VAI TRÒ CỦA TRỌNG ÂM TIẾT NHỊP TRONG CÂU TIẾNG VIỆT Hoàng Thị Thanh Huyền 1 Theo quan điểm của ngữ âm học truyền thống, các ngôn ngữ có trọng âm từ thường không có thanh điệu, còn trong các ngôn ngữ âm tiết tính có thanh điệu, thì “không nên nói về trọng âm trong ý nghĩa nghiêm ngặt” của nó. Vậy, tiếng Việt – một loại hình ngôn ngữ đơn lập, trọng âm có tồn tại hay không? Trả lời cho câu hỏi này, tác giả bài báo “Vai trò của trọng âm tiết nhịp trong câu tiếng Việt” sẽ góp thêm một ý kiến nhằm khẳng định sự tồn tại của nó trong lời nói của người Việt. 1. Đặt vấn đề 1.1. Trọng âm là một trong những đơn vị siêu đoạn tính (siêu tuyến tính) - đơn vị được nghiên cứu ở lĩnh vực ngữ âm. Nó được hiểu là sự nhấn mạnh vào một yếu tố nào đó của từ hay câu. Sự nhấn mạnh làm cho yếu tố đó được phát âm mạnh hơn, dài hơn và cao hay thấp hơn. Âm tiết mang trọng âm, do đó, khác hẳn với những âm tiết khác. Điều này đã tạo nên “sự tương phản giữa các tiếng (âm tiết) về độ dài, độ mạnh và tính trọn vẹn về đường nét thanh điệu” [1; tr137]. Sự tương phản này được gọi là sự đối lập về trọng âm. 1.2. Trên thực tế, vấn đề trọng âm thường chỉ đặt ra đối với các ngôn ngữ thuộc loại hình phi âm tiết tính (tổng hợp tính) như tiếng Anh, Nga, Đức Đối với những loại hình ngôn ngữ này, trọng âm tồn tại một cách hiển nhiên trong bản thân mỗi từ. Nó là đặc trưng ngôn điệu của từ, có chức năng quyết định đến ý nghĩa từ vựng học của từ. Đó là chức năng tạo đỉnh (liên kết các âm tiết trong từ lại thành một chỉnh thể ngữ âm) và chức năng phân giới từ (phân biệt ý nghĩa của từ này với từ khác và phân biệt hình thái từ) (so sánh: present [’prezent] (món quà, thời hiện tại) và present [pri’zent) (giới thiệu, trưng bày, trình bày)). 1.3. Tiếng Việt, theo sự mô tả truyền thống thì không có sự tồn tại của trọng âm. Lí do là tiếng Việt đã có một hệ thống thanh điệu khá phong phú, đủ “tư cách” để đảm đương vai trò thể hiện sự nâng cao hay hạ thấp giọng nói trong một âm tiết. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã nghi ngờ điều đó và nhận định rằng: tiếng Việt, bên cạnh sự tồn tại của thanh điệu thì đồng thời vẫn có sự “góp mặt” của trọng âm. Chẳng hạn, L. Thomson cho rằng trong tiếng Việt có 4 mức trọng âm: nhấn mạnh, nặng, trung bình và yếu, Aurélia Trần, cũng đã vạch ra 4 mức trọng âm tiếng Việt là: nhấn mạnh, mạnh, yếu và rất yếu Còn các tác giả người Nga như M. V Gordina và I. S Bystrov cho rằng trọng âm trong tiếng Việt được xác định như mức đầy đủ của sự hiện thực hoá thanh điệu [2, tr212]. Gần đây nhất, Giáo sư Cao Xuân Hạo trong bài viết: “Trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt” cho rằng trọng âm trong tiếng Việt được thể hiện nhờ sự tương phản giữa các âm tiết kế tiếp nhau về độ dài, độ mạnh và tính trọn vẹn về đường nét thanh điệu. Tác giả cũng cho rằng: “Trong ngữ điệu bình thường, một tiếng có trọng âm dài hơn một tiếng không có trọng âm (khinh âm) từ 1,5 đến 4 lần, mạnh hơn từ 3 đến 5 lần và có một đường nét thanh điệu trọn vẹn hơn hẳn, nhất là các tiếng có thanh “sắc”, “hỏi”, “ngã” hay “nặng” [1, tr137]. Tác giả 1 Trường ĐHSP Hà Nội 2 cuốn “Ngữ âm tiếng Việt thực hành” – Nguyễn Văn Phúc cũng đã bước đầu đề cập đến vấn đề trọng âm nhịp điệu (cú đoạn) trong câu tiếng Việt. Theo tác giả, trong câu tiếng Việt, vai trò quan trọng của trọng âm nhịp điệu là “tham gia vào quá trình phân định ranh giới để xác định chính xác nội dung ý nghĩa của từ, nhóm từ trong phát ngôn và cả phát ngôn mà người nói đã hàm ý sử dụng trong quá trình nói năng dưới hai hình thức: viết và nói” [2; tr216]. 