Kiểu nhân vật tiên phong trong một số kịch bản viết về vấn đề đổi mới của lưu quang vũ

5 446 1
Kiểu nhân vật tiên phong trong một số kịch bản viết về vấn đề đổi mới của lưu quang vũ

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

KIỂU NHÂN VẬT TIÊN PHONG TRONG MỘT SỐ KỊCH BẢN VIẾT VỀ VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI CỦA LƯU QUANG VŨ Đỗ Thị Hạnh 1 Tóm tắt: Lưu Quang Vũ được coi là chim báo bão của nền kịch nói Việt Nam những năm 80 của thế kỉ XX. Trong các vở kịch viết về vấn đề đổi mới, Lưu Quang Vũ xây dựng thành công xung đột giữa cái mới, cái tiến bộ với cái cũ, cái lạc hậu. Tương ứng với kiểu xung đột này chính là kiểu nhân vật tiên phong. Đó là những con người có tư tưởng tiến bộ, có năng lực, nhiệt huyết; sẵn sàng đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cái trì trệ để giành lấy cái tốt, cái công bằng trong xã hội. Họ ý thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của mình trước mọi người; dám nghĩ, dám làm, dám xả thân để vươn tới đích, dẫu con đường đi của họ không hề bằng phẳng, thậm chí còn phải chịu biết bao áp lực và những thua thiệt. 1. MỞ ĐẦU Sự xuất hiện của Lưu Quang Vũ với sân khấu kịch nói Việt Nam những năm 80 của thế kỉ XX như một hiện tượng đột xuất. Ông được mến mộ, được coi là tác giả ăn khách và sung sức nhất. Kịch là nơi ông có thể bộc lộ những khám phá, nhận thức của mình và đóng góp một cách trực tiếp, tích cực cho cuộc đời. Với tài năng nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực, với trái tim nồng nhiệt luôn muốn tham gia vào dòng chảy của cuộc sống, Lưu Quang Vũ đã tìm cho mình một thể loại hiệu quả nhất có thể giúp thực hiện đến tận cùng khát khao trao gửi và dâng hiến. Lưu Quang Vũ có khả năng biến những chi tiết đời thường thành những điển hình nghệ thuật để tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm. Bằng cách ấy, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã đáp ứng được yêu cầu phản ánh và lí giải những vấn đề nóng bỏng, quan thiết của xã hội. Rất nhiều vở kịch viết về vấn đề đổi mới của ông đã gây xôn xao dư luận, đã chạm đến những vấn đề nóng bỏng nhất của hiện thực: Không ai bằng Vũ trong biệt tài nêu lên cái muôn đời trong cái bình thường, biến cổ tích, huyền thoại thành chuyện thời sự, dùng cái hư để nói cái thực, dùng cái thô lỗ để nói cái cao quý [4]. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU Được coi như người nổi gió cho cánh người rộng mở, Lưu Quang Vũ đã sớm có những dự cảm về cuộc sống đổi thay của đất nước. Bản thân là người đã từng kinh qua chiến tranh và mang nặng trong lòng những trăn trở về cuộc sống; khi ra khỏi cuộc chiến, trút bỏ những gánh nặng nhiệm vụ của một thời, con người phải trở về với cuộc sống đời thường với biết bao âu lo thường nhật, Lưu Quang Vũ đã phản ánh kịp thời những vấn đề hiện thực của cuộc sống nóng bỏng. Trong các vở kịch viết về vấn đề đổi mới của Lưu Quang Vũ, gắn liền với 1 Học viên Cao học, K16, Trường ĐHSP Hà Nội 2 kiểu xung đột giữa cái mới, cái tiến bộ với cái cũ, lạc hậu, bảo thủ, trì trệ; hình ảnh những con người mới xuất hiện với một tần suất lớn - đó chính là kiểu nhân vật Tiên phong. Tiên phong, theo nghĩa tiếng Việt là đi trước, dẫn đầu, hăng hái, tích cực nhất. Nhân vật tiên phong là những người có tư tưởng tiến bộ, có năng lực, nhiệt huyết, sẵn sàng đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cái trì trệ để giành lấy cái tốt, cái công bằng trong xã hội. Đó là những con người ý thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của mình trước mọi người. Với trái tim sục sôi nhiệt huyết, họ dám nghĩ, dám làm, dám xả thân để vươn tới đích, dẫu con đường đi của họ không hề