong đó người nói thực hiện một hành vi ở lời này nhưng lại nhằm làm cho người nghe dựa vào những hiểu biết ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ chung cho cả hai người, suy ra hiệu lực ở lời của một hành vi khác Các hành vi ngôn ngữ gián tiếp là một trong những phương thức tạo ra tính mơ hồ về nghĩa trong lời nói

“Che giấu tình cảm” chính là một chiến lược giao tiếp thông qua các hành động ngôn ngữ, cụ thể là các hành động ngôn ngữ gián tiếp Chính tính mơ hồ về nghĩa trong lời nói được tạo ra bởi các hành vi ngôn ngữ gián tiếp là cách để người nói che giấu tình cảm của mình Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sử dụng

và nhận biết được các hành vi ở lời gián tiếp cũng như là hiện tượng che giấu tình cảm trong giao tiếp? Điều này phụ thuộc mạnh mẽ vào ngữ cảnh giao tiếp Đây là yếu tố quyết định để nhận ra một hành vi ngôn ngữ gián tiếp và sự che giấu tình cảm của người nói

Trang 23

Như vậy, hành vi ngôn ngữ gián tiếp chính là phương tiện để người nói thể hiện một chiến lược “che giấu tình cảm” Cách thức thực hiện các hành vi ngôn ngữ gián tiếp phục vụ cho chiến lược này được chúng tôi thống kê và tổng kết thành các thủ thuật điển hình mà người Việt hay dùng trong giao tiếp

CHƯƠNG 2 CHIẾN LƯỢC “CHE GIẤU TÌNH CẢM” CỦA NGƯỜI VIỆT QUA CÁC

THỦ THUẬT THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC ĐÓ

Trang 24

Trong thực tế giao tiếp, người ta có thể sử dụng rất nhiều các thủ thuật khác nhau để thực hiện chiến lược “che giấu tình cảm” khi cần thiết Tên gọi các thủ thuật này được chúng tôi khái quát thông qua việc thống kê các dẫn chứng cụ thể (dẫn theo các tác phẩm văn học hay trong giao tiếp thường nhật) căn cứ vào các hoàn cảnh giao tiếp cụ thể Có thể đưa ra một số thủ thuật điển hình sau:

2.1 Sử dụng lời nói dối vô hại

Trong giao tiếp của người Việt, việc sử dụng lời nói dối vô hại (white lie) diễn ra rất phổ biến và đa dạng cùng với sự phong phú của hoàn cảnh giao tiếp Trong luận văn này, chúng tôi không đồng nhất “lời nói dối” với sự gian dối nhằm mục đích lừa lọc hay trục lợi Trái lại, trong một số trường hợp giao tiếp nhất định, việc đưa ra một lời nói dối là để tránh làm tổn thương đến thể diện dương tính của đối tác hay thể diện âm tính của bản thân mình Khi đó, đưa ra một lời nói dối

vô hại chính là nhằm mục đích “che giấu tình cảm” Hãy xét các trường hợp sau:

a/ Trường hợp 1: Đoạn trích

“Ông chồng gần chúi hẳn người vào gầm bộ ngựa tìm và hỏi toang toang:

- Ơ hay! Cái đèn búp măng đâu rồi? U em!

Bà tớn tác:

- U em đâu rồi? Con! Chạy ra bảo u em thắp đèn! Mau con!

Thấy họ rối rít cả lên, hò hổng om xòm mà vẫn không có một cái đèn Ông chủ thì vẫn lục sục dưới những gầm bàn, gầm ghế và thỉnh thoảng gọi u em như

quát Bà chủ đã phải hơi gắt tiếng Thứ vội bảo: - Thưa ông, thôi ạ…vẫn còn sáng chán!”

Y nhã nhặn thì đúng hơn Thật ra thì trong nhà đã nhá nhem rồi…không gian xám màu tro.”