1.4. Như vậy, vấn đề về trọng âm trong tiếng Việt đã bước đầu được chú ý, nhưng nó thực sự chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, thấu đáo. Điều này, có lẽ xuất phát từ nguyên nhân là trọng âm tiếng Việt vẫn còn là một lĩnh vực mà bằng trực giác, khó có thể nhận diện, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật hoặc bằng các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm cụ thể. 1.5. Xuất phát từ những định hướng nghiên cứu ở trên, đồng thời, thông qua những kết quả khảo sát thực tế, tác giả bài báo muốn đóng góp thêm một tiếng nói nhằm khẳng định sự tồn tại của trọng âm tiếng Việt cùng với vai trò của nó trong việc thể hiện các quan hệ ngữ pháp và ngữ nghĩa trong câu. 2. Nội dung 2.1. Cơ sở xác định trọng âm tiết nhịp Trong quá trình nói năng, các âm của con người phát ra không phải được thể hiện một cách rời rạc từng tiếng một, cũng không phải là sự kế tiếp nhau theo những khoảng cách, nhịp điệu đều đặn mà theo những tiến độ khác nhau được chế định bởi giá trị ngữ âm, âm học, phù hợp với kết cấu ngữ nghĩa – ngữ pháp. Sự thể hiện các âm tiết trong chuỗi lời nói theo những cách thức khác nhau về độ mạnh – yếu, nặng – nhẹ, cao – thấp được gọi là tiết nhịp. Mỗi câu (phát ngôn) tiếng Việt đều mang một hay nhiều trọng âm, mỗi trọng âm đánh dấu một ngữ đoạn (theo quan niệm ngữ pháp) hay tiết nhịp (theo quan điểm ngữ âm). Trọng âm được đặt vào âm tiết cuối cùng hay duy nhất của mỗi ngữ đoạn. Trong một chuỗi câu, trọng âm có chức năng phân giới từng ngữ đoạn và giữa các ngữ đoạn kế tiếp nhau. Mỗi ngữ đoạn như vậy tương ứng với một nhóm tiết nhịp. Trọng âm trong ngữ đoạn được gọi là trọng âm tiết nhịp. [2, tr214] Ví dụ: (1) Chị ấy// đi chợ // mua gà // về nhà // làm cơm // tiếp khách. 0 1 0 1 0 1 0 1 0 1 0 1 (2) Tre // giữ làng // giữ nước // giữ mái nhà tranh // giữ đồng lúa chín. 1 0 1 0 1 0 0 0 1 0 0 0 1 (Số [0] để chỉ các tiếng không có trọng âm và số [1] để chỉ các tiếng có trọng âm. Kí hiệu [//] là kí hiệu phân định ranh giới tiết nhịp). Như vậy, trọng âm thường rơi vào âm tiết cuối cùng của mỗi tiết nhịp. Nó là cái mốc để đánh dấu tiết nhịp này với tiết nhịp khác trong chuỗi lời nói liên tục. Theo giáo sư Cao Xuân Hạo, nếu một câu hay ngữ đoạn có ngữ khí từ hay tiểu từ tình thái ở cuối thì câu hay ngữ đoạn đó sẽ kết thúc bằng một khinh âm. Chẳng hạn: (3) Tôi về nhé! [010] (so sánh với Tôi về nhà [001] hay Tôi về ngay [001]). Đây cũng là tiêu chí để phân biệt một số ngữ khí từ với những thực từ đồng âm với nó. So sánh: (4) Đi hay không? [101] và Có đi không? [010] Mô hình [101] cho phép người nghe hiểu “không” tồn tại với cương vị của một thực từ, giống với cấu trúc trong những câu như: sách hay bút? đi hay ở? Còn