bằng phẳng, thậm chí còn phải chịu biết bao áp lực và những thua thiệt. Kiểu nhân vật này điển hình với Hoàng Việt, Thanh và một số nhân vật phụ như Lê Sơn, ông Quých trong Tôi và chúng ta; Định, Dũng trong Nếu anh không đốt lửa Đây là những đại diện tiêu biểu cho cái mới, cái tiến bộ dám đương đầu với lực cản ghê gớm của cơ chế cũ. Tôi và chúng ta là vở kịch tiêu biểu viết về vấn đề đổi mới. Vở kịch là tiếng nói nghệ thuật về những điều mà mọi người đang trăn trở, những điều mà những người can đảm đã nghĩ, đã làm và đã phải trả giá cho những việc làm đó [3]. Trong vở kịch, Hoàng Việt - một người lính trở về từ chiến trường được nhận cương vị quyền giám đốc một xí nghiệp đang làm ăn thua lỗ, không có việc cho sản xuất, đời sống công nhân trong xí nghiệp cực kì khó khăn, đang có nguy cơ giải thể. Vì thế đã có nhiều người bỏ xí nghiệp. Với khát vọng đẩy mạnh sản xuất để nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên, bằng sự đổi mới cung cách làm ăn, giám đốc Hoàng Việt được nhiều người ủng hộ, nhưng đồng thời cũng bị trói buộc bởi cơ chế quan liêu bao cấp và một số người bảo thủ luôn muốn duy trì cơ chế này để mưu lợi cá nhân. Tư tưởng dân chủ và cái nhìn tiến bộ khiến Hoàng Việt sớm phát hiện ra đằng sau cái vỏ bọc “thắng lợi” là sự bê bối, mọi khâu đều trì trệ, mất dân chủ nặng nề. Cuộc sống như vậy cứ khó khăn triền miên”… Hàng trăm nguyên tắc của đủ các ban ngành tuy đã lỗi thời nhưng vẫn áp đặt một cách máy móc khiến cho cả bộ máy xí nghiệp từ người đứng đầu đến công nhân chỉ những kẻ ăn hại. Nói như nhân vật Hoàng Việt trong cảnh hai của vở kịch: “200 con người ở đây là 200 kẻ ăn hại, sống bám vào đồng lương nhà nước một cách đáng xấu hổ”. Căn bệnh quan liêu, duy ý chí là một căn bện trầm kha: “Cấp trên cao lại dựa vào cấp trên cao hơn nữa, nghĩa là các kế hoạch được đề ra rất ngược đời. Đáng lẽ phải do cơ sở đưa lên, dựa vào khả năng cơ sở và yêu cầu của thị trường…” Bên cạnh Hoàng Việt, những người như Thanh, ông Quých, bà Bộng, cô Ngà luôn cổ vũ anh. Hoàng Việt đã bứt phá, cải tạo hoàn toàn phương thức sản xuất kinh doanh của xí nghiệp theo cung cách mới: “muốn được quyền chủ động trong công việc muốn thay đổi những điều quá ư bất hợp lí trong cơ chế quản lí”. Hoàng Việt bày tỏ khát vọng tha thiết của mình: “Tôi căm ghét cái nghèo, cái trì trệ nhưng quan trọng hơn là tôi rất thương và tin các công nhân của tôi. Nhờ họ mà tôi dám làm!”. Anh trở thành người tiên phong trong công cuộc đổi mới xí nghiệp Thắng Lợi; quan trọng hơn nữa là đổi mới cả một cơ chế bảo thủ vốn đã tồn tại bao lâu nay; đổi mới những bộ óc vốn đã quen yên ổn trong vòng tay bao cấp. Anh loại bỏ những chức vụ không cần thiết, tăng thêm lao động nhằm tăng năng suất xí nghiệp; thực hiện chế độ khoán lương theo sản phẩm đảm bảo công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giúp cho công nhân phát huy hết khả năng, năng lực sáng tạo, tăng thêm thu nhập đồng thời kích thích sản xuất chung của toàn xí nghiệp. Hoàng Việt tiêu biểu cho một kiểu người dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đối mặt với những chống đối, phản bác từ phía lực lượng bảo thủ, kể cả cấp trên của mình để đặt ra những nguyên tắc mới: “Miễn là nó giúp chúng ta làm được nhiều hơn sản phẩm”. Niềm tin ấy của Hoàng Việt là chỗ dựa cho những nhân tố mới trong xí nghiệp, và họ sẽ cùng anh đưa xí nghiệp thoát khỏi tình trạng làm ăn thua lỗ, đời sống công nhân ngày một cải thiện hơn. Với lối làm việc năng động của anh, sau một năm, xí nghiệp “ăn ra làm nên” được đông đảo khách hàng tín nhiệm, năng suất tăng gấp bốn, năm lần; đời sống công nhân viên cải thiện trông thấy, ai cũng hồ hởi, phấn khởi. “Phải có một người ra khỏi hang trước… Phải có một người đi trước!”