(Nam Cao, Sống mòn) [22,612]

Trang 25

Có thể thấy, hoàn cảnh giao tiếp giữa Thứ và ông bà chủ - người cho Thứ thuê nhà đã được tái hiện khá đầy đủ bằng những câu trần thuật: trời nhá nhem tối, trong nhà không có ánh đèn, ông bà chủ nhà rối rít tìm một cái đèn, có lúc đã phải gắt tiếng với nhau mà không thấy Trước hoàn cảnh đó, Thứ vội vàng phát ngôn: “Thưa ông, thôi ạ…vẫn còn sáng chán” Hiện thực “vẫn còn sáng chán” trong phát ngôn này của nhân vật Thứ hoàn toàn trái ngược với hiện thực trong thực tế ngoài phát ngôn “trời nhá nhem tối, không gian xám màu tro” Tuy nhiên,

sự phản ánh sai thực tế này của Thứ là có chủ ý: nhằm mục đích làm cho vợ chồng ông bà chủ nhà giảm thiểu tối đa cảm giác ngượng ngùng, áy náy vì sự thiếu chu đáo trong tiếp đón khách và gia cảnh tuềnh toàng Mặt khác, cũng chính với phát ngôn này, Thứ giấu được tâm lý bối rối, ái ngại của bản thân trước

sự cuống quýt và thiếu thốn về vật chất của đối tác giao tiếp

b/ Trường hợp 2: Đoạn trích

“Trông từ đằng xa đã ghét rồi! Nhưng không thể đuổi ông về, các cụ đành

cố tươi cười chào mời ông vồn vã: - " Kìa! Ông Cửu! Mời ông vào trong này Chúng tôi đợi mãi Mời ông vào thưởng trống.”

(Nam Cao, Đôi móng giò) [22, 118]

Nhân vật ông Cửu ở đây vốn xuất thân hèn kém, bị quan viên trong làng xã coi thường Trong một lần làng có đám, sau buổi tế, ông Cửu xuất hiện trong sự không mong muốn, ghét bỏ của các quan viên Tuy vậy, các cụ vẫn cố tỏ vẻ tươi cười, chào mời ông vồn vã bằng một phát ngôn đầy thân tình: “Kìa!Ông Cửu…thưởng trống” Thực tế các nhân vật quan viên làng xã không hề mong muốn, cũng chẳng hề chờ đợi sự có mặt của ông Cửu Hiện thực trong phát ngôn này hoàn toàn trái ngược với hiện thực tồn tại trong suy nghĩ, tâm trạng của họ Đây là một sự che giấu nhằm mục đích giữ thể diện cho đối tác giao tiếp là ông

Trang 26

Cửu Lối nói đãi bôi, che giấu cảm xúc thực nhưng tạo ra được sự hoà thuận trong quan hệ liên nhân giữa các nhân vật giao tiếp

2.2 Sử dụng lối nói lảng, nói chữa

Đây là lối nói được người Việt dùng phổ biến và đạt hiệu quả cao trong việc che giấu tình cảm của người nói một cách tức thì Sự chuyển chủ đề hay đính chính hiện thực đã nói trong phát ngôn một cách đột ngột sẽ đẩy sự quan tâm, chú ý của đối tác vào một hiện thực hay một vấn đề khác, rời xa những gì vừa được nói tới Do vậy mà người nói che giấu được tâm lý (điển hình là sự chột

dạ, lỡ lời, bối rối) và giữ được thể diện âm tính của mình mà vẫn tránh làm đối tác bị tổn thương Xét các trường hợp sau:

a/ Trường hợp 1: Đoạn trích

- “Trải ra, rồi đi gọi các ông phần việc đến đây! Kệnh dệnh!Kệnh dệnh!

Bố người ta đấy mà hôm nào cũng bắt người ta phải mời…

Đằng sau có tiếng léo xéo: - “ Làm gì mà gắt gỏng dữ thế ông Lý? Bà cháu bận mang cơm thợ cày, tôi phải nấu chín nồi cám cho lợn sề nó ăn… Bởi thế tôi mới ra chậm một chút chứ có kệnh dệnh gì đâu?”