với cấu trúc [010] thì “không” có cương vị của một tiểu từ tình thái. Dựa trên những đặc điểm đó, có thể xác định tiêu chí phân loại tiết nhịp như sau: - Về ngữ âm: mỗi nhóm tiết nhịp sẽ được phát âm liên tục, không ngắt quãng, có đường nét âm điệu riêng và kết thúc bằng một trọng âm ở âm tiết cuối (trừ trường hợp âm tiết cuối là hư từ). - Về ngữ pháp: mỗi nhóm tiết nhịp sẽ tương ứng với một đơn vị ngữ pháp nào đó trong câu. Chẳng hạn, ở ví dụ (1), (2) và (3), chị ấy, tre, chị đóng vai trò là chủ ngữ, chỉ đối tượng thông báo, còn đi chợ, mua gà, về nhà, làm cơm, tiếp khách và giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín là những cụm động từ đảm nhiệm vai trò vị ngữ, biểu thị nội dung thông báo của câu. - Về ngữ nghĩa: mỗi nhóm tiết nhịp phải biểu thị một ý nghĩa nhất định khi đặt trong một hoàn cảnh nhất định. Âm tiết mang trọng âm trong tiết nhịp thường truyền đạt những thông tin mới và thường là một danh từ, động từ hay tính từ. (5) Ăn cơm // không được uống rượu. 0 1 0 0 0 1 Khác với: Ăn cơm không // được uống rượu. 0 0 1 0 0 1 2.2. Vai trò của trọng âm tiết nhịp trong câu tiếng Việt 2.2.1. Trên phương diện lời nói, câu phải được chia tách thành tiết nhịp (ngữ đoạn), mỗi tiết nhịp thường sẽ kết thúc bằng một trọng âm. Như vậy, vai trò trước hết của trọng âm là phân chia ranh giới tiết nhịp, tạo nên ranh giới các chức năng ngữ pháp. Nó có thể làm thay đổi quan hệ ngữ pháp giữa các nhóm tiết nhịp trong câu. (6) Về quê tôi // rất thích. 0 0 1 0 1 (7) Về quê // tôi rất thích. 0 1 0 0 1 Theo cách ngắt nhịp và thể hiện trọng âm như trên, có thể thấy, quan hệ ngữ pháp trong nhóm tiết nhịp ở (6) là quan hệ đẳng lập. Còn ở (7) là kiểu quan hệ chính phụ giữa thành phần phụ của câu (đề ngữ/ khởi ngữ) với thành phần nòng cốt (kết cấu C – V) theo nghĩa: Về quê thì tôi rất thích. Chúng ta cũng có thể gặp kiểu quan hệ này trong những câu như: (8) Yêu người ta // phải yêu trọn đời. Yêu người // ta phải yêu trọn đời. (9) Đưa người ta // không đưa qua sông. Đưa người // ta không đưa qua sông. 2.2.2. Một vai trò quan trọng khác của trọng âm tiết nhịp là việc tham gia vào quá trình xác định ranh giới để xác định chính xác nội dung ý của nhóm từ trong phát ngôn mà người nói đã hàm ý sử dụng trong quá trình giao tiếp nhằm đạt những mục đích giao tiếp khác nhau. Xét về bản chất, khi đóng vai trò làm thay đổi quan hệ ngữ pháp giữa các nhóm tiết nhịp trong câu thì đồng thời, trọng âm cũng làm thay đổi luôn quan hệ ý nghĩa giữa chúng. Đối với tiếng Việt, những hiện tượng “đồng tự” mà người ta thường gọi là câu mơ hồ hay cấu trúc mơ hồ là một trong những hiện tượng phổ biến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên, bằng giọng điệu, bằng trọng âm, bằng sự ngắt nhịp người ta có thể dễ dàng làm mất đi tính mơ hồ trong ngôn ngữ viết. (10) Mẹ con đi chợ chiều mới về. Nếu câu này được thể hiện bằng ngôn ngữ ở dạng viết thì thật khó để xác định đây là câu nói của ai (người mẹ / đứa con hay của nhân vật thứ ba nói về hai mẹ con), cũng thật khó để xác định nội dung thông báo của câu là gì (đi chợ mới về hay đi chợ buổi chiều mới về). Nhưng nếu câu đó được thể hiện bằng phát ngôn và đặt trong hoàn cảnh cụ thể thì người nghe dễ dàng hiểu được ý nghĩa của chúng. Cụ thể, nó có thể được biểu đạt bằng những ý nghĩa sau: a. Mẹ con // đi chợ // chiều mới về. b. Mẹ con // đi chợ chiều // mới về. c. Mẹ // con đi chợ // chiều mới về. d. Mẹ // con đi chợ chiều // mới về. Trong tiếng Việt, tương tự với những kiểu nói hay cấu trúc phát ngôn trên, chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt, chẳng hạn: (11) Xin lỗi anh // tôi sai. Xin lỗi // anh tôi sai. (12) Bỏ nhau không được // ở với nhau. Bỏ nhau // không được ở với nhau. (13) Bài tập này // khó có thể làm được. Bài tập này khó // có thể làm được. (14) Tôi nói // mãi nó mới nghe. Tôi nói mãi // nó mới nghe. (15) Mẹ mắng // tôi không đi chơi nữa. Mẹ mắng tôi // không đi chơi nữa. (16) Con học // bố chữa xe. Con học bố // chữa xe. (17) Anh đánh // tôi đi. Anh // đánh tôi đi. (18) Sinh viên // mới học ngữ học. Sinh viên // mới học // ngữ học. Sinh viên mới // học ngữ học. (19) Tôi bắn // con thỏ chạy. Tôi // bắn con thỏ chạy. Trong thực tế, chúng ta có thể gặp những câu mà khi tồn tại ở dạng viết, chúng chỉ biểu đạt một ý nghĩa nhất định, nhưng nếu thể hiện ở dạng nói thì chúng có thể biểu đạt những ý nghĩa khác nhau, tuỳ theo vị trí trọng âm trong mỗi nhóm tiết nhịp. (20) Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Nếu câu trên được hiện thực hoá bằng ngôn ngữ viết (dạng viết) thì người đọc dễ dàng nhận ra ý nghĩa chính xác của nó. Ý nghĩa của câu này được hiểu là: Muốn con // hay chữ // thì yêu lấy thầy. Tuy nhiên, nếu câu (20) được thể hiện dưới dạng nói năng, thì người nghe dễ dẫn tới khả năng hiểu theo hai cách với hai nội dung ý nghĩa khác nhau: a. Muốn con // hay chữ // thì yêu lấy thầy. b. Muốn con // hay chữ // thì yêu // lấy thầy. (21) Đừng đánh cờ đánh bạc con nhé! -> Đừng đánh cờ đánh bạc // con nhé! -> Đừng đánh cờ // đánh bạc con nhé! Rõ ràng, trường hợp (20) và (21) ở ví dụ trên mang hai nội dung ý nghĩa khác nhau nếu đối tượng sử dụng cắt nhịp và trọng âm không phù hợp. 2.2.3. Sự nhầm lẫn trong việc phân định tiết nhịp hoặc do người nói cố ý ngắt nhịp và sử dụng trọng âm không đúng vị trí sẽ tạo ra những phát ngôn vô nghĩa, khó hiểu hoặc không thể chấp nhận được trong giao tiếp. (22) Rắn là một loài bò // sát không chân. (23) Không được mặc quần // bò đến trường. (24) Con kiến // cõng con bò // qua suối. (25) Anh đi bộ // đội sao trên mũ. 2.2.4. Trên phương diện văn bản, người viết có thể sử dụng các loại dấu ngắt câu trong việc phân định ranh giới tiết nhịp. Tuy nhiên, sử dụng phương tiện hỗ trợ này không phải bao giờ cũng thay thế hoàn toàn cho vai trò của trọng âm. Thực tế cho thấy, có một số trường hợp rất khó thực hiện bằng phương tiện dấu ngắt. Chẳng hạn: (26) Chúng ta hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. (27) Mẹ gửi cho con một triệu đồng qua đường bưu điện. Trong khi đó, bằng phương tiện ngữ âm, dễ dàng phân định ra: -> Chúng ta // hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất // cho trẻ em. -> Mẹ // gửi cho con // một triệu đồng // qua đường bưu điện. Hoặc: (28) Hổ mang bò lên núi. Câu này rất dễ dẫn tới hai cách hiểu: cách thứ nhất là “con hổ mang con bò lên núi” và cách thứ hai là “con hổ mang (tên một loài rắn) bò lên núi”. Theo cách hiểu thứ nhất, trọng âm tiết nhịp sẽ được thể hiện như sau: -> Hổ // mang bò // lên núi. 1 0 1 0 1 Theo cách thứ hai, các vị trí của trọng âm trong câu sẽ là: -> Hổ mang // bò lên núi. 0 1 0 0 1 Những kết quả phân tích ở trên đã cho thấy một tình hình quan trọng là: vấn đề thể hiện vị trí trọng âm trong câu là điều quan trọng, quyết định tới ý nghĩa câu nói. Mỗi câu tiếng Việt đều tiềm tàng trong nó một lượng thông tin nhất định. Quả là rất khó để hiểu được ý nghĩa nội hàm của những trường hợp ở trên nếu như tách khỏi văn cảnh hoặc không sử dụng chính xác vị trí trọng âm, cách ngắt nhịp trong câu. Xét về phương diện này thì vai trò của thanh điệu không thể thay thế được. 3. Kết luận Đối với loại hình ngôn ngữ âm tiết tính như tiếng Việt, vai trò của trọng âm đã bị “mờ nhạt” đi trước sự tồn tại của thanh điệu. Tuy nhiên, sẽ là không đúng nếu có thái độ cực đoan cho rằng tiếng Việt hoàn toàn không có trọng âm. Qua những kết quả đã phân tích ở trên, tác giả bài báo đã phần nào minh chứng cho sự tồn tại của nó trong lời nói của chúng ta. Có thể khẳng định rằng, sự có mặt của nó là vô cùng quan trọng trong quá trình phân định ranh giới để xác định quan hệ ngữ pháp, nội dung ý nghĩa của từ, nhóm từ trong phát ngôn và cả phát ngôn mà người nói hàm ý sử dụng trong quá trình nói năng nhằm đạt đến những mục đích giao tiếp nhất định. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cao Xuân Hạo, Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, 2003. 2. Nguyễn Văn Phúc, Ngữ âm tiếng Việt thực hành, Nxb ĐHQGHN, 2006. 3. Đỗ Xuân Thảo, Lê Hữu Tỉnh, Giáo trình Tiếng Việt 2, Nxb ĐHSP, 2008. 4. Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm tiếng Việt thực hành, Nxb ĐHQGHN, 1999. 5. Đinh Lê Thư, Nguyễn Văn Huệ, Cơ cấu ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 1995. 6. Bùi Minh Toán - Đặng Thị Lanh, Tiếng Việt Đại cương – Ngữ âm, Nxb ĐHSP, 2004. THE ROLE OF STRESS AND TONES IN VIETNAMESE SENTENCES Hoang Thi Thanh Huyen Abstract According to the view of the traditional phonetics, stressed languages have no tone, and in toned languages with syllables, we should not discuss about stress in its details. Therefore, Vietnamese - a kind of single set language, does stress exist? To answer this question, the author of the article titled: “The role of stress and tones in Vietnamese sentences” will contribute one idea to acclaim its existence in the Vietnamese language. . báo Vai trò của trọng âm tiết nhịp trong câu tiếng Việt sẽ góp thêm một ý kiến nhằm khẳng định sự tồn tại của nó trong lời nói của người Việt. 1. Đặt vấn đề 1.1. Trọng âm là một trong. 2.2. Vai trò của trọng âm tiết nhịp trong câu tiếng Việt 2.2.1. Trên phương diện lời nói, câu phải được chia tách thành tiết nhịp (ngữ đoạn), mỗi tiết nhịp thường sẽ kết thúc bằng một trọng âm. . đã bước đầu đề cập đến vấn đề trọng âm nhịp điệu (cú đoạn) trong câu tiếng Việt. Theo tác giả, trong câu tiếng Việt, vai trò quan trọng của trọng âm nhịp điệu là “tham gia vào quá trình phân