. Tư tưởng tiên phong đó luôn thường trực trong con người Hoàng Việt. Phải có một người đi trước, mặc dù nguy hiểm đe dọa đến cả tính mạng của mình. Đấy là sợi chỉ xuyên suốt hành động có tính cách mạng của kĩ sư giám đốc Hoàng Việt, một cựu chiến binh thời chống Mỹ. Mọi người còn nghi ngờ về anh, lắm kẻ cơ hội đớn hèn chống phá anh bằng mọi cách có thể, nhưng đa số công nhân và những người tiên tiến đều tin vì “anh ấy tin vào sự thắng lợi của những quy luật”. Với Tôi và chúng ta, Lưu Quang Vũ đã nói lên niềm khát khao của cả cộng đồng: “Như một hồi kèn khởi động cho cả đất nước bước vào thời kì mới mạnh mẽ và bão táp dưới ngọn cờ của Đảng” [4]. Nếu anh không đốt lửa (1986) cũng có cùng chất liệu như Tôi và chúng ta. Đây là một bức tranh ngày mai được Lưu Quang Vũ chắt lọc từ chất liệu đời sống và vẽ lên bằng những mảng hiện thực. Phải chăng muốn đổi mới phải kiến tạo xã hội thì ngay mỗi con người phải biết nhen nhóm đốt lên ngọn lửa còn đang tiềm ẩn bên trong. Và nói như tác giả Cao Minh trong bài Kịch Lưu Quang Vũ và những vấn đề của đời sống: “Ngọn lửa ấy được cháy trong không khí dân chủ sẽ nhân lên gấp bội” [1]. Ngay từ mở đầu vở kịch của mình, Lưu Quang Vũ đã mượn lời của các thủy thủ để nói lên chủ đề tư tưởng của mình: Nếu anh không đốt lửa Nếu tôi không đốt lửa Nếu chúng ta không đốt lửa lên Thì làm sao bóng đêm Lại có thể biến thành Ánh sáng? Nếu anh không đốt lửa Nếu tôi không đốt lửa Nếu chúng ta không đốt lửa lên Ý tưởng của tác phẩm đã được hé mở ngay từ đầu. Phải có một ai đó trong chúng ta là người đốt lên ngọn lửa, bởi bóng đêm sẽ mãi là bóng đêm nếu không có người đứng ra thắp lên ánh sáng. Hoặc là anh, hoặc là tôi, hoặc là tất cả chúng ta. Trong bất cứ điều kiện nào cũng phải có người đi trước, phải đốt lên ngọn lửa nhiệt tình trong trái tim của mỗi người. Phải chăng đó chính là cốt lõi tư tưởng để Lưu Quang Vũ xây dựng hình tượng con người tiên phong - những người mang lại ánh sáng cho nhân loại, chấp nhận khó khăn, nguy hiểm. Nhân vật chính trong vở kịch là Định - người dũng cảm đứng lên để đốt lên ngọn lửa. Bản thân anh sẽ chìm nghỉm như bao thủy thủ khác, sống cuộc đời cam chịu, chấp nhận hoàn cảnh nếu không một lần dám đứng lên “đốt lửa”. Anh đã nghĩ “nếu xí nghiệp ở tay mình thì mọi việc sẽ khác, mình sẽ sắp xếp nó như trên một con tàu…”. Và vì vậy không cần phải Dũng đề cử, Định đã tự ứng cử mình vào chức giám đốc. Trong anh đã có sẵn tố chất của một người tiên phong, nhìn ra được những trì trệ, bảo thủ của hoạt động sản xuất. Khi được nắm quyền giám đốc trong tay, với 102 việc cụ thể, Định đã làm việc với từng bộ phận và cá nhân cụ thể. Định đã xây dựng và cải tiến những thứ mà trước đây chưa ai làm, những thứ đã tồn tại từ bao đời giám đốc, những thứ được cấp trên ủng hộ mặc dù trong hoàn cảnh hiện tại nó không còn hợp với quy luật như: tổ chức phân công lại công việc, giải quyết lương khoán theo sản phẩm, đưa ra cách giải quyết khó khăn về vật liệu, sáng kiến thửa lại khổ máy cho hợp người… Tất cả phương án đó nhằm kích thích mỗi người công nhân tự nhận thức được năng lực, quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà hăng hái tham gia sản xuất, làm lợi cho bản thân cũng như xí nghiệp. Nhờ những cải cách đó mà xí nghiệp đã thay hình đổi dạng, đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, những cải cách mới do Định đề ra tuy tiên tiến về mục đích và ý tưởng nhưng lại bị lí tưởng hóa và chưa triệt để nên vấp phải hiện thực phức tạp thì lung lay, chao đảo. Định là người có công thắp ngọn lửa nhưng anh chưa thể thổi cho nó cháy bùng lên. 3. KẾT LUẬN Dùng phương thức kịch, Lưu