… Lý trưởng vội vàng nói chữa: “Tôi nói là nói người khác kia!Chứ ông… nhà neo, lắm việc, tôi có trách gì ông đâu… Kìa, các ông ấy đã ra cả kìa”

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn) [21, 14]

Đây là một cặp thoại giữa hai nhân vật giao tiếp là Lý trưởng và thủ quỹ

Lý trưởng rất bực bội trước sự chậm trễ của các quan viên trong làng, buông ra những lời phê phán, nhiếc móc Không ngờ, những lời gắt gỏng không hay đó tình cờ lọt vào tai thủ quỹ Viên thủ quỹ nhanh nhảu thanh minh về sự chậm trễ của mình với lý do chính đáng Ngay lập tức, Lý trưởng nói chữa: “ Tôi nói là nói người khác có trách gì ông đâu” Phát ngôn này đã đính chính hiện thực được nói đến trong phát ngôn trước về phương diện đối tượng mà nó hướng tới Với

Trang 27

việc che giấu này, Lý trưởng đã che giấu sự bối rối, chột dạ của mình khi một trong số những người bị ông phê phán - thủ quỹ lên tiếng phản đối và bào chữa, đồng thời giữ thể diện cho nhân vật giao tiếp thủ quỹ Thêm vào đó, việc chuyển chủ đề hội thoại bằng cách đưa ra một phát ngôn với đại từ chỉ định “kìa”: “Kìa, các ông ấy đã ra cả kìa!” đã nhanh chóng hướng đối tác giao tiếp vào một sự chú

ý mới Theo đó, mục đích che giấu cũng nhanh chóng đạt được

b/ Trường hợp 2: Đoạn trích

“Hạnh mới chợt nhận ra rằng tất cả mọi âm thanh của cuộc hành quân bộ trước đây chỉ là tiếng thì thầm của nội tâm, tiếng vọng trở về của quá khứ

- Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc? - Hường đưa tay sờ lên má mẹ và hỏi…

- Ngủ đi - người mẹ nói rất khẽ - quá nửa đêm rồi đấy Hường ạ!”

(Nguyễn Minh Châu, Bên đường chiến tranh ) [9, 21]

Người mẹ trong đoạn trích đang đắm chìm trong thế giới nội tâm cá nhân, lắng nghe “tiếng vọng trở về của quá khứ” Chợt đứa con bắt gặp hỏi vì sao chị khóc Trước thắc mắc của con, chị không muốn bày tỏ cảm xúc thực cũng như chia sẻ về quá khứ Thể diện âm tính của người mẹ trong đoạn thoại này chính là

sự mong muốn được sống với thế giới nội tâm cá nhân mà không muốn bị người khác can thiệp Do vậy người mẹ nhanh chóng đưa ra một câu mệnh lệnh “Ngủ đi! Quá nửa đêm rồi đấy Hường ạ” nhằm đánh lạc hướng chú ý của đứa con Đây

là một cách che giấu sự bối rối, ngượng ngùng, đồng thời che giấu mong muốn không bị người khác can thiệp vào đời sống nội tâm cá nhân của bản thân người mẹ

2.3 Sử dụng lối nói phủ nhận, giảm nhẹ

Trang 28

Đây là lối nói nhằm đưa ra một cách nhìn nhận khác về vấn đề mà đối tác giao tiếp vừa đề cập đến Có thể là phủ nhận hay có những đính chính, làm giảm

sự nghiêm trọng của vấn đề đó Phủ nhận là một cách bày tỏ quan điểm cá nhân (đề cao thể diện âm tính của mình), còn giảm nhẹ thường là lối nói hướng tới mục đích cân bằng các mối quan hệ hài hoà trong giao tiếp, giữ thể diện cho cả hai bên đối tác

a/ Trường hợp 1: Đoạn trích

“ Rồi như chợt nhận ra cái trò chơi độc ác của mọi người bằng cách đem chị là người xấu nhất đội sản xuất gán ghép với Huân, người đẹp trai nhất Chị thấy tiếc cho sự thành thật của mình Việc gì phải tủi, phải nhún nhường, người nào mà chẳng có phần tốt đẹp Chị đứng lên, đi vài bước tới trước mặt Huân

ngâm nga: - “Huê thơm bán một đồng mười Huê tàn, nhị rữa giá đôi lạng vàng Giá đôi lạng vàng chứ chưa vị tất đã bán đâu anh Huân ạ”

(Nguyễn Khải, Mùa lạc) [24] Nhân vật chính trong câu chuyện - Đào cảm thấy tự ti về tuổi tác và vẻ bề ngoài khi mọi người trong tổ sản xuất đưa chị ra làm trò đùa Họ gán ghép chị với Huân - người đẹp trai nhất đội sản xuất Đào đã cố gắng che giấu đi sự ngượng ngùng, tự ti của mình bằng cách đưa ra một lời đối đáp rất sắc sảo: “Huê thơm bán đâu anh Huân ạ” Chị thừa nhận chị là người thua kém, thiệt thòi về hình thức nhưng phủ nhận sự đánh giá phiến diện của mọi người về giá trị cá nhân chị Đối với chị, “người nào mà chẳng có phần tốt đẹp”, chị tự tin về phần tốt đẹp đó trong mình Lối nói phủ nhận trên không những che giấu được tâm lý tổn thương

mà còn hướng được người nghe đến việc tôn trọng thể diện cá nhân của Đào

b/ Trường hợp 2: Đoạn trích

Trang 29

“Anh vừa lau tay vào vạt áo, vừa tươi cười hỏi: - Nhà còn gạo không?

- Bu mày chịu khó đi đong chịu vậy”

(Nam Cao, Trẻ con không được ăn thịt chó) [22, 127] Trong cuộc thoại trên, rõ ràng anh chồng rất bực bội trước câu trả lời dửng dưng, gắt gỏng của vợ Tuy nhiên trong hoàn cảnh bạn đến nhà, anh không thể cư

xử như mọi ngày bởi “làm thế có khác gì đuổi bạn” Anh chồng nhận thức được rằng chị vợ đang tức tối, đánh thị lúc này “chắc thị sẽ gào lên bảy làng nghe thấy”, “còn ra quái gì”, như vậy sẽ mất thể diện với bạn bè Hành động cười gượng cùng phát ngôn: “Bu mày chịu khó đi đong chịu vậy” thực chất nhằm mục đích làm giảm cơn tức tối của vợ, lấy nhu chế cương Chọn cách nói giảm nhẹ mà theo anh “cho xong chuyện” chính là một cách che giấu sự tức tối của bản thân,

sự bất hoà đang tồn tại giữa hai vợ chồng và nhằm mục đích giữ thể diện cá nhân người chồng và thể diện gia đình anh

2.4 Sử dụng lối nói ám chỉ, bóng gió

Lối nói này rất phổ biến trong giao tiếp của người Việt Bởi người Việt không thích nói thẳng, rất ưa nói vòng vo, nói gián tiếp Nói ám chỉ, bóng gió khiến cho cuộc giao tiếp thêm ý nhị, hoà thuận mà giàu tính hàm súc

a/ Trường hợp 1: Đoạn trích

“Một người thở dài Người khác khẽ thì thầm hỏi:

- Ai đấy nhỉ? Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?

- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu

Trang 30

Im một lúc có người bỗng lại cười lên rung rúc:- Hay là vợ anh cu Tràng?

… - Ôi chao! Giời đất này mà còn rước cái của nợ đời về Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không? - Họ cùng nín lặng.”

(Kim Lân, Vợ nhặt ) [24] Trong bối cảnh đói kém, cái chết đói đe doạ từng ngày, anh cu Tràng đưa một người đàn bà lạ mặt về làng đã gây biết bao bất ngờ cho mọi người Họ đoán già đoán non rằng đây là vợ anh cu Tràng Bên cạnh sự bất ngờ thú vị, họ cùng nín lặng khi nhận định: “ Ôi chao! Giời đất này mà còn… cái thì này không?” Phát ngôn này không chỉ thể hiện sự mỉa mai “sự cưới vợ” của anh Tràng mà còn hướng đề cập ngầm đến hiện thực cuộc sống tối tăm, bị đe doạ bởi cái đói; đến số phận bấp bênh, mịt mù của mỗi người nông dân bấy giờ đồng thời che giấu nỗi lo

sợ, tuyệt vọng của người nói

b/ Trường hợp 2

Cho hoàn cảnh giao tiếp sau: A ( nữ) đang xách một thùng nước đi từ tầng một lên tầng ba của ký túc xá Tình cờ A gặp B (nam) đi cùng đường A nói:

- “Nặng quá! Giá mà ai xách hộ mình nhỉ?”

Ta có thể thấy nhân vật A đã đưa ra hai phát ngôn liên tiếp Phát ngôn 1:

“Nặng quá!” là một câu cảm thán phản ánh hiện thực khó khăn mà người nói đang rơi vào đồng thời diễn tả trạng thái tâm lý khó chịu trước hiện thực đó Phát ngôn 2: “ Giá mà ai xách hộ mình nhỉ?” dưới hình thức là một câu hỏi nhưng thực chất ngụ ý đến việc thể hiện mong muốn có được sự giúp đỡ nào đó Phát ngôn này hàm ý một lời đề nghị: “Bạn xách hộ mình đi!” mà đối tượng hướng tới của nó là nhân vật B đi cùng đường Về bản chất, trong hoàn cảnh này, đây là một lời đề nghị gián tiếp Tuy nhiên mục đích nhờ vả, đề nghị lại được thể hiện bằng một câu hỏi với phụ từ “giá mà” đã che giấu rất tinh tế ý muốn xa xôi đó

Trang 31

của người nói Với cách nói này, A sẽ thu hút được sự chú ý, quan tâm của B, theo đó mà mục đích nhờ vả rất có thể sẽ đạt được

2.5 Sử dụng lối diễn đạt không dứt khoát, có chủ đích

Lối diễn đạt ngập ngừng, không dứt khoát thường được biểu thị bằng những quãng ngắt trong khi nói và biểu thị trên chữ viết bằng dấu ba chấm Đây

là lối diễn đạt rất biểu cảm Nó sẽ phát huy dụng ý của người nói cùng với các yếu tố phi lời (điệu bộ, cử chỉ, âm vực giọng nói) trong giao tiếp cụ thể

a/ Trường hợp 1: Đoạn trích

“Ông Nghị thấy bác Lan lưỡng lự, không muốn nói giá thì đương ngồi xổm

ở trước cái thúng, bỗng ông đứng phắt dậy:

- Đáng lẽ anh cho không tôi, tôi cũng không lấy vì tôi phải nuôi nó cho anh Nhưng thôi, việc phúc đức tôi cho anh ba hào, cầm lấy!

… Bác Lan gãi tai thở dài có lẽ không ngờ đâu cái giá trị một thằng bé

con có thế mà thôi: - Thưa ông…”

( Nguyễn Công Hoan, Hai thằng khốn nạn ) [7, 89] Bác Lan vì quá nghèo khó nên phải bán đứa con trai cho ông Nghị Bác rất bất ngờ về cái giá ba hào cho đứa trẻ Tuy nhiên phản ứng hồi đáp được che giấu bằng khoảng lặng ngập ngừng sau lời hô gọi: “ Thưa ông” Lối diễn đạt ngập ngừng này bày tỏ sự bối rối, trong trường hợp này còn là sự không chấp thuận, mong muốn được thương lượng, nhìn nhận lại Lối diễn đạt ngập ngừng này bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố vị thế giao tiếp Bác Lan là người ở vị thế giao tiếp thấp hơn hẳn so với nhân vật ông Nghị Bởi vậy sự bất đồng quan điểm cũng như phản đối của bác Lan đối với quyết định của ông Nghị được thể hiện gián tiếp nhằm hướng đến việc giữ thể diện dương tính cho ông Nghị( người có vị thế giao tiếp cao hơn)

Ngày đăng: 31/10/2015, 09:44

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w