Quang Vũ thấy ngòi bút của mình đầy ưu thế khi viết những kịch bản dàn trận tranh đấu giữa cái mới và cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ với cái tích cực, tiến bộ. Kịch bản của Lưu Quang Vũ, vì thế, mang hơi thở của đời sống hiện đại với những vấn đề thời sự được phát hiện từ con mắt và tấm lòng của ông. Khi xây dựng những con người đi tiên phong, Lưu Quang Vũ không hề có ý định minh họa cho một kiểu lí tưởng nào, cũng không nhằm vào mục đích giáo huấn. Bởi họ đều là những con người bình thường, rất gần gũi, thậm chí họ cũng mắc phải những sai lầm… nhưng ở họ luôn có một nhiệt huyết đấu tranh vì cuộc sống tốt đẹp. Những nhân vật như Hoàng Việt, Định ý thức một cách sâu sắc về vai trò của mình, trách nhiệm của mình trong xã hội. Họ không khoanh tay đứng nhìn để mặc con tạo xoay vần, buông xuôi mọi sự. Ở đây ý thức công dân và trách nhiệm với cuộc sống là động cơ chi phối hành động của họ. Những nhân vật ấy mang lí tưởng, quan điểm tư tưởng, đạo đức tốt đẹp của tác giả và thời đại. Họ trở thành tấm gương về phẩm chất cao đẹp của con người một thời. Có thể nói, với kiểu nhân vật tiên phong, Lưu Quang Vũ đã góp tiếng nói mạnh mẽ nhằm cổ vũ cho bầu không khí dân chủ và tiến bộ trong xã hội; cho công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo. Và nói như PGS.TS. Lý Hoài Thu: “Chính Lưu Quang Vũ với vai trò tiên phong của người cầm bút đã mở đường cho nhân vật và đi tới đích cuối cùng theo đúng tinh thần của kịch” [2, tr.281]. Kiểu nhân vật tiên phong thực sự xứng đáng là hình ảnh phản chiếu của Lưu Quang Vũ - chim báo bão của nền kịch nói Việt Nam những năm 80. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cao Minh, Kịch Lưu Quang Vũ và những vấn đề của đời sống, Báo Người Hà Nội, số ra ngày 11-11-1989. 2. Lý Hoài Thu, Lưu Khánh Thơ (Tuyển chọn), Lưu Quang Vũ, tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H., 2007. 3. Lưu Khánh Thơ, Lưu Quang Vũ - Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Sân khấu, H., 2003. 4. Vũ Hà, Tôi và chúng ta và Lưu Quang Vũ, Báo Hà Nội mới ngày 10 tháng 10 năm 2000. THE TYPE OF PIONEER CHARACTERS IN SEVERAL SCENARIOS WRITTEN ABOUT VU LUU QUANG’S RENOVATION Do Thi Hanh Abstract Luu Vu Quang was considered as a typhoon falcon of Vietnamese drama in the 1980s. Vu Luu Quang built the conflict between the new things - the advancement and the old things - the backwardness in the plays written about the renovation. It is the type of pioneer characters that is matched with this conflict. They were the people who had progressive ideas and enthusiastic competence were ready to fight against evil, inhuman and stagnation to gain satisfaction as well as fair in society. They were deeply aware of their roles and responsibilities with people. They dared thinking, doing and dedicating in order to reach the destination although their path wasn’t smooth, even they had to suffer from much pressure and disadvantages. . KIỂU NHÂN VẬT TIÊN PHONG TRONG MỘT SỐ KỊCH BẢN VIẾT VỀ VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI CỦA LƯU QUANG VŨ Đỗ Thị Hạnh 1 Tóm tắt: Lưu Quang Vũ được coi là chim báo bão của nền kịch nói Việt Nam. Bằng cách ấy, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã đáp ứng được yêu cầu phản ánh và lí giải những vấn đề nóng bỏng, quan thiết của xã hội. Rất nhiều vở kịch viết về vấn đề đổi mới của ông đã gây xôn. Thu: “Chính Lưu Quang Vũ với vai trò tiên phong của người cầm bút đã mở đường cho nhân vật và đi tới đích cuối cùng theo đúng tinh thần của kịch [2, tr.281]. Kiểu nhân vật tiên phong thực sự

Ngày đăng: 03/09/2015, 20:22

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan